Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

TÌM HIỂU VỀ CHỮ "SỞ" (所) TRONG TIẾNG HÁN CỔ

THUrsday - 10/10/2013 09:16
TÌM HIỂU VỀ CHỮ "SỞ" (所) TRONG TIẾNG HÁN CỔ

TÌM HIỂU VỀ CHỮ "SỞ" (所) TRONG TIẾNG HÁN CỔ

Văn tự Hán, ngôn ngữ Hán có một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Nền giáo dục khoa cử bằng Hán học kéo dài mười thế kỷ cho đến năm 1919 trở về sau, chữ Hán dần mất đi uy quyền của nó, nhường chỗ cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ.
TÌM HIỂU VỀ CHỮ "SỞ" (所) TRONG TIẾNG HÁN CỔ


Nguyễn Hoàng Thân

Trong tiến trình lịch sử, nền văn hóa Việt Nam có một thời gian dài chịu ảnh hưởng nhưng cũng đồng thời biết tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa Trung Quốc. Cố nhiên, con đường giao lưu văn hóa ấy chính là nhờ vào ngôn ngữ. Nói một cách cụ thể hơn, văn tự Hán, ngôn ngữ Hán có một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Nền giáo dục khoa cử bằng Hán học kéo dài mười thế kỷ cho đến năm 1919 trở về sau, chữ Hán dần mất đi uy quyền của nó, nhường chỗ cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ.
Nhưng mấy năm gần đây, phong trào học tập và nghiên cứu tiếng Hán, văn hóa Hán phát triển mạnh. Chương trình tiếng Hán lớp 6 đã được dạy thí điểm ở một số nơi. Điều đáng mừng hơn là các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu tiếng Hán (cổ đại và hiện đại), cũng như các tác phẩm dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt ngày càng phong phú. Đó cũng chính là một trong những yếu tố và điều kiện để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hẳn ai là người giảng dạy Trung văn và Hán Nôm sẽ rất vinh dự về điều đó. Bài viết nghiên cứu của tôi là: Tìm hiểu về chữ “sở” (所) trong tiếng Hán cổ. Ở đây tác giả tập hợp, trích dịch các vấn đề có liên quan đến chữ “sở” từ nhiều tài liệu khác nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh, chặt chẽ, có thứ tự. Hiển nhiên mục đích của bài viết này là nhằm góp phần nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về chữ “sở” trong tiếng Hán cổ. (Trong báo cáo này tên gọi “chữ” mà tác giả sử dụng cũng có nghĩa là “từ”).
Kho tàng chữ Hán có số lượng rất đồ sộ, trên 6 vạn chữ(1). Tuy nhiên đối với chúng ta học tập và nghiên cứu tiếng Hán, văn hóa Hán thì có thể chỉ cần nắm khoảng ba ngàn chữ (tam thiên tự), hoặc 3500 chữ(2). Trong số đó có chữ “sở”. ở bảng từ vựng tối thiểu của sách Cơ sở ngữ văn Hán Nôm có 1443 chữ (từ) và ở Danh sách các âm tiết Hán Việtcó sức sản xuất cao của sách Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả có 250 âm tiết thì cũng đều giảng nghĩa về chữ “sở”. Như vậy chữ “sở” là từ thường hay sử dụng trong tiếng Hán. Để hiểu sâu thêm về chữ “sở” này, tác giả sẽ nghiên cứu nó trên ba mặt: hình thể, từ nghĩa, từ pháp.
I. Hình thể
Chữ “sở” gồm 8 nét; tra theo bộ “cân”; thuộc kết cấu trái phải; là chữ hình thanh: bên phải là phần hình, bên trái là phần thanh(3).
II. Từ nghĩa và từ pháp
Nghĩa gốc của “sở” là âm thanh của tiếng đốn cây đẵn gỗ(4), Kinh Thi có câu: “Phạt mộc sở sở”(5) 伐 木 所 所. Để cho thuận tiện, tác giả nghiên cứu gộp từ “sở” trên cả mặt từ nghĩa và từ pháp.
“Sở” dùng làm danh từ, trợ động từ, số từ, lượng từ, đại từ, liên từ, trợ từ.
1. Dùng làm danh từ có các nghĩa sau:
+ Nơi, chốn(6):
a. Trụ sở 住 所 (chỗ ở)
b. Các đắc kỳ sở 各 得 其 所 (đâu vào đó cả).
+ Viện, sở, đồn(7):
a. Nghiên cứu sở 研 究 所 (viện nghiên cứu)
b. Phái xuất sở 派 出 所 (đồn công an)
c. Chỉ huy sở 指 揮 所 (sở chỉ huy)
d. Dục chí hà sở? 欲 至 何 所? (Muốn đến nơi đâu?). (Tống Định Bá tróc quỉ)(8).
e. Công triều ư vương sở 公 朝 於 王 所 (Công thần quay mặt về phía nhà vua). (Tả truyện - Hi công nhị thập bát niên)(9).
+ Nơi đóng quân thời Minh, lớn gọi là Thiên hộ sở 千 戶 所, nhỏ gọi là Bách hộ sở 百 戶 所, bây giờ chỉ dùng cho địa danh: Hải Dương sở 海 陽 所 (ở Sơn Đông), Tiền sở 前 所 (ở Chiết Giang)(10).
+ Họ (tộc) Sở. Ví dụ:
Hán đại hữu Sở Trung 漢 代 有 所 忠 (Đời Hán có Sở Trung)(11).
2. Dùng làm trợ động từ: có nghĩa là có thể. Ví dụ:
“Tất dục tranh thiên hạ, phi Tín vô sở dữ kế sự giả 必 欲 爭 天 下, 非 信 無 所 與 計 事 者 Muốn tranh giành thiên hạ, không có Hàn Tín thì không thể bàn mưu tính kế được). (Sử kí - Hoài Âm hầu liệt truyện)(12).
3. Dùng làm số từ: chỉ số ước lượng, có nghĩa là: chừng, độ, vài. Ví dụ:
a. Phụ khứ lý sở phục hoàn 父 去 里 所 復 還. (Người già đi vài dặm, (muốn) quay lại). (Hán thư - Trương Lương truyện)(13).
b. “Tòng đệ tử nữ thập nhân sở. 從 弟 子 女 十 人 所 (Đệ tử nữ đi theo có khoảng mười người). (Tây Môn Báo trị Nghiệp)(14).
4. Dùng làm lượng từ: có nghĩa là: ngôi, tòa, sở, thửa. Ví dụ:
a. Lâu phòng nhất sở 樓 房 一 所 (một tòa lầu)(15).
b. Lưỡng sở học hiệu 兩 所 學 校 (hai ngôi trường)(16).
c. Ly cung biệt quán, tam thập lục sở. (離 宮 別 館 , 三 十 六 所. (Ban Cố - Tây đô phú)(17).
5. Dùng làm đại từ: có nghĩa là: đây, này, gì, cái gì… Ví dụ:
a. Tề vong địa nhi vương gia thiện, sở phi kiêm ái chi tâm dã 齊 亡 地 而 王 加 膳, 所 非 兼 愛 之 心 也 Nước Tề mất đất mà vua lại không tiết kiệm, đây không phải là lòng kiêm ái vậy). (Lã thị xuân thu - Thẩm ưng)(18).
b. Vấn đế băng sở bệnh? 問 帝 崩 所 病 (Hỏi vua chết (vì) bệnh gì ?). (Hán thư - Lưu Đán truyện)(19).
Chữ “sở” cũng là một đại từ chỉ thị đặc biệt, nó thông thường dùng trước động từ cập vật kết hợp với động từ hợp thành một ngữ danh từ biểu thị “điều mà…”, “cái mà…”, “người mà…”. Nói chung tất cả cái mà chữ “sở” thay thế là đối tượng của hành vi. Ví dụ:
a. Đoạt kì sở tăng nhi dữ kì sở ái 奪 其 所 憎 而 與 其 所 愛 (Tước đoạt (gạt bỏ) điều ghét của nó mà đem lại điều yêu của nó). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
b. Quản Trọng, Tăng Tây chi sở bất vi dã 管 重, 曾 西 之 所 不 為 也 . (Như ông Quản Trọng, ông Tăng Tây còn không thèm làm). (Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng).
c. Quân tử ư kì sở bất tri, cái khuyết như dã 君 子 於 其 所 不 知, 蓋 闕 如 也 (Người quân tử đối với cái mình chưa biết thì chưa quyết (định)). (Luận ngữ - Tử Lộ).
d. Vương chi sở đại dục khả đắc văn dư? 王 之 所 大 欲 可 得 聞 與? (Điều dục vọng lớn của nhà vua có thể cho tôi nghe được không ? ). (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương thượng).
Do cụm từ mà chữ “sở” sau khi kết hợp với động từ hợp thành mang tính danh từ, vì vậy có thể được định ngữ tu sức (thông thường dùng giới từ chữ “chi” (之) làm giới từ), ví dụ: “Tăng Tây chi sở bất vi”, “quân chi sở tri”,… Chữ “kì” (其) thay thế một danh từ thêm “chi”, vì vậy có thể làm định ngữ của cụm từ chữ “sở”, ví dụ “kì sở tăng”, “kì sở ái”.
Cụm từ chữ “sở” tuy có tính danh từ, nhưng nếu tách rời câu văn trên dưới, bản thân nó nói chung không thể biểu thị rõ ràng người hay vật, càng không thể biểu thị cụ thể người gì, vật gì. Vì vậy còn có thể thêm danh từ vào sau động từ, thay thế tên gọi của người hoặc sự vật. Ví dụ:
a. Trọng Tử sở cư chi thất, Bá Di chi sở trúc dư? ức diệc Đạo Chích chi sở trúc dư? Sở thực chi túc, Bá Di chi sở thụ dư? ức diệc Đạo Chích chi sở thụ dư? Thị vị khả tri dã 仲 子 所 居 之 室 伯 夷 之 所 築 與? 抑 亦 盜 跖 之 所 築 與 所 食 之 粟 伯 夷 之 所 樹 與 抑 亦 盜 跖 之 所 樹 與? 是 未 可 知 也. (Nhà Trọng Tử ở do Bá Di làm ra hay Đạo Chích làm ra? Hạt thóc (Trọng Tử) ăn do Bá Di trồng ra hay Đạo Chích trồng ra ? Điều này chưa thể biết được). (Mạnh Tử - Đằng Văn công hạ).
b. Quang bất cảm dĩ đồ quốc sự, sở thiện Kinh Khanh khả sử dã. 光 不 敢 以 圖 國 事, 所 善 荊 卿 可 使 也. (Sử kí - Thích khách liệt truyện).
Chúng ta còn phải chú ý với sự giống khác nhau của “sở” và “giả” (者) sau khi kết hợp với động từ cập vật. Ví dụ “sở kiến” 所 見 chỉ ra đối tượng của “kiến” 見, “kiến giả” 見 者 chỉ ra người chủ động của hành vi. Thử so sánh:
+ Thủy thần chi giải ngưu chi thời, sở kiến vô phi ngưu dã 始 臣 之 解 牛 之 時, 所 見 無 非 牛 也. (Khi mới đầu làm nghề mổ bò, thần nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn là bò). (Trang Tử - Dưỡng sinh chủ).
+ Kiến giả kinh do quỉ thần 見 者 驚 猶 鬼 神 (Người mà được nhìn thấy đều kinh ngạc, cho rằng (khéo) giống quỉ thần). (Trang Tử - Đạt sinh).
Nhưng, nếu trước động từ dùng chữ “sở”, như vậy chữ “giả” sau động từ sẽ thay thế đối tượng của hành vi, lúc này chữ “sở” có vai trò nêu lên đối tượng hành vi, cụm từ “sở… giả” vẫn có tính danh từ. Ví dụ:
a. Sở ái giả, náo pháp hoạt chi; sở tăng giả, khúc pháp chu diệt chi 所 愛 者, 撓 法 活 之; 所 憎 者 曲 法 硃 滅 之. (Cái mà mình yêu, tìm cách làm cho nó sống; cái mà mình ghét, tìm cách bẻ cong để tiêu diệt nó) (Sử kí - Khốc sử liệt truyện).
b. Kì sở thiện giả, ngô tắc hành chi; kì sở ác giả, ngô tắc cải chi 其 所 善 者, 吳 則 行 之; 其 所 惡 者, 吳 則 改 之. (Đối với điều thiện, ta sẽ thực hành; đối với điều ác ta sẽ thay đổi nó). (Tả truyện - Nhương công tam thập nhất niên).
c. Mạnh Thường Quân viết: “Thị ngô gia sở quả hữu giả” 孟 常 君 曰: “視 吳 家 所 寡 有 者”. (Mạnh Thường Quân nói: “Xem nhà ta thiếu cái gì thì mua cái đó”). (Chiến quốc sách - Tề sách).
Chữ “sở” lại thường dùng trước giới từ “tòng” (從), “dĩ” (以), “vị” (為), “dữ” (與)… thay thế đối tượng mà giới từ giới thiệu, chúng biểu thị nơi chốn của hành vi phát sinh, công cụ thủ đoạn và phương pháp để hành vi thực hiện, nguyên nhân sản sinh hành vi nào đó, người vật có liên quan với hành vi. Cụm từ mà chữ “sở” kết hợp với giới từ và động từ (hoặc cụm từ động tân) sau giới từ cũng mang tính danh từ. Ví dụ:
a. Sở nhân hữu thiệp giang giả, kì kiếm tự chu trung trụy ư thủy, cự khế kì chu, viết: “Thị ngô kiếm chi sở tòng trụy” 楚 人 有 涉 江 者, 其 劍 自 舟 中 墜 於 水, 遽 契 其 舟, 曰: “是 吳 劍 之 所 從 墜”. (Có người nước Sở qua sông, thanh kiếm của ông ta rơi từ trên thuyền xuống nước, bèn khắc vào thuyền đó, bảo: “Đây là chỗ kiếm của tôi rơi.) (Lã thị xuân thu - Sát kim). Biểu thị nơi kiếm rơi.
b. Bỉ binh giả, sở dĩ cấm bạo trừ hại, phi tranh đoạt dã 彼 兵 者, 所 以 禁 暴 除 害, 非 爭 奪 也. (Đội quân này là cái dùng để dẹp loạn trừ hại, không phải là để tranh đoạt vậy). (Tuân Tử - Nghị binh). Biểu thị công cụ dùng để ngăn chặn bạo hành trừ loại tai hại.
c. Kì kiệt lực trí tử, vô hữu nhị tâm, dĩ tận thần lễ, sở dĩ báo dã 其 碣 力 致 死, 無 有 二 心, 以 盡 臣 禮, 所 以 報 也. ((Ông ta) hết lòng tận trung đến khi chết, làm tròn đạo bề tôi để báo đáp (quân ân).) (Tả truyện - Thành công tam niên). Biểu thị phương thức dùng để báo đáp.
d. Nho dĩ văn loạn pháp, hiệp dĩ võ phạm cấm, nhi nhân chủ kiêm lễ chi, thử sở dĩ loạn dã 儒 以 文 亂 法, 俠 以 武 犯 禁, 而 人 主 兼 禮 之,此 所 以 亂 法. (Nho lấy văn để làm loạn pháp luật, Hiệp lấy (dựa vào) võ mà phạm điều cấm kị, (ấy thế mà) nhà vua giữ lễ đối với họ (dùng họ), cái đó là đầu mối của loạn vậy). (Hàn Phi Tử - Ngũ đố). Biểu thị nguyên nhân của loạn.
e. Cổ chi nhân sở dĩ đại quá nhân giả vô tha yên, thiện suy kì sở vi nhi dĩ hĩ 古 人 所 以 大 過 人 者 無 他 焉, 善 推 其 所 為 而 已 矣. (Người đời xưa sở dĩ hơn xa mọi người, không phải là có cớ gì khác, (chỉ là) khéo suy rộng ra những việc làm (về đạo nghĩa) mà thôi). (Mạnh Tử - Lương Huệ vương thượng). Biểu thị nguyên nhân của việc hơn người, chữ “giả” là đại từ nhân xưng, chữ “sở” là chỉ thị.
f. Lương nãi triệu cố sở tri hào lại, dụ dĩ sở vị khởi đại sự 梁 乃 召 故 所 知 豪 吏, 諭 以 為 所 起 大 事. (Lương bèn triệu tập quan lại và hào kiệt đã quen biết từ trước, hiểu dụ duyên cớ khởi nghĩa). (Sử kí - Hạng Vũ bản kỉ). Biểu thị nguyên nhân của khởi đại sự.
g. Sở vị kiến tướng quân giả, dục dĩ trợ Triệu dã 所 為 見 將 軍 者, 欲 以 助 趙 也. (Sở dĩ gặp tướng quân là muốn cứu Triệu). (Chiến quốc sách - Triệu sách). Biểu thị nguyên nhân của sự gặp tướng quân, chữ “giả” là đại từ nhân xưng, chữ “sở” chỉ thị.
h. Kì thê vấn sở dữ ẩm thực giả, tắc tận phú quí dã 其 妻 問 所 與 飲 食 者, 則 盡 富 貴 也. (Người vợ hỏi ăn uống với ai thì (chồng) đều (trả lời ăn uống) với người phú quý). (Mạnh Tử - Ly lâu hạ). Biểu thị người ăn uống với ai đó. “Chữ giả” là đại từ nhân xưng, chữ “sở” chỉ thị.
Trên thực tế chữ “sở” của tiếng Hán cổ vốn có thể trực tiếp dùng trước động từ cập vật, động từ không cập vật và cụm từ động tân, thay thế các mặt có liên quan với hành vi trình bày ở trên, không cần giới từ biểu thị. Ví dụ:
a. Kí chi bắc thổ, mã chi sở sinh, vô hưng quốc yên 冀 之 北 土, 馬 之 所 生, 無 興 國 焉.(Phần đất phía bắc đất (châu) Kí là nơi sinh của ngựa, không hưng quốc được). (Tả truyện - Chiêu công tứ niên). “Sở” thay thế nơi chốn của sinh.
b. Kì bắc lăng, Văn Vương chi sở tịch phong vũ dã 其 北 陵, 文 王 之 所 辟 風 雨 也. (Bắc lăng này là nơi mà Văn Vương tránh mưa gió). (Tả truyện - Hi công tam thập nhị niên). “Sở” thay thế nơi chốn của tránh mưa.
c. Nam phương hữu điểu yên, danh viết Mông cưu, dĩ vũ vi sào, nhi biên chi dĩ phát, hệ chi vi điều. Phong chí điều chiết, noãn phá tử tử. Sào phi bất hoàn dã, sở hệ giả nhiên dã 南 方 有 鳥 焉, 名 曰 蒙 鳩, 以 羽 為 巢, 而 編 之 以 髮,繫 之 葦 苕, 風 至 苕 折, 卵 破 子 死. 巢 非 不 還 也, 所 繫 者 然 也.(Phương Nam có loài chim, tên gọi là Mông cưu, lấy lông vũ làm tổ, kết tổ bằng lông tơ, buộc tổ bằng cành lau. Gió đến cành lau gãy, trứng vỡ con chết. Chẳng phải là do tổ không làm xong, mà do chỗ buộc tổ vậy). (Tuân Tử - Khuyến học). Chú ý: đối tượng của “hệ” là “sào”, nơi chốn của “hệ sào” là “vi điều”, “sở hệ giả” chỉ “vi điều”. “Giả” là đại từ nhân xưng, “sở” chỉ thị.
d. Tây phương hữu mộc yên, danh viết Xạ can, kính trường tứ thốn, sinh ư cao sơn chi thượng, nhi lâm bách nhận chi uyên. Mộc kính phi năng trưởng dã, sở lập giả nhiên dã 西 方 有 木 焉, 名 曰 射 干, 莖 長 四 寸, 生 於 高 山 之 上, 而 臨 百 仞 之 淵. 木 莖 非 能 長 也, 所 立 者 然 也.(Phương Tây có một loài cây, gọi nó là Xạ can, cành dài bốn tấc, sinh (mọc) ở đỉnh núi cao, bên vực sâu trăm nhẫn, không phải cành cây không dài (lớn) mà do cái chỗ nó đứng (mọc) vậy). “Sở lập giả” biểu thị nơi chốn của “lập”, chỉ núi cao.
e. Lan hòe chi căn thị vi chỉ, kì tiệm chi tu, quân tử bất cận, tiểu nhân bất phục. Kì chất phi bất mĩ dã, sở tiệm giả nhiên dã 蘭 槐 之 根 是 為 芷, 其 漸 之 滫 , 君 子 不 近, 小 人 不 服. 其 質 非 不 美 也, 所 漸 者 然 也. (Rễ của cây lan hòe là chỉ, nó ngấm nước bẩn, quân tử không gần, tiểu nhân không phục. Chất của nó không phải không (tốt) đẹp, mà do chỗ nước bẩn vậy) ? Chú ý: đối tượng của “tiệm” là “chỉ”, thứ dùng để “tiệm chỉ”, “sở tiệm giả” chỉ “tu”.
f. Đại quan đại ấp, thân chi sở tí dã. 大 官 大 邑, 身 之 所 庇 也. (Đại quan đại ấp là cái để bảo hộ (che chở) cho thân). (Tả truyện - Nhương công tam thập nhất niên).
g. Nặc, tứ quân chi sở sử chi! 諾, 恣 君 之 所 處 之. (Vậy, ngài tùy ý đi đến nơi (ngài phải đi)). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
h. Tha nhật, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du dĩ Hữu Nhược tự thánh nhân, dục dĩ sở sự Khổng Tử sự chi, cưỡng Tăng Tử. 他 日, 子 夏, 子 張, 子 游 以 有 若 似 聖 人, 欲 以 所 事 孔 子 事 之, 強 曾 子. (Ngày khác, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du cho là Hữu Nhược giống thánh nhân, muốn đem cái lễ trước kia thờ Khổng Tử mà thờ ông ấy, cưỡng ép Tăng Tử (nghe theo)). (Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng)
i. Bỉ Tăng, Sử Dương, Mặc, Sư Khoáng, Công Thùy, Ly Chu, giai ngoại kì đức, nhi dĩ thược loạn thiên hạ giả dã, pháp chi sở vô dụng dã 彼 曾, 史 楊, 墨, 師 曠,公 垂, 離 朱, 皆 外 立 其 德 而 以 爚 亂 天 下 者 也. 法 之 所 無 用 也. (Bọn Tăng Sâm, Sử, Dương, Mặc, Sư Khoáng, Công Thùy, Ly Chu kia đều lấy (cái khéo) của mình ra lòe người, mê hoặc thiên hạ, những trò ấy của họ vô dụng vậy). (Trang Tử - Khư khiếp).
j. Tà uế tại thân, oán chi sở cấu 邪 穢 在 身, 怨 之 所 構. (Tuân Tử - Khuyến học).
Cách dùng này rất đặc biệt, thực ra nên nói đây cũng là cách dùng cơ bản của chữ “sở” trong tiếng Hán cổ. Về sau sự vận dụng của giới từ ngày càng phổ biến, xuất hiện “sở tòng…”, “sở dĩ...”, “sở vị…”, “sở dữ…”…; nhưng cách dùng ấy, không hoàn toàn được thay thế bởi loại kết cấu mới phát triển này. Vì vậy, chúng ta trong cùng một tác phẩm vừa có thể gặp cách nói “đại quan đại ấp, thân chi sở tí dã”, lại vừa có thể nhìn thấy cách nói “đại quan đại ấp, sở dĩ tí thân dã”.
Trong tiếng Hán cổ, chữ “sở” còn có thể dùng trước một số từ ngữ nào đó có tính danh từ, thay thế đối tượng được miêu tả. Cụm từ tổ thành như vậy cũng có tính danh từ. Ví dụ:
a. Sát sở bất túc nhi tranh sở hữu dư, bất khả vị trí 殺 所 不 足 而 爭 所 有 餘, 不 可 謂 智. (Giết hại nhân dân (có) ít ỏi lại tranh cướp đất đai (có) dồi dào không thể gọi là thông minh). (Mặc tử - Công Thâu).
b. Phù xử cùng lư ngách hạng, khốn quẫn chức lý, cảo hạng hoàng quắc giả, thương chi sở đoản dã; nhất ngộ vạn thặng chi chủ nhi tòng xa bách thặng giả, thương chi sở trường dã 夫 處 窮 閭 厄 巷. 困 窘 織 履, 搞 項 黃 馘 者, 商 之 所 短 也; 一 遇 萬 乘 之 主 而 從 車 百 乘 者, 商 之 所 長 也. ((Tôi) ở nơi hẻm nhỏ nghèo nàn đến nỗi phải tự đan dép, đói đến nỗi mặt vàng gầy rạc, đó là chỗ sở đoản không bằng người. Bỗng gặp vua một nước vạn cỗ xe nghe lời tôi mà tặng tôi trăm cỗ xe, đó là chỗ sở trường hơn người của tôi). (Trang Tử - Liệt Ngự Khấu).
Nhưng cách dùng này thường ít thấy trong sách cổ.
Trong tiếng Hán cổ, chúng ta thường nhìn thấy cách nói “hữu sở…” 所 有, “vô sở…” 無 所, “hà sở…” 何 所. Ví dụ:
a. Bình nguyên quân do dự, vị hữu sở quyết 平 原 君 猶 豫, 未 有 所 決. (Bình Nguyên Quân do dự, chưa có quyết định nào cả). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
b. Cố nhân bất độc thân kì thân, bất độc tử kì tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, căng quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu qui 故 人 不 獨 親 其 親, 不 獨 子 其 子, 使 老 有 所 終,壯 有 所 用, 幼 有 所長, 矜 寡 孤 獨 廢 疾 者 皆 有 所 養, 男 有 分, 女 有 歸. (Cho nên người ta không chỉ lo cho người thân của mình, không chỉ lo cho con cái của mình, làm cho người già chết được yên lành và người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, trẻ nhỏ được lớn lên yên vui, người cô quả bơ vơ, bệnh tật đều được nuôi dưỡng. Đàn ông có chức phận, đàn bà có chồng). (Lễ kí - Lễ vận).
c. Sở quí ư thiên hạ chi sĩ giả, vị nhân bài hoạn, thích nan, giải phân loạn nhi vô sở thủ dã; tức hữu sở thủ giả, thị thương cổ chi nhân dã. Trọng Liên bất nhẫn vi dã 所 貴 於 天 下 之 士 者, 為 人 排 患, 釋 難, 解 紛 亂 而 無 所 取 也; 即 有 所 取 者, 是 商 賈 之 人 也. 仲 連 不 n忍 為 也. (Cái quí kẻ sĩ trong thiên hạ là trừ loạn, cứu nguy cho người ta (nhân dân) dẹp bỏ (gỡ) rối loạn mà không nhận hưởng, (nếu như) có nhận hưởng thì đó là kẻ đi buôn vậy. Trọng Liên này không nỡ làm như vậy). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
d. Nhược xá Trịnh dĩ vi đông đạo chủ, hành lý chi vãng lai, cộng hữu phạp khốn, quân diệc vô sở hại 若 舍 鄭 以 為 東 道 主, 行 李 之 往 來, 共 有 之 困, 君 亦 無 所 害. (Nếu nhường cho Trịnh làm chủ ở phía đông, hành lí đi lại thiếu thốn khó khăn, nhà vua cũng chẳng có cái tổn hại gì.) (Tả truyện - Hi công tam thập niên).
e. Ngã chi đại hiền dữ, ư nhân hà sở bất dung? 我 之 大 賢 與, 於 人 何 所 不 容. (Ta là người rất tốt, đối với người ở đâu (chỗ nào) mà chẳng dung nạp?). (Luận ngữ - Tử Trương).
f. Nhậm thiên hạ dũng vũ, hà sở bất chu? 任 天 下 勇 武, 何 所 不 誅. (Làm kẻ dũng vũ trong thiên hạ, có ai không bị hãm hại?). (Sử kí - Hoài Âm hầu liệt truyện).
“Hữu sở…”, “vô sở…” là cụm từ động tân, cụm từ chữ “sở” dùng làm tân ngữ của động từ “hữu” hoặc “vô”. “Hà sở…” là câu nghi vấn đảo trang chủ vị, cụm từ chữ “sở” dùng làm chủ ngữ, chữ “hà” dùng làm vị ngữ. “Hà sở bất dung” chính là “sở bất dung (giả) hà?” cách nói này có tính rộng khắp trong ý nghĩa, “hà sở bất dung” có nghĩa là “vô sở bất dung”(20).
6. Dùng làm liên từ. Có nghĩa là “nếu”, “nếu như”, “giả sử”, nối liền phân câu, biểu thị giả thiết(21). Ví dụ:
a. Dư sở bỉ giả, thiên yếm chi! Thiên yếm chi! 予 所 否 者, 天 厭 之! 天 厭 之! (Nếu ta làm điều không đúng, trời sẽ ghét bỏ). (Luận ngữ - Ung dã)(22).
b. Sở bất dữ cữu thị đồng tâm giả, hữu như bạch thủy 所 不 與 舅 氏 同 心 者, 有 如 白 水. (Nếu ta không cùng lòng với cậu (Tử Phạm) thì không nên trò trống gì.). (Tả truyện - Hi công nhị thập tứ niên)(23).
7. Dùng làm trợ từ. “Sở” thường kết hợp với giới từ “vị” làm thành kết cấu “vị…sở…”, biểu thị bị động(24), chỉ ra xuất xứ của hành vi(25). Ví dụ:
a. Thuật nộ công Bố, vị Bố sở bại 術 怒 攻 布, 為 布 所 敗. (Viên Thuật tức giận công đánh Lã Bố, bị Lã Bố đánh bại). (Tam quốc chí - Ngụy thư - Vũ đế kỉ)(26).
b. Phù trực nghị giả bất vị nhân sở dung 夫 直 議 者 不 為 人 所 容. (Phàm là người ngay thẳng không được người đời ưa chuộng). (Hàn Phi tử - Ngoại chử thuyết tả hạ)(27).
Tóm lại, trong tiếng Hán cổ, “sở” là một từ đặc biệt, kiêm nhiều từ loại. Nó có vai trò rất lớn trong việc hình thành vốn từ vựng cũng như đảm nhận các thành phần ngữ pháp, tạo nên sự đa dạng, phong phú, độc đáo của tiếng Hán. Điều đặc sắc nhất là từ “sở” kết hợp với các từ, cụm từ khác tạo nên một ngữ danh từ. Riêng đối với tiếng Việt của chúng ta thì Phan Ngọc cho rằng: “Xét theo quan điểm xây dựng tiếng Việt cho khoa học thì đây là một yếu tố cực quí giá để tạo nên những khái niệm mang tính bị động”(28). Ở đây tác giả cũng chỉ mới nghiên cứu chữ “sở” trong phạm vi tiếng Hán cổ. Nếu muốn nghiên cứu sâu hơn, chúng ta còn phải nghiên cứu nó trong cả tiếng Hán hiện đại. Tất nhiên tác giả sẽ cố gắng thực hiện vấn đề này trong thời gian tới. Do trình độ và tài liệu hạn chế cho nên bài viết này không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, kính mong các nhà nghiên cứu chân tình phê bình và cho những ý kiến chỉ bảo quí báu.
N.H.T
CHÚ THÍCH
(1) Tô Tân Xuân: Hán tự ngôn ngữ công năng luận, Giang Tây giáo dục xuất bản xã, 1994, tr.3.
(2) Phan Ngọc: Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả, Nxb. Thanh niên, 2000, tr.29.
(3) Phạm Khánh Hoa, Chu Quảng Đức (chủ biên): Hiện đại Hán ngữ toàn công năng từ điển, Cát Lâm nhân dân xuất bản xã, 1998, tr.1093.
(4) Hứa Thận: Thuyết văn giải tự, Trung Hoa thư cục ảnh ấn, 1999, tr.300; Lê Trí Viễn (chủ biên): Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 1, Nxb. Giáo dục, 1985, tr.178.
(5) Hứa Thận…, Sđd.
(6) Nguyễn Kim Thản (chủ biên): Từ điển Hán Việt, Nxb. Thế giới, 1996, tr.914.
(7) Nguyễn Kim Thản, Sđd.
(8) Từ Tông Tài (chủ biên): Cổ đại Hán ngữ khóa bản, tập 2, Bắc Kinh ngữ ngôn văn hóa đại học xuất bản xã, 2000, tr.83.
(9) Hạ Chinh Nông (chủ biên): Từ Hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1999, tr.1788.
(10) Hiện đại Hán ngữ tiểu tự điển, Thương vụ ấn thư quán, 1981, tr.528; Tân Hoa tự điển, Nxb. Thuận Hóa, 1999, tr.472.
(11) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(12) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(13) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(14) Từ Tông Tài, Sđd.
(15) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(16) Nguyễn Kim Thản, Sđd.
(17) Cổ Hán ngữ thường dùng tự tự điển, Thương vụ ấn thư quán, 2000, tr. 274.
(18) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(19) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(20) Vương Lực (chủ biên): Cổ đại Hán ngữ, Trung Hoa thư cục, 1992, tr.363; Lê Văn Quán: Giáo trình tiếng Hán cổ đại, Nxb. Đại học trung học chuyên nghiệp, 1991, tr.104.
(21) Từ Tông Tài, Sđd.
(22) Từ Tông Tài, Sđd.
(23) Từ Tông Tài, Hạ Chinh Nông, Sđd.
(24) Cổ đại Hán ngữ thường dùng …, Sđd.
(25) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(26) Cổ đại Hán ngữ thường dùng …, Sđd.
(27) Từ Tông Tài, Sđd.
(28) Phan Ngọc, Sđd., tr.281.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh