Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

PHẠM ĐẠO PHÚ VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ HỘI TAO ĐÀN

SUNday - 17/05/2015 23:18
Vào thời Hồng Đức, ở làng Hoàng Xá tổng Thanh Khê huyện Đại An (nay là thôn Phạm Xá, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) có hai anh em họ Phạm cùng đỗ tiến sĩ liền trong hai khoa. Đó là Phạm Đạo Bảo (còn gọi là Phạm Bảo) đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Đinh Mùi Hồng Đức thứ 18 (1478) và Phạm Đạo Phú đỗ tiến sĩ đệ tam giáp khoa Canh Tuất Hồng Đức thứ 21 (1490). Phạm Đạo Bảo là con ông chú, sau khi đỗ tiến sĩ làm quan võ, được vua Lê Thánh Tông cử làm Trấn thủ vùng Thanh Nghệ, Phạm Đạo Phú là con ông bác, đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phạm Đạo Phú được giữ chức “Hàn lâm Hiệu thư” được tham dự hội thi Tao Đàn với vua Lê Thánh Tông, sau ông làm quan võ được thăng đến chức “Hình bộ Tả thị lang”.
Hiện nay hầu hết các sách(1) đều ghi về Phạm Đạo Phú hết sức sơ sài. Phải chăng trong Hội Tao Đàn, Phạm Đạo Phú không phải là một trong những ngôi sao sáng nhất như Lê Thánh Tông, Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung... Song với quê hương ông thì Phạm Đạo Phú có công rất lớn. Ở bài viết này chúng tôi xin đề cập đến hai vấn đề lớn trong cuộc đời ông:
1. Phạm Đạo Phú với quê hương.
2. Phạm Đạo Phú với hội thơ Tao Đàn.
I) Phạm Đạo Phú với quê hương:
Phạm Đạo Phú sinh năm Nhâm Ngọ (1462) tại làng Hoàng Xá tổng Thanh Khê huyện Đại An trấn Sơn Nam hạ (nay là thôn Phạm Xá xã Yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Hà Nam Ninh). Ông mất ngày mùng 2 tháng 8 năm Kỷ Hợi (1539) tại thôn Đoài xã Hưng Phú huyện Đại An (nay là thôn Đoài xã Hưng Thịnh huyện Nghĩa Hưng tỉnh Hà Nam Ninh). Ông không có con trai, chỉ có một cô con gái tương truyền cũng rất giỏi thơ văn.
Quê hương ông nằm ngay trên cửa biển Đại An xưa, nay còn lại cửa sông Độc Bộ. Theo gia phả họ Phạm ở thôn Phạm Xá và theo trí nhớ của các cụ trong họ truyền lại thì họ Phạm là nhữg cư dân đầu tiên đến khai phá đất hoang vùng ven cửa biển Đại An. Tổ tiên họ Phạm đã đặt tên vùng đất mới này là Hoàng Xá. Từ khi hai anh em họ Phạm cùng thi đỗ tiến sĩ thì họ Phạm đã quyết định đổi tên làng thành Phạm Xá. Các sách Hán Nôm trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ghi quê của hai anh em Phạm Đạo Phú, Phạm Đạo Bảo rất khác nhau. Về quê của Phạm Đạo Phú, hầu hết các sách(2) đều ghi ông là người huyện Đại An chứ không ghi xã. Riêng sách Đại Nam lịch triều liệt truyện đăng khoa bị khảo ký hiệu VHv.2713/4, ghi: “Phạm Đạo Phú người Nguyên Xá, năm 28 tuổi đỗ đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất, đời Hồng Đức Lê Thánh Tông thứ 21”(3).
Sách này còn ghi: “Phạm Bảo người Phí Xá, đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Đinh Mùi Hồng Đức Lê Thánh Tông, làm đến phó đô ngự sử”(4). Chữ “phi” và chữ “hoàng” khi viết thảo, tự dạng giống nhau, có thể viết nhầm từ “Hoàng Xá” sang “Phí Xá” chăng? Qua kết quả thực địa ở hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng tỉnh Hà Nam Ninh là nơi có phần đất của huyện Đại An trước kia, chúng tôi đã xác định được quê hương của hai vị tiến sĩ họ Phạm này là ở thôn Phạm Xá xã Yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Hà Nam Ninh. Nhà thờ họ Phạm và đặc biệt là ngôi đình thờ hai ông ở thôn Phạm Xá còn rất nhiều hoành phi câu ddối và một số bia hậu. Dân làng gọi đây là đình ông Nghè. Đình quay mặt ra cửa sông Độc Bộ, dấu vết của cửa biển Đại An xưa. Cửa biển Đại An đã được các bậc danh nhân bao đời nhắc đến trong thơ văn như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... Đó là vùng đất phù sa màu mỡ do quá trình bồi đắp của phù sa và khai hoang lấn biển tạo thành. Câu đối trong đình vừa ghi nhận sự kiện thi đỗ của hai vị tiến sĩ vừa xác nhận đây là cửa biển Đại An xưa: Chẳng hạn câu đối ở cột đá hiên ngoài cửa đình, do “đệ nhị giáp tiến sĩ ưng nguyên nội các ân khoa Kỷ Mão”, người huyện La Ngạn đề tặng:
Hồng Đức đương thiên huynh đệ bảng,
Nha thành thử địa cổ kim danh.
Tạm dịch:
Anh em đề bảng thời Hồng Đức
Muôn thuở lừng danh cửa biển Nha(5).
Hiện trong đình vẫn còn giữ được một số sắc phong để thờ cúng hai ông của các triều vua Nguyễn và một bản sao sắc đời Lê Thế Tông (1573-1600). Lúc Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, Phạm Đạo Phú cùng với một số quan cận thần của nhà Lê treo ấn từ quan, bỏ về sống ẩn dật ở quê nhà. Lúc này mảnh đất ven cửa biển Đại An đang được phù sa bồi đắp tiến dần ra biển. Phạm đạo Phú không về sống ở quê mà về sống trên mảnh đất mới đó gần cạnh thôn Phạm Xá của ông Phạm Đạo Phú đã chiêu tập dân ly tán từ các nơi đến để khai khẩn bồi đắp bãi bồi lập nên làng mới. Làng Hưng Phú - tên làng mới, theo các cụ trong họ truyền lại là do Phạm Đạo Phú lấy tên mình để đặt cho làng, mong sự hưng thịnh và trù phú. Sau khi ông mất đi, dân làng kiêng tên ông đã đổi thành Hưng Thịnh (nay là xã Hưng Thịnh huyện Nghĩa Hưng tỉnh Hà Nam Ninh). Mạc Đăng Dung biết ông là người có tài nên đã nhiều lần mời ông ra làm quan song ông một mực từ chối. Ông vừa cùng dân tổ chức khai khẩn ruộng hoang, vừa mở lớp dạy học. Thực chất là ông ngầm tổ chức lực lượng để chống lại nhà Mạc. Song việc không thành - Sợ bị bại lộ nhà Mạc sẽ trả thù, ông đã đổi họ cho con cháu ở quê hương từ họ Phạm sang họ Ngô, nhưng vẫn ở trên nhà thờ hương hoả của họ Phạm. Điều đó cắt nghĩa vì sao hiện nay nhà thờ và đình thờ của họ Phạm lại do con cháu họ Ngô trông gĩ. Năm 1982, con cháu ở quê hương ông làm đơn xin đổi họ từ họ Ngô sang họ Phạm và đã được chính quyền sở tại xác nhận. Để ghi nhớ công lao của Phạm Đạo Phú với quê hương, trong các văn tự chia ruộng đất của họ Ngô, họ Phạm ở thôn Phạm Xá, thôn Dương Phạm xã Yên Nhân huyện Ý Yên. Hà Nam Ninh, hoặc trong một vài cuốn sách bằng chữ Hán, chữ Nôm của dòng họ có ghi:
... “Nhờ danh hai vị đại khoa
Hai thôn người lại đông ra
Ruộng hoang nay đã biến thành bình nguyên...”
Câu đối trong đình cũng nói lên lòng tự hào ngưỡng mộ của dân hai xã Phạm Xá, Hưng Thịnh đối với ông:
“Tích Lê triều Hồng Đức Thái bình thiên, Đinh Mùi Canh Tuất liên khoa Phật kinh liên kế.
Kim Nam quận Đại An văn vật địa, Phạm Xá, Hưng Thịnh thần miếu tương vọng”.
Tạm dịch:
Xưa đời Hồng Đức triều Lê, quốc gia thanh bình, Đinh Mùi Canh Tuất hai khoa cùng tên đề bảng.
Nay quận Đại An nước Nam đất vốn nổi danh, Phạm Xá, Hưng Thịnh cùng thờ cung kính”.
Phạm Phú mất và chôn cất tại thôn Đoài xã Hưng Thịnh. Hiện mộ ông vẫn còn ở đó.
II/ Phạm Đạo Phú với hội thơ Tao Đàn và các tác phẩm của ông:
Trước khi trở thành hội viên Tao đàn, Phạm Đạo Phú đã được cùng vua xướng hoạ trong chuyến về thăm Lam Kinh mùa xuân 1491. Tập thơ phụng hoạ này được đặt tên là Văn minh cổ xúy gồm 6 bài ngự của Lê Thánh Tông và các bài họa của các quần thần. Trong các bài ngự chế của Vua hiện nay chỉ còn 5 bài, thiếu bài “Bái yết sơn lăng”. Các cận thần cùng đi người có 1 bài, người có 4, 5 bài, ít người có đủ cả 6 bài phụng họa. Riêng Phạm Đạo Phú còn đủ cả 6 bài được chép trong các sách Văn minh cổ xúy ký hiệu A.254; “Lê triều thi tập” VHv. 826; “Minh lương cẩm tú”. A.1413. Ở các cuốn Lê triều thi tập hay Minh lương cẩm tú Phạm Đạo Phú chỉ có 1 bài, duy chỉ có cuốn Văn minh cổ xúy A.254 là chép đủ cả 6 bài của ông. Đó là các bài:
- Bái yết sơn lăng
- Thiên vực giang hiểu phát
- Truy hoài thánh tổ huân nghiệp
- Quang Đức điện thượng
- Hạnh kiến thụy đường ngẫu thành
- Đại giá thượng kinh
Khi được dự hội thơ Tao Đàn với vua Lê Thánh Tông, sáng tác xung quanh “9 khúc ca trong vườn quỳnh” (Quỳnh uyển cửu ca) Phạm Đạo Phú cũng có đủ 9 bài, được chép trong các sách Minh lương cẩm túVHv.94, Minh lương cẩm tú VHv.1413, Cúc đường thi tập A.1168. Riêng sách Lê triều thi tập VHv.826 là thiếu bài Thư thảo hý thành.So với các tác giả khác trong Tao Đàn, thì thơ của Phạm Đạo Phú được chép ít có dị bản nhất. Các sách mà chúng tôi vừa nêu đều chép về thơ ông rất thống nhất. Chỉ có tên ông thỉnh thoảng lại có sách ghi là “Nguyễn Đạo Phú”.
Ví dụ: Sách Lê triều thi tập VHv.826, tr.41 ghi là Nguyễn Đạo Phú. Hoặc sách Cúc đường thi tập A.1168, tr. 24a cũng ghi là Nguyễn Đạo Phú.
Đây là điều thường thấy khi ta nghiên cứu các văn bản Hán Nôm. Bởi lẽ có sách viết chân, có sách viết thảo. Mà khi viết thảo, tự dạng của một số chữ rất giống nhau, dễ nhầm. Cũng như quê của Phạm Đạo Phú, sách Đại Nam lịch triều liệt truyện đăng khoa bi khảo VHv. 2713 tr. 97 ghi ông người xã Nguyễn Xá. Dễ dàng nhận thấy khi viết thảo, hai chữ “Nguyễn” và “Phạm” rất giống nhau, nên dễ nhầm.
Với hai tập Văn minh cổ xúy và Quỳnh uyển cửu ca Phạm Đạo Phú còn lại 15 bài tho. Thời gian sau ông có sáng tác nữa hay không, không thấy sách nào nói đến. Khi chúng tôi về đến quê hương ông, được các cụ trong họ cho xem một cuốn văn chiêu hồn bằng chữ Nôm đề là của tướng công Phạm Đạo Phú, do Khiếu Năng Tĩnh viết lời bạt. Vì chưa có điều kiện để khảo cứu kỹ văn bản, chúng tôi chưa dám quả quyết đây có phải đích thực là thơ văn của Phạm Đạo Phú hay không. Xin được trình bày vấn đề này vào một dịp khác.
Thơ của Phạm Đạo Phú được Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phê là “có ý hay” chứ chưa bao giờ được vua khen là sắc sảo. Giọng thơ của ông thường khiêm nhường giản dị, ít dùng điển cổ, lời lẽ dung dị.
Sự nghiệp thơ văn của phạm Đạo Phú còn lại với chứng ta ngày nay không nhiều và cũng chưa phải có gì đặc sắc, bởi lẽ tất cả đều là thơ thù tạc.
Song chỉ với số thơ còn lại đó, nhất là việc ông được dự “Tao Đàn nhị thập bát tú”, chúng ta cũng đã ghi nhận ông là tác giả văn học không thể bỏ qua của lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16.
Thùy Vinh
----------------------------

Chú thích:
(*) Bài viết này được hoàn thành cùng với sự cung cấp tư liệu của các cụ trong dòng họ Phạm, họ Ngô ở thôn Phạm Xá xã yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Hà Nam Ninh. Xin chân thành cám ơn các cụ.
(1) Như Đại Việt sử ký toàn thư, Đăng khoa lục, Lịch đại khoa lục, Hoàng Việt thi tuyển hoặc Hồng Đức quốc âm thi tập.
(2) Như Đăng khoa lục, Đăng khoa lục sao bản, Đại Việt lịch đại tiến sĩ, Thiên Nam dư hạ tập, Toàn Việt thi lục...
(3) Nguyên văn là “Phạm Đạo Phú Nguyễn Xá nhân, niên nhị thập bát đăng Lê Thánh Tông Hồng Đức nhị thập nhất niên Canh Tuất khoa đồng tiến sĩ...”
(4) Nguyên văn là: “Phạm Bảo Phí Xá nhân, đăng Thánh Tông Hồng Đức Đinh Mùi khoa nhị giáp tiến sĩ chí phó đô ngự sử...”
(5) Nha Thành: các cụ cao tuổi trong họ Phạm ở thôn Phạm Xá xã Yên Nhân đều cho rằng “Nha Thành” chỉ cửa biển Đại An (thời Lý gọi là Đại Ác, năm Minh Đạo thứ 8 đổi làm huyện Đại An, thời thuộc Minh gọi là Đại Loan).

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh