Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

TIẾNG HÁN TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH

FRIday - 05/09/2014 10:41
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhiều ngoại ngữ, nhưng tiếng Hán là ngoại ngữ duy nhất Người dùng để làm thơ. Khảo sát ngôn ngữ Hán trong thơ của Người chắc chắn sẽ rút ra được những bài học bổ ích.
TIẾNG HÁN TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH

TIẾNG HÁN TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH

Đối tượng khảo sát của chúng tôi là toàn bộ 144 bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh đã được công bố:
- 127 bài trong Nhật ký trong tù(1)
- 16 bài thơ chữ Hán trong Thơ Hồ Chí Minh(2)
- Bài, Vấn thoại vốn trong Ngục trung nhật ký, đã giới thiệu trên báoNhân dân(3).
Câu hỏi đầu tiên thường đến với người nghiên cứu một cách rất tự nhiên là tại sao nhà thơ - lãnh tụ của chúng ta lại chọn Hán ngữ làm phương tiện biểu đạt trong trường hợp này.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, câu trả lời cho vấn đề đặt ra trên đây có thể tìm thấy từ hai phía.
Một mặt, tiếng Hán ở Việt Nam là một ngoại ngữ đặc biệt. Đó là ngoại ngữ duy nhất mà người Việt Nam đã cấp cho hẳn một hệ thống ngữ âm riêng hoàn chỉnh hình thành trong lịch sử. Những đặc điểm loại hình học chung cho hai ngôn ngữ Việt, Hán (có thanh điệu, âm tiết tính…) giúp cho các thể loại thơ Trung Quốc, trước hết là thơ cổ phong và thơ Đường luật dễ dàng được người Việt Nam tiếp nhận và mau chóng trở thành những bộ phận của thi pháp Việt Nam. Thơ cổ phong và Đường luật dù viết bằng chữ Hán, nếu được đọc theo âm Hán - Việt thì xét riêng về âm vận, không có gì xa lạ với truyền thống cảm thụ nghệ thuật của người Việt Nam. Hơn thế, trong nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã sử dụng Hán tự như thứ chữ viết chính thức để sáng tạo nên nền văn học viết của mình với bao thành tựu rực rỡ từ Thơ đuổi giặc (Thoái lỗ thị) của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Cáo bình ngôcủa Nguyễn Trãi, từ rất nhiều thơ phú của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn cho đến Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền… Các tác phẩm ưu tú của nhiều thế hệ Việt Nam tuy viết bằng chữ Hán nhưng nội dung mang tính dân tộc sâu sắc chắc chắn đã thấm sâu vào tâm hồn Người, bên cạnh các kiệt tác Đường Tống đã trở thành vốn quý trong kho tàng thơ ca cổ điển của nhân loại.
Mặt khác, ở thế hệ của Người, trong truyền thống gia đình của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học làm thơ bằng chữ Hán từ rất sớm, nên những khi xúc cảnh sinh tình thốt lên lời thơ bằng chữ Hán là một điều dễ hiểu. Đặc biệt, là ngôn phong của Đường thi vốn hàm súc, nhiều tính ước lệ, gợi nhiều hơn tả, sở trường ở “ý tại ngôn ngoại”, nói chung rất hợp với nhu cầu giải bày tình cảm bằng một lượng chất liệu cực kỳ tiết kiệm. Tất nhiên, ngôn ngữ thơ chữ Hán Hồ Chí Minh vẫn có những đặc điểm riêng, khác với thơ Đường mà chúng tôi sẽ cố gắng phân tích ở dưới.
Ấn tượng mạnh đối với người đọc thơ chữ Hán Hồ Chí Minh là tác giả đã sử dụng một cách tinh xác và thoải mái cả hai hệ thống của chữ Hán: văn ngôn (văn ngôn văn) và bạch thoại (bạch thoại văn)(*)
Trên đại thể phần lớn các bài thơ trữ tình không hướng tới một đối tượng cụ thể thì Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng văn ngôn, còn những bài có tính chất thù tiếp xã giao trong thời gian đi thăm Trung Quốc, nói trực tiếp với nhân dân Trung Quốc thì Người dùng bạch thoại.
Đương nhiên, sự phân chia ấy cũng chỉ có tính chất tương đối.
Trong Ngục trung nhật ký và cả trong tập Thơ Hồ Chí Minh đều có rất nhiều bài viết theo lối văn ngôn chặt chẽ. Từ ngữ, cú pháp và cả thi pháp đều rất điển hình theo lối thơ Đường cổ điển.
Trong Ngục trung nhật ký, đó là các bài Khai quyển với các câu:
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật,
Thả ngân thả đãi tự do thì.

Thế lộ nan:
Vô nại phong ba bình địa khởi,
Tống dư nhập ngục tác giai tân.

Trung thu (nhị)
Tâm tùy thu nguyệt cộng du du.
Dạ túc Long Tuyền
Cách lân hân thính hiểu canh đề
Điền đông
Tân như quế dã, mễ như châu…
Và rất nhiều bài khác: Nạn hữu xuy địch, Vọng nguyệt, Hoàng hôn, Tẩu lộ, M, Tảo giải, Dạ lãnh, Bán lộ đáp thuyền phó Ung, Thuỵ bát trước, Ức hữu, Lại sang, Chiết tự, Tảo tình, Thanh minh, Thu dạ, Tình thên, Khán (Thiên gia thi) hữu cảm, Tân xuất ngục học đăng sơn…
Đó cũng là hầu hết các bài trong tập Thơ Hồ Chí Minh. Ngôn ngữ các bài ấy mang đậm chất ngôn ngữ thơ Đường.
Ngược lại cú pháp bạch thoại rất rõ nét trong các kết cấu sau:
Hữu nhân tống phạn ngật đắc bão. 
Một nhân tống phạm hám da nương.
(Tù lương)

Dân gian đổ bác bị quan lại.
(Đổ)

Tai ương bả ngã lai đoàn luyện
(Tự miễn)

Can tịnh tù lung hảo vệ sinh
(Long An Lưu sở trường).

Giả như nhĩ tưởng hảo hảo thụy 
Nhĩ yếu đa hoa kỉ khối tiền
(Lữ quán)

Sử nhân đỗ tử chiến căng căng
(Nam Ninh ngục)

Vẫn giai giải phược cấp tha thụy
(Mạc ban trướng)

Khả tích tha bào bán lí tử,
Hựu bị cảnh binh tróc hồi lai.
(Tha tưởng đào)

Đặc điểm chung của các kết cấu này là tính chất khẩu ngữ. Đi vào câu thơ Đường luật, chúng có lúc vượt ra ngoài niêm luật bằng trắc. Một số người nghiên cứu khi phiên âm các bài thơ này đã điều chỉnh thanh điệu của âm chữ (môn>mão; bão>bào v.v…) nhằm gò chúng vào cái khuôn niêm luật. Thiết tưởng làm như vậy là không thỏa đáng. Đúng ra, những bài thơ như vậy, nhất là những câu đã dẫn, phải đọc bằng âm bạch thoại mới diễn đạt hết dụng ý của tác giả.
Điều đáng nói hơn, chính là ở những bài mà tác giả đã sử dụng tài tình cả hai hệ thống văn ngôn và bạch thoại kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn, hài hòa.
Một vài thí dụ:
Khuyến quân thả ngật nhát cá bão 
Bĩ cực chi thời tất thái lai
(Tảo,2)

Khẩu bát năng thuyết đích, 
Chỉ lại nhãn truyền ngôn.
(Nạn hữu chi thê thám giam)

Các liên từ nhân vị, sở dĩ, hạch nhi trong bài Tứ cá nguyệt liễu cũng thuộc loại đó.
Ở đây, xin dừng lại chốc lát trên bài Chính trị bộ cấm bế thất để làm rõ đặc điểm này. Bài tứ tuyệt ấy như sau:
Nhị xích khoát hề tam xích trường,
Tứ nhân trú thử nhật bàng hoàng.
Yếu thân thân cước, dã bất khả,
Nhân vị nhân đa, thiểu địa phương.

Màu sắc văn ngôn nổi lên rất rõ ở hai câu đầu, với cú pháp nhắc đôi câu chen trợ từ ngữ khí “hề” đặc trưng của Sở từ, với trạng ngữ đơn viết Nhật đặt trước động từ song tiết bàng hoàng là một điệp vận.
Ngược lại ở hai câu sau, kiểu lặp lại động từ đơn tiết trước bổ ngữ trực tiếp thân thân cước, cách dùng phó từ dã (cũng), liên từ nhân vịvà nhất là kết cấu thiểu địa phương đều đặc trưng cho cú pháp bạch thoại.
Sự đối lập về ngôn phong giữa hai câu đầu và hai câu sau làm bật lên cái ý vị mỉa mai châm biếm, miêu tả một cách tài tình cái phòng giam của Cục chính trị.
Xin lưu ý rằng các bản dịch đã có từ trước đến nay chưa chú ý đến đặc điểm ngôn phong này. Riêng bài trên, xin đề nghị một lời dịch như sau:
Ba thước dài chừ hai thước rộng,
Quanh quẩn bốn người sống ở trong.
Muốn duỗi cái chân, không duỗi được,
Bởi chưng đất chật, lại người đông.

Trái với tình hình trên đây, bài Công lí bi (Một cây số) cả bài được viết bằng hệ thống văn ngôn chặt chẽ, toát lên ý vị trang trọng ngợi ca. Bởi thế, trong cặp câu cuối bài:
Nhĩ công dã bất tiểu
Nhân nhân bất nhĩ vương (vong)

Cần lưu ý kết cấu cú pháp đại từ nhân xưng nhĩ làm tân ngữ của động từ vong trong câu phủ định (có phó từ bát) nên đặt trước động từ ấy. Đó là một kết cấu cú pháp điển hình cho tiếng Hán thời thượng cổ(4).
Trong tương quan ấy, chúng tôi cho rằng dã không nên hiểu là phó từ và dịch là “công anh cũng không nhỏ” mà nên coi là trợ từ ngữ khi ngắt sau chủ ngữ của câu.
Cũng như vậy, cú pháp đặc trưng văn ngôn trong bài Các báo: Hoan nghênh Ủy ki đại hội tô đậm sắc thái mỉa mai của cả bài, nhất là trong 4 câu cuối:
Đồng thị đại biểu dã,
Đãi ngộ hồ huyền thù ?
Nhân tình phân lãnh nhiệt,
Tự cổ thủy đông lưu.

Xét riêng trên bình diện sử dụng ngôn ngữ, việc kết hợp nhuần nhuyễn cả hai hệ thống văn ngôn và bạch thoại như vậy là một đặc điểm quan trọng khiến Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh chẳng những là sự tiếp nối cái mạch thơ chữ Hán của các thế hệ thi nhân Việt Nam trước kia mà còn đem đến cho thơ chữ Hán Việt Nam một chất lượng mới, phản ánh sự giao lưu và tiếp xúc ngôn ngữ Trung Quốc - Việt Nam trong thời hiện đại.
Đặc điểm thứ hai dễ nhận thấy là tính bình dị của ngôn ngữ. Thơ hay bao giờ cũng bình dị.
Bình dị trong cách dùng từ. Theo thống kê của chúng tôi, nhà thơ Hồ Chí Minh đã dùng vẻn vẹn 1330 chữ Hán trong tổng số ngót 5 vạn chữ Hán hiện có. Trừ một số rất ít chữ là tên riêng như Ung (Nam Ninh), Dụ (Thượng Hải)… hầu hết đều nằm trong bảng chữ Hán tối thiểu, thuộc số những chữ có tần số sử dụng cao nhất.
Bình dị cả trong cách đặt câu. Hầu như không có một câu nào rắc rối khó hiểu về mặt cú pháp.
Song song với tính bình dị là tính chính xác cao độ, đạt tới mức tinh xác.
Xin nêu một vài thí dụ.
“Quân cơ”, “quân sự” và “quân vụ” trong các câu:
Quân cơ quốc kế thương đàm liễu,
(Đối nguyệt: Vô đề)

Yêu ba thâm xứ đàm quân sự
(Nguyên tiêu)

Quân vụ nhưng mang vị tố thi
(Báo tiệp)

Các bài dịch đều chuyển sang tiếng Việt là “việc quân” (cũng khó dịch hơn được) nhưng những ai biết tiếng Hán đều hiểu được sự khác nhau giữa 3 từ trong nguyên tác:
Quân cơ chỉ việc cơ mật trong quân, quân vụ chỉ sự vụ của quân đội, còn quân sự là từ chung nhất chỉ mọi hoạt động của lực lượng vũ trang.
Cũng như vậy, các ngòi bút phiên dịch đều cảm thấy lúng túng trước các từ chính nhân và hành nhân xuất hiện cạnh nhau trong chùm thơ Tảo giải:
Chính nhân di tại chính đồ thượng
(bài I)


Hành nhân thi hứng hốt gia nồng
(bài II)

Đó cũng là trường hợp của Vĩnh và trường trong:
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
(Khai quyền)


Tố sự thung dung nhật nguyệt trường
(Thất cửu)

Càng ngẫm nghĩ càng thấm thía cái tinh tế tài tình của tác giả trong một chữ dùng, như chữ ma chẳng hạn, ở câu:
Yếu đáo ngục trung căn trước ma 
(Tân Dương ngục trung bài)

Ma chứ không phải mẫu hoặc nương vì đây là lời của một em bé “vừa nửa tuổi”.
Các cụm từ thướng sơn và đăng sơn đều dịch là “lên núi”. Nhưng trong sự tinh tế của từ vựng tiếng Hán thì đăng khác thướng ở chỗđăng có hàm nghĩa “đi bộ lên”, còn thướng thì không quan tâm đến phương hướng (dĩ nhiên còn có sự đối lập bằng trắc trong thanh điệu).
Những thí dụ như vậy nhiều không kể xiết. Truyền thống thi pháp Trung Hoa đã từng có giai thoại “thôi xao” nổi tiếng, chính là trong ý nghĩa đó.
Thế đối lập ngữ nghĩa giữa ma đăng (dịch âm tiếng Anh modern) vàhiện đại hiện ra chủ yếu là trên sắc thái biểu cảm.
Tự cung trong câu:
Tự cung thanh đạm tinh thần sảng
(Thất cửu)

dịch là “sống cách thanh đạm” thì cũng là tạm dịch vậy thôi, chứ đâu đã truyền đạt đến được hàm lượng ngữ nghĩa rất xác định của nó.
Những từ như xuất cung trong câu:
Xuất cung đã bị nhân chế tài
(Hạn chế)

rõ ràng đã được cân nhắc kỹ để tránh sự khiếm nhã mà bản dịch đã không tránh được (Đến buồn đi ta cũng không cho)
Thiên lượng - trong câu:
Tất cảnh tỉ đồ bộ phiêu lượng
(Tháp hỏa xa vãng Lai Tân)

cũng là một trường hợp khó tìm được từ thay thế trong nguyên tác.
Chỉ xin thêm một thí dụ về các đại từ nhân xưng. Đại từ nhân xưng (nói rộng ra là từ nhân xưng) vốn là một phạm trù khá phức tạp trong các ngôn ngữ tiếng Hán, tiếng Việt, nhất là tiếng Hán cổ.
Trong bài Trưng binh gia quyến, tác giả đã phân biệt rất tế nhị từ tự xưng thiếp trong quan hệ hô ứng với Lang quân ở hai câu đầu:
Lang quân nhất khứ bất hồi đầu,
Sử thiếp khuê trung độc bão sầu;

với dư ở hai câu cuối trong quan hệ với đương cục và với người đối thoại.
Đương cục khả liên dư tịch mịch,
Thỉnh dư lai tạm trú lao tù.

Cũng như tiếng Việt, tiếng Hán là ngôn ngữ thanh điệu. Âm vận học là một ngành rất phát triển của ngôn ngữ học Trung Hoa. Thanh điệu được thi pháp Trung Hoa chú ý rất sớm. Với Đường luật, quy tắc phối hợp thanh điệu trong các câu thơ đã được ngiên cứu tỉ mỉ và chặt chẽ thành các mô hình bằng trắc nghiêm ngặt và các yếu quyết “nhất tam ngũ bát luận nhị tứ lục phân minh” v.v.
Nhưng, cũng như các thi nhân chân chính khác, nhà thơ Hồ Chí Minh không chịu để cho hình thức thể loại trói buộc khi hình thức ấy tỏ ra bất lực trước những cảm xúc mạnh mẽ, những suy nghĩ sâu sắc của mình.
Sự luân phiên bằng trắc vốn có tác dụng làm cho âm thanh trở nên êm ái, dịu ngọt. Nhưng khi cần thiết phục vụ nội dung. Người sẵn sàng hạ những câu toàn thanh trắc:
Lục nguyệt nhị thập tứ 
(Thướng sơn)

hay:
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ
(Phỏng Khúc Phụ)

Đường cong âm điệu của câu thơ như vậy thật hiếm trong lịch sử thơ ca, gợi lên cho trí tưởng tượng của người đọc những ấn tượng rất mạnh.
Ngược lại, Người cũng đã viết một câu thơ 7 chữ toàn thanh bằng:
Ô hô phu quân hề phu quân
(Dạ báo văn khốc phu)

nghe như một tiếng khóc than ai oán.
(Bản dịch năm 1983 của nhà xuất bản Văn học:
Than ôi, chàng ơi! Hỡi chàng ơi!
Chúng tôi đề nghị thay Hỡi bằng Hờ để giữ nguyên âm điệu 7 chữ toàn bằng của nguyên tác).
Sự tinh xác cũng được thể hiện trên cấp độ cú pháp.
Trong bài Vọng nguyệt chẳng hạn, cặp câu:
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

với cú pháp sóng đôi chung một động từ khán làm vị ngữ, có sự hoán vị giữa “người” và “trăng” trong vai trò chủ ngữ và tân ngữ, đã thể hiện tài tình mối giao hòa tình cảm giữa một người tù vĩ đại, giàu cốt cách thi nhân với một thiên nhiên mĩ lệ đầy thi vị một mối giao hòa kỳ diệu mà song sắt nhà tù không thể nào ngăn chặn nổi.
Lại lấy một cặp khác làm thí dụ, cặp câu:
Thùy yếu tẩy diện, vật phanh trà,
Thùy yếu phanh trà, vật tẩy diện.
(Phân thủy)

Cùng một cú pháp, với cùng ngần ấy yếu tố từ vựng, chỉ có các cụm từ “rửa mặt” và “pha trà” đảo lên đảo xuống, gợi lên một cảm giác luẩn quẩn bế tắc. Thêm vào đó vần trắc, dấu nặng của tiện và diệngieo vào tâm trí người nghe một ấn tượng nặng nề đến khó chịu.
Trên câu là cấp độ bản (exte). Nhà thơ của chúng ta dành vị trí ưu tiên tuyệt đối cho thể thất ngôn tứ tuyệt. Trong tổng số 44 bài thất ngôn tứ tuyệt chiếm 134 (93%). Trong một bài tứ tuyệt, người ta chỉ có 28 âm tiết để dựng lên một kiến trúc hoàn chỉnh hài hòa gắn bó hình thức với nội dung. Với thơ tứ tuyệt người ta đạt tới đỉnh cao của sự hàm súc, vốn là phẩm chất hàng đầu của ngôn ngữ thơ.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập ở đây bình diện văn tự, một bình diện độc đáo của tiếng Hán, nhất là tiếng Hán trong thơ ca.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Trung Quốc, thư pháp (phép viết chữ) với tác dụng tôn thêm vẻ đẹp của văn tự biểu ý, đã thực sự trở thành một bộ môn nghệ thuật.
Quả thật là trong khuôn khổ của Hán ngữ, người ta có thể nói đến một dạng tu từ học văn tự (stylistique graphique) đặc biệt phát triển ngoài các dạng tu từ học ngữ âm, tu từ học từ vựng, tu từ học ngữ pháp như vẫn thường thấy ở mọi ngôn ngữ.
Do đặc điểm của chữ Hán, người ta phát minh một lối thơ độc đáo, thơ chiết tự.
Đây là một trò chơi trí tuệ khá thú vị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết một bài thơ chiết tự như sau:
Tù nhân xuất khức hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thời thủy kiến trung.
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,
Lung khai trúc sản xuất chân long.
(Chiết tự)

Ý nghĩa của bài thơ gắn sát với hoàn cảnh thực của tác giả lúc bấy giờ.
Người tù ra khỏi ngục, có khi dựng nên đất nước,
Qua cơn hoạn nạn mới rõ lòng trung thành.
Người biết lo lắng thì ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cái then tre, thì con rồng chân chính sẽ bay.

Nhưng cái thần tình của bài thơ lại phải theo phép chiết tự mà cảm thụ:
Chữ tù bỏ chữ nhân ra, thêm chữ hoặc vào, thành chữ quốc;
Chữ hoạn bớt phần đầu đi thành chữ trung. Thêm chữ Nhân (đứng) vào chữ ưu trong ưu sầu thành chữ ưu trong ưu điểm;
Chữ lung bỏ trúc đầu thành chữ long.
Trên đây có thể xem là mấy suy nghĩ bước đầu của chúng tôi trong nỗ lực nghiên cứu toàn diện thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
P.V.C
(1) Nhật ký trong tù, in lần thứ ba, Viện Văn học dịch - chỉnh lý - bổ sung, Nxb Văn học, H. 1983.
(2) Hồ Chí Minh - Thơ, in lần thứ ba, Nxb. Văn học, H. 1975.
(3) Báo “Nhân dân” 13-5-1978 công bố 7 bài thì 6 bài trong số đó sau này được in vào Nhật ký trong tù, bản đã dẫn.
(*) Văn ngôn hay “văn ngôn văn” là hệ thống ngôn ngữ sách vở trên cơ sở tiếng Hán cổ, thông dụng ở Trung Hoa trước cuộc Vận động Ngũ tứ (1919). Thoạt đầu, khoảng trước đời Tần, thư ngôn ngữ văn hóa này đương nhiên có mối quan hệ khắng khít với khẩu ngữ đương thời. Song do nhiều nguyên nhân trong và ngoài ngôn ngữ, trong đó phải đặc biệt kể đến chính sách độc quyền lũng đoạn văn hóa và tấm lý sùng cổ của giai cấp thống trị Trung Hoa, văn ngôn tách dần khỏi khẩu ngữ. Được coi là hình thức ngôn ngữ chính thống, “cao quý” trong một thời kỳ lịch sử kéo dài mấy ngàn năm,văn ngôn trở nên khó hiểu, xa lạ với hoạt động nói năng phổ thông của toàn dân. Người Trung Hoa, trừ những người được đào tạo chuyên, không dễ dàng gì hiểu nổi các thư tịch, văn bản viết bằng thứ ngôn ngữ sách vở cổ kính ấy. Hầu hết thư tịch Hán văn của ta cũng viết bằng văn ngôn mà đặc trưng ngữ pháp đã được cha ông ta khái quát bằng bốn chữ “chi, hồ, giả, dã” là những hư từ tiêu biểu.
Bạch thoại văn là hệ thống ngôn ngữ viết của tiếng Hán hiện đại. Nó được hình thành trên cơ sở khẩu ngữ từ thời Đường Tống (thế kỷ VII-XIII) đến nay, thoạt đầu chỉ thấy trong các tác phẩm văn học thông tục, đến sau phong trào Ngũ tứ mới được ứng dụng phổ biến trong xã hội.
(4) Theo Vương Lực, Hán ngữ sử cảo, T.2, Nxb. KHXH, H. 1958, tr.297-358.

Phan Văn Các


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh