Trả lịch sử lại cho lịch sử
TUEsday - 19/04/2016 13:05
vannghexudoai - Vừa rồi nhà sử học, GS Lê Văn Lan trả lời phóng viên báo vtc news rằng, 10/3 không phải là ngày gốc giỗ Tổ Hùng Vương. Chúng tôi xin đăng lại bài báo: "Trả lịch sử lại cho lịch sử" của Trần Quốc Thịnh viết từ năm 2009. Mời bạn đọc tham khảo
Lăng mộ Kinh Dương Vương ở Thuận Thành (Bắc Ninh)
"Thủa còn thơ
Ngày hai buổi đến trường..."
Tôi học vỡ lòng lịch sử Việt Nam đã là: "Tục truyền rằng họ Hồng Bàng làm vua nước ta đầu tiên. Tương truyền Đế Minh là con vua Thần Nông gọi vua Phục Hy là bác cháu nội Toại Nhân chắt bốn đời ông Bàn Cổ. Đế Minh đã có vợ và sinh ra Đế Nghi song khi đi tuần thú miền Ngũ Lĩnh lại lấy công chúa Vụ Tiên và sinh ra Lộc Tục lớn lên Đế Nghi làm vua phương Bắc Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục thành lập bộ tộc Dâu đóng lị sở ở Liên Lâu đặt quốc hiệu là Việt Thường xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Long Nữ là con gái Động Đình Quân mà sinh ra Sùng Lãm.
Đế Lai con Đế Nghi đem con gái là Âu Cơ xuống thăm phương Nam. Sùng Lãm và Âu Cơ gặp nhau ý hợp tâm đầu nên duyên cầm sắt.
Kinh Dương Vương đổi quốc hiệu là Xích Quỷ rồi mất. Sùng Lãm nối ngôi xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng trăm trứng ấy nở ra một trăm người con. Lạc Long quân bảo với Âu Cơ rằng:
- Ta là giống Rồng nàng là giống Tiên thuỷ hoả tương khắc không thể ở được với nhau chi cho bằng chia đôi số con nàng mang 50 con lên rừng ta mang 49 con xuống biển để lại con cả là vua lấy hiệu là Hùng Vương (vua mạnh). Lớn lên Hùng Vương thấy đất Luy Lâu trống trải thắng thì có đất xông lên nhưng thua thì không có chỗ lùi mới dời lên đất Nghĩa Lĩnh là đất của cụ ngoại có thế ỷ đất dựng đô đổi quốc hiệu là Văn Lang chia nước làm 15 bộ, bộ quê nhà gọi là bộ Vũ Ninh và truyền được 18 đời...".
Ngày 19 tháng 09 năm 1954 đại đoàn Quân Tiên Phong của Đại tá Vương Thừa Vũ tập trung ở cửa Đền Hùng chuẩn bị vào tiếp quản Thủ đô. Tại đây đoàn quân được Bác Hồ thăm. Bác Hồ nói: "Các vua Hùng đã có công dựng nước Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Bác không bảo vua Hùng là Quốc tổ cũng không bảo Phú Thọ là Đất tổ. Gọi vua Hùng là Quốc tổ ta đã vô hình chung rút ngắn lịch sử Việt Nam lại bởi vì trên vua Hùng còn có vương phụ là Lạc Long Quân trên Lạc Long Quân còn có vương phụ là Kinh Dương. Kinh Dương vương còn là con rể Động Đình quân Động Đình Quân là người nước Việt, Kinh Dương vương không thể đẻ ra Động Đình quân.
Kinh Dương vương dù là ông nội vua Hùng cũng không thể là Quốc tổ mà chỉ có thể gọi là Vương tổ. Bởi khi Người lập bộ tộc Dâu thì ở vùng Dâu đã có người Việt rồi đâu phải do Người sinh ra cho nên đến nay ta vẫn không biết ai đã đẻ ra giống người Việt được. Và lại từ xưa đến nay ta không có từ Quốc tổ mà chỉ có từ Tổ quốc. Tổ quốc là từ trừu tượng nhưng thiêng liêng nó biểu thị hào khí non sông linh hồn dân tộc văn hoá tâm linh tín ngưỡng của toàn dân có công việc gì ta bầy bàn thờ Tổ quốc và viết bốn chữ "Tổ quốc trên hết". Khi có chiến tranh ta "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Nếu ta có ý tôn vinh Bác Hồ là "Cha già dân tộc" bà Trần Thị Dung được Trần Cảnh phong là "Linh Từ quốc mẫu"... Thì phải tôn Kinh Dương Vương mới đúng. Vị vua đầu tiên của họ Hồng Bàng làm vua nước ta đã có quốc hiệu vương sở vương hiệu chứ không còn là một tù trưởng. Vua Hùng là vị vua thứ ba thời dựng nước. Và nên gọi Kinh Dương Vương là vương thuỷ tổ (vị vua đầu tiên) Lạc Long Quân là Vương thế tổ (vị vua kế tiếp).
Về đất tổ có phải là dân tộc thiểu số đâu mà lập quốc ở miền núi? Người Việt lập quốc người ta chọn vùng đất ven sông Hồng phù sa màu mỡ Kinh Dương vương lập quốc ở phía Nam sông Đuống và bắc sông Hồng mãi khi Âu Cơ đem 50 người con lên rừng Lạc Long Quân đem 49 người con xuống biển miền núi miền biển mới được mở mang.
Trải đời vua cha qua đời vua con đến đời vua cháu mới lên Phong Châu. Lăng Kinh Dương vương ở đồng miếu thờ Âu Cơ ở trong làng bị Pháp phá năm 1950 nhưng bức đại tự "Đại Nam tổ miếu" dân treo ở đình làng Á Lữ xã Đại Đồng Thành đền thờ Lạc Long Quân ở làng Bình Ngô xã An Bình huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) hiện vẫn còn. Vậy đất Tổ Việt Nam ở Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh chứ không phải ở Phong Châu tỉnh Phú Thọ. Cúng giỗ vua Hùng chúng ta tri ân vị vua tổ thứ ba của người Việt thời dựng nước có công sáng lập nước Văn Lang truyền 18 đời vua (tuy có thuyết cho rằng 18 vị vua Hùng cùng tồn tại trên 18 khoảnh đất) và kỉ niệm lời nói nổi tiếng mang tính giáo dục truyền thống mãnh liệt "Các vua Hùng đã có công dựng nước..." của Bác Hồ.
Câu ca dao phương ngữ Phú Thọ: Dù ai buôn bán ngược xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Có lẽ là câu ca xuất phát từ những chi tộc trực hệ của Hùng Hiền vương (Hùng Vương thứ nhất) còn di hệ 99 người em vua Hùng nữa thì đâu phải vua Hùng đẻ ra? Người là "bác tổ" mới phải chứ?
Cúng giỗ vua Hùng ở Phú Thọ xong lẽ ra chúng ta phải tổ chức hành hương về làng Á Lữ xã Đại Đồng Thành lễ vương thuỷ tổ Kinh Dương và quốc mẫu Âu Cơ về làng Bình Ngô xã An Bình lễ Vương thế tổ Lạc Long Quân ở Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh tri ân người và nơi sinh ra Hùng Vương đồng thời là nơi cắt rốn chôn nhau của Người. Thế mới gọi "quê hương là chùm khế ngọt" thế mới phải đạo lí "uống nước nhớ nguồn" (ẩm hà tư nguyên) của người Việt Nam.
Là sinh viên văn chứ không phải sinh viên sử song trước sự việc Phú Thọ là đất tổ Hùng Vương là Quốc tổ tôi làm sách "Danh nhân lịch sử Kinh Bắc" để khẳng định rằng mặc dù là truyền thuyết song người xưa kể rằng Kinh Dương vương Lạc Long Quân Âu Cơ đều là người Bắc Ninh Hùng Vương cũng xuất xứ từ Bắc Ninh. Sách tôi công bố năm trước thì năm sau lãnh đạo tỉnh Phú Thọ có xuống cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thắp hương lăng Kinh Dương Vương một lần rồi thôi. Năm làm sách tôi về chụp ảnh thì lăng Kinh Dương Vương đứng chơ vơ giữa đồng làng Á Lữ. Sau sự việc trên tôi về thì thấy có đền thờ và thủ nhang tôi hỏi thì kinh phí do dân làng sở tại đóng góp chứ không phải "Cháu xây dựng quê hương mới làm ăn khấm khá về xây nhà cho ông".
Giỗ vua Hùng năm Mậu Tý 2008 tôi nghe đài nói "Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đem ra cúng tổ một chiếc bánh chưng một tấn và một chiếc bánh dầy cũng một tấn".
Mấy ngày sau tôi nghe buổi phát thanh thời sự nói bánh chưng thiu chảy đứt lạt và bánh dày độn xốp... đài yêu cầu cơ qua có vật phẩm ấy là Công viên văn hoá Đầm Sen phải xin lỗi nhân dân cả nước và nhân danh nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải xin lỗi nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nữa.
Tôi theo dõi mấy ngày sau Giám đốc công viên Đầm Sen xin lỗi qua loa về kĩ thuật "mọi năm chúng tôi thành công năm nay không thành công" đó là bánh chưng thiu còn không nói gì về bánh dày độn xốp cả.
Tôi liền đem ba cuốn sách của tôi: Danh nhân lịch sử Kinh Bắc (828 trang do nhà xuất bản Lao Động 2004) Văn hoá ẩm thực Kinh Bắc (716 trang do nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin 2004) và Chèo Cổ truyền làng Thất Gian (792 trang do nhà xuất bản Văn háo-Thông tin 2007) ba tài liệu này góp phần chứng minh Bắc Ninh là cái nôi văn minh lúa nước của đồng bằng Bắc Bộ và là nơi lập quốc của người Việt cổ. Gặp phụ trách buổi phát thanh thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam tôi nói:
- Cơ sở đã làm ra cái bánh dày một tấn thì người ta không thiếu gạo mà độn xốp ta thử xem mặt trái của nó là gì?
Nhưng ông Đào Nguyễn từ chối mọi đàm luận với lí do "tôi cũng sắp hưu rồi". Cho đến giỗ vua Hùng năm nay (Kỷ Sửu 2009) thì thấy Phú Thọ xây đền và đúc tượng Lạc Long Quân và cũng gọi ngài là Quốc tổ (thế là hai Quốc Tổ!) và đền Âu Cơ đúc tượng Âu Cơ gọi là Quốc mẫu (may quá không thấy nói đến vợ vua Hùng).
Công bố Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng ở núi Nghĩa Lĩnh! Trong nghi lễ có 100 thanh niên mặc quần áo trắng cầm cờ biểu tượng cho một trăm con trai Lạc Long quân được sinh ra ở Phú Thọ. Sau khi tường thuật đại lễ tại chỗ các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin các nơi như Đà Lạt Kiên Giang thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cúng giỗ rồi nói đến cả Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở Hưng Yên Tản Viên Sơn Thánh và Mỵ Nương... tuyệt nhiên không đả động gì đến Kinh Dương vương và Bắc Ninh cả.
Nếu nói Lạc Long Quân là Quốc tổ thì phải gọi Hùng Vương là Quốc tôn chứ sao con Quốc tổ bố cũng Quốc tổ? Bà Lý Chiêu Hoàng khi nhường ngôi cho Trần Cảnh bà cũng nói: "Nhà Lý trải nhất tổ lục tôn". Năm ngoái nhờ lộc Hùng Vương Phú Thọ xây đền đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân. Năm nay lộc nhiều nếu lại xây đền và đúc tượng Kinh Dương vương nữa thì lại gọi Quốc tổ nữa hay sao?
Giá như các nơi xây đền đúc tượng thờ vọng thì không nói làm gì đằng này dân của con xây đền đúc tượng bố mẹ để thờ mà không về quê gốc xin bài vị tên hèm sao sắc. Nghĩa là: "Tôi có tiền tôi cứ xây đền đúc tượng tôi thờ" chẳng cần biết trước đó các ngài ở đâu bài vị thế nào sắc phong các triều ra sao theo phong tục Việt Nam thật là thất lễ. Chưa kể phải rước bài vị từ đền phát tích đi!. Việc sáng tạo huyền thoại "Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng ở núi Nghĩa Lính" thì quả là ngộ. Vì đẻ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) thì Lạc Long Quân mới bảo "Nàng mang 50 con lên rừng" chứ đẻ ở núi Nghĩa Lĩnh thì rừng đấy rồi còn lên đâu nữa? Ai đó cứ sáng tác từ "Quốc giỗ"? trong Hán Việt không có từ Quốc giỗ mà chỉ có từ Quốc lễ ngày giỗ gọi là kị nhật hay là huý nhật.
Nghe nói vị Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các tỉnh từ sang năm phải góp giỗ. Các tỉnh tôi không nói chứ Bắc Ninh ai lại dân con của ông nội và bố mẹ ở quê lại lên góp giỗ nơi cư trú để cúng con và cháu của mình còn quê gốc và giỗ ông giỗ bố mẹ con cháu ở quê mới không góp về cúng các cụ thật là phi đạo lí.
Con chim sắp chết thường cất tiếng kêu than. Con người sắp chết thường cất lời nói phải. Tôi năm nay đã 74 tuổi có chết cũng đến cõi rồi. Mong ai đó dù có chức có quyền đến đâu cũng đừng vì một động cơ nào đó mà bóp méo lịch sử. Bác Hồ nói: "Chúng ta không sợ khuyết điểm chỉ sợ không dám sửa khuyết điểm". Ngay ngày thành lập Đảng ta trước đây một số năm đã kỉ niệm vào ngày 6 tháng 1 sau lại sửa ngày 3 tháng 2 đấy thôi.
Hãy trả lịch sử lại cho lịch sử!
Trần Quốc Thịnh