Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 1: LOẠN 12 SỨ QUÂN

TUEsday - 23/04/2019 20:05
Bài viết của Phạm Trung Đà
Sơ đồ vị trí quân sự chiếm đóng 12 sứ quân.

Sơ đồ vị trí quân sự chiếm đóng 12 sứ quân.

Tác giả đã dành 2 chương với hơn 100 trang sách để tập trung vào chủ đề này. Xoay quanh vấn đề loạn 12 sứ quân, có các vấn đề lớn:

1. Không có loạn 12 sứ quân
2. Có nhiều hơn 12 sứ quân
3. Cục diện các sứ quân

1. KHÔNG CÓ LOẠN 12 SỨ QUÂN.

Tác giả khẳng định rằng, cách gọi “loạn 12 sứ quân” là cách nói của phe chiến thắng (nhà Đinh) về diễn biến đương thời; thực chất chỉ có loạn Ngô Xử Bình và cuộc chiến với các lực lượng thân nhà Ngô; cuộc đánh dẹp cả 2 lực lượng trên của Đinh Bộ Lĩnh.

Để chứng minh, tác giả dẫn ra 13 sử liệu của cả Trung Quốc và Việt Nam, từ thời Tống đến thời Thanh và thời Nguyễn:

(1) Tống hội yếu
(2) Tân Ngũ đại sử
(3) Tục tư trị thông giám trường biên
(4) Thập quôc kỷ niên
(5) Cửu triều biên biên kỷ yếu
(6) Tống sử
(7) Ngọc hải
(8) Văn hiến thông khảo
(9) An Nam chí lược
(10) Tống sử kỉ sự bản mạt
(11) Thập quốc xuân thu
(12) Đại Việt sử ký tiền biên
(13) Việt sử cương mục tiết yếu

Trong các sử liệu trên, xa xưa nhất và thuộc hàng đáng tin cậy nhất là các sách sử soạn thời Tống, Nguyên từ (1) đến (8), vì các tài liệu này đều gần sự kiện nhất. Vậy các sử liệu trên đã viết gì?

Nội dung chung của các sử liệu này được tác giả dẫn từ trang 111-119 là:

“Ngô Xương Văn chết, tham mưu [của ông] là Ngô Xử Bình/Lã Xử Bình cùng thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu/Kiều Tri Hộ, thứ sử Vũ Ninh Dương Huy và nha tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng nhau tranh lập. Giao Chỉ đại loạn. Thứ sử Hoan châu là Đinh Bộ Lĩnh cùng con là Liễn đánh bại được đám Xử Bình, làm chủ Giao châu, được suy tôn làm chủ”

Từ các sử liệu trên, tác giả suy luận diễn biến loạn 12 sứ quân như sau:

a. Ngô Xương Văn tử trận ở thôn Đường – Nguyễn, Ngô Xử Bình – một tướng ngoài hoàng tộc – lãnh quân đội, ngưng cuộc chiến với Đường Nguyễn, quay về kinh đô Cổ Loa đảo chính cướp quyền (trang 120)

b. Cuộc đảo chính của Xử Bình là nguyên nhân gây biến loạn trong nước (tr 122)

c. Do sự phản bội của Xử Bình, 500 con cháu nhà Ngô bỏ chạy sang Đỗ Động Giang theo tướng Đỗ Cảnh Thạc; trong số này có 2 con nhỏ của Ngô Quyền là Ngô Nam Hưng và Ngô Càn Hưng (tr 122)

d. Các lực lượng thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu/Kiều Tri Hộ, thứ sử Vũ Ninh Dương Huy và nha tướng Đỗ Cảnh Thạc đã về đánh Cổ Loa chống Xử Bình nhưng không thắng (tr 129)

e. Trong tình hình Cổ Loa đổi chủ, các thứ sử nhà Ngô nổi lên tự giữ (tr 122)

f. Không có loạn 12 sứ quân, chỉ có loạn Ngô Xử Bình. Tác giả tự đánh giá đây là phát hiện lớn nhất trong tập sách

g. Đinh Bộ Lĩnh ra tay đánh thắng cả 2 phe thân Ngô và chống Ngô, nhất là dẹp Ngô Xử Bình, để giành cả nước, làm vua (tr 131)

Các nguồn sử liệu được dùng ở đây không cần nghi ngờ về độ tin cậy nữa. Tuy nhiên ở đây, có một vấn đề liên quan tới việc suy luận thông tin các nguồn sử liệu của tác giả.

Lưu ý các sử liệu đều thống nhất ghi rằng: 4 người Ngô/Lã Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Dương Huy và Đỗ Cảnh Thạc “tranh lập”.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn có chép lại sự kiện này (năm biên niên 967), và các dịch giả đã dịch là họ “tranh nhau làm vua”. Tương tự, sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ cũng dẫn lại một vài trong số các sách trên và các dịch giả cũng ghi là “tranh nhau lên ngôi” (năm biên niên 966).

Như vậy, cách giải nghĩa sử liệu trên giữa tác giả Trần Trọng Dương có gì đó chưa ổn. Tôi xem 2 chữ “tranh lập” được ghi thống nhất trong các sử liệu Trung Quốc (mà tác giả dẫn ra) cũng thấy rằng, phải hiểu như các dịch giả Cương mục và Tiền biên: 4 người nói trên cùng tranh ngôi, không phải một mình Xử Bình làm việc cướp ngôi rồi 3 người kia xúm lại đánh. Nói cách khác, không thể căn cứ vào các sử liệu trên để đổ tội cho một mình Ngô/Lã Xử Bình là “tà” (phản nhà Ngô) còn 3 người còn lại là “chính” (trung nhà Ngô) được.

Từ ghi chép trên, tôi có hình dung khác đi về cục diện Cổ Loa sau cái chết của Xương Văn. Đúng là sau khi Nam Tấn vương tử trận, các tướng Ngô mỗi người một bụng, không ai tiếp tục cuộc chiến chống “bọn phản loạn” Đường Nguyễn mà có tính toán của riêng mình. Khi về đến Cổ Loa thì mỗi người thể hiện quan điểm và quyền uy của mình. Họ có thể đã tự mình xưng hiệu, giành quyền hoặc dựng con em nhà Ngô như Nam Hưng, Càn Hưng hoặc con trưởng của Ngô Xương Văn làm bình phong để tranh quyền, kiểu Đổng Trác và Tào Tháo.

Trong cuộc chiến biến loạn ở phạm vi cung đình đó, các “chính phủ” được dựng có vẻ như đều “sớm nở tối tàn”, nhanh chóng thanh trừng lật đổ lẫn nhau, như bối cảnh nước Hậu Triệu thời Thập lục quốc sau khi Thạch Hổ chết (350) hay các anh em con của Lê Đại Hành sau khi ông mất (1005), cho nên không chính quyền nào đủ lâu dài để được ghi lại. Tôi không loại trừ khả năng 2 hoàng tử nhỏ Nam Hưng và Càn Hưng bị hại trong cuộc biến loạn này.

Sau cuộc biến loạn, có thể Kiều Tri Hựu (tức Kiều Công Hãn?) và Đỗ Cảnh Thạc thất bại nhưng sống sót và phải bỏ Cổ Loa chạy về đất bản địa. Dương Huy không còn tên trong hàng sứ quân (lưu ý: danh sách sứ quân xuất hiện sau biến loạn Cổ Loa), có thể đã bị giết trong biến loạn. Đỗ Cảnh Thạc có vẻ là người đã phù lập một hoàng tử hay tông thất nhà Ngô (thậm chí mấy lần dựng vua Ngô mới – như Tuân Tức nước Tấn, nhưng ông may mắn sống sót chứ không bị giết như các vị vua kia), nên được các con cháu nhà Ngô chạy theo ông về Đỗ Động Giang. Còn Ngô Xử Bình, tôi xem nhân vật này như Nhiễm Mẫn của nhà Hậu Triệu thời Ngũ Hồ loạn Hoa: là con nuôi của Nam Tấn vương (hoặc Thiên Sách vương), được ban họ vua, nhưng rồi thời cơ đến thì dã tâm lớn lên, đã làm việc như Nhiễm Mẫn: tự lập, diệt dòng chính thống.

Xử Bình có vẻ là kẻ giành thắng lợi sau cùng trong cuộc biến loạn Cổ Loa. Đỗ Cảnh Thạc và Kiều Tri Hựu vẫn sống sót chạy về bản địa. Đó là lý do sử ghi cha con Đinh Bộ Lĩnh “dẹp tan đám ấy” – cách ghi gọn, tính cả việc diệt Xử Bình lẫn các sứ quân sau này.

Có một kịch bản khác cho sự kiện này. Ngô Xử Bình cùng 3 người kia tranh quyền, điểm khác biệt là ông cũng dựng một người tông thất làm vua Ngô và kết quả giành thắng lợi sau cùng, đuổi Cảnh Thạc và Tri Hựu, giết Dương Huy. Tuy nhiên không lâu sau đó Đinh Bộ Lĩnh đánh vào Cổ Loa, giết cả Xử Bình lẫn vua Ngô mới. Con em nhà Ngô mới kéo nhau bỏ chạy sang Đỗ Động Giang theo Đỗ Cảnh Thạc. Con em nhà Ngô thù họ Đinh và điều này logic với sự kiện sau đó, Đinh Bộ Lĩnh vừa nhận toàn quân do Trần Lãm mới mất giao lại thì con em nhà Ngô từ Đỗ Động Giang kéo nhau đến đánh họ Đinh (Đại Việt sử ký tiền biên, năm biên niên 965).

Tất nhiên, mọi người có thể còn có thể hình dung khác hơn nữa về biến loạn Cổ Loa, nhưng tựu chung, từ những ghi chép của sử liệu, những điều có thể rút ra là:

a. Biến loạn Cổ Loa sau cái chết của Ngô Xương Văn là do 4 người: Ngô Xử Bình, Kiều Tri Hựu, Dương Huy và Đỗ Cảnh Thạc cùng gây ra, không phải một mình Xử Bình có lỗi (với nhà Ngô). Vì thế không thể gọi sự kiện này đơn lẻ là “loạn Ngô Xử Bình” như tác giả nêu.

b. Biến loạn này làm bùng phát phong trào “nổi lên tự giữ” của các thủ lĩnh địa phương – các sứ quân. Vì “tự giữ” và độc lập, có thể đánh nhau hay không đánh nhau, nhưng không thần phục nhà Ngô nữa nên phải khẳng định vẫn có “loạn 12 sứ quân”.

c. Suy luận về “500 con em nhà Ngô theo về Đỗ Động Giang của Đỗ Cảnh Thạc” của tác giả tương đối hợp lý. Khả năng trong số này có Nam Hưng và Càn Hưng không, là 50/50. Lý do họ sang với Cảnh Thạc có thể vì thù Ngô Xử Bình, cũng có thể vì thù Đinh Bộ Lĩnh (50/50).

d. Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân và thống nhất đất nước.

Để kết thúc vấn đề thứ nhất: “có loạn 12 sứ quân không”, xin đi vào chi tiết cuối cùng. Trang 196, tác giả dẫn ý kiến của Nguyễn Danh Phiệt cho rằng, “qua các thần tích và truyền thuyết, chưa hề có chi tiết nào nói đến chuyện đánh lẫn nhau trong số 12 sứ quân”. Vì thế tác giả cho rằng, kết hợp với sự kiện Cổ Loa do một mình Xử Bình gây ra, không có loạn 12 sứ quân và không nên dùng khái niệm này.

Quan điểm trên chưa ổn. Đọc lại các sử liệu mà chính tác giả đã dẫn, thấy rằng các sử liệu (1), (2), (3), (6), (7), (8) (của Trung Quốc) đều ghi điều NGƯỢC lại với nhận định trên của Nguyễn Danh Phiệt (mà tác giả đồng tình): các sử liệu này cùng ghi Giao Chỉ/Giao châu (Việt Nam) “ĐẠI LOẠN”.

Trang 196, tác giả cho rằng cách chép “đại loạn” là ảnh hưởng từ “ngòi bút phe thắng” (tác giả lý giải rõ hơn ở những chương sau: Do sử quan Trung Quốc cùng chịu ảnh hưởng từ lời của Đinh Liễn đi sứ nhà Tống tâu thuật lại).

Về logic thước đo độ tin cậy, chắc chắn rằng “sách sử” có độ tin cậy cao hơn so với thần tích và truyền thuyết. Hơn nữa tính theo thời gian, phần lớn các sử liệu trên đều có trước các thần phả chừng 400 năm trở lên, càng cho thấy độ tin cậy cao hơn. Có thể nói rằng, chính Trần Trọng Dương là tác giả ĐẦU TIÊN dẫn ra loạt gần 10 sử liệu Trung Quốc (đã kê ở trên) liên quan đến sự kiện cha con Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp thống nhất quốc gia để bổ khuyết cho sử Việt Nam. Nguyễn Danh Phiệt khi soạn “Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước” (1990) dường như chưa tiếp cận với loạt tài liệu ấy khi chỉ nêu ý kiến quanh các thần phả và truyền thuyết. Đáng tiếc và khó hiểu là: vì sao tác giả không dùng đến cùng, khai thác cho hết nguồn tài liệu tin cậy này? Tại sao thông tin về Ngô Xử Bình của cùng khối sử liệu đó, tác giả cho là đáng tin cậy mà thông tin “đại loạn” lại không đáng tin bằng thần phả? Không có lý giải nào.

Nếu cho rằng loạt sử Trung Quốc đều do ảnh hưởng từ “lời Đinh Liễn đi sứ tâu mà ra”, thì sao không đặt ra một khả năng kịch bản khác nữa cho cuộc biến loạn Cổ Loa, là Xử Bình bị vu oan? Ông có thể đã tôn lập tự quân con đích của Xương Văn, nhưng rồi bị cha con họ Đinh đánh diệt và giấu nhẹm với nhà Tống thì sao? Nếu phủ định nốt tuốt tuột những gì chính sử đã chép, thì không còn biết đâu mà lần nữa, cánh cửa mở về thế kỷ 10 coi như bị đóng sâp, chôn vùi.

Chúng ta không thể coi tất cả các nguồn sử liệu Trung Quốc đó đều theo nhau “chép bậy” được. Đó không phải là 1 cuộc chiến thất bại của “thiên triều” hay sự kiện làm xấu “thiên triều” mà các sử gia phương Bắc phải cùng nhau “việt lệch” làm gì. Đó là nguồn tài liệu bổ sung tốt nhất, đáng tin cậy nhất cho những gì sử sách của Việt Nam còn thiếu.

Kê lại các sách sử cổ Việt Nam, thì Việt sử lược chỉ kê tên 12 sứ quân (sách này rất vắn tắt), Đại Việt sử ký toàn thư ghi “nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng” (năm biên niên 967), Việt sử Tiêu án ghi các sứ quân “xâu xé lẫn nhau” (phần chép phụ các sứ quân sau Ngô Xương Văn); Đại Việt sử ký tiền biên ghi “trong nước khắp nơi nổi loạn, ai nấy đều chiếm cứ huyện ấp, mưu thôn tính lẫn nhau” (năm biên niên 966), Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi “thổ hào các huyện ấp tụ tập quân đánh lẫn nhau” (năm biên niên 966).

Như vậy đa số sách sử Việt Nam đều chép giống sử Trung Quốc: có xung đột giữa các sứ quân.

Nguyễn Danh Phiệt, trong khi nghiêng về khả năng không có những cuộc đụng độ giữa các sứ quân (trừ giao tranh giữa họ với cha con vua Đinh), ông vẫn không hề phủ định khái niệm “12 sứ quân”. Ông cho rằng 12 người trong danh sách là những người thế lực mạnh, trội hơn các lực lượng nhỏ yếu khác (Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, tr 22). Cách giải thích này hợp lý.

Tất nhiên, đúng như cách giải thích của Nguyễn Danh Phiệt, đương thời 12 người thủ lĩnh này không tự xưng danh hiệu có chữ “sứ quân” mà “sứ quân” là cách gọi họ của sử sách đời sau (họ tự xưng các danh xưng khác). Cách gọi này không có gì bất hợp lý và không có gì lạ. Cũng như cách nói “chư hầu nhà Chu hỗn chiến” thì không phải tất cả các nước mà nhà Chu phong đó đều mang tước “hầu”, mà có nước tước “công”, có nước tước “hầu”, có nước tước “bá”… nhưng gọi chung là “chư hầu”. Thiết tưởng những cách gọi “khái quát hóa” như vậy không nên bắt bẻ.

Tôi tìm trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 4, phần “Truyền thuyết dân gian của người Việt”, đã tìm ra ít nhất 2 truyền thuyết, thần phả chứng minh điều ngược lại với mệnh đề Nguyễn Danh Phiệt đã nêu (mà tác giả dựa vào). Theo đó, “sự tích Quan Ải đại vương thời Đinh Tiên Hoàng” có ghi: “12 sứ quân nổi lên chiếm cõi giữ đất, đánh lẫn nhau”; truyền thuyết Ba vị tướng làng Chi Ngãi có ghi: “Mười hai sứ quân chia cắt đất nước, chiến tranh liên miên, xóm làng bị tàn phá” (tất cả có hình chụp bên dưới).

Như vậy thì, cân đo cả nguồn sử liệu và thần phả sẽ thấy:

- Sử liệu (đáng tin hơn) của cả Trung Quốc và Việt Nam đều nói có xung đột giữa các sứ quân

- Thần phả có ít nhất 2 tài liệu nói có chiến tranh giữa các sứ quân chứ không phải không có

Vì thế, phải nghiêng về khái niệm có LOẠN 12 SỨ QUÂN chứ không thể phủ nhận nó. Khi tất cả các loại tài liệu từ “hàn lâm” tới “dân gian” đều có nói về sự kiện này, không những không thể phủ nhận nó, mà càng không thể quy tất cả là do “cái miệng Đinh Liễn nói ra”. Một cái miệng ông hoàng tử này chắc không thể dội thấu tất cả những cái tai của mọi người từ vua đến dân, từ phương Nam sang phương Bắc để “đổi trắng thay đen” như vậy.

2. SỐ LƯỢNG SỨ QUÂN

Tác giả cho rằng, đương thời không chỉ có 12 phe/12 lực lượng quân sự mà có nhiều hơn. Ngoài 12 sứ quân như sử cũ ghi, tác giả kê thêm 9 lực lượng nữa thành 21 thế lực đương thời:

(13) Phạm Lệnh công (người che chở Ngô Xương Ngập)
(14) Dương Huy
(15) Ngô Xử Bình
(16) Thôn Đường
(17) Thôn Nguyễn
(18) Chu Thái
(19) Dòng họ Dương Tam Kha
(20) Lê Lương
(21) Đinh Bộ Lĩnh

Tất nhiên, tôi đồng tình với tác giả ở điểm rằng, cách đếm số lượng là mang tính tương đối và nhìn từ phe chiến thắng cũng như cách nhìn của các sử gia Nho giáo sau này cho nên họ không tính Đinh Bộ Lĩnh là 1 sứ quân. Thế nhưng, với những trường hợp còn lại từ (13) đến (20), tôi không đồng tình. Tại sao?

Con số nào mà sử sách kê cũng có tính tương đối nhất định. Như khái niệm “16 nước Ngũ Hồ” thời Ngũ Hồ loạn Hoa của Trung Quốc thực ra có nhiều hơn 16 nước và không phải tất cả là “người Hồ”. Các sử gia phong kiến có thể chỉ tính các thế lực lớn, có xưng hiệu và tất nhiên, đưa Đinh Bộ Lĩnh là người thắng lợi sau cùng ra ngoài danh sách, không có gì khó hiểu.

Nhưng cách “đếm” như trên có vấn đề.

(18) Chu Thái đã bị Ngô Xương Văn dẹp trước khi mất. Không thể coi là lực lượng tham chiến trong “biến loạn, tự giữ của các địa phương”.

(16) và (17) 2 thôn Đường Nguyễn vốn không có thủ lĩnh, hào trưởng cụ thể cầm đầu, nên sử sách không tính là đúng. Sau này từ thời Đinh, không còn nghe nhắc đến họ, có thể họ đã thần phục triều đình trung ương.

(20) Lê Lương là một hào trưởng địa phương tự giữ trong thời biến loạn, không xưng hiệu và không được sử sách ghi lại.

Cách đây hơn 10 năm, khi thảo luận về số lượng sứ quân trên wikipedia (bài viết Đinh Tiên Hoàng), tôi đã bác một thành viên dẫn ý kiến của Tạ Chí Đại Trường trong sách “Sử Việt đọc vài quyển”, cho rằng phải tính cả Dương Cát Lợi, Dương Tam Kha… thành 15-16 sứ quân. Cách tính này đi hơi xa quá nếu căn cứ vào nguồn tài liệu hiện có.

Các lực lượng này được “tồn tại” và “bổ sung” vào danh sách sứ quân đều qua suy đoán của tác giả cũng như Tạ Chí Đại Trường, mà không có căn cứ đáng tin cậy nào. Chiếu cố điểm trong thần tích đi nữa, cũng không thấy liệt họ vào các sứ quân.

Tôi muốn đặt 3 câu hỏi ngược lại:

Một là: Tại sao không cho mấy ông Dương Tam Kha, Dương Cát Lợi hay Phạm Lệnh Công hai chữ “bình yên”? Họ có thế lực nhưng thích ở yên và không tham gia “hùng cứ” thì sao? Hãy đơn cử như Trần Thăng em của Trần Lãm, sau khi Trần Lãm giao hết binh quyền cho họ Đinh, trước sau Trần Thăng “ngoan ngoãn” làm thần tử nhà Đinh trọn đời, không hề manh động, phản kháng như Ngô Nhật Khánh. Mỗi người mỗi tính cách, tại sao cứ bắt họ phải hành động như các nhân vật khác?

Hai là: Ngoài Dương Tam Kha có thể còn sống (theo thần tích), sao không cho mấy ông cao tuổi đó qua đời, yên nghỉ mà nhất định bắt họ phải “sống để làm sứ quân”?

Ba là: Nếu họ tham gia “hùng cứ”, tại sao sử không chép?

Bởi vì:

Không có tên Dương Huy, dù ông tham gia biến loạn Cổ Loa – khả năng ông cũng đã chết. Chết về tay mấy người cùng “gây loạn” Cổ Loa hay về tay cha con họ Đinh thì cũng vậy. Tóm lại những người đã chết ở Cổ Loa không được tính là đúng.

Có tên Đỗ Cảnh Thạc, vì ông đã sống qua biến loạn Cổ Loa

Còn Kiều Tri Hựu, có thể chính là Kiều Công Hãn hoặc không (cũng không sao, kiểu gì thì giải mã theo kiểu đó). Nếu chính là Kiều Công Hãn, tức là ông giống Đỗ Cảnh Thạc – “bật bãi” từ Cổ Loa ra. Nếu Tri Hựu không phải là Công Hãn, thì cũng tức là 1 cái tên biến mất sau biến loạn Cổ Loa vì đã chết như Dương Huy nên không được đưa vào danh sách 12 sứ quân.

Không có tên Phạm Lệnh công và Dương Tam Kha/dòng dõi Dương Tam Kha trong số các sứ quân, đơn giản vì họ không tham gia “hùng cứ”. Nhất là Phạm Lệnh công, khả năng ông đã qua đời rất cao.

Rất khó đổ tại “ngòi bút sử gia Nho giáo” hay “giọng kẻ chiến thắng viết sử” đã làm sai lệch danh sách sứ quân. Có chăng, chỉ riêng Đinh Bộ Lĩnh được ra ngoài danh sách là có “thiên vị” (nhưng thiên vị hợp lý vì là kẻ chiến thắng), còn lại, không ai bị “bất công” cả. Hãy xem, ngay cả cha nuôi Bộ Lĩnh và giúp quân cho vua Đinh như Trần Lãm còn “bị”/”được” vào danh sách, tại sao phải “ấm ức thay” cho những Dương Tam Kha, Dương Huy hay Phạm Lệnh công?

Còn lại Ngô Xử Bình, có thể sẽ có người thắc mắc vì sao nhân vật này không được liệt vào 12 sứ quân, trong khi theo “ngòi bút người thắng trận”, đáng lý phải chép ông thay cho chỗ của Trần Lãm trong danh sách sứ quân mới phải. Việc Xử Bình không vào danh sách “12 sứ quân” còn cho ta thông điệp khác: Việc chép sử thời kỳ này không hoàn toàn mang dấu ấn “người thắng trận” ở mọi tình tiết, như tác giả vẫn nhấn mạnh. Ông không được đưa vào dánh sách 12 sứ quân, có thể tạm lý giải ở nguyên nhân ông không xưng danh hiệu nào; hoặc vì ông đã thực sự tiếm quyền xưng làm vua thay thế Nam Tấn vương nên không được bất cứ ai chấp nhận.

3. TƯƠNG QUAN CÁC SỨ QUÂN.

Trang 129, tác giả chia các lực lượng nổi dậy đương thời thành 4 “phe”

a. Lực lượng tiếm quyền: Ngô Xử Bình
b.Liên minh Đinh-Trần: Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh
c. Phạm Phòng Át
d. Các lực lượng thân nhà Ngô: Tất cả các sứ quân còn lại

Phải khẳng định ngay là cách phân loại này không ổn.

Như trên đã phân tích, “tiếm quyền” không chỉ có mình Ngô Xử Bình. Có chăng được chút “chính nghĩa” trong những người nổi lên ở Cổ Loa, chỉ có Đỗ Cảnh Thạc (nên con em nhà Ngô chạy theo).

Người giương cờ nhà Ngô, ngoài 2 người tông thất như Nhật Khánh và Xương Xí, chỉ có thể tính thêm Đỗ Cảnh Thạc là rõ ràng.

Các sứ quân còn lại, không có sử liệu nào khẳng định họ ngả về Ngô trong cuộc chiến này. Dựa theo các thần tích đi nữa, có thể chỉ ra các sứ quân chống Đinh Bộ Lĩnh thất bại như Nguyễn Siêu, Kiều Công Hãn, Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê... Phải xếp họ vào các lực lượng “nổi dậy”, “hùng cứ” như Đinh Bộ Lĩnh.

Các sứ quân còn lại, không mang họ Ngô cũng không có tài liệu về việc giao tranh với họ Đinh, đáng lý phải liệt vào cùng loại với Phạm Phòng Át – thuận thời thì hàng, không có cơ sở đưa họ vào cùng loại với những người ủng hộ nhà Ngô. Tôi xem phụ lục cuốn “Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước” của Nguyễn Danh Phiệt (1990) có hàng loạt thần phả về các sứ quân cũng không hề nói họ “giương cờ phò Ngô”.

4. KẾT LUẬN

Cuối cùng, đối với vấn đề loạn 12 sứ quân, xin tái khẳng định rằng:

4.1 Có loạn 12 sứ quân. Chưa thay đổi được khái niệm, cách gọi này.
4.2 Đinh Bộ Lĩnh là người thắng trận sau cùng nên không đưa vào danh sách sứ quân
4.3 Có các lực lượng quân sự khác, nhưng nhỏ lẻ không đáng kể, không xưng hiệu nên sử không kê vào ngang hàng với các sứ quân kia. 
4.4. Không có căn cứ để tính Dương Tam Kha, Phạm Lệnh công, Dương Huy, Lê Lương vào danh sách sứ quân. 
4.5. Không thể tính Chu Thái, thôn Đường, Nguyễn như các sứ quân.
PTĐ

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Đinh Thị Hoa Mai - 16/05/2019 07:24
Các nhà xuất bản bây giờ kiểm soát không chặt trẽ nên dẫn tới tình trạng nhiều cuốn xuất bản không đạt chất lượng. Cám ơn tác giả Phạm Trung Đà
Trương Ngọc Kiên - 15/05/2019 23:48
Bài viết rất hay, Tôi rất đồng tình và cám ơn tác giả Phạm Trung Đà.
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh