Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

TRỊNH CƯƠNG VỚI KHÚC CA GHI VIỆC ĐI TUẦN TỈNH

MONday - 28/10/2013 21:01
Trịnh Cương ( 1686 – 1729) là chúa thứ sáu dưới thời Lê - Trịnh Ông là người đi nhiều biết nhiều. Bước chân của ông đã in dấu trên các miền đất nước: miền đất Lã Côi, vùng Kinh Sơn, Quyển Sơn, vùng đất Cổ Bồng, Kẽm Trống, đất Dậu Cao, Phao Sơn, Đại Lã, đất Tử Dương, Kiện Khê... Ông cũng đã thăm khá nhiều chùa, như chùa Phả Lại, chùa Nhạn Tháp, chùa Phúc Long, chùa Nguyệt Đường, chùa Quỳnh Lâm, chùa Non Đồng... thăm núi Yên Tử, núi Dục Thúy, hang Các Cứ... Tất cả các địa danh này đều được ghi lại trong tập Lê triều ngự chế quốc âm thi.

Lê triều ngự chế quốc âm thi là tập sách chép tay gồm 36 trang. Sách mang ký hiệu AB.8 của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trang đầu tập sách được ghi là Tiên triều ngự chế quốc âm khúc ký thi quyển. Nội dung của sách được thể hiện ngay từ dòng chữ đầu này. Đó là tập sách gồm thơ, khúc, ký và được ghi lại bằng chữ Nôm.
Khúc là một thể loại thơ ca dân gian làm theo thể Song thất lục bát. Nói đến thể loại Song thất lục bát, các nhà nghiên cứu thường hay nhắc đến các tác phẩm tiêu biểu như Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào (khoảng cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI), Tứ thời khúc vịnh(khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII). Sang đến thế kỷ XVII, Song thất lục bát bước vào giai đoạn phát triển thứ hai của mình với sự nở rộ của hàng loạt tác phẩm như Thiên Nam minh giám, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc... Thế nhưng, trong giới nghiên cứu cũng chưa mấy ai biết đến Tuần tỉnh ký trình khúc, gọi tắt Tuần tỉnh khúc (TTK) của Trịnh Cương.
TTK gồm 37 khổ thơ (một khổ thơ được tính gồm hai câu thất, một câu lục và một câu bát). Xen giữa các khổ thơ là 15 bài thơ bát cú. Cụ thể là: sau câu thất dưới khổ 4 là hai bài thơ vịnh thắng cảnh Bồ Đề; đầu khổ 9 là hai bài thơ vịnh đất Lã Côi; sau câu thất dưới khổ 11 là hai bàiNhư kinh thi và Đáp hoài vọng thi; sau câu thất dưới khổ 13 là bàiNhạn Tháp tự thi; sau câu thất dưới khổ 14 là hai bài Tiên Tích tự thi; hết khổ 16 là bài Phúc Long tự thi; đầu khổ 19 là hai bài Phả Lại tự thi; sau câu thất dưới khổ 24 là bài Hưng Long tự thi; kết thúc khổ 28 là bài Lai Triều Vạn thi; kết thúc khổ 29 là bài Nguyệt Đường tự thi. Vì lý do khuôn khổ bài viết cho phép không đăng toàn văn các bài thơ này.
1. Đôi nét về văn bản
1.1 Hiện tượng mất chữ
Dựa vào các bằng chứng về chữ kiêng húy, có thể thấy đây là sách chép lại vào thời Tự Đức. Không hiểu vì lý do kiêng húy hay một lẽ nào khác mà TTK cũng bị mất một số chữ như:
- Chữ thứ hai câu tám khổ 25. Theo luật thơ, chúng tôi nghĩ chữ này nên đọc theo vần bằng.
- Chữ thứ sáu câu tám khổ 32. Chữ này theo luật thơ thì phải đọc theo vần bằng để hiệp vần với tiếng cuối câu sáu (đọc là mầu). Hơn nữa theo quy luật chuyển đổi trầm bổng thì có lẽ nên đọc theo thanh bổng (thanh ngang) như đâu, mâu, dâu... chẳng hạn.
- Chữ thứ năm câu thất dưới khổ 37. Chữ này theo chúng tôi nên đọc theo vần trắc để có thể hiệp vần với chữ lạc (chữ cuối câu thất trên).
1.2. Hiện tượng ghi địa danh
Đây là một khúc ca ghi việc đi tuần tỉnh ở các địa phương, cho nên địa danh ở mọi miền đất nước được ghi lại ở đây khá nhiều. Để ghi được đúng những địa danh đó đôi khi đã làm cho dòng thơ bị thất luật. Nên chăng có thể chuyển vần cho chúng để dảm bảo niêm luật của dòng thơ. Ví dụ:
- Chữ Tháp trong Nhạn Tháp (được ghi ở câu tám khổ 12) lẽ ra phải đọc thanh bằng lại chuyển sang thanh trắc. Thêm nữa tiếng thứ tư, thứ sáu cũng theo đó mà đảo ngược lại. Như vậy ở câu Nhạn Tháp trông chừng thoắt thoắt tới nơi sẽ có cấu trúc Trắc, Bằng, Trắc, Bằng ( T B T B) chứ không đúng theo luật là B T B B như đáng ra phải có.
- Trong văn bản thấy dùng chữ 鴈 âm Hán Việt là nhạn để ghi địa danh, nhưng để đảm bảo âm luật của dòng thơ đôi khi lại đọc thànhnhàn. Ví dụ chữ thứ hai và thứ sáu câu tám khổ 6 nếu đọc nhạn thì theo luật nhị tứ lục phân minh, cấu trúc âm luật trong câu tám này sẽ là: T T T B (Bãi nhạn thớn thớn, triện nhạn thưa thưa). Lúc này luật thơ buộc phải đọc thành thanh bằng: Bãi nhàn thớn thớn, triện nhàn thưa thưa (B T B B). Trái lại những trường hợp khác vẫn giữ nguyên âm nhạn, như trong câu Mừng bốn phương trầm nhạn bặt hơi.
Trong khúc ngâm không phải chỉ có hai câu trên bị thất luật. Ở những trường hợp này để ghi chính xác địa danh dù không muốn, tác giả cũng khó tránh khỏi sai lầm. Những trường hợp khác xin sẽ nói kỹ ở sau.
2. Luật thơ
2.1. Hai câu thất
Theo luật thơ thì tiếng thứ ba câu thất trên phải là thanh trắc, thế nhưng trong bài này nhất luật chuyển thành sang bằng; trong khi đó các tiếng thứ thứ năm và thứ bảy thì vẫn giữ đúng luật. Ở câu thất dưới trái lại không có sự xáo trộn nào cả về thanh điệu. Như vậy, cấu trúc âm luật của hai dòng thất này (tiếng thứ ba, năm và bảy) sẽ lần lượt là các thanh: B B T ( câu thất trên) và B T B (ở câu thất dưới) với tỷ lệ áp đảo là 100%. Luật thơ truyền thống và luật thơ trong TTK thể hiện ở hai câu thất có thể được khái quát như sau:
Bảng 1: Cấu trúc âm luật của hai dòng thất
1
Tiếng

(1)
Câu thất trên Câu thất dưới

(4)
Luật thơ trong TTK
(2)
Luật thơ truyền thống
(3)
Tiếng thứ ba Bằng Trắc Bằng
Tiếng thứ năm Bằng Bằng Trắc
Tiếng thứ bảy Trắc Trắc Bằng
1 1
Trong bảng này, hai câu thất của Song thất lục bát theo luật thơ truyền thống thể hiện ở cột 3 và 4, còn của TTK là ở cột 2 và 3.
Cũng vì lý do đó nên tiếng cuối câu tám ở khổ trên thay vì hiệp vần với tiếng thứ năm thì lại có thể vần với tiếng thứ ba câu thất trên ở khổ sau. Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi thì 33/ 36(I) ( chiếm 91,6%) trường hợp vần với tiếng thứ ba, chỉ có 2/36 trường hợp vần ở tiếng thứ năm. Đặc biệt có trường hợp lại không hiệp vần với tiếng thứ ba mà cũng chẳng hiệp vần với tiếng thứ năm, như trong câu: Hứng thừa ngụ ý thuật chơi câu tài 
11
1 Tiệc vầy thôi trải Gia Lâm huyện.

Trong câu này hình như lại hiệp vần với tiếng thứ tư của câu thất ở khổ sau. Đây là trường hợp khá hiếm thấy trong lịch sử Song thất lục bát.
2.2. Câu lục - bát
Ở câu lục, 36/37(II) trường hợp dùng theo đúng luật. Duy chỉ có một trường hợp tiếng thứ tư khổ năm không dùng ở vần trắc. Ở câu lục này có cấu trúc tiếng thứ 2, 4, 6 theo thứ tự là B B B. Tuy nhiên, đây lại là trường hợp ghi địa danh nên thiết nghĩ nên xếp vào trường hợp thất luật do ghi địa danh (Xem mục 1.2).
Ở câu tám tình hình lại phức tạp hơn. Ngoài đại đa số theo đúng luật B T B B ra vẫn có 4 trường hợp thất luật. Trong đó có một trường hợp ghi địa danh đã nêu ở trước, hai trường hợp bị mất chữ cũng đã được đề cập đến ở mục 1.1. Sau đây chỉ xin nói rõ hơn về trường hợp: Lục đầu hướng nhiễu ỷ la non nước (câu tám khổ 19). Đây là một câu thật chẳng đúng luật chút nào. Hình như cảm nhận được điều đó, nên trong văn bản đã thấy có dấu ngoắc báo hiệu cho người đọc phải chuyển non nước ® nước non. Như vậy thì mới đảm bảo đúng luật trong câu tám và lại còn có thể hiệp vần với cồn ở câu sau.
Tuy nhiên những trường hợp nêu trên chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, nên không làm mất đi những nét chung của khúc ca. TTK là khúc ca mang đầy đủ những đặc trưng của thể loại Song thất lục bát vào giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Nếu đem so sánh với Tứ thời khúc vịnh (cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII) của Hoàng Sĩ Khải thì thấy rõ những nét tương đồng của chúng:
Trong Tứ thời khúc vịnh, 95% dùng thanh bằng ở tiếng thứ ba dòng thất trên và 83% vần lưng nằm ở tiếng thứ ba (Theo thống kê của Phan Diễm Phương). Ở TTK, tỷ lệ đó lần lượt là 100% và 91,6%. Về âm luật của TTK, trên đại thể có thể khái quát như sau:
Bảng 2: Cấu trúc âm luật trong TTK

1
Trong bảng này, những ô trắng không ghi chữ là các tiếng tự do có thể dùng thanh bằng trắc tùy ý, mũi tên có hàm ý chỉ luật thơ quy định các tiếng đó phải hiệp vần với nhau.
Sau đây xin giới thiệu toàn văn bài khúc ca để độc giả tham khảo:
TUẦN TỈNH KÝ TRÌNH KHÚC
(Khúc ca ghi việc đi tuần tỉnh)
Giáp Ngọ niên thất nguyệt nhật.
Khổ 1 (*): 
Vận trùng quang đương dương đỉnh thịnh(1)
Phủ trị(2) lành quốc chính dân an. 
Vạn cơ(3) trong thuở dư nhàn, 
Muốn cho phương thổ giang san chu tường(4). 
Khổ 2: 
Tuân Tiên vương giữ lề tuần tỉnh, 
Mặc tiện đường phát chính thi nhân(5), 
Dung bình vừa tiết thượng tuần. 
Hoàng long muôn đội mới nhân tiến trình, 
Khổ 3: 
Rất nghiêm minh tín cầm quân chính, 
Lừng lẫy ra uy lệnh dậy dan. 
Ngang dòng phới phới chèo lan, 
Bồ Đề thẳng tới đoàn loan sum vầy.
-----------
(1) Đỉnh thịnh: rất thịnh vượng.
(2) Phủ trị: cai trị, vỗ về.
(3)Vạn cơ: hàng vạn công việc.
(4) Chu tường: đầy đủ.
(5) Phát chính thi nhân: ban hành chính sách nhân đức.
Khổ 4: 
Bút thày lay(1) vân vân vài thủ(2), 
Dầu thướng tình canh bộ hẹp đâu. 
Bồ Đề thắng cảnh thi (2 bài)(**)
Duềnh la giăng bạc phau phau, 
Đỉnh đương mấy phát khoan mau dầu lòng,
Khổ 5: 
Chợt ngước trông Điêu Diêu quán dịch, 
ướm hỏi xem lai lịch dường bao. 
Tắt qua nẻo Ngao sông Đào, 
Luận công trị thủy xiết sao công trình.
Khổ 6: 
Hướng thần kinh triều tông cuộn cuộn, 
Vững âu vàng nguyên vốn đặt an, 
Châu cơ xá lạ thiên ban, 
Bãi nhàn thớn thớn, triện nhàn thưa thưa, 
Khổ 7: 
Dùng gió đưa tưng bừng dóng dả.
Này bãi thù, kia ngả sông Dâu.
Những màng đón hỏi trước sau, 
Nọ duềnh Thiên Đức bởi đâu ngang vào, 
Khổ 8: 
Gạt hung đào(3) thuận dòng thẳng ruổi, 
Đến Yên Thường vừa đội nghỉ ngơi, 
Tiểu hoa lâm xã Lã Côi, 
Hứng thừa ngụ ý thuật chơi câu tài.
Vịnh Lã Côi thi
Bộ Lã Côi thi
Khổ 9: 
Tiệc vầy thôi trải Gia Lâm huyện,
Đỗ bến Lai đường tiện Như Kinh 
Thể âu trời ắt hậu đình,
Ngẫm xem thủy thế địa hình lạ bao.
Khổ 10: 
Gặp giống nào nền nhân cây đức,
Dõi chung tư dặc dặc(4) ức thiên.
Rày bao công nghiệp dựng nên, 
ơn nhuần dân vật hân nhiên phải thời.
Khổ 11: 
Một thủ(5) thi ứng tuần gia khánh,
Minh thịnh càng thêm thịnh vĩnh miên.
Như Kinh thi
Đáp hoài vọng thi
Phương đan hồng nhật lộ lên,
Sơ thìn(6) mới mới qua miền chợ Sưa
Khổ 12: 
Hỡi bờ lư cõi sang hỏi chúng, 
Phải dấu thiêng Phù Đổng đây chăng. 
Những mang bàn bạc thốt thăng, 
Nhạn Tháp trông chừng thoắt thoắt tới nơi. 
Khổ 13: 
Thể thanh vui bút bèn mô tả, 
Thảnh thơi thay thong thả bước xuân.

Nhạn Tháp tự thi
Ngang sang Tiên Tích gần gần, 
Nước non oanh quất nhiều phân hữu tình, 
--------
(1) Thày lay: tùy ý, tùy tiện.
(2) Vài thủ: vài bài thơ.
(3) Hung đào: sóng dữ.
(4) Dặc dặc: dằng dặc, dài. 
(5) Thủ: Bài (thơ). Một thủ: một bài thơ.
(6) Sơ thìn: mới.
Khổ 14: 
Vốn thành danh nẻo xưa lập cực,
Lại ngâm chơi vài bức vân tiên(1).
Tiên Tích tự thi (2 bài)
Lạ thay thú vị kham(2) nhìn,
Tiệc vầy thăng thưởng mời khuyên chưng lừng.
Khổ 15: 
Sớm từng từng băng đăng(3) tiến phát,
Cõi Kiều Hồ ngát ngát đồ phong(4). 
Han(5) tìm cảnh cũ Phúc Long 
Cảnh mầu cảm ứng linh thông tỏ tường.
Khổ 16: 
Giữ ấn vàng Phật tiền còn rõ,
Dấu bia xưa trước có mở mang. 
Thể càng sẽ chạnh muôn dường. 
Nỗi lòng tu tạo thảo hành thi chương(6). 

Phúc Long tự thi 
Khổ 17: 

Sự Huyền Quang Vạn Tư còn tích(7),
Bãi Bình Than vời cách trần ai. 
Lạ thay nẻo trước an bài, 
Ngước trông mường tượng Thiên Thai cảnh mầu.
Khổ 18: 
Ghẽ một bầu danh lam Phả Lại, 
Vốn dương dương như tại xưa nay.
Pháp chung(8) tiếng dấy bến mê, 
Cậy xuôi dòng bát giang đê ân cần.
Phả Lại tự thi (2 bài)
Khổ 19: 
Dấu thành xưa kề gần nơi đó. 
áng Phao Sơn rày có chẳng ngoa.
Hòa ngàn chấp chới yên hà.
Lục Đầu hướng nhiễu ỷ la non nước.
Khổ 20: 
Khéo lặn cồn đênh lênh bãi nguyệt. 
Kìa ngọn giang chợt liếc ngã ba.
Những mang ngoạn thưởng lân la. 
Đến chùa Hàm Thượng ngày đà ngọ trung(9).
Khổ 21: 
Chỉn lạ lùng ngao kia ngã nọ. 
Đò cống gang vừa độ thu canh. 
Ngã ba Mè tắt ngang duềnh.
Qua tàu khách mới biết tình viễn phương. 
Khổ 22: 
Tiện kiêm đường Yên Thường tạm trú. 
Ngã ba Tranh bèn ngụ tuần Tranh. 
Ngàn phong nghiệm trước phân minh 
Cẩn phòng sự dự tĩnh thanh minh từ 
Khổ 23: 
Quyết chẳng nghi, lệnh hành phấn phát 
Lạt [ ] hà đường lạt dặm khơi. 
Tới Hưng Long tự tạm ngơi. 
Mảng danh hiển ứng xem chơi địa đồ. 
---------
(1) Vân tiên: bức thơ. 
(2) Kham: nên, cần phải
(3) Băng đăng: đi nhanh.
(4) Đồ phong: cảnh đẹp.
(5) Han: hỏi (từ cổ).
(6) Thảo hành thi chương: làm bài thơ. 
(7) Còn tích: còn dấu tích.
(8) Pháp chung: chuông chùa
(9) Ngọ trung: giữa trưa. 
Khổ 24: 
Dấu trùng tu tạc ghi rạnh rạnh. 
Xúc lòng thơ thành kính đinh ninh. 
Hưng Long tự thi
Thuyền tiên nhẹ mái thênh thênh, 
Ngàn tầm khuất khúc vân oanh(1) lạ vời.
Khổ 25: 
Bến đỗ nghi thể dường phải đội,
Tuần tỉnh đây đà cõi cửa hây. 
Ngã ba nông cả dĩ thời 
Hãy [ ] dừng đà trước kia hầu gần. 
Khổ 26: 
Khéo lần lần vừa ngang cửa Lục,
Trống gióng ba dải cuộc tranh tiên(2). 
Hiến giang thoắt tới kề miền, 
Lễ bày bái yết dưới trên vui vầy. 
Khổ 27: 
Những xưa nay danh lai Triều Vạn, 
Tiện hà phương cống khoản lai quy. 
Vui thay nhân quảng ân thi(3), 
Nhu hoài(4) vốn những vỗ về gần xa. 
Khổ 28: 
Rày kêu hòa vạn bang thống nhất, 
Thuỷ lục thông nhân vật chúng đa(5). 
Vịnh đề ứng vận(6) quang hoa, 
Quốc âm Đường luật(7) thảo qua mấy hàng.
Lai Triều Vạn thi
Khổ 29: 
Nhân thung dung tiện đường kinh quá.
Tiện thể xem phố xá đòi(8) nơi. 
Nguyệt Đường tự thử qua chơi, 
Tạm vần tùy cảnh mấy lời phân minh.
Nguyệt Đường tự thi
Khổ 30: 
Mẽ kinh thành đồ trương diện diện, 
Rỡ phố hoa thớn thớn(9) đường hoa.
Dặm ngàn rệt rệt trải qua, 
Ngã ba lánh nấy thanh hoa nẻo vào.
Khổ 31: 
Phẳng ba đào bãi phong ruổi tới, 
Sẵn bến chờ sông phải là tên. 
Uyển nhiên thay áng Tự Nhiên, 
Thẳng lên Phù Liệt Cao Biền tích xưa. 
Khổ 32: 
Mặc thừa cơ vui đua vùng vẫy, 
Uy nhơn nhơn vang dậy đâu đâu. 
Trải xem cảnh lạ thú mầu, 
Tóm thu về một mối [ ] kinh thành. 
Khổ 33: 
Mừng tĩnh ninh hải hà thanh yến, 
Mừng bốn phương trầm nhạn bặt hơi(10). 
Mừng vì chốn chốn yên vui, 
Thuận lòng người, thuận lòng trời xưa sau.
Khổ 34: 
Mừng đâu đâu chiêm hàm xâm nhuận(11)
---------
(1) Oanh: uốn quanh.
(2) Tranh tiên: tranh phần trước.
(3) Nhân quảng ân thi: mở rộng điều nhân.
(4) Nhu hoài: mềm yếu.
(5) Nhân vật chúng đa: nhiều.
(6) ứng vận: ứng vần thơ.
(7) Quốc âm Đường luật: thơ quốc âm làm theo luật thơ Đường. 
(8) Đòi: một vài, nhiều.
(9) Thớn thớn: vẻ rộng rãi, bằng phẳng.
(10) Trầm nhạn bặt hơi: chỉ cảnh thái bình.
(11) Triêm hàm xâm nhuận: thấm nhuần.
Mừng phong đăng ứng vận trùng hanh(1).
Mừng vì càn lãng khôn ninh(2), 
Nhĩ hà(3) vây một thói lành nhường nhân.
Khổ 35: 
Mừng đài xuân thênh thênh rộng mở, 
Mừng gác Yên Kì sở lâng lâng. 
Mừng vì gia khánh(4) kiến trưng, 
Vận lành rày thể thêm tăng phúc lành.
Khổ 36: 
Mừng khắp thành cổ kim thừa hiến, 
Mừng quy mô sủng viễn vang vang. 
Mừng vì hạ đạt thượng tình 
Long vân(5) hội cả huân danh(6) vẹn toàn.
Khổ 37: 
Mừng yến diên trong ngoài đồng lạc,
Mừng thái bình lạc [ ] thơ dâng.
(1) Vận trùng hanh: vận tốt.
(2) Càn lãng khôn ninh: trời đất cao rộng, sáng sủa, chỉ cảnh thái bình.
(3) Nhĩ hà: xa gần.
(4) Gia khánh: phúc nhà.
(5) Long vân: cơ hội may mắn.
(6) Huân danh: công danh.
Mừng nên bình phẩm lâng lâng, 
Nhật trình mới mới bút đằng để ghi.

Lã Minh Hằng

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:
1. Lê triều ngự chế quốc âm thi, AB.8
2. Phan Diễm Phương: Lục bát và song thất lục bát (Lịch sử phát triển, đặc trưng thể loại), Nxb. KHXH, H. 1998.
3. Bùi Duy Dân: Văn học chữ Nôm: Tinh hoa - sáng tạo của văn học cổ điển Việt Nam thời Trung đại, Tạp chí văn học số 8/1998.
4. Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học, Bộ Quốc gia giáo dục, 1961.
CHÚ THÍCH:
(*). Các chữ khổ 1, khổ 2... do chúng tôi đưa vào khi phiên âm để độc giả tiện theo dõi, trong văn bản không có.
(**). Giữa các khổ Song thất lục bát có xen lẫn các bài thơ bát cú. Vì khuôn khổ bài viết có hạn chỉ ghi tên bài thơ đó
(I), (II) Trong TTK có 37 khổ thơ, như vậy nếu tính số câu lục hay câu bát thì sẽ có 37 câu; nhưng nếu tính số lần câu bát hiệp vần với câu thất khổ sau thì chỉ có 36 trường hợp thôi.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh