Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

TRƯỜNG VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ PHÁP HAY NGÀNH ĐÔNG PHƯƠNG HỌC SÔI ĐỘNG Ở PHÁP(1)

TUEsday - 23/06/2015 05:47
Bài viết của RAGEAU, CHRISTIANE PASQUEL
Viện Viễn Đông Bác Cổ, trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông Dương năm 1926

Viện Viễn Đông Bác Cổ, trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông Dương năm 1926

Ngày nay thông tin về những tư liệu có liên quan tới châu Á trong những thư viện và Viện nghiên cứu ở Pháp không phải là một việc dễ dàng. Những thư mục dở dang, những lĩnh vực xác định chưa đúng, những thư viện không được nêu tên trong các danh mục hoặc trong các cuốn niên bạ thư viện và dù đấy chỉ là những thư viện dành riêng cho một số người, việc thông tin mang tính chất riêng tư v.v… những lý do thì có nhiều và đối lập nhau. Chúng ta hãy lưu ý ngay từ bây giờ hai quan niệm chủ yếu.
1. Sức nặng của lịch sử đã để lại dấu vết của nó trong những kho lớn truyền thống của thư viện. Sự phong phú về tư liệu, mà thường là những tư liệu hiếm, song sơ đồ phân loại lại quá cũ, tuy nhiên phải cố tránh đừng gạt bỏ nó. Tốt hơn hết là ta coi như không biết đến nó, hoặc ta bắt tay vào việc giải mã nó. Bởi vì chỉ khi nào người ta quan tâm đến những chi tiết của lịch sử trong các bộ sưu tập thì người ta mới hy vọng nắm được “tất cả” những tài liệu và nhất là những tài liệu còn được dấu kín dưới lớp bụi độ lượng đang bảo vệ chúng. Những gò bó mang tính chất bách khoa của các thư viện cổ, thư viện tổng hợp hay chuyên ngành tất nhiên đòi hỏi việc gộp các văn bản vào một khung chung bao gồm tất cả những hiểu biết của con người. Nguyên tắc này đã được áp dụng trên lý thuyết độc lập với những điều được đặt ra qua việc đọc bình thường những vấn đề của những văn bản được viết bằng các thứ tiếng hoặc chữ viết khó đọc. Do đó có hai trường hợp xẩy ra và đã loại cho bạn đọc ngày nay một mặt là những sách mà họ không thể đọc được, vì họ có chuyên gia, có thể là như vậy, và mặt khác là những sách đã cất vào nơi mà ngày nay người ta không còn muốn tìm lại nữa. Đôi khi cả hai tác động đó đều diễn ra một lúc. Chúng ta có thể điểm đến Thư viện Quốc gia hoặc Thư viện của Học viện Quốc gia nghiên cứu về các ngôn ngữ và các nền văn minh phương Đông (INAL-CO)(2) ở đấy đã từ lâu rồi, người ta đã tổ chức thành công những kho sách theo những tiếng khác nhau đối với một số lĩnh vực. Hai thư viện này có tiếng tăm rộng lớn và mở cửa cho công chúng đến đọc. Hai thư viện đó sẽ còn tiếp tục làm phong phú thêm bộ thư mục của mình bằng cách, ngoài việc bổ sung các tài liệu mới đến, họ còn đưa vào những tài liệu cũ “được phát hiện lại” tức những tài liệu cũ mà trước đó không ai lưu ý tới(3). Do đó họ đã dần dần loại trừ được những tác động tiêu cực của một hệ thống đã thành công - nói một cách nghịch lý - trong việc gạt ra ngoài lề toàn bộ một phần tri thức của con người toàn năng…
2. Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều thay đổi lớn đã diễn ra như: những phương tiện nghiên cứu mới, những cách tiếp cận mới có tính chất phương pháp luận đã cùng một lúc làm đổi mới hoàn toàn cách làm trước đây của công tác xử lý tư liệu có liên quan tới Châu Á, những nơi tàng trữ chúng và phương pháp bảo quản chúng. Một mặt, việc khảo cứu các công trình kiến trúc, việc in rập các chữ khắc, việc điều tra về ngôn ngữ học hoặc về dân tộc học, những công trình nghiên cứu đầu tiên về địa lý nhân văn v.v… Tất cả những công việc đó đều đòi hỏi sự có mặt tại chỗ của các nhà nghiên cứu, nghĩa là lại chính ngay châu Á, và mặt khác những tư liệu tập hợp được thì đa dạng và bao gồm từ hiện vật đến ảnh chụp đến các bản rập, các bản thảo v.v… Còn việc chế tạo và tổ chức hợp lý của khối tư liệu này đúng ra là thuộc lĩnh vực [trang 10] hoạt động của phòng thí nghiệm hơn làthuộc lĩnh vực hoạt động của một thư viện truyền thống, bởi vì nó có các “xưởng” làm ảnh và in rập. Còn việc sưu tập thì cần phải đổi mới.
Việc sưu tập những tư liệu ở một học viện theo một phong cách mới: Trường Viễn đông Bác cổ Pháp.
Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) một trường mà năm1898 mới chỉ có bản điều lệ của phái đoàn khảo cổ học thường trực tại Đông Dương, là trường đầu tiên hoạt động theo phong cách mới này.
Những điều kiện thành lập Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã được ông Louis Finot Giám đốc đầu tiên của trường trình bày chi tiết trong số chuyên san của trường nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập trường(4). Trong tập chuyên san này còn có cả những bản báo cáo về các công việc đã hoặc đang được thực hiện ở vào thời điểm lúc bấy giờ. Những học viện khác cũng đã được thành lập tại Châu Á như: “Nhà Pháp - Nhật” ở Tokyo hoặc “Trung tâm nghiên cứu Hán học của trường Đại học Paris ở Bắc Kinh”, trung tâm này hoạt động tới năm 1953(5). Nhưng không một viện nào phát triển được trên toàn địa bàn châu Á cả về mặt nghiên cứu phối hợp, cả về mặt xử lý tư liệu bằng những kỹ thuật cực kỳ hiện đại như Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã làm và đã được nơi khác học tập. “Những năm cuối thế kỷ XIX - Ông Louis Finot một nhà Ấn Độ học, đã nói khi bắt đầu kể về quá trình hoạt động chung của mình - là điểm xuất phát của các tư tưởng và phương pháp mới đối với việc nghiên cứu về Đông Á. Trước đấy, người ta thường bằng lòng với nhận thức của mình về những vùng này được rút ra qua các tài liệu thànhvăn. Người ta đã dần dần nhận thấy rằng phương pháp chắc chắn nhất để hiểu được quá khứ của một dân tộc nhất là bước đi ban đầu để đạt tới mục đích ấy là có được một sự hiểu biết sâu sắc về hiện tại của dân tộc ấy bởi vì chỉ có cái hiện tại đó mới - bằng tư duy hoặc tiếng vọng - trả lại mầu sắc - hoặc tiếng nói của quá khứ mà cái hiện tại đang tiếp nối”.
Nghiên cứu con người hiện nay sống trong xã hội của họ đó chính là cái hướng phát triển của những tư tưởng trong việc tìm kiếm một giải pháp thiết thực.
Chúng ta hãy tiếp tục dõi theo bài nói của ông Louis Finot, trong đó ông đã giải thích những quan niệm mới của những nhà Ấn Độ học người Pháp và các dự án của ông Paul Doumer đã gặp nhau như thế nào.
“Sau những thất vọng do những hoạt động thái quá của môn thần thoại học so sánh và sự lạm dụng quá mức của môn chú giải Phạn ngữ gây nên, người ta đã theo bản năng quay trở về truyền thống để tìm ở đấy một sự chỉ dẫn ít tham vọng hơn và chắc chắn hơn. Song việc nghiên cứu thực tế cụ thể đòi hỏi một điều khác hẳn những sự tự biện liều lĩnh của tư duy: nó đòi hỏi sự quan sát kiên trì của nhà ngôn ngữ học và nhà dân tộc học đòi hỏi sự phân tích tỉ mỷ, những sự kiện tôn giáo và xã hội, đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng những công trình kiến trúc có chạm hình; nó xem nhẹ việc coi lý thuyết như một công cụ để nghiên cứu mà nắm chắc trong tay “cái cuốc của nhà khảo cổ học, cái compa của nhà nhân chủng học, chiếc ống kính của nhà nhiếp ảnh và chiếc bàn chải của nhà in rập. Tất cả những công việc đó không phải là những công việc của một du khách thoảng qua. Những kết quả đó chỉ thu được trải qua quá trình lao động liên tục, có tổ chức, giống như một học viện nghiên cứu thường trực thì mới có thể có được”. Dựa trên những tình huống đã được đặt ra chung quanh việc thành lập một viện nghiên cứu thường trực như mong muốn, Louis Finot nói tiếp: “Chính là do ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng này mà vào năm 1898 những vị đứng đầu nghành Ấn Độ học người Pháp như Auguste Barth, Michel Breal, Emile Senart đã dự kiến một đề án thiết lập ở Ấn Độ những trường giống như những trường đã phát triển rực rỡ ở Anthenes của Hy Lạp, ở Rôma của Ý hayViện khảo cổ ở Caire của Ai Cập…”
Vậy nhiệm vụ của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp phải được xác định một cách rất chính xác, nhằm cho phép nó theo đuổi công việc nghiên cứu bác học, đồng thời với việc đổi mới phương pháp luận trong nghiên cứu. Nhiệm vụ càng được đặt trong bối cảnh thuộc địa thời đó và điều đó không hề có ý gì làm giảm nhẹ nhiệm vụ đó cả. Ông Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đang tổ chức một hệ thống hành chính cho những xứ được tập hợp lại dưới cái tên gọi “Đông Dương thuộc Pháp” nhằm xây dựng một Nhà nước có nguồn thu nhập và những cơ quan cần thiết cho sự sống của mình. Trong bối cảnh này, Sở địa chất cũng như Đoàn nghiên cứu khoa học về động vật và thực vật và Đài quan sát khí tượng được thành lập. Thật là một dịp may. Dự án ban đầu của các nhà Ấn Độ học là xây dựng ở cửa ngõ Calentia một “Trường Chamdernagor thuộc Pháp”, nhưng dự án này đã không tranh thủ được sự quan tâm của các giới có thẩm quyền đối với dự kiến ngân sách hoạt động của nó; dự án đó được ông Paul Doumer đặt lại và đề nghị cho Đông Dương. Nhiệmvụ của Trường Viễn đông Bác cổ được xác định theo hai loại công việc:
1. Hoạt động nghiên cứu về khảo cổ học và ngữ văn học của bán đảo Đông Dương.
2. Góp phần vào việc nghiên cứu bác học những vùng và những nền văn minh lân cận như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaixia…
Tuy được chính quyền thuộc địa tài trợ vào giao cho một số nhiệm vụ như lập danh sách và xếp hạng bảo tồn những di tích lịch sử, ra những quyết định có liên quan tới việc xuất khẩu các công trình nghệ thuật nhưng phần nghiên cứu khoa học thì Trường lại không được giao(6). Chính ông Paul Doumer vì muốn bảo đảm sự vĩnh cửu cho “Nghiên cứu Văn khắc và Văn học” đảm nhận việc tổ chức và kiểm tra khoa học cho trường. Đề nghị đó đã được chấp nhận và Viện Hàn lâm đã giới thiệu người Giám đốc đầu tiên của trường là ông Louis Finot cùng ba uỷ viên đầu tiên, trong đó có Antoine [trang 11] Cabaton làm thư ký của thư viện và ông Paul Pelliet nhà Trung Quốc học rất nổi tiếng sau này vì những phát hiện của ông về những tư liệu Phật giáo trong các hang động ở Đôn Hoàng thuộc vùng Trung Á.
Đến Sài Gòn năm 1899 phái đoàn nghiên cứu bắt tay ngay vào công việc, mặc dù có một sự phản ứng nào đó của những “Văn phòng” thuộc địa. “Công viẹc được bắt đầu từ Cămpuchia, Louis Finot nói: ông Giám đốc và ông Cabaton đã lưu lại đấy bốn tháng để nghiên cứu tiếng nói và nền văn học đồng thời cũng đi tham quan một số công trình kiến trúc và thu thập một số văn bản viết tay. Chuyến đi này đã có kết quả là xây dựng được một kho bản thảo viết tay bằng chữ Khơ - me đầu tiên, bao gồm 100 tác phẩm và 300 tập sách nhỏ…”. Nhiệm vụ lớn phải hoàn thành là việc tổ chức mà trước hết là”xây dựng một thư viện, một nhà bảo tàng và một cơ quan bảo tồn, giữ gìn những di tích lịch sử”. Chẳng bao lâu những ấn phẩm của Trường ra đời và tập đầu tiên công bố vào năm 1900 là quyển “Tiền cổ học An Nam” mà tác giả là D/Lacroix, xuất bản tại Sài Gòn. Nhưng những tập tiếp theo nằm trong hệ ấn phẩm này được in tại Paris. Ngược lại, tờ Tập san của Trường ba tháng một kỳ vẫn được in tại Hà Nội. Bốn số của năm thứ nhất được hợp thành một tập dầy 431 trang, có kèm theo 75 bức ảnh minh họa và ba tấm bản đồ. Trong tập này có 10 bài chuyên luận thì 8 bài viết về ngữ văn học như: Tôn giáo, kiến trúc của người Chàm; Văn học dân gian Việt Namvà nghệ thuật “Bắc Kỳ”; Khảo cổ học ở Lào; Phong tục của người Cămpuchia và nghiên cứu các dân tộc miền núi… Còn hai chuyên luận kia thì “một bài chuyên về Trung Quốc học một bài chuyên về Ấn Độ học, cả hai bài đều nêu lên phần ảnh hưởng chính đáng của hai nền văn minh đó tới nền văn minh của Ấn Độ Chi Na (tức Đông Dương = Indochina) đúng như nó đã được gọi tên”. Những từ trích dẫn trên được rút từ bản báo cáo về hoạt động của trường, của Giám đốc thứ 2 - ông A. Foucher cũng là một nhà Ấn Độ học.
Cũng cần phải trình bầy về những nhiệm vụ và nội dung công việc của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp để hiểu được loại hình tài liệu đã được Trường thu thập. Cần phải nói đến phương thức hoạt động của Trường mà qua đó người ta hiểu được thấu đáo những hoạt động của Trường trên lĩnh vực văn hóa cũng như nhân văn để thấy được đến nay Trường vẫn còn có uy tín đặc biệt ở châu Á, mặc dù phương tiện hoạt động của Trường còn thiếu thốn trong thời đại ngày nay khi mà các kỹ thuật hiện đại đã làm đổi mới phương tiện quản lý, giao thông và khai thác tư liệu. Chúng ta hãy xem một bài viết mới đây của bà Solange Thierry. Bà đã viết về Campuchia như sau:
“Không một lúc nào trong quá trình lịch sử của mình, người Khơme lại khôngbiết đến những công trình kiến trúc ở vùng Tây Bắc của Biển Hồ cũng như các công trình kiến trúc nằm rải rác trên khắp đất nước họ. Nhưng họ đã quên mất nguồn gốc chính xác, nếu không nói đến ngay cả ý nghĩa của các công trình đó. Đối với họ đấy là những công trình kiến trúc được xây dựng bởi những bậc Tevođa, những vị thần linh, hay những ông vua vĩ đại từ những thời xa xưa và đã ẩn mình trong đêm trường thời gian, và trong huyền thoại chắc chắn người dân Cămpuchia còn rất thân thuộc với những nhân vật vốn được chạm khắc trên các bức chân tường và trên các bức phù điêu của các công trình kiến trúc đó, tất nhiên là với điều kiện họ có thể đọc được chúng qua lớp rễ cây cuộn xoắn suýt và lớp cỏ dại mọc tràn lan từ nhiều thế kỷ nay. Đối với họ, những đấng thần linh và các vị vua với quá khứ oanh liệt của mình vẫn còn hay lui tới những nơi đây, những nơi chủ yếu mang tính chất triều đại và tôn nghiêm. Lễ hội hàng năm vào dịp năm mới, người ta thấy dân Campuchia từ mọi nẻo đường cái, đường mòn đổ về tận Ăng Co Vát và ở đó trong các hành lang, họ nhẩy múa và dâng lễ vật theo nghi thức của tổ tiên.
Nhưng một lịch sử có thực của Cămpuchia như người phương Tây hiểu và yêu cầu được hiểu, một lịch sử được đánh dấu bằng các sự kiện và năm tháng, bằng các triều đại, bằng các cuộc chinh phạt được ghi nhận theo trình tự thời gian. Một lịch sử như vậy thì người Cămpuchia không biết đến bởi hai nguyên nhân rất rõ nét là: một mặt các văn bản viết tay không có khả năng cưỡng lại với thời gian, với các cuộc chiến tranh, với khí hậu và mặt khác những văn khắc trên đá đã khó có thể đọc được vì bị bào mòn, bị nấm rêu bao phủ, bị tan vỡ, sụp đổ. Nói cách khác người ta chưa có thể cho tiếp cận những tư liệu viết ở đất nước này, một đất nước vốn đã có một hệ thống chữ viết này từ trước thế kỷ thứ VI, thứ VII, mà dẫu có cho tự do đọc đi chăng nữa thì đối với người Cămpuchia vẫn còn có những khó khăn mà họ không thể vượt qua được. Những văn bản khắc trên đá đều bằng chữ Phạn, hay bằng chữ Khơme cổ, rất xa lạ với [trang 12] tiếng Khơme hiện đại. Chính là do muốn khôi phục lại lịch sử của người Cămpuchia, khôi phục lại nền văn minh trong tổng thể của nó của người Cămpuchia mà các nhà bác học, các kỹ thuật viên người Pháp đã phối hợp với người Cămpuchia. Công trình nghiên cứu trên “các công trình kiến trúc” đã được tiến hành song song với công trình nghiên cứu trên các văn bản”. Cần phải trình bầy lại toàn bộ sự đóng góp của bà Thierry vì đó là sự đóng góp minh bạch. Một bằng chứng khác đã nêu bật một dạng của “sự phân quyền” giữa khoa học và hành chính chính trị. Điều này đã được ông Maurice Durand Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp ở Hà Nội lúc đó nêu lên trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị ở Hồng Kông ngày 5 tháng 12 năm 1956. Tại Hội nghị này ông đã trình bầy những hoạt động của Trường và về sự tiến triển của Trường từ năm 1945, tức là từ sự rung động diễn ra sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương, hiệp định Giơnevơ và sự chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền. Trong suốt thời kỳ ấy, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã nhận thấy một thực tế mà từ trước chưa từng có. Trên thực tế thì năm 1949 toàn bộ tài sản quí giá của Trường như các bảo tàng, thư viện, các tòa nhà đều đã trở thành sở hữu không thể chia cắt của khối quốc gia liên hiệp (Việt Nam, Cămpuchia, Lào và Pháp). Tuy nhiên, quy chế khoa học không thay đổi: Viện Hàn lâm (Pháp) vẫn nắm quyền quyết định trong lĩnh vực này. Tình hình này vẫn còn diễn ra ngay cả sau khi Việt Nam đã bị chia cắt làm hai miền, bởi vì người ta đã công nhận việc duy trì những hoạt động của Trường và duy trì tài sản quí giá của Trường tại Hà Nội - do đó ông Maurice Durand trở thành người phụ trách “Trung tâm Hà Nội” từ sau những công văn trao đổi giữa thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông P. Mendes France. Tuy nhiên tình hình này không thể kéo dài quá năm 1958.
Trong số những ấn phẩm của Trường, người ta đã thấy bản tổng kết về những hoạt động ở thời kỳ đầu này của Trường, Louis Malleret viết năm 1956(7). Đặc biệt ông viết: “Do việc thành lập các bảo tàng và các thư viện, do việc tập hợp được một kho ảnh, do việc sưu tập được các văn bản viết tay và những sách quí hiếm, Trường đã góp phần to lớn vào việc thiết bị văn hóa cho các nước Đông Dương. Bởi vậy, bằng những công trình nghiên cứu thận trọng của Trường, nhiều kho tư liệu đặc biệt quí giá đã có thể được thiết lập nếu như người ta nghĩ đến tất cả những gì mà khí hậu, sâu mọt hoặc sự thờ ơ của con người có thể phá hủy chúng hoặc để cho chúng tiêu tan đi”.
Rõ ràng rằng chính do mối quan tâm nhằm tránh việc phân chia tài liệu khoa học vốn đã “được đánh giá một cách chính đáng là giá trị của toàn thế giới” mà vào năm 1949 người ta đã đề xuất công thức về chủ nghĩa bốn bên về văn hóa (quađripartime culturel). Bài học mà Louis Malleret rút ra sau 5 năm lãnh đạo một học viện hoạt động theo chế độ đó, thực đáng được dẫn chứng và ca ngợi: “Chế độ 4 bên theo quan diểm của người này thì đó là cái di sản của quá khứ để lại, theo quan điểm của người khác thì đó là một công thức kiểu mẫu quốc tế, được áp dụng trong thế giới hiện đại do tất cả những gì mà nó đã đưa thành cái chung và tạo khả năng để trở thành cái chung trên bình diện quốc tế. Tuy có phức tạp, nhưng phương thức này trải qua 5 năm, được thực hiện ở Trường đã chứng minh được toàn bộ tính hiệu quả của nó. Không những phương thức đó không đi sau những biến đổi chính trị mà nó còn vượt lên khỏi những biến đổi chính trị đó và chính vì thế mà đôi khi nó được coi là bất khả xâm phạm, nó đánh dấu một bước tiến đáng kể trên lĩnh vực khoa học và nó chưa được người ta hiểu một cách thấu đáo [trang 13]. Tuy nhiên vì hiệp định Pau ra đời sau nó đã mất uy tín nặng nên nó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trở nên không thể thực hiện được do sự sụp đổ của những hệ thống liên kết thương chính, kinh tế và tiền tệ - những hệ thống mà trước đây đã tạo cho nó chỗ dựa về mặt vật chất. Lịch sử 5 năm này đáng được viết lên một cách khách quan, nó đã đánh dấu một cách đậm nét sự tồn tại của học viện và đã tạo ra cho những người chủ chốt của học viện một dịp thể nghiệm chưa từng thấy và say sưa thông qua tất cả những đề tài nghiên cứu mà học viện đã đề xuất...”
Chủ nghĩa sở hữu 4 bên về văn hóa này có lợi là nó cho phép thành lập các đoàn nghiên cứu thường trực dài hạn, trước hết ở Gia các ta, rồi đến Băng Cốc, Hồng Công, Tôkyô v.v.... cuối cùng tại Ấn Độ vào năm 1955 đã thành lập một Viện nghiên cứu Pháp ở Pogdiehéry mà viện này phải trực thuộc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp về mặt khoa học(8). Thời kỳ hoạt động thứ hai của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp như từ ngữ mà ông Franỗois Gros Giám đốc hiện nay của trường đã dùng là “tuyến châu Á” mà các trung tâm nghiên cứu đặt ở châu Á phải được phối hợp hoạt động dưới sự điều hành của trung tâm đặt tại Paris nơi có thư viện chính của Trường.
Phát hiện kịp thời và công bố vốn quí
Năm 1959 tại cuộc hội thảo do cơ quan Singer Polignac tổ chức với sự có mặt của tất cả những nhân vật ở Pháp có quan tâm tới việc “nghiên cứu khoa học nhân văn ở châu Á” của các học viện Pháp, người ta nêu lên một dấu hiệu báo động rằng “Trước đây - như có người đã phát biểu tại hội thảo - do địa điểm đóng của Trường và nhất là do thư viện của Trường đã được các hội viên - mà tất cả đều là các chuyên gia về ngôn ngữ và về các vấn đề đang được đặt ra cung cấp tài liệu, sách báo nên trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã thu thập được hầu hết tất cả những gì đã có ở Viễn đông... Giờ đây nó không còn được như thế nữa. Do đó trong các bộ sưu tập quốc gia đã bắt đầu có nhiều lỗ hổng và những lỗ hổng đó có nguy cơ nhanh chóng trở thành không thể bổ khuyết được”. Điều ghi nhận này do Pernard Groslier đưa ra giờ đây thực sự có tính thời sự hơn bao giờ hết. Đó là một vấn đề hiện đang được luận bàn không phải chỉ riêng đối với chúng tôi, mà còn được luận bàn rộng rãi ở nhiều nơi, ví như ở các nước châu Âu khác chẳng hạn. Trong số những mục tiêu của chúng tôi, người ta đã nhấn mạnh về tính hiện đại, tính xác thực mà thể thức hoạt động của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp là tiêu biểu trong bối cảnh lịch sử và khoa học lúc bấy giờ đã khiến dẫn tới việc thành lập trường vào đầu thế kỷ này, rồi làm cho nó phát triển và luôn luôn thích nghi với mọi hoàn cảnh cho mãi tới ngày nay. Người Anh người Đức, nhất là người Mỹ, đang tổ chức những mạng lưới trên qui mô lớn, nhưng thường chỉ để thu thập các sách vở, báo chí định kỳ và những ấn phẩm đã được chính thức công bố.
Những hệ thống này hoạt động có hiệu quả một khi chúng được phát triển trên qui mô lớn và lại được thiết lập ngay trên nước sở tại(9). Tương lai của chúng ta gắn liền với sự tham gia tích cực vào các mạng lưới hoạt động này nhằm thu thập được những công trình cụ thể, cũng như bảng danh mục về những công trình đó. Đấy là điều cốt tử theo thiển nghĩ của chúng tôi.
Việc trao đổi tư liệu cũng là một hoạt động mà chúng ta cần phải cấp thiết đưa vào chương trình hoạt động hoặc phát triển nó: những thư viện trọn vẹn bằng microfilm hoặc liên lạc qua vệ tinh, như người ta hằng mong ước đều có thể được trao đổi. Khoa học không được có biên giới và việc sưu tầm tài liệu không được dẫn đến việc tích trữ tài liệu một cách vô ích.
Với tinh thần ấy, tuy còn có những biện pháp thủ công, và ở một trình độ giới thiệu cũng như ở mức độ hiệu quả của nó như hiện nay, thư viện của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp vẫn cho phát hành một cách thường xuyên và biếu không bản danh mục tất cả những tài liệu gì mà Trường thu nhận được trong năm. Thư viện cũng phát hành những tập danh mục của các kho ấn phẩm, làm đến đâu cũng phát hành đến đấy(10). Thư viện cũng đang hoạt động rất tích cực để chuẩn bị đưa ra những bộ thư mục chi tiết về các tư liệu quí nhất mà nó có.
Hiện nay đang làm về: Các bản thảo chữ Khơme, bản in khắc gỗ chữ Tây Tạng. bản thảo chữ Pali (viết theo các dạng chữ viết khác nhau), bản thảo và bản in khắc gỗ cổ của Việt Nam (nằm trong chương tình hợp tác Pháp - Việt) hiện đang được triển khai trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Pháp và Việt Nam). Kho lưu trữ ảnh hiện đang đứng trước nguy cơ bị hư hỏng trầm trọng, nhất là dối với các tấm ảnh cổ. Kho ảnh hiện nay là một mối lo đáng kể và các tài liệu lưu trữ viết tay cũng vậy. Chúng tôi đang dự kiến chương trình bảo vệ chúng trong những điều kiện thích đáng. Đồng thời chúng tôi cũng nghĩ đưa mảng tư liệu này ra phục vụ với chất lượng thẩm mỹ là lẽ đương nhiên, nhưng không phải đã tuyệt mỹ. Chúng tôi quan tâm tới ba mức độ: bảo vệ vốn quí, đưa vốn quí ra phục vụ và làm phong phú thêm vốn quí. Sự quan tâm này đã được các bạn thủ thư đồng nghiệp làm việc tại các học viện hoặc các nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức khác hưởng ứng rộng rãi và chúng tôi phải tay nắm tay cùng nhau tiến bước.
[trang 14] Nếu chúng tôi không thường xuyên làm được như vậy thì đó là do điều kiện vật chất và con người quá mỏng manh, không cho phép chúng tôi có được một hoạt động bình thường và ngày qua ngày, còn góp phần đặt ra ngoài lề và làm xuống cấp dần dần cái di sản của nước Pháp mà có lẽ đó là một trong số những di sản phong phú nhất của châu Âu. Và đâu có phải bằng các biện pháp kỳ diệu của ngành tin học mà người ta chưa hiểu được đúng hoặc không có sự phối hợp gì mà lại có thể nghĩ ra được một lối thoát. Cộng đồng các nhà khoa học đương nhiên hoàn toàn tán thành ý kiến này.
Kết luận:
Nếu như những trang trên nói nhiều đến Trường Viễn đông Bác cổ Pháp và ngành Đông phương học sôi động, thì chủ yếu là vì hai lý do sau đây:
1. Trường Viễn đông Bác cổ Pháp nắm bắt cái tổng thể - chứ không có ý đi vào nghiên cứu toàn bộ các vấn đề cũng như cái tính đặc thù của các nền văn hóa châu Á và cái xã hội con người Châu Á, nên trường đã trở thành nơi gặp gỡ ưu việt và rộng mở đặc biệt đối với các viện nghiên cứu chuyên sâu về một địa bàn đặc biệt với tư cách là nơi gặp gỡ thì trên thực tế Trường Viễn đông Bác cổ Pháp có lẽ là nơi gặp gỡ hơn hẳn các nơi khác, bởi truyền thống lâu đời của nó, và bởi vì nó là cái lò đã đào tạo ra các nhà nghiên cứu bậc thầy người Pháp hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu các khoa học nhân văn ở Châu Á. Chính các bậc thầy này đã tích lũy nên khối tư liệu hiện có của Trường và họ còn tích lũy nữa thông qua các thế hệ mới các nhà nghiên cứu.
2. Trường luôn luôn có ý thức đổi mới và thích ứng thường xuyên với những điều kiện nghiên cứu về Châu Á mà việc nghiên cứu này đã được coi như là một đóng góp vào công việc nghiên cứu về con người trên thế giới này. Trường Viễn đông Bác cổ Pháp luôn luôn đi trước sự vận động của lịch sử và sự tiến triển của thế giới hiện đại - điều này người ta có thể nhận thấy khi đọc đoạn viết rất sơ lược về lịch sử của Trường mà chúng tôi đã điểm ở đây - Trường Viễn đông Bác cổ Pháp ngày nay vẫn tiếp tục cơ nghiệp của mình như trước. Thừa hưởng một qui chế hành chính đã được sửa đổi năm 1988, nên vai trò của thư viện của Trường sẽ phải được tăng cường để thực hiện chức năng thông tin tốt hơn và cho phép người ta sử dụng được đầy đủ hơn những nguồn tài liệu đã được tích lũy ở đây kể cả những tài liệu ở dạng nguyên thủy cũng như những thư tịch có hoặc không mang tính chất trí tuệ, kể cả các nội dung của các bản báo cáo v.v... Năm 1906 người ta đã đề nghị thành lập một trung tâm về tư liệu ở Paris - nhưng như ông Louis Finot đã đề cập và đã giải thích rõ trong cuốn lịch sử đại cương năm 1920 rằng Trường Viễn đông Bác cổ Pháp cũng đã biết chuyển từ cái mà mình có thành một trung tâm về tư liệu.
Để kết thúc bài này, tôi xin phép gọi ra đây cả những nỗ lực của các viện nghiên cứu hoặc các tổ chức nghiên cứu về Đông phương học ở Pháp mà người ta ít khi nhắc tới. Những bộ sách xuất bản phẩm định kỳ hoặc các tư liệu khác thường rất được chú ý, mặc dù các phương tiện để khai thác chúng còn quá thiếu thốn. Chỉ riêng việc tra cứu cuốn Niên giám năm 1988 của Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia, người ta cũng nhận thấy có khoảng 30 nhóm đơn vị hoặc “nhóm công ích” quan tâm nghiên cứu về Châu Á. Song trong tổng số này chỉ có 18 tổ chức tự xét thấy là có ích khi tuyên bố mình có thư viện riêng với gần 30.000 đơn vị tài liệu. Còn về các Viện nghiên cứu với đúng nghĩa của nó thì người ta phân làm hai loại có quan hệ hành chính khác nhau. Trước hết là Viện nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc từ năm 1926(11) hoạt động trong khuôn khổ của Trường Đại học Tổng hợp Paris nay sát nhập vào trường Trung học Pháp; Viện nghiên cứu nền văn minh Ấn Độ, thành lập năm 1929 và cũng hoạt động trong số các “Viện nghiên cứu Châu Á” thuộc Trường Trung học Pháp, y như Viện nghiên cứu cao cấp về Nhật bản, Viện nghiên cứu về Triều Tiên, Viện nghiên cứu về Tây Tạng hoặc Trung tâm nghiên cứu về Trung Á. Toàn bộ các học viện này, trong thời gian sắp tới sẽ được hoàn thiện hơn, khi mà các tòa nhà dự kiến xây dựng trong khu vực của trường Bách khoa xưa kia đã xây xong, sẵn sàng cho các học viện đó đến thuê làm trụ sở làm việc và đặt những thư viện đồ sộ của mình. Một khối học viện khác, với một qui chế tương đối phức tạp thì lại hoạt động trong khuôn khổ của trường Cao học khoa học xã hội (EHESS) (1) như: Trung tâm nghiên cứu về Ấn Độ và Nam Á (bản thân Trung tâm này không chỉ gắn bó với Trường Cao học khoa học xã hội mà còn gắn bó với cả Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc Gia, và với Phân hiệu V của Trường Cao học thực hành (EPHE) (2) Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại; Trung tâm nghiên cứu về Nhật Bản hiện đại; Trung tâm nghiên cứu về quần đảo. Mỗi một tổ chức nghiên cứu này đều có thư viện chuyên ngành riêng, mà tầm cỡ cũng lớn. Đó là chưa kể thư viện của Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Đông Nam châu Á và về khu vực Nam Dương quần đảo trước đây (CEDRASEMI) (3) (một tổ chức được thiết lập và hoạt động trong thời gian đầu theo mô hình của các Trung tâm nghiên cứu thuộc trường Cao học khoa học xã hội) nay đã hoàn toàn bị sát nhập vào thư viện của Trường Đại học Tổng hợp Nice(12). Về những chi tiết của các nguồn tài liệu này, chúng tôi chưa nắm được mấy. Một ngày nào đó có lẽ phải đề xuất vấn đề điều tra để ít nhất có được một danh mục các thư viện ở trên đất nước Pháp có các nguồn tài liệu liên quan tới Châu Á.
NGUYỄN XUÂN ĐỒNG và
PHẠM VĂN THẮM dịch

CHÚ THÍCH
(1) Bài đăng trên “Tập san thông tin của Hội các nhà thủ thư Pháp”, số 112 quí 1, năm 1989 (Bul.letin d’informations de I’Association des Bibliothé caires Francais – N0140. Icr Trime dre 1989). Tư liệu này do GS. Trần Nghĩa cung cấp.
(2)Tập san Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (BEFEO) tập 21, H. 1922, tr.271.
(3) Người ta có thể coi Phông Đông Dương của Cục Ấn Phẩm thuộc thư viện Quốc gia là một trong số những cái “được phát hiện lại” đó mà Chính quyền hiện nay đã có ý tốt là đề cao giá trị của nó đúng như nó có.
(4) Tập san Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (BEFEO) tập 21, H. 1922, tr.271.
(5) Thư viện, các hộp phiếu tra cứu và các tài liệu đã được chuyển đến Paris với sự đồng ý của Chính phủ Trung Hoa và được lưu giữ tại Viện Cao học nghiên cứu về Trung Hoa (30.000 tập)
(6) Chúng ta gặp lại ở đây một cuộc thảo luận có tầm cỡ lớn nhưng chưa được cởi mở, về việc đánh giá công cuộc thực dân của người Pháp. Một thư mục ngày càng được làm cho phong phú sẽ phải được đưa ra đóng góp cho thời gian tới khi mà việc thống kê các vấn đề bao hàm trong nó đang được người ta tiến hành. Tác phẩm của ông P/R. Féray (Việt Nam ở thế kỷ XX) do P.U.F xuất bản năm 1979 là tác phẩm đầu tiên đề cập tới cuộc tranh luận như vậy, hoàn toàn đề cập dưới góc độ nền văn minh của Việt Nam. Sự mở cửa của Việt Nam với thế giới cận đại từ những năm 1850 và khả năng về mặt lý thuyết của họ để bước vào thế kỷ XX, đã là chủ đề của một cuộc thảo luận trong những năm gần đây của các nhà sử học chuyên về vùng Viễn Đông đã bị Trung Hoa hóa. Nhiều ấn phẩm xuất bản hiện nay và nhiều công trình đang được tiến hành đã nhấn mạnh đến tính chất đa văn hóa có thực không chỉ đối với ba xứ (hiện nay là nước Việt Nam) - trong số 5 xứ của Đông Dương thời xa, mà còn nhấn mạnh đến việc bảo hộ mang tính chất thực dân đã được thực hiện thông qua một hệ thống cai trị duy nhất đã từng quản lý không chỉ ba xứ đó mà còn quản lý cả Cămpuchia và Lào nữa. Chúng ta cũng cần nhớ rằng công việc nghiên cứu về xã hội Việt Nam truyền thống của các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp “chỉ phát triển từ năm 1932 – 1933”. Việc kiểm kê các công trình kiến trúc hoặc các tài liệu thư tịch đã cho ra đời nhiều ấn phẩm như năm 1904 có công trình “Bước đầu ngiên cứu về các nguồn tài liệu hiện có ở Việt Nam về lịch sử Việt Nam” của các ông L.Cadière và P.Pelliot và năm 1909 có công trình “những công trình kiến trúc Chàm ở xứ An Nam” đăng trong tập II bộ danh mục về khảo cổ và về xứ Đông Dương (tập I chuyên về xứ Cămpuchia). Phương pháp nghiên cứu - rõ ràng là theo phương pháp của người châu Âu và mang tính chất phổ biến, một phương pháp vốn đặc trưng cho những mối quan tâm của các nhà sáng lập ra Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, kể cả ông Paul Doumer – là kiên quyết nghiên cứu những vấn đề trong khuôn khổ của phương pháp so sánh, đặc biệt là đối với các xã hội châu Á.
(7) Điểm lại nửa thế kỷ hoạt động khoa học của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, Tạp chí Pháp – Á số 125, 126, 127, tr.1- 42.
(8) Những công việc và triển vọng của trường Viễn đông Bác cổ Pháp nhân dịp 75 năm ngày thành lập Paris.1976.
(9) Những chương trình của “Library of congress” là ví dụ mẫu mực. Ở Anh việc mua sách đặt dưới sự chỉ đạo của những trung tâm tập thể, thí dụ như tổ chức S.E.A.E.G. Trong khi đó thì Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại các nơi mà Trường có những trung tâm do Trường quản lý, lại tham gia vào việc làm phong phú thêm những bộ sưu tập sách báo Mỹ hoặc các nước khác, thông qua những nhà nghiên cứu thường trực của mình tại các nước đó.
(10) Người ta đã hoàn thành các bản thư mục ấn phẩm của các kho sau: Kho sách Nam Dương quần đảo, kho sách Khơ me, kho sách Việt Nam, kho sách Thái và ấn phẩm định kỳ về Nam Dương quần đảo.
(11) Xin xem bài của Paul Démielville nhan đề: Tin về tổ chức nghiên cứu Đông Á ở Pháp, in trong Tập san Nghiên cứu Á Châu, tập XVIII, N01, tháng 1-1958.
(12) Thêm vào đó là những bộ sưu tập ấn phẩmcủa các thư viện chuyên ngành như Thư viện Bảo tàng Guimet, hoặc các thư viện tổng hợp như Thư viện Viện Bảo tàng phân loại hoặc các thư viện của trường đại học cấp tỉnh(*).
(*) Trong khi dịch tài liệu này chúng tôi được sự giúp đỡ và góp ý kiến của ông Dương Kính Quốc - một chuyên gia có kinh nghiệm về tiếng Pháp. Nhân đây xin chân thành cảm ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) EHESS: Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales.
(2) EPHE: Ecole Pratique des Hautes Etudes.
(3) CEDRASEMI: Centre de Documentations et de Techerches sur I’Asie du Sud - Est et le monde Insulindien.

(Theo tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1989)


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh