Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

Sự thật Mỹ đã giúp Liên Xô như thế nào trong chiến tranh thế giới thứ II

FRIday - 30/12/2016 08:17
Văn nghệ Xứ Đoài xin chuyển đến bạn đọc bài viết của một “người trong cuộc”- chuyên gia quân sự Nga Andrey Chaplygin đăng trên báo “Bình luận quân sự” Nga ngày 21/5/2016.
“Có lẽ gần như ai cũng biết về những gì Mỹ đã cung cấp cho Liên Xô trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Khi nói đến lend - lease, trong trí nhớ hiện ngay hình ảnh những chiếc “Studenbaker” (xe ô tô), hộp thịt hầm Mỹ được binh lính Xô Viết đặt tên là “mặt trận thứ hai”.
Nhưng những hình ảnh đó có lẽ mang nhiều sắc thái nghệ thuật – tình cảm và trên thực tế chỉ là phần nổi của tảng băng. Người viết (A.Chaplygin) muốn gửi tới bạn đọc bài viết này với mục đích xây dựng một cách nhìn chung về lend - lease và vai trò của nó trong Chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
Su that My da giup Lien Xo nhu the nao?
Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ áp dụng bộ luật được gọi là “Luật về trung lập” , - theo luật này thì khả năng duy nhất để hỗ trợ bất kỳ bên tham chiến nào là bán vũ khí và nguyên - vật liệu cho nước đó hoàn toàn bằng tiền mặt, không những thế - công tác vận chuyển cũng do bên đặt hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm – theo nguyên tắc “cash and carry”, nói nôm na – “tiền trao cháo múc”.
Nước sử dụng sản phẩm quân sự của Mỹ chủ yếu lúc đó là Anh, nhưng không lâu sau đó Anh cũng cạn nguồn dự trữ ngoại tệ. Cũng vào thời gian đó, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã hiểu rất rõ là lối thoát tốt nhất đối với Mỹ trong tình huống lúc đó là trợ giúp kinh tế toàn diện cho những nước đang chiến đấu chống Phát xít Đức.
Chính vì thế mà ông đã “ép” Quốc hội Mỹ thông qua “Luật về đảm bảo bảo vệ Hợp chủng quốc Hoa kỳ” ngày 11/3/1941, hay còn được gọi là “Luật về lend - lease” Từ thời điểm đó trở đi nếu nước nào được Mỹ xác định là việc phòng thủ nước đó có tầm quan trọng sống còn với Mỹ sẽ được Mỹ cung cấp vũ khí và các nguyên liệu chiến lược theo các nguyên tắc sau:
1. Vũ khí và nguyên - vật liệu bị tổn thất trong các hoạt động tác chiến thì không phải trả tiền.
2. Những tài sản còn lại sau chiến tranh nếu còn sử dụng được cho các mục đích dân sự (của nước nhận lend –lease), sẽ phải được thanh toán toàn bộ hoặc một phần theo điều kiện đó là khoản tín dụng dài hạn do Mỹ cung cấp.
3. Những trang thiết bị không bị tổn thất và còn lại sau chiến tranh phải hoàn trả lại cho Mỹ.

Su that My da giup Lien Xo nhu the nao?
Iosiv Stalin và Garry Hopkin , năm 1941
Sau khi Đức tấn công Liên Xô, Tổng thống F. Roosevelt đã cử cố vấn thân cận nhất của mình là Garry Hopkin đến Matxcova để tìm hiểu xem liệu “nước Nga có thể cầm cự được trong bao lâu”.
Điều này là rất quan trọng đối với Tổng thống Roosevelt vì lúc đó đại bộ phận chính giới Mỹ đều cho rằng Liên Xô không thể đứng vững trước Quân Đức và những vũ khí –nguyên vật liệu Mỹ nếu cung cấp cho Liên Xô sẽ nhanh chóng rơi vào tay đối phương.
Ngày 31/7/1941, I.Stalin và V.Molotov đã có cuộc gặp với đặc phái viên G.Hopkin. Sau cuộc họp, nhà chính khách Mỹ này rời Matxcova với niềm tin chắc chắn là Quân Đức không thể giành một chiến thắng nhanh chóng trước Liên Xô và việc cung cấp vũ khí cho Matxcova sẽ góp phần thay đổi đáng kể tiến trình chiến tranh.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 10-11/1941, Liên Xô mới được đưa vào vào danh sách các nước nhận lend - lease ( trước thời điểm đó nước ta (Liên Xô) phải trả tiền cho các mặt hàng quân sự nhận từ Mỹ). Sở dĩ Tổng thống Roosevelt phải cần một khoảng thời gian dài như vậy là vì vấp phải sự phản đối của tương đối nhiều chính khách Mỹ.
Nghị định thư đầu tiên được ký ngày 01/10/1941 (còn được gọi là Nghị định thư Matxcova) xác định: cung cấp cho Liên Xô máy bay (máy bay tiêm kích và máy bay ném bom), xe tăng, pháo chống tăng và pháo phòng không, xe vận tải, nhôm, benzen, sản phẩm hóa dầu, bột mỳ và đường. Thời gian về sau, số lượng và danh mục các mặt hàng liên tục tăng.
Hàng hóa được vận chuyển đến Liên Xô theo 3 tuyến chủ yếu: tuyến Thái Bình Dương, Tuyến xuyên Iran và Tuyến Vùng cực. Tuyến nhanh nhất nhưng đồng thời cũng nguy hiểm nhất là tuyến Vùng cực đến Murmansk và Arkhanghelsk.
Công tác hộ tống các đoàn tàu hàng trên tuyến này do Hải quân Anh đảm nhiệm, - khi các tàu đến gần Murmansk thì Hải quân Xô Viết sẽ chịu trách nhiệm tăng cường lực lượng để bảo vệ các tàu vận tải.
Thời gian đầu Quân Đức hầu như không để ý để các đoàn tàu ở phía Bắc – họ quá tin vào một chiến thắng chớp nhoáng, tuy nhiên, khi các hoạt động tác chiến đã chuyển sang giai đoạn cầm cự, Bộ Tư lệnh Đức tăng cường thêm lực lượng cho các căn cứ Đức ở Na Uy.
Tháng 7/1942, Hải quân Đức phối hợp cùng với Không quân đã gần như xóa sổ hoàn toàn đoàn tàu vận tải PQ-17: có tới 22 tàu vận tải trong số 35 chiếc bị đánh chìm.
Do phải chịu những tổn thất nặng nề, cũng như phải điều quá nhiều tàu chiến để hộ tống các tàu vận chuyển hàng cho Malta đang bị bao vây và sau nữa là chuẩn bị chiến dịch đổ bộ lên Bắc Phi nên người Anh buộc phải chấm dứt các chiến dịch hộ tống các đoàn tàu hàng trên tuyến biển phía Bắc cho đến đêm Vùng cực.
Bắt đầu từ năm 1943, cán cân lực lượng trên vùng biển Bắc cực nghiêng về phía các nước đồng minh. Số lượng các chuyến tàu hàng qua tuyến này bắt đầu tăng lên và tổn thất cũng ít hơn. Tính tổng cộng, đã có 4.027.000 tấn hàng cung cấp cho Liên Xô được vận chuyển qua tuyến Vùng cực. Tổn thất không vượt quá 7% tổng khối lượng hàng vận chuyển.

Tuyến ít nguy hiểm hơn cả là tuyến Thái Bình Dương, - theo tuyến này đã có tới 8.376.000 tấn hàng được vận chuyển cho Liên Xô.
Việc vận chuyển hoàn toàn do các tàu mang cờ Liên Xô thực hiện (khác với Mỹ, vào thời kỳ đó Liên Xô chưa tuyên chiến với Nhật Bản). Tiếp theo, hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt gần như qua toàn bộ lãnh thổ Nga (từ tận Viễn Đông sang phía Tây).
Một tuyến đường thay thế (ở một chừng mực nhất định) cho tuyến phía Bắc là tuyến xuyên Iran. Các tàu Mỹ chở hàng đến các cảng ở Vịnh Ba Tư, rồi sau đó hàng được chuyển đến Liên Xô bằng đường sắt và đường bộ. Để đảm bảo kiểm soát hoàn toàn tuyến vận tải này, vào tháng 8/1941 Liên Xô và Anh đã chiếm đóng Iran.
Để tăng cường năng lực vận chuyển, các bên đã hiện đại hóa quy mô lớn các cảng trên Vịnh Ba Tư và tuyến đường sắt xuyên Iran. Tập đoàn “General Motors” ( Mỹ) đã xây dựng tại Iran 2 nhà máy lắp ráp các xe vận tải cung cấp cho Liên Xô. Trong tất cả các năm chiến tranh, riêng 2 nhà máy này đã lắp ráp và chuyển đến Liên Xô 184.112 xe ô tô.
Tổng lưu lượng hàng hóa qua các cảng Vịnh Ba tư trong suốt thời gian tồn tại của tuyến xuyên Iran là 4.227.000 tấn .

Phương tiện kỹ thuật hàng không Mỹ trong khuôn khổ chương trình lend- lease
Từ đầu năm 1945, sau khi giải phóng Hy Lạp, tuyến Biển Đen bắt đầu hoạt động. Liên Xô đã nhận qua tuyến này 459.000 tấn hàng.
Ngoài các tuyến vận tải như đã nói ở trên, còn 2 cầu đường không để đưa máy bay từ Mỹ đến Liên Xô. Tuyến được nhiều người biết đến nhất là cầu hàng không “Alsiv” ( viết tắt “ Alaska- Sibiri”), theo tuyến này đã có 7.925 máy bay bay sang Liên Xô. Các máy bay thuộc chương trình lend- lease cũng bay từ Mỹ sang Liên Xô qua Nam Đại Tây Dương, Châu Phi và Vịnh Ba tư (993 máy bay).
Trong nhiều năm liền, các nhà sử học nước nhà (Nga ) trong các 'tác phẩm' của mình có khẳng định rằng tỷ lệ lend - lease chỉ bằng gần 4% tổng khối lượng sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp Liên Xô. Và, mặc dù không có cơ sở để nghi ngờ tính xác thực của con số trên, nhưng vấn đề là ở chỗ khác.
Như mọi người điều biết, cả một sợi dây xích có chắc hay không là do mắt xích yếu nhất quyết định. Chính vì vậy mà khi xác định danh mục các mặt hàng Mỹ cung cấp, các nhà lãnh đạo Xô Viết quan tâm hàng đầu đến việc “lấp đầy” những “chỗ yếu” trong Quân đội Xô Viết.
Điều này có thể thấy rất rõ qua phân tích khối lượng các mặt hàng nguyên - nhiên liệu chiến lược cung cấp cho Liên Xô.
Ví dụ : Liên Xô đã nhận được 295.600 tấn thuốc nổ, - tức bằng 53 % tổng khối lượng thuốc nổ do các xí nghiệp Liên Xô sản xuất.
Tỷ lệ một số mặt hàng khác còn ấn tượng hơn như đồng - 76% , nhôm - 106% , thiếc – 223%, cobal – 138% , len -102% , đường – 66% và thịt hộp – tới 480% .

Đại tướng A.M. Korolev (Liên Xô) và Thiếu tướng Donald Conneli (Mỹ) bắt tay nhau cạnh đoàn tàu chở hàng lend lease vừa vào ga.
Việc cung cấp ô tô cũng rất đáng được quan tâm phân tích kỹ. Tổng cộng Liên Xô đã nhận theo chương trình lend- lease 447.785 xe ô tô.
Điều đáng nói là công nghiệp Xô Viết trong những năm chiến tranh xuất xưởng 265.000 xe tô tô. Như vậy, khối lượng xe ô tô nhận được từ các đồng minh nhiều hơn 1,5 lần số ô tô tự sản xuất.
Không những thế, xe ô tô lend- lease là xe quân sự “chính hãng chuyên dụng” và có thể khai thác sử dụng trong điều kiện chiến trường, trong khi đó xe ô tô tự sản xuất được cung cấp cho Quân đội chủ yếu là các xe “dân dụng”.
Khó có thể đánh giá thấp vai trò của các xe ô tô lend - lease trong các hoạt động tác chiến. Chính chúng đã góp phần quan trọng trong thành công của các chiến dịch năm 1944 đã đi vào lịch sử với tên gọi nổi tiếng “10 cú đấm của Stalin”.
Lend - lease của đồng minh cũng đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo khả năng vận hành của hệ thống vận tải đường sắt Xô Viết trong những năm chiến tranh. Liên Xô đã nhận 1.900 đầu máy hơi nước và 66 đầu máy điện- diezel (trong các năm 1942 -1945 Liên Xô sản xuất được 92 đầu máy), 11.075 toa tàu (tự sản xuất -1.087 toa).
Cùng với việc nhận lend-lease từ đồng minh, Liên Xô cũng lend – lease ngược. Trong các năm chiến tranh, các nước đồng minh cũng đã nhận từ Liên Xô 300 .000 tấn quặng crom và mangan, gỗ, vàng và bạch kim.
Trong cuộc tranh luận với chủ đề “Liệu Liên Xô có thể giành chiến thắng mà không cần lend-lease không?” đã có nhiều định kiến bị lung lay.
Bản thân tác giả (A. Chaplygin.) cho rằng – có thể. Nhưng vấn đề là ở chỗ hiện nay không thể tính toán được nếu không có lend –lease thì cái giá phải trả là như thế nào.
Nếu như những vũ khí mà các nước đồng minh cung cấp cho chúng ta có thể thay thế bằng các vũ khí do nền công nghiệp Liên Xô tự sản xuất bằng cách này hay cách khác, thì ngành giao thông vận tải, các ngành sản xuất một loạt các nguyên liệu chiến lược sẽ nhanh chóng rơi vào khủng hoảng nếu thiếu nguồn cung cấp từ các đồng minh.
Thiếu các phương tiện vận tải đường sắt và xe ô tô sẽ làm tê liệt việc cung cấp cho Quân đội, làm giảm khả năng cơ động, và hậu quả sẽ làm giảm nhịp độ tiến hành các chiến dịch và làm gia tăng tổn thất.
Thiếu các kim loại màu, đặc biệt là nhôm sẽ tác động tiêu cực ngay đến khối lượng vũ khí xuất xưởng, và nếu thiếu lương thực sẽ rất khó đấu tranh chống nạn đói. Chắc chắn nước ta (Liên Xô) cũng đã có thể đứng vững và giành chiến thắng trong một tình thế như vậy, nhưng không thể xác định được cái giá phải trả sẽ tăng lên đến mức độ nào.
Chương trình lend –lease bị phía Mỹ chủ động chấm dứt ngày 21/8/1945, mặc dù Liên Xô đã có đề nghị tiếp tục kéo dài theo các điều kiện vay tín dụng (để khôi phục lại đất nước). Tuy nhiên, đến thời điểm ấy Tổng thống F.Roosevelt đã mất và một thời kỳ “chiến tranh lạnh” đã bắt đầu.
Trong thời gian chiến tranh đã không có một đợt thanh toán lend- lease nào được thực hiện. Năm 1947, Mỹ đánh giá khoản nợ của Liên Xô theo Chương trình lend - lease là 2,6 tỷ đô la, nhưng một năm sau con số trên được chốt lại là 1,3 tỷ đô la.
Theo dự tính, Liên Xô sẽ thanh toán nợ trong 30 năm. Nhưng I.V.Stalin đã bác bỏ con số này sau khi tuyên bố “Liên Xô đã trả bằng máu quá nhiều cho các khoản nợ lend - lease rồi”.
Đồng thời, về phần mình, Liên Xô là nước đầu tiên xóa các khoản nợ lend - lease cho những nước khác.
Thêm nữa, I.V. Stalin có thừa đủ lý do để không muốn lấy tiền của một đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh để trả cho các đối thủ tiềm năng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba.
Thỏa thuận mới về “quy trình“ ( lại xin lỗi vì từ “quy trình”) thanh toán nợ mãi đến năm 1972 mới được ký kết. Liên Xô cam kết trả cho Mỹ 722 triệu đôla trước năm 2001. Nhưng sau khi đã chuyển khoản được 48 triệu đô la thì việc thanh toán lại bị dừng lại do Mỹ thông qua đạo luật phân biệt đối xử Jacson – Vanic.
Đến năm 1990, vấn đề trên lại được xới lên trong cuộc gặp giữa Tổng thống Liên Xô (Gorbachev) và Tổng thống Mỹ. Một con số mới được đưa ra – 674 triệu đô la – thời hạn thanh toán cuối cùng: 2030. Sau khi Liên Xô tan rã, khoản nợ trên chuyển giao cho Nga.

Để kết thúc bài viết, có thể rút ra kết luận rằng đối với Mỹ thì lend - lease trước hết, như chính Tổng thống Mỹ F.Roosevelt đã từng nói: “Đó là một khoản đầu tư sinh lời”.
Nhưng cũng cần phải thấy rằng đây không phải là lợi nhuận trực tiếp từ những sản phẩm đã cung cấp mà là những khoản lợi gián tiếp mà nền kinh tế Mỹ nhận được sau chiến tranh.
Lịch sử đã cho thấy rằng, chính trong sự phồn vinh của Mỹ sau chiến tranh có một phần đóng góp không nhỏ bằng máu của những người lính Xô Viết. Còn đối với Liên Xô, lend - lease đã là phương pháp duy nhất để giảm thiểu tổn thất trên con đường đi đến Chiến thắng.
Một “cuộc hôn nhân có tính toán” là như vậy đấy… 
Lê Hùng

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh