Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 3: VỀ CHỨC VỤ CỦA ĐINH BỘ LĨNH, CÁC SỨ QUÂN THỜI GIAO TRANH VÀ VẤN ĐỀ HÀNH CHÍNH THỜI NGÔ

WEDnesday - 08/05/2019 21:00
Bài viết của Phạm Trung Đà
Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)

I. CHỨC VỤ CỦA ĐINH BỘ LĨNH VÀ CÁC SỨ QUÂN THỜI GIAO TRANH:

Ít nhất, xin khoanh vùng thời gian này là thời Đinh Bộ Lĩnh giao tranh với các sứ quân. Và trước hết, xin tạm loại vấn đề danh hiệu của Ngô Nhật Khánh ra khỏi phạm vi bài viết này, vì nhân vật “rất nhiều chuyện” này sẽ được nhắc đến trong một bài viết chuyên biệt khác (nói 1 vấn đề đơn lẻ cho nhân vật “lắm chuyện” sẽ khiến ai cũng cảm thấy thiếu và muốn lôi những vấn đề khác ra, thành ra xa chủ đề đang nói).

1. Danh hiệu của Đinh Bộ Lĩnh:

Trang 230, tác giả dẫn việc Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn với tư cách “Hoan châu thứ sử” và cho rằng đây là kết quả do tâu báo của Đinh Liễn sau này, nên sử Trung Quốc mới đồng loạt chép người dẹp loạn là “Hoan châu thứ sử”. Theo tác giả, người thực chất giữ chức Hoan châu thứ sử lúc này là Ngô Nhật Khánh (theo lý giải về vị trí Đường Lâm là ở Hoan châu) còn Đinh Bộ Lĩnh đã mất chức này về Hoa Lư từ khoảng năm 951.

Thời loạn là vậy. Đinh Bộ Lĩnh không còn chức, nhưng có thể vẫn xưng danh hiệu Thứ sử Hoan châu này khi đánh dẹp, để hiệu triệu mọi người, trước khi vứt bỏ nốt nó để xưng [Vạn Thắng] vương lúc chiếm ưu thế so với các lực lượng khác. Trường hợp này cũng như Lưu Bị. Khi ở Tiểu Bái (đất thuộc Dự châu) thì Lưu Bị chính thức giữ chức Thứ sử Dự châu. Nhưng sau đó khi chạy bôn ba tới ở nhờ Lưu Biểu tại Kinh châu, Lưu Bị vẫn được gọi là Lưu Dự châu. Gia Cát Lượng sang xin liên minh với Tôn Quyền chống Tào, khi hai người nói chuyện với nhau cùng gọi Lưu Bị là Lưu Dự Châu (Tam quốc chí, Thục thư, Gia Cát Lượng truyện). Đinh Bộ Lĩnh khi chưa chiếm thế thượng phong, có thể cũng “níu” lấy chức vụ đã mất này để gây uy thế, và có thể đã được những người ủng hộ gọi là Đinh Hoan Châu.

2 Danh hiệu của các sứ quân:
2.1 Có 3 sứ quân mà tác giả chỉ ra: danh hiệu thực chất là chức vụ đương thời, chứng tỏ họ không phải là “tiếm xưng” mà là chức vụ họ có. Theo tác giả, cái gọi là “tiếm xưng” là do các sử gia Nho giáo sau này gán cho họ để biến họ thành “kẻ nổi loạn”. 3 nhân vật gắn với 3 danh hiệu là:
+ Kiều Công Hãn là Kiều Tam Chế, trong đó “Tam chế” là chức quan “tam chế sứ”
+ Ngô Xương Xí là Ngô Du Dịch, trong đó “Du Dịch” tức là chức Du Dịch sứ
+ Phạm Bạch Hổ là Phạm Phòng Át, trong đó “Phòng Át” là chức “Phòng át sứ”

Phát hiện ra 3 chức vụ này là một thông tin mới. Tuy nhiên, nó chưa hẳn nói lên rằng những người này không “tiếm xưng”.

Bởi vì, khi thế lực chưa đủ lớn, những người “nổi dậy” không dám xưng danh hiệu quá “to” như “vương” hay “công” mà danh hiệu họ xưng có thể “khiêm tốn” là một chức vụ. Trần Thắng, Ngô Quảng khi mới giết quan nhà Tần khởi nghĩa, thì Trần Thắng cũng chỉ tự xưng là “tướng quân”, Ngô Quảng chỉ xưng là “đô úy” – đây đều là chức quan võ mà không phải do nhà Tần phong (Sử ký, Trần Thiệp thế gia). Hay Công Tôn Độ cuối thời Đông Hán khi cát cứ ở Liêu Đông cũng tự xưng là “Thứ sử Bình châu” – đây cũng là chức vụ “tiếm xưng” chứ không phải được phong (Tam quốc chí, Ngụy thư, Nhị Công Tôn truyện).

Bởi thế, không phải cứ tự gọi “công” hay “vương” mới là tiếm xưng mà xưng một cái tên chức vụ khi không được vua phong chức đó cũng là tiếm xưng. Việc Đinh Bộ Lĩnh cũng tự xưng “Thứ sử Hoan châu” (khi đã mất chức) là thêm 1 ví dụ nữa về việc “tiếm xưng bằng chức vụ”. Tiếm xưng bằng chức vụ không còn là hiện tượng cá biệt thời loạn các sứ quân.

2.2 Có 1 sứ quân chọn cách xưng “Nguyễn Thái Bình” là Nguyễn Khoan tác giả xem đó là “nhân danh”, không phải tên tước hay chức quan. Tuy nhiên, có thể hiểu danh hiệu Thái Bình nhằm thể hiện nguyện vọng cá nhân ông và cũng có thể do ông tự xưng chứ không phải do “sử gia phong kiến dựng lên”.

2.3. Với những nhân vật còn lại xưng tước “công”, tác giả cho rằng không phải tước hiệu kiểu “tiếm xưng”, ngoài Trần Lãm.
+ Nguyễn Lệnh Công (Nguyễn Thủ Tiệp) hay Kiều Lệnh Công (Kiều Thuận) là cách xưng hô hàng ngày, cũng như Phạm Lệnh Công ở Nam Sách đã che chở Ngô Xương Ngập, không phải tước hiệu

+ Lã Tá Công (Lã Đường) hay Đỗ Cảnh Công (Đỗ Cảnh Thạc) là cách gọi tôn xưng, trong xưng hô và văn bia. Theo tác giả, Lã Tá Công là cách gọi tôn trọng ông Lã Tá Đường, Đỗ Cảnh Công là cách gọi tôn trọng ông Đỗ Cảnh Thạc

Vấn đề này tôi thấy vẫn tồn nghi và cần khảo chứng thêm vì chưa triệt để với tất cả các trường hợp. Có mấy lý do:

a. Có thể trong thế kỷ 10, khi “văn hiến” và ảnh hưởng Nho giáo chưa nhiều, cách xưng hiệu còn giản dị, chưa “kiểu cách” như các đời sau.

b. Sứ quân Lã Đường được tất cả các bộ sử Việt Nam ghi giống nhau là “Lã Đường”, không thấy chép thêm chữ “Tá” ở giữa. Vì thế trường hợp “Lã Tá Công là cách gọi tôn trọng ông Lã Tá Đường” như tác giả nêu chưa đủ căn cứ chắc chắn. Theo những gì sử sách đã chép phải hiểu là nhân vật này tên “Lã Đường”, xưng danh hiệu “Tá công”. Chữ “Tá công” này sẽ xếp nhân vật vào loại c dưới đây.

c. Các sứ quân được sử sách chép xưng danh hiệu “Công” còn lại, không thấy tác giả “vô hiệu hóa” sự “tiếm xưng” để trở thành không phải tiếm xưng của họ, gồm: Nguyễn Hữu Công (Nguyễn Siêu), Lý Lãng Công (Lý Khuê), Ngô Lãm Công (Ngô Nhật Khánh)

d. Riêng trường hợp Nguyễn Thủ Tiệp, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn xác nhận, ngoài danh xưng “Nguyễn Lệnh Công” thuộc diện bị tác giả “vô hiệu hóa” thì còn danh hiệu nữa: Nhân vật này phát triển thế lực, chiếm toàn bộ Vũ Ninh và xưng là Vũ Ninh vương.

Thông tin về Nguyễn Thủ Tiệp mà Cương mục cung cấp càng cho ta củng cố 2 thông tin mà tôi từng bàn trong các bài trước:
+ Dương Huy (Thứ sử châu Vũ Ninh cũ) không còn khi danh sách sứ quân chính thức hình thành
+ Xung đột, tranh chiếm đất đai giữa các lực lượng quân sự đương thời (chưa tính tới sự tham gia của Đinh Bộ Lĩnh) là có xảy ra

Như vậy luận cứ của tác giả hiện chỉ đúng với 2/10 sứ quân (Kiều Thuận và Đỗ Cảnh Thạc); 1 sứ quân được công nhận là tiếm xưng (Trần Lãm – Trần Minh Công), 4 sứ quân không được giải thích (loại c, gồm Lý Lãng Công, Nguyễn Hữu Công, Ngô Lãm Công, Lã Tá Công – tên là Lã Đường chứ không phải Lã Tá Đường), 1 sứ quân có tài liệu chứng minh điều ngược lại với luận cứ của tác giả (Nguyễn Thủ Tiệp có xưng vương); 4 sứ quân ở dạng 50/50 (Nguyễn Thái Bình và những người gọi theo chức vụ, gồm Ngô Du Dịch, Phạm Phòng Át, Kiều Tam Chế).

II. VẤN ĐỀ HÀNH CHÍNH THỜI NGÔ:

Trang 192, từ các danh hiệu tự xưng chính là chức vụ, tác giả cho rằng đó là những chức vụ mà họ được kiêm nhiệm với chức “thứ sử” đương thời. Tác giả kê danh sách các sứ quân, hầu hết được cho là Thứ sử của các “châu” (đơn vị hành chính cấp 1) thuộc nơi mà họ chiếm giữ.

Căn cứ theo hệ thống thành cổ do Ngô Thì Sĩ ghi chép, tác giả cho rằng thời Ngô có 12 châu (tr 182-184):

(1) Giao châu (không rõ ai Thứ sử)
(2) Châu Đỗ Động Giang (Đỗ Cảnh Thạc là Thứ sử)
(3) Châu Bắc Giang (Nguyễn Thủ Tiệp là Thứ sử)
(4) Châu Vũ Ninh (Dương Huy là Thứ sử)
(5) Châu Tam Đái (Nguyễn Khoan là Thứ sử)
(6) Châu Phong (Kiều Công Hãn là Thứ sử)
(7) Châu Nam Sách Giang (Phạm Lệnh Công là Thứ sử)
(8) Đằng châu (Phạm Phòng Át là Thứ sử)
(9) Trường Châu (Trần Lãm là Thứ sử)
(10) Ái châu (Ngô Xương Xí là Thứ sử)
(11) Hoan châu (Ngô Nhật Khánh là Thứ sử)
(12) Lạng châu (không rõ ai là Thứ sử)

Những thông tin có mấy vấn đề chưa ổn.

1. Tác giả ghi rằng, 12 châu trên được kê ra trên cơ sở hệ thống thành cổ do Ngô Thì Sĩ ghi chép. Trong danh mục tài liệu tham khảo của sách này, sử gia Ngô Thì Sĩ (thời Lê mạt) có 2 tài liệu được kê là Việt sử tiêu án và Đại Việt sử ký tiền biên (tr 409). Tuy nhiên, khi tham khảo cả 2 sách sử này trong giai đoạn ghi chép về nhà Ngô, nhà Đinh đến nhà Tiền Lê, KHÔNG thấy ghi chép của Ngô Thì Sĩ về tên các châu số (2) đến (6). Chưa biết tác giả căn cứ vào ghi chép nào của Ngô Thì Sĩ để suy đoán như vậy (trong wikipedia thường gọi trường hợp này là nghi ngờ “vặn nguồn” hay “mạo nguồn”).

2. Tra trong các bộ chính sử Việt Nam, đều thấy ghi các sứ quân chỉ nổi dậy ở quy mô “huyện ấp” (Cương mục, năm biên niên 966), “quận ấp” (Toàn thư, năm biên niên 966), hoặc chính Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ mà tác giả tuyên bố sử dụng, cũng ghi là “huyện ấp” (năm biên niên 966). Chỉ có 1 người duy nhất trong các sứ quân được các ghi nhận chiếm 1 “châu” là Kiều Công Hãn chiếm Phong châu. Ngoài Công Hãn, chưa có cơ sở để khẳng định 8/12 sứ quân khác là thứ sử các châu.

Xin nhắc lại, trường hợp Dương Huy không được chép trong danh sách sứ quân, cũng không có căn cứ để xác định ông sống tới thời đầy đủ danh sách sứ quân được kê. Tương tự với Phạm Lệnh Công được tác giả gán cho chức Thứ sử châu Nam Sách Giang và cho là 1 sứ quân, cũng chưa có cơ sở cho tất cả các thông tin “mới” gắn với nhân vật này (sau việc liên quan đến Ngô Xương Ngập).

3. Đọc danh sách 12 châu trên do tác giả kê, có thể thấy sự thiếu nhất quán trong cách gọi đơn vị hành chính: Một số châu được gọi “kiểu Hán” – tên châu viết trước, chữ “châu” để sau (Giao châu, Ái châu, Hoan châu, Lạng châu, Đằng châu, Trường châu); một số còn lại thì được gọi theo “kiểu Việt” – chữ “châu” để trước, tên châu để sau (các châu “mới” gồm Châu Đỗ Động Giang, châu Bắc Giang, Châu Vũ Ninh, châu Tam Đái, châu Nam Sách Giang, châu Phong).

Cũng ngoại trừ châu Phong và châu Vũ Ninh có nguồn tài liệu chắc chắn, chưa rõ tác giả dựa vào căn cứ nào để “định” ra được 4 châu mới được viết theo “kiểu Việt” như trên?

Ngoài ra, địa danh Lạng châu chỉ được Toàn thư ghi nhận từ năm 980. Chưa xác định được là địa danh này có được đặt thời Ngô hay sau thời Ngô.

4. Thực tế cho thấy, người có quyền, có quân, có thuộc hạ, không cứ là chức thứ sử. Bất kỳ vị quan văn hay võ, ở một chức vụ tương đối cao trong triều, đều có thể tự gây dựng lực lượng riêng trong thời loạn. Trong chiến dịch chống Đổng Trác cuối thời Hán, ta vẫn thấy có 2 vị không phải quan lại địa phương (thái thú, thứ sử) như Viên Thuật giữ chức Hậu tướng quân, Bão Tín giữ chức Tướng quốc nước Tế Bắc.

5. Vậy địa lý hành chính thời Ngô ra sao?

Đào Duy Anh trong sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” cho rằng: Về cơ bản, các đơn vị hành chính của Việt Nam khi đó (Tĩnh Hải quân) vẫn kế thừa thời thuộc Đường. Nhưng ông cho rằng, so với thời Tự chủ vốn có 12 châu, sang thời Ngô đất đai Việt Nam chỉ còn 8 châu: Giao, Lục, Phong, Trường, Ái, Hoan, Diễn, Phúc Lộc. Có 4 châu đã lọt vào tay Nam Hán (Thang, Chi, Vũ Nga và Vũ An). (Đây cũng là 1 câu đố thực sự về lịch sử Việt Nam thế kỷ 10, không phải là chủ đề bài viết này).

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Đỗ Quốc Thung - 01/06/2019 02:50
Ông tiến sĩ giấy Trần Trọng Dương liên tục xoáy vào các chủ đề nào là không có loạn 12 sứ quân, rồi sử sách Việt Nam và Trung Quốc viết sai sự thật để tôn vinh mù quáng Đinh Bộ Lĩnh,... Không hiểu ý đồ cuổi cùng của ông là gì
Đinh Thị Hoa Mai - 16/05/2019 07:27
Cám ơn tác giả Phạm Trung Đà
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh