Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

PHẢN BIỆN SÁCH “VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ” CHỦ ĐỀ 6: VỀ THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT NGÔ CHÂN LƯU – LẠI MỘT CÁCH MẠO NGUỒN?

WEDnesday - 29/05/2019 09:49
Bài viết về thiền sư Khuông Việt – Ngô Chân Lưu không phải là chủ đề thật lớn trong cuốn sách. Ngô Chân Lưu theo nghiệp tu và có tham gia vào bộ máy triều Đinh. Chuyện xoay quanh ông trong sách không có nhiều vấn đề cần phân tích, ngoại trừ thân thế.
Chùa Đại Bi trong quần thể di tích lịch sử Đền Gióng, được cho là nơi đầu tiên Đại sư Ngô Chân Lưu lập am, dựng chùa

Chùa Đại Bi trong quần thể di tích lịch sử Đền Gióng, được cho là nơi đầu tiên Đại sư Ngô Chân Lưu lập am, dựng chùa

1. CHO NGUỒN THÊM “ĐUÔI”?

Trang 312-313, tác giả dẫn nguồn từ sách Thiền Uyển tập anh, cho biết Ngô Chân Lưu là hậu duệ của Ngô Thuận Đế (tức Ngô Quyền).

Xem sách Thiền Uyển tập anh, thông tin về thân thế Khuông Việt dừng lại ở đây.

Nhưng tác giả không dừng lại ở đây mà dường như “thuận tay dắt dê”, ghi tiếp:
“Theo Thiền Uyển tập anh, ông là hậu duệ của Ngô Thuận Đế, tức Tiền Ngô Vương Quyền, anh em ruột (cùng mẹ) với Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, anh em khác mẹ với Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, bác của các sứ quân Ngô Xương Xí và An vương Ngô Nhật Khánh…”

Tác giả còn ghi thêm mấy nguyên văn chữ Hán “Ngô Thuận Đế chi duệ” ở dòng chú thích cuối trang. Về nghĩa đen, nguồn Thiền Uyển tập anh chỉ xác nhận Ngô Chân Lưu là dòng dõi Ngô Quyền (Ngô Thuận Đế chi duệ), không rõ tại sao tác giả lại kéo dài nội dung nguồn tài liệu này thêm những thông tin không kém phần quan trọng mà đọc qua tưởng như là đương nhiên?

Những ai tìm hiểu sâu về lịch sử Việt Nam thế kỷ 10 có thể nhận ra ngay: thông tin lịch sử giai đoạn này còn rất nhiều khiếm khuyết đánh đố người đọc, vì thế xem những gì trong sử sách và Thiền uyển tập anh, chưa thể xác định đương nhiên Ngô Chân Lưu là em cùng mẹ Ngô Xương Ngập, cùng thế hệ Ngô Xương Văn và trên Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh một thế hệ.

Tác giả đã tự “chế biến” nguồn tài liệu Thiền Uyển tập anh thành “công cụ” cho giả thuyết mà mình theo đuổi: Ngô Chân Lưu là em cùng mẹ Ngô Xương Ngập.

Không rõ đây là lần thứ mấy, tôi phải nhắc về chuyện “vặn nguồn” của tác giả theo cách nói của wikipedia.

2. VẬY THÂN THẾ NGÔ CHÂN LƯU THẾ NÀO?

Đây là thông tin khiếm khuyết, không tìm ra trong các tài liệu “hàn lâm”. Nhưng không phải vì thế người nghiên cứu lịch sử có thể tự ý “mạo nguồn” theo cách như trên.

Không có nguồn chính thống hàn lâm, tạm thời phải tìm đến những nguồn tài liệu yếu hơn và gạn lọc thông tin hợp lý và có thể sử dụng được một cách logic.

a. Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam (đúng vậy, xin nói ngay đây là nguồn yếu nhưng phải dùng đến để đối chiếu), Ngô Chân Lưu còn có tên là Ngô Xương Tỷ và ông là CON chứ KHÔNG PHẢI EM của Ngô Xương Ngập.

Kết nối với các tài liệu khác xem thông tin này có phù hợp với nhau không?

b. Một truyền thuyết khác về trận Bạch Đằng, được sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của “bộ tứ” Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1991) dẫn lại, cho biết Ngô Xương Ngập có dự trận Bạch Đằng năm 938.

Ghép hai giả thuyết này, không thấy vô lý. Ngô Quyền sinh năm 898, có thể sinh ra Ngô Xương Ngập với vợ cả khoảng từ năm 915-917 (trước 20 tuổi).

Với năm sinh trên, Ngô Xương Ngập dự trận Bạch Đằng lúc 21-23 tuổi, là hợp lý. Ông sinh ra Ngô Chân Lưu năm 933 (năm sinh này là thông tin “cứng” từ Thiền uyển tập anh) lúc ông 16-18 tuổi không có gì vô lý. Lúc đó ông nội Chân Lưu là Ngô Quyền 35 tuổi, khoảng cách thường thấy giữa các thế hệ trong các gia tộc xưa kia.

Sau này Xương Ngập mất năm 954 là lúc ông khoảng 38-40 tuổi (ta), không đến nỗi quá yểu mệnh đối với người thời đó.

c. Trang 314, tác giả Trần Trọng Dương có một kiến giải về Thiền uyển tập anh khá hợp lý. Tác giả mở rộng nghĩa từ “nghiệp Nho” trong ghi chép của Thiền uyển tập anh về đầu đời của Ngô Chân Lưu, rằng Chân Lưu được nuôi dạy đào tạo hướng theo kinh điển Nho gia về tu tề trị bình để kế nghiệp họ Ngô.

Với cách giải thích này về điều Ngô Chân Lưu được thụ hưởng và định hướng lúc nhỏ, có thể thấy nó phù hợp hơn với giả thuyết ông là CON Xương Ngập so với giả thuyết ông là em của Xương Ngập.

Vì sao?

Có thể đối chiếu ngay từ ghi chép của sử sách: Với giả thuyết ông là con Ngô Quyền, nếu ông được định hướng thành người kế nghiệp, tại sao lúc mất Ngô Quyền lại truyền ngôi cho Xương Ngập chứ không phải Chân Lưu/Xương Tỷ?

Rõ ràng, việc Ngô Chân Lưu được đào tạo để định hướng “quy hoạch” nhân sự với tư cách là cháu nội Ngô Vương (theo tuổi tác, ông là cháu lớn nhất của Ngô Quyền) sẽ logic với những thông tin từ sử sách chính thống và các tài liệu khác.

Như vậy giả thuyết hợp lý hơn là Xương Tỷ là cháu đích của Ngô Quyền, anh chứ không phải chú của Xương Xí, cháu gọi Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng bằng chú chứ không phải là anh em của họ. Chưa xác định được ông chính xác là gì của Ngô Nhật Khánh.

Xin nói thêm, trong khi xác định Ngô Xương Tỷ/Chân Lưu là con Xương Ngập, các soạn giả Phả hệ họ Ngô lại cho rằng Chân Lưu là con thứ Xương Ngập, tức là em chứ không phải anh của Xương Xí. Về năm sinh, Xương Tỷ lớn hơn Xương Xí ít nhất 12 tuổi. Phải chăng Phả hệ (cũ) ghi theo cách gọi thời phong kiến, vì mẹ Xương Xí là Phạm thị (con Phạm Lệnh Công) có gia thế hơn mẹ Xương Tỷ nên được làm vợ cả, và Xương Tỷ bị ở vai con thứ?

Xin nói thêm nữa, trang 315 tác giả Trần Trọng Dương có kiến giải việc Ngô Chân Lưu đi tu hành “có sự trùng hợp” như wikipedia mà tôi từng đưa ra cách đây hơn 10 năm: Vì Dương Tam Kha cướp ngôi, Xương Ngập phải bỏ trốn, nên Ngô Xương Tỷ cũng phải tìm cách thoát thân. Tác giả nêu “CÓ TÀI LIỆU ghi năm 11 tuổi ông (Chân Lưu) xuất gia, đúng năm vua cha (Ngô Quyền) thăng hà”, nhưng không nói rõ tài liệu này là tài liệu nào.

3. CÓ DÙNG ĐƯỢC VÀO WIKIPEDIA KHÔNG?

Khi còn chưa có đủ chứng cứ để khẳng định sự bóp méo lịch sử của “sử gia Nho giáo”, “sử gia phe thắng trận”, “các sử gia Trung Quốc cổ toàn nghe lời Đinh Liễn”, người đọc đã nhìn ra những biểu hiện “bóp méo nguồn sử liệu” của tác giả Trần Trọng Dương trong cuốn sách này.

Với một cuốn sách có nhiều luận điểm suy đoán thiếu căn cứ, những luận cứ có được từ “vặn nguồn” và dựa trên những “kết quả nghiên cứu đi trước” vốn cũng có cơ sở rất yếu, tôi không có ý định sẽ sử dụng để làm tư liệu viết wikipedia; có chăng chỉ trích dẫn để minh họa cho những luận điểm sai lầm.
Phạm Trung Đà


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
admin - 22/06/2020 07:19
Bạn đọc Nguyên Long có ý kiến như sau:
"Kính gửi nhà nghiên cứu Phạm Trung Đà. Anh có ý kiến gì về việc xác định niên đại của chuông Nhật Tảo bài minh được viết trên chuông năm Càn Hoà thứ 6 (948). Nhưng nếu đem chiếu theo lịch sử nước ta, chưa bao giờ chúng ta có niên hiệu Càn Hòa. Càn Hoà là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, đóng đô ở Quảng Châu. Trước đó 10 năm chính nước này đã đem quân xâm lược nước ta và đại bại trên sông Bạch Đằng. Từ đó có thể khẳng định tuy Ngô Quyền đã giành được độc lập nhưng vẫn chưa định niên hiệu.

Sao lại có chuyện đất nước giành độc lập rồi mà khi đúc chuông lại phải dùng niên hiệu của triều đại đối địch với nước Việt?"
---

Về điều này chúng tôi nhận được trả lời của tác giả Phạm Trung Đà như sau:
Thời kỳ phục quốc của ta là cả 1 quá trình, suốt từ họ Khúc tới họ Đinh. Họ Ngô là 1 bước "nhích" tiếp theo sau họ Khúc và họ Dương xưng Tiết độ sứ.

Dù Ngô Quyền xưng vương, nước ta vẫn chưa có quốc hiệu khi đó, vẫn chỉ là "Tĩnh Hải quân" của phương Bắc trên danh nghĩa. Ngô Quyền không sợ Nam Hán, nhưng những người sau ông thì không làm được. Như Ngô Xương Văn sau này (954) đã sai sứ đi xin Lưu Thạnh phong tước.

Năm 948 là thời Dương Tam Kha, về quan điểm chính trị chắc ông ta cũng như Xương Văn sau này. Do uy tín không bằng Ngô Quyền nên phải "nương" vào kẻ xưng đế gần nhất (và gần như "còm" nhất).

Còn có thể vì 1 lý do khác nữa mà bài minh dùng niên hiệu của Lưu Thạnh, là do người phương Bắc làm. Chiếu theo niên đại mà Hồ Hưng Dật (được cho là tổ của Hồ Quý Ly) sang VN, thì là gần thời điểm này. Hưng Dật sang VN trong niên hiệu Càn Hựu của vua Hậu Hán Lưu Thừa Hựu - vua "chính thống", niên hiệu chính thống ở trung nguyên. Niên hiệu này kéo dài từ 947-950, cùng thời gian của bài minh (948).

Tổ tiên 3 sứ quân họ Nguyễn - Thủ Tiệp, Siêu và Khoan cũng được cho là người phương Bắc, sang vào thời Hậu Tấn 936-947.

Vậy thì có vẻ như loạn lạc phương Bắc khiến người Hoa tràn sang khi đó. Và có thể 1 người có gốc Nam Hán sang đã soạn bài minh và dùng niên hiệu của vua Nam Hán.
Nguyen Long - 31/03/2020 22:56
Kính gửi nhà nghiên cứu Phạm Trung Đà. Anh có ý kiến gì về việc xác định niên đại của chuông Nhật Tảo bài minh được viết trên chuông năm Càn Hoà thứ 6 (948). Nhưng nếu đem chiếu theo lịch sử nước ta, chưa bao giờ chúng ta có niên hiệu Càn Hòa. Càn Hoà là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, đóng đô ở Quảng Châu. Trước đó 10 năm chính nước này đã đem quân xâm lược nước ta và đại bại trên sông Bạch Đằng. Từ đó có thể khẳng định tuy Ngô Quyền đã giành được độc lập nhưng vẫn chưa định niên hiệu.

Sao lại có chuyện đất nước giành độc lập rồi mà khi đúc chuông lại phải dùng niên hiệu của triều đại đối địch với nước Việt ?
Phan Hưng - 05/06/2019 05:33
Bài viết rất lô gic và chính xác, cám ơn tác giả Phạm Trung Đà.
Đỗ Quốc Thung - 01/06/2019 02:51
Tôi rất thích đọc wikipedia và chán ghét những bài viết của ông tiến sĩ giấy Trần Trọng Dương
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh