Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

VĂN BẢN VÀ TÁC GIẢ CỦA MẪN HIÊN THUYẾT LOẠI

SATurday - 09/05/2015 10:27
Mẫn hiên thuyết loại là một văn bản chép tay, ký hiệu A.1072, do Trường Viễn đông bác cổ sao chép khoảng đầu thế kỷ XX. Sách hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Học giả: Hoàng Văn Lâu

Học giả: Hoàng Văn Lâu

Sách gồm 91 tờ, 182 trang, khổ sách 28x16cm, chữ viết chân phương cẩn thận.
Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam của Trần Văn Giáp(1) thì Mẫn Hiên thuyết loại là tác phẩm của Cao Bá Quát. Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác giả ghi nhận Cao Bá Quát biên soạn Mẫn Hiên thuyết loại(2). Một công trình tuyển tập thơ văn Cao Bá Quát gần đây, cuốnThơ văn Cao Bá Quát, cũng liệt kê Mẫn hiên thuyết loại trong danh mục các tác phẩm của họ Cao(3).
Tuy vậy, cho đến nay, chưa có một công trình nào tìm hiểu văn bản tác phẩm này một cách có hệ thồng, cũng chưa có một truyện, hoặc một trích đoạn nào của tác phẩm được phiên dịch và giới thiệu rộng rãi, mặc dù, theo chúng tôi, Mẫn hiên thuyết loại có giá trị sử liệu và giá trị văn chương không phải là nhỏ.
Nguyên nhân của vấn đề, theo như chúng tôi được biết, nằm ở khâu văn bản tác phẩm. Có một số ghi chú ngay trong văn bản, khiến người đọc phải phân vân. Chẳng hạn, phần Cổ tích của tác phẩm, có mấy dòng ghi: “Phần này hầu hết lấy từ Dư địa chí”. Hoặc phần Nhân phẩm, trong đoạn nói về Trương Minh Giảng, có ghi rõ “Năm Minh Mệnh Đinh Dậu (1837) tôi làm án sát Quảng Ngãi”. Trong khi đó, như chúng ta đã biết. Cao Bá Quát chưa bao giờ làm đến chức Án sát Quảng Ngãi!
Như vậy, vấn đề đặt ra là: Mẫn Hiên thuyết loại rốt cuộc là tác phẩm của ai? Mẫn Hiên trong trường hợp này có phải là Cao Bá Quát không, hay là tên hiệu của một nhân vật lịch sử nào khác? Mẫn Hiên thuyết loại có thể chứa một phần di sản “đích thực” của Cao Bá Quát không? Làm thế nào để tách phần “đích thực” ấy ra khỏi bộ sưu tập có lẫn tác phẩm của người khác?
Đó chính là mục đích của bài viết này.
Xét về nội dung. Mẫn Hiên thuyết loại là một sưu tập truyện ký danh nhân và di tích lịch sử. Sách gồm 3 phần rõ rệt.
Phần 1: Gồm 10 thiên truyện ký, mỗi thiên có đầu để riêng. Tất cả 10 thiên đều là truyện ký danh nhân lịch sử. Phạm vi không gian của 10 truyện này là vùng Kinh Bắc xưa kia, đặc biệt là vùng xã Phú Thị, Gia Lâm cũ.
Phần 2: Có tiêu đề chung là Cổ tích. Dưới tiêu đề này, là 180 đơn vị bao gồm: Sông, núi, hang, động, kênh, phá, cửa biển, thành, lũy, đền, chùa, miếu, quán suốt Trung-Bắc-Nam. Cứ mỗi một đơn vị, lại tách thành dòng khác, rồi viết liền, chứ không ghi thành tiêu đề riêng.
Phần 3: Có tiêu đề chung là Nhân phẩm. Phần này viết về các danh nhân lịch sử, gồm 46 đơn vị. Các đơn vị này là căn cứ theo nội dung mà chia ngắt, chứ không có tiêu đề riêng.
Phần 2, Cổ tích và Phần 3, Nhân phẩm có một số điểm giống nhau sau đây:
1. Trong cả hai phần, mặc dù viết về con người hoặc di tích khác nhau, nhưng chỉ có tiêu đề chung, không có từng tiêu đề riêng.
2. Cách viết khá nhất quán: Dẫu viết về “cổ tích” hay viết về con người, tác giả không chú trọng miêu tả toàn diện, mà chỉ đi vào các khía cạnh có tính chất “tâm đắc” hay các chi tiết mà trước đó chư ai đề cập tới. Vì thế, mức độ đậm nhạt của từng đơn vị có khác nhau, độ dài ngắn do đấy cũng khác biệt. Ví dụ, Phần Cổ tích, đoạn ghi chép về quê cũ của Đặng Tất, chỉ gồm 12 chữ “Quê cũ Đặng Tất (danh thần đời Trần) ở xã Thiên Lộc”(4). Trong khi đó, đoạn ghi chép về núi Lam Thành (Lam Thành sơn) liền ngay đó, lại dài tới 1800 chữ, cũng nên lưu ý là, ở đoạn này, có phần Án, biện luận về di tích cột đồng rất công phu, thể hiện tri thức lịch sử và địa lý rất uyên bác của tác giả.
Phần Nhân phẩm, tình hình cũng tương tự. Đoạn ghi chép về Trần Nhật Duật chỉ có 50 chữ, đoạn ghi chép về Lê Hữu Huân (Hải Thượng Lãn ông) 500 chữ, đoạn ghi chép về Cương Quốc công (Nguyễn Xí) gần 400 chữ...
3. Phạm vi không gian và thời gian của hai phần Cổ tích và Nhân phẩm rất rộng lớn: Về thời gian: mở rộng ra phạm vi cả nước từ Lạng Sơn đến Hà Tiên.
Ví dụ: Phần Cổ tích có ghi chép về Qủy Môn quan, Tam Thanh động ở Lạng Sơn đến Cửa Ông chưởng ở huyện An Xuyên, Kênh ông Hồng ở huyện Cửu An, Động Tiên Xuyên ở huyện Hà Châu, Hà Tiên...
Phần Nhân phẩm có truyện về Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn đời Trần, truyện về Mai Anh Tuấn triều Tự Đức đời Nguyễn.
Từ những đặc điểm trên, chúng tôi cho rằng: Phần 2 Cổ tích và Phần 3Nhân phẩm là do một người viết ra.
Nếu đối chiếu Phần 1 với Phần 2 và Phần 3 ta lại thấy:
1) Mười thiên truyện ký của Phần 1 có phạm vi không gian và thời gian hạn hẹp hơn nhiều. Về không gian, trong 10 truyện, thì 3 truyện có các nhân vật đều thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm cũ. Đó là:
1. Trịnh Thượng thư di sự (Truyện cũ về ông Thượng thư họ Trịnh): truyện này viết về ông Thượng thư Trịnh Bá Tương vốn người Nghệ An, di cư ra Phú Thị. Truyện này còn nói tới các nhân vật khác như Nguyễn Huy Nhuận, Đoàn Quang Dung, Cao Dương Trạc, đều là người Phú Thị.
2. Phương Am tiên sinh di sự (Truyện cũ về Phương Am tiên sinh): truyện này viết về ông Nguyễn Huy Cận, con tiến sĩ Nguyễn Huy Dận.
3. Nguyễn Bá phụ từ (Cha con Nguyễn Bá): viết về Giải nguyên Nguyễn Huy Bá và con là Nguyễn Huy Lượng.
Các truyện còn lại, đều có bối cảnh là vùng Kinh Bắc cũ, như: Từ Sơn mệnh báo (Vụ án mạng ở Từ Sơn); Ngô Lâm mạ tặc (Ngô Lâm chửi giặc viết về ông Ngô Lâm, người Hoà Lạc, Gia Lâm; Trạm Điền Vũ tộc họ Vũ ở Trạm Điền) viết về thế lực cát cứ họ Vũ, hoạt động ở vùng Lạng Giang, Từ Sơn, Thuận Thành...
Về thời gian, 10 thiên truyện ký, theo lời của người dẫn truyện (dùng đại từ “ngô” (tôi)) có truyện là do tác giả “nghe được” từ thầy học hoặc người trước, có truyện do tác giả “mắt thấy”, nhưng truyện xẩy ra muộn nhất không sau niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) (Trạm Điền Vũ tộc).
2) Nhìn chung, 10 thiên truyện ký ở phần 1 viết rất đều tay, kết cấu truyện chặt chẽ, ở một vài truyện đã chú trọng phát triển tình tiết, trước sau đối ứng (Kê tử đạo án, Từ Sơn mệnh báo...). Nghĩa là 10 thiên truyện ký này chẳng những chú ý ghi lại con người lịch sử, mà đã chú trọng tới nghệ thuật diễn đạt, khác với lối ghi chép chú trọng nhiều về “sự thực” của phần 2 và phần 3.
3) Phần 1 có truyện Phương Am tiên sinh di sự, phần 3 có đoạn(5) viết về Nguyễn Huy Cận Phương Am tiên sinh và Nguyễn Huy Cận chỉ là một người. Đó là ông tiến sỹ Nguyễn Huy cận, con tiến sỹ Nguyễn Huy Dận ở xã Phú Thi, huyện Gia Lâm. Thế nhưng, Phương Am tiên sinh di sự ở phần 1 là một “truyện” khá hoàn chỉnh, tới 500 chữ, trong khiNguyễn Huy cận trong phần 3 không quá 80 chữ. Chưa hết, giữa hai “truyện” về cùng một con người, có chi tiết khác nhau, ngay tên của nhân vật này, ở hai “truyện” cũng ghi không giống nhau(6).
Từ những điều trình bày trên, chúng tôi cho rằng: Phần 1 (10 thiên truyện ký) do một người viết. Phần 2 và Phần 3 do một người khác viết.
Mẫn Hiên thuyết loại không phải do một người viết ra. Theo cứ liệu hiện nay được biết, tác phẩm do hai người viết.
Vậy ai là các tác giả của Mẫn Hiên thuyết loại. Trước hết, hãy xét các truyện của phần 1.
Trong số 10 thiên truyện ký của Phần 1, có 3 truyện viết về các nhân vật của ấp Phú Thị. Ví dụ: “Người cùng ấp” (ấp Phú Thị), ông Thượng thư Trịnh Bá Tương...” (Truyện thứ 3: Truyện cũ về ông Thượng thư họ Trịnh)(7). “Đời hay ca ngợi con người từ chối danh hiệu tiến sỹ, đó là Phương Am tiên sinh Nguyễn Huy Cận ở ấp tôi” (Truyện thứ 4:Truyện cũ về Phương Am tiên sinh) (8); “Ông giải nguyên Nguyễn Huy Bá ở ấp tôi là một trong năm hung thần cuối đời Lê” (Truyện thứ 5: Cha con Nguyễn Bá(9).
Từ cách kể “người ấp tôi” (ngô ấp) và chú rõ “ấp Phú Thị” (Phú Thị ấp) có thể biết tác giả là người cùng ấp với các ông Trịnh Bá Tương, Nguyễn Huy Cận, Nguyễn Huy Bá... tức là xã Phú Thị.
- Trong Truyện cũ và ông Thượng thư họ Trịnh có đoạn: “Khi ấy, xã tôi có ông Đoàn Quang Dung ở bộ Lễ, ông Nguyễn Huy Nhuận ở bộ Binh, tiên công tôi là Dương Trạc ở bộ Hộ, đều đỗ tiến sỹ, làm tới chức Thượng thư, tước quận công...”
Dương Trạc, tức Cao Dương Trạc, đỗ tiến sỹ, làm Thượng thư cuối đời Lê. Qua đoạn kể trên, có thể biết, tác giả của những thiên truyện ký này là một người họ Cao (con cháu Cao Dương Trạc) ở ấp Phú Thị.
- Trong Truyện cũ về Phương Am tiên sinh có đoạn: “Thầy học tôi là Hồng Quế công đã viết truyện về tiên sinh (tức Phương Am tiên sinh) để ghi lại sự thực”. Hồng Quế công ở đây là Cao Huy Diệu. Cao Huy Diệu là học trò của Phương Am Nguyễn Huy Cận. Sau khi thầy chết, Cao Huy Diệu đã viết Phương Am tiên sinh truyện kể lại sự nghiệp của thầy học mình. Sách này nay vẫn còn giữ được(10).
Những công trình nghiên cứu về Cao Bá Quát gần đây như Thơ văn Cao Bá Quát, Cao Bá Quát - con người và tư tưởng(11) đều khẳng định Cao Bá Quát là con cháu Cao Dương Trạc, là học trò của Cao Huy Diệu, hiệu Hồng Quế. Do vậy, có thể thừa nhận Cao Bá Quát, hiệu Mẫn Hiên là tác giả của 10 thiên truyện ký của phần 1.
Ở phần 2, Cổ tích và phần 3, Nhân phẩm, tình hình khó khăn hơn. Những thông tin trực tiếp và gián tiếp về tác giả có mấy điểm đáng chú ý sau đây:
- Niên đại: Theo lời kể trực tiếp trong các truyện thì tác giả có quan hệ khăng khít với một số nhân vật lịch sử như Hà Tông Quyền (1 98-1839), Lý Văn Phức (1785-1840), Nguyễn Văn Lý (1795-1868), Trương Minh Giảng (đỗ cử nhân năm 1819), Lê Nguyên Trung (Đỗ hương cống năm 1813)... Niên đại muộn nhất của phần 3 là năm Tự Đức thứ 3 (1850) (Truyện Mai Anh Tuấn). Từ đó chúng ta có thể dự đoán: Tác giả của phần còn lại là người sống và hoạt động chủ yếu vào nửa đầu thế kỷ 19. Có thể đưa một niên đại tương đối cho tác giả (1785-1865).
- Có hai lần tác giả nói đến chức quan của mình: Trong truyện về Trương Minh Giảng, tác giả viết “Năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mệnh (1837) tôi làm Án sát Quảng Ngãi, Bá (tức Trương Minh Giảng) về Kinh chầu vua, trên đường về, có ghé nghỉ chỗ tôi”.
Trong truyện về Lê Nguyên Trung, có đoạn
“Khi tôi làm tri phủ Tân Bình, Lê Nguyên Trung đang làm Hiệp lý hộ tào thành Gia Định.
Những ghi chép như trên, một mặt giúp khẳng định thêm phần 2 và phần 3 không phải do Cao Bá Quát viết, đồngthời cũng là những cứ liệu để lần tìm tới tác giả “đích thực” của hai phần đó.
Tóm lại, trong tình hình tư liệu hiện nay, chúng ta có thể thừa nhận: Cao Bá Quát là tác giả của 10 thiên truyện ký ở phần đầu tập Mẫn Hiên thuyết loại, đó là:
1. Kê từ đạo án (Vụ án ăn trộm trứng gà).
2. Từ Sơn mệnhbáo (Vụ án mạng ở Từ Sơn).
3. Trịnh Thượng thư di sự (Truyện cũ về ông Thượng thư họ Trịnh).
4. Phương Am tiên sinh di sự (Truyện cũ về Phương Am tiên sinh).
5. Nguyễn Bá phụ tử (Cha con Nguyễn Bá).
6. Trần tiến sỹ phụng sứ (Ông tiến sỹ họ Trần đi sứ).
7. Bách Tam Lang trung nghĩa.
8. Ngô Lâm mạ tặc (Ngô Lâm chửi giặc).
9. Trạm Điền Vũ tộc (Họ Vũ ở Trạm Điền).
10. Phan Văn Phụng huynh đệ (Anh em Phan Văn Phụng).
Hai phần còn lại, phần Cổ tích và phần Nhân phẩm do một người khác viết. Nhưng từ những thông tin trực tiếp và gián tiếp của hai phần này, hy vọng chúng ta có thể tìm ra tác giả đích thực của nó trong một tương lai không xa.
Dưới đây trong phần Phụ lục, chúng tôi xin giới thiệu 6 truyện ở Phần 1 là: Vụ án mạng ở Từ Sơn, Anh em Phan Văn Phụng, Cha con Nguyễn Bá, Bách Tam Lang trung nghĩa; Ngô Lâm chửi giặc, Họ Vũ ở Trạm Điền.
Ở phần 2 Trích giới thiệu 3 di tích: Núi Quỳnh Viên, Sông Độ Liêu, Núi Yên Tử.
Ở phần 3 Trích giới thiệu 5 danh nhân Nguyễn Quỳnh, Lê Hữu Huân, Chu Tạ Hiên, Hoàng Văn Diễn và Lê Nguyên Trung.
Hoàng Văn Lâu
-------------------------------------

Chú thích:
(1) Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.407. Sách này ghi nhầm tên sách là Mẫn Hiên loại thuyết.
(2) Thư mục Hán Nôm - Mục lục tác gia, Bản in Rônêô, Hà Nội, 1977; trang 19.
(3) Thơ văn Cao Bá Quát, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984; trang 49.
(4) Nguyên văn: “Đặng Tất (Trần đại danh thần) cố lý tại Thiên lộc xã”.
(5) Phần 2 không có tiêu đề riêng. Mỗi nhân vật (hoặc nhiều nhân vật) chỉ tách thành đoạn, nên chúng tôi tạm gọi là “đoạn”.
(6) Chữ Cận, ở Phương Am tiên sinh di sự viết “ngôn + cận”, ở Nguyễn Huy Cận viết “thủy+ Cận”.
(7) Trịnh Thượng Thư di sự. Nguyên văn “Đồng ấp - Phú Thị ấp - Trịnh Thượng thư Bá Tương ...”, lời chú “Phú Thị ấp” ở nguyên bản.
(8) Phương Am tiên sinh di sự. Nguyên văn: “Thế xưng từ tiến sỹ giả, ngô ấp Phương Am tiên sinh Nguyễn Công Huy Cận dã”.
(9) Nguyễn Bá phụ từ, Nguyên văn: “Ngô ấp giải nguyên Nguyễn Huy Bá, Lê mạt ngũ hung chi nhất dã”.
(10) Phương Am tiên sinh truyện, ký hiệu A.3141 Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(11) Nguyễn Tài Thư: Cao Bá Quát - Con người và tư tưởng. Nxb, KHXH Hà Nội 1983.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh