Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư, Ninh Bình
1. Lê Hoàn chủ mưu giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn
2. Lê Hoàn là cha đẻ thực sự của Đinh Toàn, đã thực hiện từ lâu mưu “gửi trứng” vào Dương hậu (trước năm 974)
1. Chủ mưu giết cha con vua Đinh
“Mũi dùi” quy trách nhiệm cho Lê Hoàn đã có từ khá lâu và khá phổ cập. Các tài liệu theo thuyết này mà tác giả dẫn, thực ra lại là những nguồn tài liệu ít được biết đến, so với lý giải của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy (Đỗ Thích không có uy tín và phe cánh, không thể dại dột tin vào giấc mộng trên cầu để giết vua mong thay ngôi).
Dự mưu sát hại cha con vua Đinh, có vai trò của Dương hậu (thường được gọi là Dương Vân Nga)
Vì chuyện cung đình nhà Đinh rất phức tạp, còn có những lý giải khác quanh vụ án này (tuy nhiên đó là chủ đề của những bài tiếp theo). Lý giải đơn giản và tập trung nhất, dễ hiểu nhất, là cách nói của Hoàng Đạo Thúy.
2. Lê Hoàn có phải là cha thực của Đinh Toàn?
Tác giả cho rằng đây là mấu chốt mà chưa ai nghĩ đến và đưa ra giả thuyết này dựa trên 4 sử liệu chính (tr 205, 207):
a. Lê Hoàn từ chối điều kiện của vua Tống là đưa 2 mẹ con Dương Hậu và Đinh Toàn sang chầu vua Tống để đổi lại ông được nhà Tống trao tiết việt
b. Đinh Toàn là người “đàn ông” duy nhất còn lại mà không bị sát hại trong vụ án Đỗ Thích.
c. Đinh Toàn mất ngôi vua vẫn được giữ chức Vệ vương, danh hiệu ngang hàng với các con của Lê Hoàn
d. Năm 1001, khi Đinh Toàn tử trận ở Cử Long, Lê Hoàn kêu 3 tiếng (thương xót)
Lý giải như trên chưa hẳn đúng. Bởi vì:
a. Từ chối đưa mẹ con Đinh Toàn sang Trung Quốc không hẳn vì lý do là “vợ và con” mà còn có những lý do khác:
- Trên góc độ tình cảm của người đàn ông, chỉ cần là “người yêu và con của người yêu” đã đủ để Lê Hoàn không từ bỏ hai mẹ con Dương hậu, chưa cần tới mức quan hệ “vợ và con”
- Vấn đề “quốc thể”: Để 2 mẹ con vua cũ phải sang đất Bắc cũng là nỗi nhục của Đại Cồ Việt. Không nhục thì cũng mất vị thế đã có trong quan hệ với Tống
- Vấn đề chính trị: Lê Hoàn ở thời điểm đó vẫn muốn giữ Đinh Toàn làm con bài chính trị trong quan hệ với nhà Tống, dùng làm “bình phong” tỏ ra “phò Đinh”
b. Đinh Toàn trở thành người con duy nhất còn lại của Đinh Tiên Hoàng sau vụ ám sát và trở thành người thừa kế cao nhất, nhưng không có nghĩa vì ông là con đẻ của Lê Hoàn.
“Bài toán” của Lê Hoàn (và có thể cả Dương hậu) là phải dùng Toàn làm “bước đệm” cho việc chuyển giao quyền lực từ Đinh sang Lê mới là “đúng quy trình”. Quy trình là Toàn ấu thơ phải lên ngai thì mẹ là Dương hậu với có vị trí Thái hậu. Có “bồ” là Thái hậu thì Lê Hoàn mới có cơ hội bỗng nhiên nhảy lên thâu tóm quyền lực, chễm chệ xưng vương trên đầu tứ trụ Bặc, Điền, Tú, Cơ. Nếu Toàn bị giết nốt, vị thế của Dương hậu (người yêu của Lê Hoàn) không thể là thái hậu và không có cơ hội “tạo điều kiện” cho Lê Hoàn.
Như vậy, Toàn trong trường hợp này không bị giết không phải vì góc độ tình cảm của Lê Hoàn (con đẻ) mà là một con bài cần thiết trong “quy trình” mà Lê Hoàn và Dương hậu toan tính. Toàn có thể là con vua Đinh, con Lê Hoàn hay con của Dương hậu với … một ông thứ ba nào đó, dù là con ai thì cũng trở thành “con bài chuyển tiếp” của Lê Hoàn với mẹ ông như thực tế đã diễn ra. Không phải vì ông là con của Lê Hoàn mà được sống sót.
c. Đinh Toàn mất ngôi vua vẫn được giữ chức Vệ vương, như các con của Lê Hoàn. Không hẳn vì phải là con Lê Hoàn, Đinh Toàn mới giữ được danh hiệu “Vệ vương” như vậy. Đây đơn giản là 2 lý do:
- Tình cảm của ông với Dương hậu (yêu mẹ thì không nỡ tỏ ra bạc đãi con)
- Lý do chính trị: Không bạc đãi vua cũ, để lấy lòng thiên hạ, như vua Đinh không bạc đãi nhà Ngô Nhật Khánh
d. Đinh Toàn tử trận khi cùng Lê Hoàn đi đánh Cử Long. Riêng tình tiết này tôi lý giải ngược hoàn toàn với tác giả.
Lại phải đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao Lê Hoàn không mang mấy người con đã lớn của mình đi theo đánh giặc (để “đào tạo” chẳng hạn), như Lê Thau, Lê Ngân Tích, mà lại mang Đinh Toàn đi?
Ta có thể nghĩ đến sự lo lắng, cảnh giác của Lê Hoàn đối với vua cũ Đinh Toàn – mang Toàn đi để giám sát, để ở Hoa Lư không yên tâm. Đặc biệt, thời điểm năm 1001, Toàn đã trưởng thành (28 tuổi) và mẹ Toàn đã mất (năm 1000). Sau khi mẹ qua đời, tình cảm trong nhà (con với cha dượng) có nhạt đi và độ cảnh giác với Toàn tăng lên. Tất nhiên, Toàn tử trận là ngoài ý muốn của Lê Hoàn (ông không có chủ định mượn tay “giặc” giết Toàn). Việc ông kêu khóc khi Toàn chết là thương thật hay giả thì không thể giải mã chân tướng sự việc vì khó ai biết đích xác ông nghĩ gì.
3. Một số vấn đề “râu ria” khác có liên quan
3.1 Tác giả cho rằng vua Tống dường như “đọc” được mối quan hệ ngầm trong cung Đại Cồ Việt nên làm “phép thử” tinh tế để có cớ xâm lăng (biết sẽ bị từ chối) (tr 205).
Chưa hẳn như vậy. Tôi muốn phản biện điều này trên 2 góc độ:
+ Nhà Tống đã có chủ định đánh Đại Cồ Việt, không vì riêng lý do mẹ con vua Đinh không sang chầu mà đánh. Nếu mẹ con Dương hậu sang chầu, chưa hẳn Đại Cồ Việt tránh được họa. Nhà Tống có thể gọi tiếp Lê Hoàn sang và lần này chắc chắn chiến tranh vẫn xảy ra vì Lê Hoàn sẽ từ chối
+ Nếu quả thực nhà Tống “đọc” được mối quan hệ ngầm trong cung Đại Cồ Việt, thì càng có nghĩa là họ lấy thông tin từ nhiều “kênh” về các nước láng giềng để quyết định chính sách đối ngoại như tôi từng nêu ở bài trước; không thể có chuyện họ phụ thuộc hoàn toàn vào những vị sứ giả ở các nước đó sang tâu báo, như Đinh Liễn mà tác giả vẫn nêu ở những bài (chương) trước.
3.2. Hồng Hiến là thái sư thời nào?
Trang 206, tác giả cho rằng, đương thời trong cung đình nhà Đinh đã chia phe phái, trong đó Lê Hoàn, Phạm Cự Lượng và thái sư Hồng Hiến về phe Dương hậu.
Đây là 1 hạt sạn nữa. Dường như tác giả “phong” Hồng Hiến làm thái sư hơi sớm.
Nhân vật Hồng Hiến được nhắc đến trong kỷ nhà Tiền Lê (năm biên niên 988, lúc ông mất), chứ chưa xuất hiện thời nhà Đinh. Một nhân vật nhiều năm làm tham mưu riêng cho Lê Hoàn (cả mưu đánh trận lẫn mưu giành ngôi) mới được thưởng công, chức vụ đầu triều như vậy.
Thái sư là chức vụ quan đầu triều. Nếu ngay từ thời Đinh, Hồng Hiến đã làm thái sư thì tại sao khi sử chép việc phong chức cho những người như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Ngô Chân Lưu… đều ở vị trí không phải đầu triều thì được “điểm danh” mà chức đầu triều của Hồng Hiến thì không? Chắc chắn ông chưa đứng trong hàng ngũ quan lại cao cấp thời Đinh, bởi về logic, những gì sử ghi cho thấy ông chỉ có “cống hiến” cho Lê Hoàn mà không thấy có đóng góp gì cho nhà Đinh.
Cách “gọi” nhân vật theo cách chép trong sử liệu ở thời điểm nhân vật xuất hiện với ngôi vị cao nhất đã làm sai lệch cách hiểu về quá khứ nhân vật. Hồng Hiến không phải là nhân vật duy nhất tác giả đã “nhầm” như vậy.
Còn một nhân vật nữa, không rõ vô tình hay cố ý, cũng được tác giả “bê” tương lai về quá khứ để “quy đồng mẫu số” theo cách gọi như vậy. Người đó là ai? Bài viết sau sẽ nói tiếp.
Đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn: vannghexudoai.net
Newer articles
Older articles