Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

VẤN ĐỀ MIÊU TẢ THIÊN NHIÊN TRONG THƠ CA CỔ VIỆT NAM

THUrsday - 12/02/2015 00:53
Miêu tả thiên nhiên trong thơ ca cổ Việt Nam là vấn đề cần nghiên cứu trong hệ thống thơ ca Hán Nôm. Hiện nay thơ ca cổ Việt Nam được nhiều người và nhiều ngành quan tâm. Bài viết cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu(1) với các nhà thơ trẻ càng làm cho nhiều người nhất là giới trẻ trong các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp xúc động. Đang có ý thức mới (theo yêu cầu cuối cùng của Xuân Diệu) là đi tìm cái đẹp, cái hay trong thơ ca cổ Việt Nam, từ đó bồi dưỡng khả năng thẩm mỹ mang tính chất dân tộc sâu sắc. Nhiều trường đại học, số lượng sinh viên đăng ký làm luận văn, khoá luận về văn thơ cổ Việt Nam với tỷ lệ chiếm 80%(2) . Qua quá trình nghỉên cứu thơ ca cổ Việt Nam, một trong những mắc mứu là bằng lý luận và thực tế tác phẩm, làm sao giải quyết những vấn đề cơ bản trong văn học viết Hán Nôm như từ nguyên, điển cố, xuất xứ… Một trong những vấn đề có tính thẩm mỹ cao, có sức hấp dẫn, có khả năng giải quyết những vấn đề cụ thể về xã hội học, khả năng thẩm mỹ, v. v… là miêu tả thiên nhiên trong thơ ca cổ Việt Nam.
VẤN ĐỀ MIÊU TẢ THIÊN NHIÊN TRONG THƠ CA CỔ VIỆT NAM

VẤN ĐỀ MIÊU TẢ THIÊN NHIÊN TRONG THƠ CA CỔ VIỆT NAM

 
Có 4 yêu cầu cần giải quyết có tính lý luận lẫn nhận thức các tác phẩm, tình tiết cụ thể:
 
1. Phải chăng trong thơ ca cổ, thiên nhiên chỉ giữ vai trò chức năng? Yếu tố bản năng không có chỗ đướng trong thiên nhiên thơ ca cổ Việt Nam? Nên hiểu thế nào là “chức năng” và thế nào là “bản năng” trong miêu tả thiên nhiên? Từ thực tế tác phẩm, tình tiết làm sáng tỏ vấn đề trên.
 
2. Vì sao khi miêu tả thiên nhiên, các tác giả thơ ca cổ Việt Nam thường lồng vào hoặc tiếp nối bằng các ý niệm, bằng câu có tính triết luận? Phải chăng đó là một trong những yếu tố đặc sắc trong thơ ca cổ Việt Nam, đặc biệt là thơ ca bằng chữ Hán.
 
3. Làm sao để hiểu và dịch ý, đặc biệt là dịch thơ cho sát đúng, trung thành không những với ý tưởng nhà thơ mà còn thể hiện chính xác giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên? Điều cần lưu ý là cảnh tượng thiên nhiên làm sao phù hợp với ý niệm triết luận thể hiện cốt cánh phong độ của nhà thơ?
 
4. Cũng cần điểm lại một cánh khách quan, khoa học những công trình tiêu biểu như thơ văn Lý - Trần, tập 1, tập 3; một số giáo trình, tài liệu tham khảo ở các trường đại học, một số tư liệu dịch của các nhà nghiên cứu v.v… về mặt tuyển dịch, nghiên cứu giới thiệu thơ ca cổ miêu tả thiên nhiên .
 
Dưới đây là một vài ý kiến của chúng tôi liên quan đến các vấn đề trên, chưa phải là đề cập tới cả bốn yêu cầu nêu ra.
 
1. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên trong thơ ca cổ Việt Nam không phải là hiện tượng đặc biệt nằm ngoài quy luật chung trong nghệ thuật miêu tả. Thiên nhiên bao giờ cũng là thực tế tồn tại ngoài chủ quan của tác giả. Vẻ đẹp thiên nhiên bao giờ cũng độc lập tồn tại ngoài nhận thức chủ quan của nhà thơ. Chúng đẹp vì có cảnh riêng biệt, có sự biến đổi không ngừng theo không gian, thời gian (chỗ đứng nhìn, thời gian sáng tối…). Thiên nhiên Việt Nam, do thực tế địa lý nên có nhiều cảnh ngoạn mục độc đáo, tạo nhiều vẻ đẹp riêng biệt. Những đoạn thơ miêu tả thiên nhiên đẹp bao giờ cũng có cảnh riêng biệt không thể nào lẫn với cảnh khác. Cảnh sông Bạch Đằng trong bài thơ Bạch Đằng giang của Trần Minh Tông khác với bài Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi. Cánh sử dụng đường nét, màu sắc ánh sáng khác nhau do chỗ đứng nhìn viễn cảnh của của Trần Minh Tông khác với chỗ đứng cận cảnh của Nguyễn Trãi. Cách nhìn nông thôn giữa trưa của Dương Không Lộ trong bài Ngư nhà (Nhất thông tang giá, nhất thôn yên) khác với cách nhìn nông thôn trong cảnh hoàng hôn của vua Trần trong bài Thiên Trường vãn vọng (Thôn hậu, thôn tiền đạm yên; Bán vô, bán hữu tịch dương biên)…Tuy nhiên cảnh vật chỉ là cảnh vật, là cấu tạo của vật chất. Thiên nhiên chỉ trở thành văn học nghệ thuật khi đã qua cảm quan của con người. Thông qua cảm xúc, suy nghĩ, tưởng tưởng của nhà văn, của nghệ sĩ, thiên nhiên không thể trở thành văn học, nghệ thuật. Cảm quan của nhà thơ lại còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, ở nghề nghiệp, thói quen, sở trường, sở đoản của họ. Trở lại cách miêu tả sông Bạch Đằng của hai tác giả. Dù ở xa hay gần, dù ở hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Trần Minh Tông và Nguyễn Trãi có chung ý niệm về vẻ đẹp thiên nhiên trong cảnh vật. Bạch Đằng là con sông từng trải qua nhiều chiến công oai hùng chống xâm lược. Là nơi để lại kỷ niệm lịch sử đời đời không phai nhạt. Bạch Đằng đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, quyết định những đường lối chiến lược đúng đắn, quyết định vận mệnh sống còn của dân tộc ta, của nhân dân ta. Mặc dù có chung ý niệm sâu sắc về Bạch Đằng giang, cách miêu tả của hai tác giả khác nhau làm cho thiên nhiên trong hai bài thơ có màu sắc độc đáo riêng biệt có cảnh riêng biệt.
 
Cách miêu tả của Trần Minh Tông thiên về ngưỡng mộ. Khẩu khí của một nhà vua hướng về hai trận đánh oanh liệt vừa qua tạo nên vẻ đẹp có tính chất hoành tráng, một vẻ đẹp ung dung vừa trang trọng, vừa oanh liệt (Vãn vân kiếm kích, bích toàn ngoan; Hải thẩn thôn triều quyết tuyết lan). Vừa oai liệt, vừa lẫm liệt, sông Bạch Đằng hiện ra với “Núi biếc cao vút tua tủa như gươm giáo, kéo lấy tầng mây” (Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên dịch). Và đây là cách nhìn của ông vua “Giao Long nuốt thuỷ triều, cuồn cuộn làn sóng bạc”. Trong khi đó, với tâm hồn nhà thơ lớn, Nguyễn Trãi miêu tả: “Khi biển hơi mây thổi lạnh rùng, Bạch Đằng quy của nhẹ buồm dong” (Bản dịch của viện sử học). Cho đến câu (Ngạc đoạn, kinh phầu, sơn khúc khúc; Qua trấn kích chiết ngạn tầng tầng) “Chòm chòm núi đá kinh nơi đoạn, lớp lớp bờ lau kiếm nút chồng” thì đúng là cánh nhìn xa và tả của một vị tướng đã từng xông pha trận địa. Kết thúc bài Bạch Đằng giang, bằng hình tượng cô đọng, với đường nét màu sắc cụ thể tượng trưng mà sinh động: “Trông thấy nước dòng sông dọi bóng mặt trời buổi chiều đỏ ối. Lầm tưởng máu người chết trận vẫn chưa khô” (Đ.G.K. - B.V.N dịch) rõ ràng Trần Minh Tông có cách miêu tả thiên nhiên Việt Nam không chỉ bằng tượng trưng mà bằng trí tưởng tượng giàu có. Thiên nhiên trong hai trường hợp của hai tác giả trên không chỉ là chức năng. Người đời xưa tuỳ theo hoàn cảnh sống đã có cánh nhìn nhận, quan sát và miêu tả thiên nhiên chân thục thông qua cảnh quan riêng mang dấu ấn của thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Thiên nhiên trong thơ ca cổ Việt Nam đã thể hiện bản năng cao quý và lớn lao của cha ông ta. Đó là bản năng yêu nước và nhân đạo cao cả. Trong chừng mực nào đó có thể cái để diễn đạt tức là chữ Hán và thơ có những luận lệ khắt khe (biền ngẫu, niên luật) buộc cảnh vật thiên nhiên của nhà thơ phải “chịu phép” khuôn vào đó, song tư tưởng tình cảm dồi dào của nhà thơ không hạn hẹp trong quá trình thể hiện yếu tố thiên nhiên trong thơ ca.
 
Khẳng định vai trò chức năng của yếu tố thiên nhiên trong thơ ca cổ cũng có phần đúng. Phải chăng nói đến vai trò chức năng là nói tới giới hạn, mức độ phản ánh hiện thực thiên nhiên trong thơ ca cổ? Thông qua Hán văn, thật khó có điều kiện pha màu hoặc đưa lên những đường nét uyển chuyển trong nghệ thuật miêu tả. Phải chăng nói đến vai trò chức năng… tức là nói đến biểu tượng hay nghệ thuật tượng trưng trong miêu tả thiên nhiên? Quả thật sau này do sự phát triển của văn Nôm, Chinh phụ ngâm, Truyện kiều,… có những đoạn tả cảnh tự nhiên, thoải mái hơn. Đường nét, màu sắc, ánh sáng, âm thanh, hình khối,… trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên thoáng đạt, phong phú hơn. Đó cũng là quy luật trong sự phát triển ngôn ngữ, văn tự; trong qúa trình phát triển của tiếng Việt. Chữ Hán chắc chắn có những hạn chế không tránh khỏi trong nghệ thuật miêu tả thiên nhiên Việt - Nam.
 
Cũng vì vậy, có sự nhầm lẫn đáng tiếc. Ở bài Thiên Trường vãn vọng có hiện tượng nhầm chữ tự (giống) sang chữ tử (màu đỏ tía). Câu: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên. Có người nhầm là đạm tử yên. Cho rằng tử ở đây là màu đỏ tía, người giảng phát triển yếu tố màu sắc vốn không có trong bài thơ. Nguyên văn đạm tự yên, đạm: nhạt: yên: khói, có nhiều khói nhạt dần. Cho là đạm tử yên, sẽ hiểu là khói nhạt màu đỏ tía trong cảnh hoàng hôn (gắn với câu sau. Mới nghe thấy hay và có lý, song, thơ cổ chữ Hán làm sao có nhận thức và pha trộn màu sắc như vậy? Vấn đề này không đơn giản. Cần có sự can thiệp của văn bản và văn bản học. Bản dịch của Ngô Tất Tố là đạm tự yên. Lời giới thiệu của giáo sư Đặng Thai Mai ở Văn thơ Lý - Trần, t.1, cũng in là đạm tự yên, vậy thì chỉ cần người giảng cho xem văn bản nào in là đạm tử yên. Nếu cần cái “hay” mà không cần văn bản thì chúng ta nên yêu cầu đặt nặng về văn bản và văn bản học. Từ thực tế này, trong văn thơ cổ hay trong thơ văn Hán Nôm, chúng ta cần biết bao vấn đề phải giải quyết! Riêng lĩnh vực phản ánh hiện thực thiên nhiên trong thơ ca cổ Việt Nam cũng không thể dùng lại đây.
 
2. Thiên nhiên được miêu tả trong Bạch Đằng giang của Trần Minh Tông là một khối thống nhất. Tác giả mở đầu bằng “Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan” và kết thúc bằng một hình tượng miêu tả bi tráng “Giang thuỷ đình hàm tản nhật ảnh, Thác nghi chiến huyết vị tằng can”. Ở Nguyễn Trãi, bài Bạch Đằng khải khẩu, mở đầu bằng cảnh đi qua cửa Bạch Đằng (Sóc phong suy hải…). Tiếp theo là cảnh núi bị chặt khúc, cá bị phanh thây; bờ sông là cảnh gươm giáo gẫy nát chất chồng. Rồi đến cảnh hiểm yếu bằng một điểm cố khá phổ biến, lấy từ sự tích “hai chọi một trăm” so với địa thế biên giới nước Tần (Quan hà bách nhị do thiên thiết…). Kết thúc bài thơ không phải bằng một cảnh trí miêu tả, mà bằng một câu triết luận mang tâm trạng của Nguyễn Trãi “Vãn sự hồi đầu ta dĩ hĩ; Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng” (Quay đầu xem việc cũ; ôi xong rồi! Cúi xuống dòng mò bóng, ý khôn nói xiết). Hóa ra nhà thơ miêu tả cảnh vật để tìm trong đó, gửi gắm vào đó tâm trạng chua xót của mình. Trong 91 bài ở tập thơ chữ Hán Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi (Viện sử học - Nxb KHXH - 1976 - Nguyễn Trãi toàn tập) thì có hơn 60 bài tả cảnh ban đêm (trong văn học Việt Nam cũng như văn học thế giới, tả cảnh thiên nhiên thì nhiều, tả cảnh thiên nhiên ban đêm rất hiếm). Nhiều bài tả cảnh của Nguyễn Trãi như Đêm thu khách cảm, Đêm đậu thuyền ở Lâm cảng, Đêm thu cùng ngâm với Hoàng giang Nguyễn Nhược Thuỷ, Cảm đêm thu ở đất khách… đặc biệt bài Qua cửa biển Thần Phù là những bài tả cảnh ban đêm tuyệt đẹp.
 
Điều cần lưu ý là cảnh càng đẹp thì nỗi niềm tâm sự, giá trị thiết luận trong thơ Nguyễn Trãi càng cao. Trong bài Qua cửa biển Thần phù, trăng sáng, đêm thanh, gió mát, trăng trong biết mấy tình! Sát bờ, nhìn ngọn núi bày như búp măng ngọc (chú ý cảnh đêm). Giữa dòng, một đường nước chạy như một con rắn xanh (Nguyên văn; Thần Phù hải khẩu dạ trung qua, Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà. Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn; Trung lưu nhất thuỷ tẩu thanh xà…). Trước cảnh đẹp thiên nhiên ban đêm tuyệt mỹ đó, tác giả hai cấu thơ:
 
Giang sơn như tạc anh hùng thệ,
Thiên địa vô tình sự biến đa! 
(Non sông như chạm trổ mà anh hùng đã mất,
Trời đất thật vô tình, sinh ra sự biết nhiều).
 
Phải chăng, cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam đã khêu gợi những nỗi niềm và trách nhiệm của nhà thơ đối với đất nước, thời cuộc? Cảnh càng đẹp, nỗi niềm, trách nhiệm càng sâu lặng. Vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên Việt Nam biết bao lần đã nhắc nhở, nung nấu ý chí, tâm hồn con người trước bao thảm họa ngoại xâm và trước sự biến của đất nước? Thiên nhiên Việt Nam là tài sản vô giá của con người. Đi vào văn học nghệ thuật thiên nhiên Việt Nam càng vô giá. Tâm hồn, phẩm chất, phong độ người Việt Nam không thể tách rời thiên nhiên Việt Nam. Thơ ca Việt Nam càng không thể tách rời vể đẹp diệu kỳ, tuyệt mỹ của thiên nhiên Việt Nam.
 
Cao hơn nữa, nhiều lúc tính triết luận nằm ngay trong nghệ thuật miêu tả. Từ bài Quan hải nổi tiếng của Nguyễn Trãi, sự thất bại nặng nề, cay đắng của cha con Hồ Quý Ly cùng nguyên nhân của nó thật rõ ràng sâu sắc, trước cảnh biến hùng vĩ với hàng cọc trùng trùng bằng gỗ chắc (thung mộc trùng trùng hải lãng tiền), trước công trạng ghê gớm của chiến thuật Hồ Quý Ly trong sự sai lầm về chiến lược, Nguyễn Trãi trách họ Hồ không biết dựa vào sức dân (Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ). Từ đó rút ra bài học triết luận cho lịch sử:
 
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hậu kỷ thiên niên. 
(Họa phúc có mầm không phải chỉ một ngày,
Anh hùng để mối hận mấy nghìn năm sau)
 
Từ cảnh biển được đọng lại bởi hàng cọc gỗ dầy, chắc, sóng biển xô không lay chuyển, xích sắt ngầm dưới sông cũng vậy thôi (Trầm giang thiết tỏa diệc đồ nhiên), Nguyễn Trãi khám phá, phát hiện thực tại chua xót, một thất bại đắng cay lịch sử do không có một đường lối chiến lược đúng, thất bại để hận mấy nghìn năm!
 
Yếu tố triết luận trong thơ ca bắt nguồn từ một nhận thức thẩm mỹ cao, từ ý thức dân tộc và nhân dân đã định hình, từ thực tế cuộc sống mà nhà thơ đã từng trải. Với những tâm hồn lớn lao như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… yếu tố triết luận trong văn thơ thâm uyên, đẹp đẽ. Càng thâm uyên, đẹp đẽ khi nó gắn liền với yếu tố thiên nhiên trong nghệ thuật miêu tả của từng tác giả, từng bài thơ.

Phạm Khánh Cao
------------------------------------------------
 
Chú thích:
 
(1) Xuân Diệu: Sự uyên bác trong việc làm thơ, Tạp chí Văn học số 1, 1986.
 
(2) Riêng môn văn Việt Nam.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh