Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

VÀI NÉT VỀ KIM THẠCH VÀ KHOA NGHIÊN CỨU KIM THẠCH Ở TRUNG QUỐC

WEDnesday - 12/04/2017 12:43
Bài viết của Đinh Khắc Thuân đăng trên tạp chí Hán Nôm năm 1992
Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

<p class="MsoNormal" '="" style="background-color: rgb(236, 236, 236);">1. Khái niệm về Kim Thạch
“Kim” là kim loại mà chủ yếu là đồng, được tạo tác thành khí vật, có nguồn gốc từ việc Hoàng Đế cho khắc chữ, ghi niên đại trên các khí vật như đỉnh, vạc,… từ thời tam đại trở về trước. Còn “thạch” là đá, được khắc chữ, tạo hình, có nguồn gốc từ Vô Hoài Thị khi phong cho thần núi Thái Sơn, đã cho khắc vào đá để ghi công, và từ đời nhà Tần cho khắc chữ lên trống đá. “Kim Thạch” là từ chỉ chung cho những di vật và di văn bằng đồng và đá của người xưa ở Trung Quốc còn lưu lại đến nay. Thuật ngữ này cũng đã xuất hiện khá sớm trong thư tịch cổ Trung Hoa, như trong chương Kiêm Ái của Mặc tử ghi “lậu ư kim thạch”, nghĩa là khắc vào đồng đá. Tuy vậy, “kim thạch” thực sự trở thành danh từ học thuật mới bắt đầu từ đời Tống với tập Kim thạch lục của Tăng Củng.
Nói đến kim thạch ở thời Thương, Chu là nói đến nhạc khí; còn thời Tần là kim thạch khắc từ. Từ thời Tống về sau, do việc phát hiện di vật cổ ngày một nhiều, chủng loại ngày càng phong phú, nên khái niệm kim thạch cũng được mở rộng. Chúng bao gồm không chỉ những di vật và di văn trên đồng, đá mà còn trên các chất liệu cứng khác như xương thú, tre gỗ, ngói ngọc… Ở thời Tống, kim thạch được chia làm hai loại. Một là cổ khí vật, gồm di vật thuộc Tam đại, Tần, Hán bất luận được làm bằng kim hay ngọc, bất luận có chữ hay không có chữ, miễn là thưởng ngoạn được. Hai là kim thạch văn tự, tức văn tự được khắc trên bất kể khí vật nào, miễn là có thể sao lục được. Hai loại trên lúc đầu chỉ hạn chế ở khí vật và bia kệ, dần dần được mở rộng đến ngói, gốm và thậm chí cả giáp cốt, trúc mộc.
Giáp cốt, trúc mộc dầu được phát hiện muộn, song nó xuất hiện khá sớm cùng buổi đầu chữ viết được khắc lên kim thạch. Xét ở mặt sử dụng, thì trúc mộc được sử dụng rộng rãi nhất, nhưng đến cuối thời Nam Bắc triều bị phế bỏ hoàn toàn. Việc dùng giáp cốt chỉ hạn chế ở triều đại Ân Thương. Vả lại trúc mộc dùng lâu sẽ hư hỏng, giáp cốt chỉ dùng vào việc bói toán. Chỉ có sử dụng kim thạch thì từ thời thượng cổ đến nay không hề gián đoạn, lại lâu bền. Chính sự lâu bền của kim thạch đã được phản ánh ngay tên gọi của nó “cát kim”, “trinh thạch” mà di khí thời Chu và khắc thạch đời Tần đã ghi. Và vì vậy kim thạch được dùng chỉ chung cho các di vật được làm từ chất liệu bền chắc có khắc chữ chạm hình trang trí hoặc những di vật không có chữ, không có trang trí nhưng có ý thức như một tác phẩm. Mã Hành, nhà kim thạch học cận đại đã chia kim thạch làm ba loại: Một là di vật đồng, bao gồm lễ nhạc khí, độ lượng hành, tiền tệ, ấn tín, trang phục vua, vũ khí cổ. Hai là di vật đá, gồm khắc thạch, bia kệ, tạo tượng, kinh chàng, mộ chí,… Ba là di vật ngoài kim thạch, gồm giáp cốt, trúc mộc, ngọc và gốm. Trên cơ sở đó, Chu Kiếm Tâm nhà kim thạch học hiện đại chia kim thạch thành các loại: khí vật cát kim gồm: lễ khí, nhạc khí, binh khí, độ lượng hành khí, tạp khí, tiền tệ, tiền phạm (tiền phạm hàm), tỉ ấn, phong nê (một kiểu tiêm phong cổ để giữ bí mật tài liệu gửi đi), binh phù, kính giám; thạch khắc văn tự hoặc đồ họa gồm: khắc thạch, bi kệ, mộ chí, tháp minh, phù đồ, kinh chàng, tạo tượng, ma nhai, địa biệt, đồng thời kiêm cả các trứ tác trên ngọc khí, ngõa chuyên, giáp cốt, giản độc, minh khí, đào khí (đồ gốm).
Như vậy khái niệm kim thạch không ngừng được mở rộng từ chỗ là di vật bằng đồng đá có hoặc không khắc chữ đến tất cả các di vật được làm bằng chất liệu cứng khác khắc chữ, không khắc chữ, tạo hình hay đồ họa. Tư liệu kim thạch là nguồn sử liệu đích thực phục vụ khoa học lịch sử. Nghiên cứu tư liệu kim thạch, được gọi là khoa nghiên cứu kim thạch: Kim thạch học. Đối tượng và phạm vi của khoa nghiên cứu kim thạch không ngừng mở rộng cùng sự mở rộng khái niệm kim thạch như trình bày ở trên. Giá trị của kim thạch học cũng hết sức lớn lao, giúp việc khảo đính thư tịch như chứng kinh, đính sử, bổ thất, khảo tự; nghiên cứu văn chương như truy tìm ngọn nguồn, thể chế, công chuyết và thưởng thức nghệ thuật như thư họa, điêu khắc.
2. Lịch sử hình thành và phát triển của khoa nghiên cứu kim thạch
Khoa nghiên cứu kim thạch là hạt nhân của nền khảo cổ học Trung Quốc trước đây, thực sự trở thành ngành khoa học riêng từ thời Bắc Tống. Tuy nhiên việc nghiên cứu kim thạch đã có mầm mống từ Hán, phát triển đến Ngụy, Tấn và Đường. Thời kỳ cực thịnh của khoa học kim thạch này cũng là thời Tống. Sau đó chững lại và có phần suy thoái vào thời Nguyên, Minh; rồi phục hưng nở rộ từ thời Thanh đến nay.
Do đặc điểm của kim thạch: thời Tam đại chỉ có kim mà không có thạch; còn từ Tần, Hán về sau thạch nhiều, kim ít, niên nghiên cứu lịch sử thời Tam đại thì không có gì bằng kim, từ Tần Hán về sau thì không gì bằng thạch. Các học giả Hán, Ngụy, Tùy, Đường khi nghiên cứu về lịch sử thời Tam đại, Tần đã rất coi trọng tư liệu kim thạch này.
Chẳng hạn các học giả thời Đông Hán xét chữ khắc trên vạc cổ mà xác định “tổ nhà” Chu bắt đầu từ Hậu Tắc, Hậu Tắc được phong ở đất Thai, Công Lưu phát tích ở đất Bân…”. Hứa Thận trong Thuyết văn giải tự cũng dựa vào chữ khắc mà chứng minh sự biến thiên của văn tự. Trương An thời Ngụy chú Hán Thư, đã căn cứ vào văn bia mà biết được Phục Sinh tên là Thắng Vương. Hoặc Tấn Xước đời Tần chú Hán thư địa lý chi dựa vào văn bia mà đính chính tên huyện Lê Âm là huyện Lê Dương…
Ở giai đoạn đầu này, việc nghiên cứu kim thạch đã được quan tâm, song còn lẻ tẻ và ngẫu nhiên. Thông thường ngẫu nhiên gặp được văn bia nào, di vật nào thì ngẫu nhiên thuật lại. Vì thế các tập hợp đó thường lộn xộn, lẫn lộn. Đến Tùy Đường, việc nghiên cứu kim thạch đã được mở rộng và bắt đầu sưu tập thành tác phẩm chuyên biệt như những sưu tập về bi văn, thạch kinh và đặc biệt là phát hiện được trống đá ở Trần Thương. Nổi bật nhất trong các tác phẩm này là 8 loại trứ tác đề cập đến thạch kinh Lạc Dương ký, Tây Chinh ký, Hậu Hán thư, Thủy kinh chú, Lạc Dương già lam ký, Bắc Tề thư, Tùy thư kinh tịch chí và Tây kinh tân chí.
Đến thời Bắc Tống, do việc kế thừa thành quả nghiên cứu trên và đặc biệt do tư liệu kim thạch được phát hiện nhiều nên các học giả Trung Quốc mà tiêu biểu là Lưu Xưởng, Âu Dương Tu khai sơn phá thạch, đã đề xướng lên khoa học kim thạch này. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu được xác định cụ thể. Nghiên cứu kim thạch ở đây không chỉ dừng ở các di vật và di văn kim thạch mà còn mở rộng ra các chất liệu cứng khác ngoài kim thạch. Phương pháp nghiên cứu đa dạng. Song tựu trung lại gồm: sưu tập, phân loại, niên đại, khảo thích, bình luận.
Về kim: việc lưu trữ, ghi chép cổ khí bắt đầu từ Lưu Xưởng khi ông làm Thái thú ở Vĩnh Hưng, Trường An - cố đô nhà Tần, Hán có nhiều cổ khí chôn vùi trong những ngôi mộ cổ hoang phế. Ở đây ông tập hợp được 11 cổ khí, sai thợ tô lại văn tự, vẽ lại hình dáng rồi khắc lên bia đá, lấy tên là Tiên Tần cổ khí ký. Trong lời tựa của tập cổ khí này, Lưu Xưởng đề xướng 3 phương pháp nghiên cứu cổ khí là thể chế cổ khí, đính chính văn tự và sắp xếp thế thứ. Đây là bước mở đầu việc nghiên cứu cát kim.
Sau Lưu Xưởng chừng 30 năm, Lữ Đại Lâm viết Khảo cổ đồ 10 quyển, Thích văn 1 quyển vào năm Nhâm Thân, niên hiệu Nguyên Hựu (1092). Sách gồm 211 đồ đồng cổ, 13 đồ ngọc. Sau đó 10 năm, Vương Phủ viết Tuyên Hòa bá cổ đồ 30 quyển, chép 829 cổ khí, chia làm 20 loại, mỗi loại có tổng thuyết (giới thiệu chung) và miêu tả, kích cỡ, văn tự chú giải tường tận. Tiếp theo là Tục khảo cổ đồ 5 quyển bổ sung cho tập Tuyên hòa bá cổ đồ. Rồi Lịch đại chung đỉnh di khí khoản thức pháp thiếp của Tiết Thượng Công 20 quyển. Bộ này được nhà nước cho in vào năm Thiệu Hưng 14 (1144), gồm 511 cổ khí. Cổ khí thuyết của Hoàng Bá Tư viết xong năm Đinh Mão, niên hiệu Thiệu Hưng (1147) gồm 426 thiên. Quảng xuyên thư bạtcủa Đổng Dậu gồm 10 quyển ghi chép văn tự trên cổ khí và bia thiếp từ Hán, Đường đến Tống; đồng thời khảo chứng hết sức xác đáng…
Về thạch: Thạch khắc đã được coi trọng từ thời Hán. Thời Đông Hán trở về sau, bia mộ phát triển nhiều, vua Nguyên Đế nhà Lương đã sưu tập, ghi chép bia khắc gồm 120 quyển lấy tên là Bí anh,nhưng sổ sách này bị thất truyền. Đây có thể coi là sự mở đầu cho việc ghi chép về thạch khắc. Đời Đường thạch khắc được khảo chứng nhiều. Đến thời Tống, các học giả Tống quy định thành 6 thể lệ biên tập thạch khắc: tổn, mục, bạt vĩ, lục văn, phân địa, phân nhân và toàn tự.
Theo thể lệ này, Âu Dương Tu, người đầu tiên sao lục thạch khắc viết thành Tập cổ lục 10 quyển, vào năm Gia Hựu 6 (1061). Cùng với Âu Dương Tu là Tăng Củng, ông đã biên tập triện khắc cổ kim thành sách Kim thạch lục gồm hơn 500 quyển. Những sách trên có phần mục và bạt, trở thành khuôn mẫu cho đời sau biên soạn. Theo thể lệ “lục văn”, Hồng Thích biên tập bộ Lệ thích năm Càn Đạo 2 (1166), có lời tựa, khắc in toàn văn 92 bia, gồm 27 quyển. Tiếp theo là Lệ tục 21 quyển cũng được khắc in. Ngoài ra là tập Cổ văn uyểnchép thơ, phú, tạp văn từ Đông Chu đến Nam Tề gồm hơn 260 bài, trong đó có rất nhiều bài văn trên khắc thạch. Thể “phân địa” thì có sách Dư địa bi mục của Vương Tượng Chi, Bảo khắc tùng biên của Trần Tư, Ngũ lộ mặc bảo của Trịnh Dương, Kinh triệu kim thạch của Điền Khái… chuyên chép văn bia của từng địa phương. Thể lệ “phân nhân” có Bảo khắc loại biên 8 quyển không rõ người soạn. Tứ khố đề yếu cho là người sau đời Lý Tông (1225) soạn. Sách chia làm 8 loại: Đế vương Thái tử, quốc chủ, danh thần, nhà sư, đạo sĩ và phụ nữ. Mỗi loại lấy tên người làm gốc rồi ghi bi mục, niên đại, địa danh ở dưới. Thể lệ “toản tự” lấy “chữ lệ làm kinh”, lấy “bia làm cước chú”, như tập Lệ vận của Lưu Cầu, 10 quyển gồm 261 loại thư mục bia.
Ngoài ra còn rất nhiều trứ tác khác của các học giả đời Tống bị mất. Dương Diện Tuân trong Tống đại kim thạch dật thư mục đã kê được 89 loại trừ tác kim thạch của thời Tống. Thế mới biết kim thạch học thời Tống phát triển đến cực thịnh.
Sau thời kỳ cực thịnh này là thời kỳ trung suy: Nguyên-Minh. Ở thời Nguyên do không coi trọng thực học, lại ít đào được di vật kim thạch nên chỉ có một vài học giả có trứ tác như Ngô Khưu Diễn, Phan Địch, Dương Tuần, Phân Ngang Tiêu.
Ngô Khưu Diễn viết Học cổ biên, chuyên về triện khắc, ấn chương vàChu Tần khắc thạch thích âm vốn là sách san định lại Chu Tần khắc thạch thích âm của Dương Văn Bỉnh đời Tống. Phạn Địch viết Thạch cổ văn âm huấn cũng khảo đính âm huấn của Thạch cổ văn đời Tống. Dương Tuần viết Tăng quảng chung đỉnh triện vận nhằm bổ sung cho Chung đỉnh triện vận của Vương Sở đời Tống…
Sang thời Minh, các trứ tác kim thạch có khá hơn. Nhưng so với thời Tống thì vẫn chưa có ai kế thừa. Duy có tập Tuyên Đức đỉnh di phổthì phân tích biện luận khá tinh tế.
Nghiên cứu cổ khí thời Minh, có Cách cổ yếu luận của Tào Chiêu vàTân tăng cách cổ yếu luận của Vương Tá. Sách ghi chép về chữ cổ, có Kim thạch di văn phủ của Phong Đạo Sinh, Chích cổ di văn của Lý Đăng, Kim thạch văn phủ của Chu Thời Vọng… Các sách trên đều biên soạn theo vận bộ, sao chép nhầm lẫn nhiều. Về trống cổ, Dương Thận viết Thạch cổ văn âm vận thích 3 quyển, thực chết là chép lại, sắp xếp trứ tác của người trước. Về thạch khắc, các học giả thời Minh cũng theo thể lệ đời Tống mà biên soạn như Thủy kinh chú bi mục 1 quyển của Dương Thận, Thạch mặc huề hoa 6 quyển của Triệu Hàm, Thành Khắc trung sai 1 quyển của Đào Tông Nghi…
Những tác phẩm kim thạch thời Minh tuy đã tiếp thu phương pháp nghiên cứu thời Tống, song ghi chép nhầm lẫn, đúng sai không bàn rõ.
Sang thời kỳ nhà Thanh, quốc gia dần dần ổn định. Các học giả đua nhau nghiên cứu cổ học và sưu tập tìm kiếm cổ vật. Đặc biệt từ cuối niên hiệu Quang Tự trở đi, người ta phát hiện được giáp cốt, trúc mộc, đồ gốm, phong nê… Nhiều tác phẩm nghiên cứu kim thạch ra đời với nhiều phương pháp nghiên cứu mới. Vì thế thời kỳ này được gọi là thời kỳ phục hưng, thu hoạch và chỉnh lý của kim thạch học.
Thành tựu trước hết về nghiên cứu kim thạch thời kỳ này là thạch khắc, sau đến các kim, giáp cốt rồi giản độc.
Trong các niên hiệu đầu nhà Thanh (Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính) do chưa phát hiện nhiều cát kim nên các học giả nghiêng về nghiên cứu thạch khắc. Đến sau niên hiệu Càn Long, việc nghiên cứu cát kim được phục hồi và tách khỏi thạch khắc, trở thành chuyên ngành riêng.
Về thạch khắc, ở thể lệ “tồn mục” có Cồ lâm kim thạch biểu 1 quyển của Tào Dung gồm 800 loại danh mục bi thiếp; Quận cổ lục của Ngô Thức Phân 20 quyển, gồm hơn 1800 loại… Ở thể lệ “Bạt vĩ” có Kim thạch văn tự ký 6 quyển của Cố Viêm Vũ; Tuyết đường kim thạch tự bạt vĩ của La Chấn Ngọc… Ở thể lệ “lục văn” có Kim thạch di văn lục 10 quyển của Ngô Ngọc Tấn… Thể lệ “mô đồ” (vẽ hình) đối với thạch khắc thì mới bắt đầu từ thời Thanh với tập Kim thạch kinh nhỡn lục của Chử Tuấn, làm khuôn mẫu cho các tập “mô đồ” sau này. Thể lệ “Toản tự” có Hán lệ dị đồng của Cam Dượng Thanh, Bi văn trích ký của Lương Đình Nam… Ở các thể lệ khác như “nghĩa lệ”, “phân địa”, “phân đại”, “thông toản”, “khái luận” đều có nhiều trứ tác lớn. Ngoài ra cũng phải kể đến những thành tựu nghiên cứu về thạch kinh.
Về cát kim từ sau tập Tây Thanh cổ giám 40 quyển do Vua Càn Long lệnh cho nho thần ghi cổ khí ở nội phủ, nhiều trứ tác về cát kim xuất hiện. Các cổ khí được ghi chép nhiều gấp 5 lần so với thời Tống.
Ngoài ra việc ghi chép về tiền tệ, tỷ ấn, binh phù, gương soi, ngọc khí, gạch ngói cũng hết sức phong phú với khối lượng trứ tác đồ sộ. Đây là thời kỳ phục hưng của kim thạch học.
Từ cuối thời Thanh đến cận hiện đại, việc nghiên cứu kim thạch vượt ra ngoài khái niệm kim thạch trước đây. Đó là việc ghi chép nghiên cứu về giáp cốt văn, giản độc (tre gỗ ghi chữ), phong nê và đồ gốm cùng minh khí (vật túy táng)… Trên cơ sở thành quả nghiên cứu kim thạch của các bậc tiền nhân, các nhà kim thạch học cận hiện đại chỉnh lý và biên soạn thành sử liệu, thư mục. Tác phẩm nhiều, học giả lắm. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể nêu hết được, dù chỉ sơ lược. Tuy nhiên có được bài viết này là nhờ 2 tác phẩm nghiên cứu của hai học giả cận và hiện đại: Mã Hành, Chu Kiếm Tâm, tôi nhắc đến như vậy duy là để tỏ lòng cảm ơn sâu sắc.
Khái niệm kim thạch và nghiên cứu kim thạch ở Trung Quốc không ngừng mở rộng và phát triển. Ngày nay nhiều bộ môn trong kim thạch học đã tách ra thành chuyên ngành riêng như đồ đồng, binh khí, cổ liền học…
Thành tựu nghiên cứu kim thạch ở Trung Quốc đã góp phần to lớn trong việc bảo tồn và khai thác di sản văn hóa dân tộc của đất nước có bề dầy lịch sử.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mã Hành: Phàm tương trai kim thạch tùng cảo, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1917.
2. Chu Kiếm Tâm: Kim thạch học, Văn vật xuất bản xã, Bắc Kinh, 1981.
3. Trung Quốc nhân danh đại từ điển, Thương vụ ấn thư quán, Thượng Hải, 1984.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh