PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 5: CHUYỆN GIA ĐÌNH NGÔ NHẬT KHÁNH KỲ 3. NHỮNG LUẬN ĐIỂM RÚT RA VỀ MẸ CON NGÔ NHẬT KHÁNH
SATurday - 18/05/2019 04:11
Sau khi giải quyết các “bổ đề”, phần còn lại của chủ đề này là phản biện những luận điểm chính thức về Ngô Nhật Khánh và mẹ ông của tác giả.
Một góc chùa Bà Ngô
1. GIẢ THUYẾT MỘT BÀ DƯƠNG HẬU “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ”
Tác giả Trần Trọng Dương, trong khi nghiêng về giả thuyết “2 hoàng hậu 2 triều” hơn (mẹ Khánh là vợ Ngô Xương Văn, không phải Dương hậu), vẫn không bác bỏ giả thuyết “hoàng hậu 3 triều”.
“Bắc cầu” thêm giả thuyết từ Tạ Chí Đại Trường, tác giả “xâu” lại, biến Dương hậu trở thành vật trung tâm của thế kỷ 10: lấy 3 vua Ngô Xương Văn, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, mẹ của: Ngô Nhật Khánh, Đinh Hạng Lang, Đinh Toàn, Ngô công chúa (em Khánh), thậm chí lấy Lê Hoàn còn sinh thêm hoàng tử và công chúa nữa, tức là lấy 3 vua và sinh ra khoảng 6 hoàng tử, công chúa (trang 278). Bà trở thành một nhân vật lịch sử rất đặc biệt.
Lưu ý rằng, nhóm Đinh Công Vỹ, trong khi nêu ra luận điểm “mẹ Nhật Khánh chính là Dương hậu mẹ Toàn” thì KHÔNG nêu quan điểm “mẹ Toàn chính là mẹ Hạng Lang” giống Tạ Chí Đại Trường; ngược lại, Tạ Chí Đại Trường khi nêu quan điểm “Khánh là con Xương Văn” và “mẹ Toàn là mẹ Hạng Lang” nhưng KHÔNG hề nêu quan điểm “mẹ Toàn chính là mẹ Khánh” như nhóm Đinh Công Vỹ.
Có nghĩa là, mỗi “bổ đề” trên chỉ chứng minh một “vùng nghiệm” khác nhau và các luận điểm của 2 tác giả/nhóm tác giả trên chỉ có 1 “vùng nghiệm” chung duy nhất là “Khánh là con Xương Văn”, không có “vùng nghiệm” quan trọng “mẹ Khánh chính là mẹ Toàn”.
Bản thân từng luận điểm trên của Tạ Chí Đại Trường cũng như nhóm Đinh Công Vỹ cũng không có cơ sở vững chắc. Khi tác giả Trần Trọng Dương đứng chân trên cả 2 bổ đề yếu để rút ra một luận điểm mới thì luận điểm đó cũng sẽ yếu và dễ đổ.
2. VỀ TUỔI CỦA MẸ NGÔ NHẬT KHÁNH
Tác giả cho rằng, mẹ Ngô Nhật Khánh sinh khoảng năm 936, để đến “tuổi cập kê” 951 lấy Ngô Xương Văn (tác giả theo đuổi giả thuyết bà lấy Xương Văn).
Nhưng điều này sẽ khiến Ngô Nhật Khánh hơi “non” khi giữ chức “thứ sử Hoan châu” (vẫn giả thuyết của tác giả) năm 965, thậm chí giữ chức này trước đó nữa, khi mới [“già” nhất là] 14 tuổi. Thậm chí ở tuổi này mà “xưng hùng” Đường Lâm thời loạn lạc càng khó.
Vì thế, càng thêm cơ sở để nghiêng về giả thuyết mẹ Khánh không phải là vợ Xương Văn. Mẹ Khánh đã sinh ra Khánh sớm hơn năm 951 để đến năm 965 lúc tranh hùng, Khánh ít nhất 17-18 tuổi.
3. NIÊN BIỂU CUỘC ĐỜI NGÔ NHẬT KHÁNH
3.1. Năm sinh
Theo sử sách, Nhật Khánh nổi lên chiếm Đường Lâm năm 965. Trang 271, tác giả cho rằng Ngô Nhật Khánh sinh năm 951 trở đi. Nhưng đến năm 965 khi “xưng hùng” ở Đường Lâm chỉ có 15 tuổi “ta” thì hơi “non”.
Thời điểm này ông ít nhất cũng 17-18 tuổi dương hợp lý hơn. Như vậy năm sinh của Ngô Nhật Khánh muộn nhất là 948.
3.2. Thời điểm Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm
Theo tác giả Trần Trọng Dương, Nhật Khánh có thể đã ở Đường Lâm từ trước khi Xương Văn mất, được Xương Văn sai trấn thủ Đường Lâm. Khi quần hùng nổi lên, ông chiếm giữ nơi này. Luận điểm này tương đối hợp lý. Nhưng, vẫn còn khả năng chức Thứ sử Hoan châu của Khánh là tự xưng – đơn giản là trước khi mất Xương Văn chưa phong Khánh, khi loạn thì Khánh dùng thân phận hoàng tộc chiếm cứ nơi này.
Nhưng lưu ý rằng, Đinh Bộ Lĩnh nổi lên từ năm 951 chống nhà Ngô tại Hoa Lư, như vậy chức Thứ sử Hoan châu phải qua tay vài người rồi mới tới Nhật Khánh, vì thời điểm 951-960 Khánh còn rất nhỏ.
Còn một khả năng nữa, Khánh trong số con em nhà Ngô ở Cổ Loa, khi Xương Văn mất họ đã tan tác chạy đi, và Khánh cùng một số người lấy thân phận hoàng tộc chạy đi trấn thủ Đường Lâm.
3.3. Thời điểm Ngô Nhật Khánh chạy đi Chiêm Thành.
Sử không ghi rõ thời điểm Khánh rạch má vợ bỏ sang Chiêm.
Tác giả Trần Trọng Dương cho rằng thời gian này là 969-970. Tôi cho rằng thời điểm này quá sớm. Xin nhắc lại lời Khánh nói với công chúa lúc bỏ đi rằng mẹ con ông bị vua Đinh “lừa dối ức hiếp”. Có thể vua Đinh đã hứa hẹn một điều gì đó (về chức vụ, quyền lợi) nhưng không/chưa thực hiện và khoảng thời gian 1-2 năm sau khi nhà Đinh thành lập chưa đủ dài để Nhật Khánh mất hết kiên nhẫn và hành động mạnh tới mức “một đi sẽ không quay về”.
Nếu Khánh bỏ đi và để lại vết rạch trên má công chúa làm khoét sâu thù hằn Đinh-Ngô sớm như vậy, chắc chắn mẹ Khánh sẽ thất sủng; nếu bà chính là Dương thị mà lại thất sủng sớm như vậy thì khó mà còn sinh được Đinh Toàn với vua Đinh năm 974.
Người theo thuyết “Lê Hoàn gửi trứng” của tác giả Trần Trọng Dương có thể cho rằng, khi không được vua Đinh sủng ái nữa, Dương hậu - mẹ Khánh vẫn có thể sinh ra Toàn vì “lén nhờ” Lê Hoàn. Nhưng việc “gửi trứng” ngay khi Tiên Hoàng uy nghi còn sống khó xảy ra; vì nếu đã không được vua Đinh “sủng ái” mà còn “ễnh” ra (“cu” Toàn sau này) thì chắc chắn là Dương hậu rơi đầu, Toàn không có cơ hội ra đời.
Đã không bác bỏ giả thuyết Dương hậu là mẹ Khánh mà lại xác định thời gian Khánh sang Chiêm sớm như vậy, 2 giả thuyết “đi mượn” và “tự suy” của tác giả đã mâu thuẫn nhau.
Khánh phải sang Chiêm muộn hơn thời điểm trên.
Với giả thuyết mẹ Khánh chính là mẹ Hạng Lang (và không phải vợ Ngô Xương Văn), thì thời điểm Khánh bỏ đi có thể xác định là đầu năm 979, sau khi Hạng Lang bị giết và mẹ Khánh rất có thể còn qua đời trước Hạng Lang. Không còn “điểm tựa” nào (em Khánh làm vợ Đinh Liễn không có vai trò gì), Khánh lâm vào tuyệt cảnh và hết cách thâu tóm quyền lực nên mới chạy đi ngoại bang “tìm người cứu”.
4. KẾT LUẬN
4.1. Mẹ Ngô Nhật Khánh chỉ là hoàng hậu 1 triều Đinh, không phải là Dương hậu mẹ Đinh Toàn, không phải là vợ Ngô Xương Văn. Nhật Khánh không phải con Ngô Xương Văn. Nói cách khác, mẹ Nhật Khánh và Dương hậu là 2 người chứ không phải 1 người.
4.2. Dương hậu mẹ Đinh Toàn chỉ là hoàng hậu 2 triều Đinh, Lê như sử sách đã chép. Bà không phải là hoàng hậu 3 triều (thêm vai hoàng hậu nhà Ngô) và không phải là mẹ đẻ của Hạng Lang (tức Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang không phải anh em cùng cha cùng mẹ). Bà là hoàng hậu 2 triều duy nhất của thời kỳ này, không có người thứ hai.
4.3. Có thể có sự trùng hợp nào đó gây nhầm lẫn cho đời sau:
a. Có thể trong 4 hoàng hậu còn lại của Đinh Tiên Hoàng ngoài mẹ Đinh Toàn, bà mẹ của Nhật Khánh cũng mang họ Dương (tạm gọi là bà Dương hậu thứ 3)
b. Có thể Ngô Xương Văn cũng lấy một người vợ họ Dương khác, không phải là người lấy 2 vua Đinh, Lê sau này và ông không phải là cha của Nhật Khánh (tạm gọi là bà Dương hậu thứ 4)
Tức là thế kỷ 10 có thể đã có tới 4 bà Dương hậu khác nhau, trong đó 2 bà nổi tiếng như sử đã chép còn 2 bà khác không được biết tới.
Cách đây chỉ hơn 200 năm thôi, từng có chuyện Lê Ngọc Bình và Lê Ngọc Hân là 2 chị em và cùng lấy vua nhà Tây Sơn; nhưng có người đã nhầm rằng Ngọc Hân sau này lấy Nguyễn Ánh mà thực tế người từng làm vợ vua Tây Sơn rồi lấy Ánh là Ngọc Bình. Vì thế, câu chuyện của những bà họ Dương hơn 1000 năm trước, nếu có sự trùng hợp và gây nhầm lẫn, là điều vẫn có thể xảy ra.
Phạm Trung Đà
Đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn: vannghexudoai.net