VỀ BỘ LUẬT ĐƯỢC SOẠN THẢO IN KHẮC VÀO THỜI LÊ: QUỐC TRIỀU HÌNH LỤÂT
MONday - 02/05/2016 15:02
Bài viết của Dương Ngọc
Bản khắc gỗ Hán Nôm ở đền Và, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Dương Ngọc Hà
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt là Toàn thư), sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chỉ nhiều người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương sót, sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biến thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây, phép xử án được bằng thẳng rõ ràng cho nên mới đổi niên hiện là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”(1) Sử còn ghi rõ Hình thư được ban hành vào tháng 10 năm Nhâm Ngọ, đời Lý Thái Tông, niên hiệu Cẩn Phù Hữu Đạo (1042). Đáng tiếc là bộ Hình thư này chỉ được nhắc trong sử sách mà thôi. Như vậy, chúng ta có thể biết được bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta có từ thời Lý, thế kỷ XI.
Thời đại nhà Trần, Nhà nước cũng rất chú trọng đến pháp luật. Lên ngôi được 5 năm, ông vua đầu tiên của triều đại này -Trần Thái Tông - đã ban hành bộ luật mới. Sách Toàn thư chép: Mùa xuân, tháng ba năm Canh Dần, niên hiệu Kiến Trung thứ 5 (1230) “khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển…”(2). Về bộ luật này, sáchViệt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép là Quốc triều thông lễ; còn sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng gọi là Quốc triều hình luật.
Đến năm 1244, lại thấy vua Trần Thái Tông ban lệnh “định các cách thức về luật hình”. Rồi đến tháng 8 năm Tân Tỵ niên hiệu Thiệu Phong thứ nhất (1341), Trần Dụ Tông sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.
Cũng như bộ Hình thư thời Lý, các bộ luật thời Trần cho đến nay cũng đều bị thất truyền. Hiểu biết của chúng ta về những bộ luật này chỉ dựa vào những dòng ngắn ngủi chép trong một vài cuốn sách sử xưa. Về luật pháp thời Lý-Trần, sử gia Phan Huy Chú trong sáchLịch triều hiến chương loại chí có nhận xét: “Hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng, hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc”. Và cũng chính sử gia lỗi lạc này, khi nói về luật pháp thời Lê đã phải khen ngợi: “Thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân(3).
Quả thực, với bề dài 360 năm tồn tại, triều đại nhà Lê đã để lại những thành tựu đáng kể trên lĩnh vực pháp luật và điển chế. Theo thứ tự thời gian, có thể kể đến các tên sách sau: Quốc triều hình luật(nay còn gọi là Lê triều hình luật) gồm 6 quyển: Luật thư gồm 6 quyển do Nguyễn Trãi soạn (1440-1442); Quốc triều luật lệnh gồm 6 quyển do Phan Phu Tiên soạn (1440-1442); Quốc triều thư khế thể thức (1468-1471); Lê triều quan chế (1471); Thiên năm dư hạ tập gồm 100 quyển (1483); Hồng Đức thiện chính thư (1470-1497); Sĩ hoạn châm quy (1470-1497); Quốc triều chiếu lệnh thiện chính (1619-1705); Quốc triều điều luật; Cảnh Hưng điều luật (1740-1786)… Điều đáng nói là trong những bộ sách trên, Trường Viễn đông Bác cổ (école Francaise d’ Extrême-Orient) đã có công sưu tầm và lưu giữ được một số bộ, mà hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đang bảo quản tại Hà Nội(4).
Trong tất cả các bộ sách trên, Quốc triều hình luật được coi là bộ luật quan trọng nhất và chính thống nhất của triều Lê. Đó là ý kiến trong giới nghiên cứu lịch sử pháp luật Việt nam và cũng do vậy mà trong thiên Hình luật chí của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí,Phan Huy Chú đã giành vị trí xứng đáng cho việc giới thiệu bộ Quốc triều hình luật này (tuy chưa đầy đủ).
Điều đáng nói là Quốc triều hình luật cũng chính là bộ luật xưa nhất còn lưu giữ được đầy đủ. Nó nằm trong số những thư tịch cổ hiện được tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội). Quốc triều hình luật hiện còn 3 bản in ván khắc mang các ký hiệu: A.341, A.1995 và A.2754. Ngoài ra còn 3 bản của một bộ sách chép là Lê triều hình luật (ký hiệu A.2669, A.340 và VHt.31) mà nội dung của nó hoàn toàn có đủ cơ sở để kết luận chính là bản sao lại sách Quốc triều hình luật được chép vào các đời sau.
Bản Quốc triều hình luật mang ký hiệu A.341 được coi là văn bản có giá trị nhất vì là bản in ván khắc hoàn chỉnh hơn cả. Chúng tôi coi bản A.341 là thiện bản. Sách này gồm 6 quyển, in ván khắc trên giấy bản khổ 20cm x 14cm, gồm tổng cộng 129 tờ đóng chung thành một cuốn, mỗi tờ có 2 trang, mỗi trang có 10 dòng và mỗi dòng tương đương 18 chữ. Sách không thấy ghi tên tác giả, bìa mặt nguyên bản đã mất và được thay bằng một tờ bìa viết 4 chữ Hán Quốc triều hình luật bằng nét bút lông, có 3 đồ biểu và mục lục. Ngoài ra sách không thấy có đề tựa, lời bạt hoặc dấu hiệu niên đại soạn thảo, in khắc hoặc những lời chú dẫn khác. Chỉ riêng ở cuối điều 1, chương về “đấu tụng” (tờ 70b) có chua mấy chữ “Kiến Quang Thuận tam niên lệnh” (tức là lệnh năm Quang Thuận thứ ba, 1462); tờ 71a có chua “Hồng Thuận tam niên lệnh (1511) và ở tờ 71b có chua “Quang Thiệu nhị niên lệnh” (1517).
Quốc triều hình luật mở đầu bằng ba đồ biểu quy định về kích thước các hình cụ, tang phục và việc để tang. Bộ luật có 13 chương, cộng lại có 722 điều, phân làm 6 quyển(5).
Bộ Quốc triều hình luật mà hiện tại ta có trong tay chắc chắn là thành tựu chung của toàn bộ nền pháp luật thời lê với nhiều lần được san định, bổ sung, hoàn chỉnh và in khắc. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm khởi thảo bộ luật này cũng như thời điểm tiêu biểu nhất cho sự hoàn chỉnh bộ luật vẫn đang còn là một vấn đề chưa được khẳng định. Người đầu tiên tiến hành khảo và dịch bộ luật này ra Pháp ngữ là một học giả người Pháp - ông Raymond Deloustal(6). Căn cứ vào việc phân tích thiên Hình luật chí (quyển 33 đến 38 sách Lịch triều hiến chương loại chí) và bản chép tay Lê triều hình luậtđầu tiên do Giám đốc Trường Viễn đông bác cổ phát hiện tại Huế năm 1908, Deloustal cho rằng đây chính là sách Lê triều hình luậtđược in vào năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777) mà Phan Huy Chú đã ghi trong thiên Văn tịch chí. Cùng một quan điểm tương tự, Giáo sư Lingat trong một công trình nghiên cứu được công bố tại Paris, năm 1952 cũng cho rằng Quốc triều hình luật được ban bố vào năm 1777(7).
Thạc sĩ luật khoa Vũ Văn Mẫu trong lời tựa cho bản dịch lần đầu tiên ra chữ Quốc ngữ bộ luật này, được Trường Đại học luật khoa Sài Gòn xuất bản năm 1956(8) cũng như công trình khảo cứu Cổ luật học Việt Nam lược khảo (xuất bản tại Sài Gòn năm 1969) thì cho rằng bộ luật này được ban bố lần đầu tiên trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) và phần chắc vào những năm cuối cùng của niên hiệu Hồng Đức, dưới thời Lê Thánh Tông”. Lập luận của Vũ Văn Mẫu chủ yếu dựa vào ý kiến của Phan Huy Chú viết về việc ban hành dưới thời Lê bộ Hồng Đức Hình luật và lời đề tựa bộ Hoàng Việt luật lệ của vua Gia Long đầu tiều Nguyễn đánh giá cao Luật Hồng Đức. Tương tự như Vũ Văn Mẫu, hiện tại cũng có nhiều người cùng quan điểm muốn gắn bộ luật tiêu biểu nhất của thời Lê với niên hiệu Hồng Đức và tên tuổi ông vua nổi tiếng Lê Thánh Tông, với cách gọi giản lược là Luật Hồng Đức.
Tuy nhiên, vẫn có thể đưa ra giả thuyết rằng Quốc triều hình luật đã được khởi thảo từ sớm hơn, thậm chí từ ngay năm đầu của triều Lê. Sách Toàn thư có đoạn: năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thái Hoà thứ 7 (1449), “bổ sung mới vào hình luật chương điền sản gồm 14 điều. Trước kia Thái Tổ định thực hiện phép quân điền, cho nên lược bỏ chương điền sản. Đến đây lại bổ sung vào”(9). Ta đều biết, phép quân điền được vua Lê Thái Tổ ban hành vào tháng 2 năm Kỷ Dậu, tức năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), do vậy câu trích trong sử cũ cho phép ta nghĩ rằng, từ năm 1428, tức là ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã có bộ luật đầu tiên của triều đại mình. Và cũng trong bộ sử này có ghi nhận sự kiện: tháng Giâng năm Mậu Thân (1428), Lê Thái Tổ “hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: từ xưa tới nay trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa, đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều luật thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp”(10). Bốn tháng sau sự kiện trên, ngày 12 tháng 5 (1428) lại thấy có ghi việc “định luật lệnh kiện tụng”(11)…
Như vậy, bộ luật của triều Lê đã được chính Lê Thái Tổ ban hành ngay từ những ngày đầu của triều đại mình và bộ luật này không ngừng được các triều vua kế tiếp đó bổ sung, hoàn chỉnh dần, trong đó chắc chắn là có những đóng góp to lớn của ông vua nổi tiếng văn hiến Lê Thánh Tông. Và cũng chắc chắn là khi soạn bộ luật đầu tiên của triều đại mình, Lê Thái Tổ cũng đã kế thừa các bộ luật tiền bối. Sự trùng hợp giữa bộ luật thời Trần và thời Lê cùng mang tên gọiQuốc triều hình luật mà Phan Huy Chú đã nói tới, phần nào cũng chứa đựng ý nghĩa của sự kế thừa ấy. Ngoài ra chúng ta có thể nghĩ tới mối liên hệ kế thừa giữa Quốc triều hình luật với một số bộ sách được nhắc tới, nhưng nay cũng đã thất truyền như Luật thư (6 quyển) của Nguyễn Trãi và Quốc triều luật lệnh của Phan Phu tiên (6 quyển), cả hai đều được làm vào khoảng thời gian từ 1440-1442.
Quốc triều hình luật là một thành tựu có giá trị đặc biệt trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao so với những thành tựu pháp luật của các triều đại trước đó, mà còn đối với cả bộ luật được biên soạn vào đầu thế kỷ XIX: Hoàng Việt luật lệ do Gia Long ban hành năm 1812.
Các nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật Việt Nam đều dễ dàng nhất trí trong sự đánh giá so sánh giữa hai bộ luật này. Ở đầu thế kỷ. Deloustal khi giới thiệu về nền pháp luật của nước Nam cổ xưa đã dịch sang pháp ngữ bộ luật thời Lê và đánh giá cao tính sáng tạo mang đậm nét tính cách Việt Nam của luật pháp thời Lê, mặc dầu trong bộ luật này những dấu án ảnh hưởng của pháp luật và triết học Trung Hoa là điều không tránh khỏi. Nhưng, với Hoàng Việt luật lệ của nhà Nguyễn thì chỉ là sự sao chép gần như nguyên vẹn bộ luật của triều Mãn Thanh Trung Hoa. Vũ Văn Mẫu khi khảo về cổ luật Việt Nam cũng đi tới kết luận: “Bộ luật Gia Long mất hết cả tính một nền pháp chế Việt Nam… Bao nhiêu sự tân kỳ mới lạ trong bộ luật triều Lê không còn lưu lại một chút dấu tích nào trong bộ luật nhà Nguyễn(12).
Những nét đặc sắc trong bộ luật triều Lê xin để bạn đọc cảm nhận trực tiếp từ bản dịch Quốc triều hình luật này, từ kết cấu toàn cục của bộ luật, tới nội dung chi tiết các điều luật. Chắc chắn rằng, bộ luật Quốc triều hình luật cũng như nền pháp luật thời Lê đã từng là và sẽ còn là một đề tài hấp dẫn và bổ ích đối với giới nghiên cứu lịch sử và pháp luật nước ta cũng như trên thế giới. Gần đây nhất, bộ luật này đã được dịch sang Anh ngữ trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu luật Á Đông (East Asian Legal Studies Program) của Trường Đại học Luật khoa Havard nổi tiếng (Mỹ). Đây không chỉ là công trình dịch thuật giúp những người sử dụng Anh ngữ có thể tiếp xúc với một văn bản luật học có giá trị không chỉ của Việt Nam mà còn của lịch sử khu vực Đông Á. Bên cạnh phần dịch thuật do Trần Văn Liêm thực hiện còn có phần khảo cứu giá trị của hai tác giả là Nguyễn Ngọc Huy và Tạ Văn Tài. Bằng phương pháp so sánh, các nhà khảo cứu đã nêu bật được những nét đặc sắc của bộ luật thời Lê cũng như trình độ văn minh mà dân tộc Việt Nam đã đạt được vào thế kỷ XV-XVIII trong mối tương quan với các quốc gia lân cận khác của nền văn minh Đông Á như Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Những ý tưởng ấy đã được Chủ nhiệm khoa luật Á Đông của trường Đại học Luật khoa Havar - ông Oliver Oldman xác nhận trong sự đánh giá… “Chúng ta cũng thấy trong nhiều thế kỷ đã qua đầy cố gắng của nước Việt Nam thời Lê, một sự nỗ lực thường xuyên đối với việc xây dựng một nhà nước dân tộc mạnh và sự bảo hộ cho những quyền tư hữu hợp pháp bởi hệ thống luật pháp tiến bộ với nhiều sự tương đương về chức năng so với những quan niệm pháp luật phương Tây cận đại”(13).
Một bộ luật có giá trị như vậy xứng đáng được coi là một trong những thành tựu tiêu biểu của nền văn hiến nước ta và đáng được giới thiệu rộng rãi không chỉ đối với những người làm luật, làm sử mà với tất cả những ai quan tâm đến nền văn hoá, văn minh của dân tộc Việt Nam. Từ đầu thế kỷ này. Quốc tiều hình luật đã được khảo và dịch sang Pháp ngữ và sau đó ngót một nửa thế kỷ, bộ luật này mới được dịch ra chữ quốc ngữ lần đầu tiên nhằm phục vụ giới giới giảng dạy và nghiên cứu của Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn. Bản dịch này do các dịch giả Lưỡng Thần – Cao Nãi Quang phiên âm dịch nghĩa, Nguyễn Sĩ Giác nhuận sắc và Vũ Văn Mẫu viết khảo tựa. Trong hoàn cảnh các văn bản gốc của bộ luật này được lưu trữ tại Hà Nội, nên các dịch giả ở Sài Gòn phải dựa vào bản chụp của Trường Viễn đông Bác cổ (bản ký hiệu A.341). Ở Hà Nội, việc giới thiệu bộ luật này bằng chữ Quốc ngữ được thực hiện qua bản dịch thiên Hình luật chí của sách Lịch triều hiến chương loại chí do Viện Sử học xuất bản năm 1961 và chúng ta biết rằng so với bộ Quốc triều hình luật phần công bố của Phan Huy Chú còn thiếu tới 143 điều.
Do vậy, việc có một bản dịch hoàn chỉnh hơn những công trình đã công bố trước đây đã trở nên cần thiết. Một bản dịch mới có kế thừa những người đi trước đã làm, đồng thời khai thác thêm những điều kiện thuận lợi hơn nhờ có thể trực tiếp sử dụng tất cả những văn bản hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm kết hợp với việc sử dụng ngôn ngữ và phong cách diễn đạt gần gũi hơn với thế hệ người đọc ngày hôm nay, chắc chắn là hữu ích.
CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch). Nhà xuất bản KHKT, Hà Nội, 1983, tập I, tr.271-272.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd.
(3) Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí. Tập III, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, trang 94.
(4) Như các sách: Thiên Nam dự hạ tập (ký hiệu A.334), Hồng Đức thiện chính thư (A.330), Quốc triều thư khế thể thức (A.1947), Quốc triều khám tụng điều lệ (A.2755, A.2755 bis), Quốc triều chiếu lệnh thiện chính (A.257), Cảnh Hưng điều luật (A.1945).
(5) Khi so sánh ba bản in A.341, A.1995; A.2754 chúng tôi nhận thấy bản A.341 từ trang đầu đến trang cuối đều dùng một cỡ khuôn in, còn bản A.1995; A.2754 đã sử dụng những cỡ in khuôn khác nhau, một số trang đầu thiếu, phía trong có những điều luật sắp xếp chưa hợp lý như những điều thuộc phần hộ hôn lại xếp vào phần điền sản(tờ 61-162). Chúng tôi đoán rằng bản in A.341 là bản có trước hai bản A.1995, A.2754. Các bản in xuất hiện trên hai lần chữ Tân viết kiêng húy, tên húy vua Lê Kính Tôn (1600-1619) là Tân, có thể những bản in được khắc in không sớm hơn những năm 1600-1619. Các bản in đều ghi lại được một trường hợp chữ Nôm cổ: chữ đẻ (Tờ 30a bản A.341 ghi: quốc ngữ viết đẻ).
Bản chép tay VHt.31 trên trang đầu ghi: Sao tại Viện Bác cổ Hà Nội vào tháng 7 năm 1931 năm Tân Mùi niên hiệu Bảo Đại thứ 6 theo bản in A.340. (Bảo Đại lục niên Tân Mùi lục nguyệt nhật tức tây nhất thiên cửu bách tam thập nhất niên thất nguyệt nhật phụng sao biên tại Hà Nội). Phía sau còn ghi thêm bản in được khắc in năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) (Cảnh Hưng nhị thập bát niên).
Trở lại xét bản A.340 chúng tôi nhận thấy đây không phải là một bản in khắc mà là một bản chép tay của trường Viễn đông bác cổ tại Hà Nội.
Về bản VHt.31 chúng tôi nhận thấy chép đủ cả phần ngục cụ chi đỗ, ngũ phục chi đồ, bản tông cửu độc ngữ phục chi đồ. Có lẽ bản VHt.31 được chép từ bản A.341 chăng? Nếu như vậy có thể bản in khắc A.341 được khắc in vào niên đại Cảnh Hưng 28 (1767)
(6) Rdeloustal - La Justice de I’Ancien Annma. Traduction et Commentaire du Code des Lê (Nền tư pháp nước Nam cổ xưa. Dịch và chú thích bộ luật nhà Lê. Hà Nội, IDEO, 1911).
(7) Lingat - Les régimes matrionaux dand le Sud-Est Asitique (các chế độ hôn sản tại Đông nam Á). Paris, 1952.
(8) Trường Luật khoa Đại học: Quốc triều hình luật (Hình luật triều Lê). Lưỡng thần Cao Nãi Quang phiên âm, dịch nghĩa, Nguyễn Sĩ Giáo nhuận sắc, Vũ Văn Mẫu viết lời tựa. Sài Gòn, Nhà in Giáo nhuận sắc, Vũ Văn Mẫu viết lời tựa. Sài Gòn, Nhà in Nguyễn Văn của, 1956.
(9) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.292.
(10) (11) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập III, tr.296; 380.
(12) Vũ Văn Mẫu, Sđd.
(13) Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài và Trần Văn Liêm (dịch - Lê Code, Law intraditional Vietnam, A.comparative Sino-VietNammese Legal Study with Hisrorical - Juridical Analysis and Annotations. 3 tome. Ohio University Press Athens, Ohio London, 1987. Trang trích dẫn: VIII, tập I.