Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

NHỮNG BÀI TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

THUrsday - 07/11/2013 08:13
Sử gia Lê Tung trong sách Việt giám thông khảo tổng luận có bàn rằng: “Có trời đất rồi mới có muôn vật, có muôn vật rồi mới có đạo vợ chồng, có đạo vợ chồng rồi sau mới có đạo cha con, có đạo cha con rồi sau mới có đạo vua tôi. Cho nên đạo cương thường của con người cũng từ đó mà ra và từ chỗ có đạo cương thường của con người mới dựng đặt ra đạo vua tôi để dựng xây đất nước vậy”.
Nước Việt ta từ Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ người Bách Việt được bắt đầu từ đấy. Đất nước ta có Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, ban phát ơn huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến. Con cháu nối dòng có đến 18 đời Hùng Vương, yên vị được hơn 2.000 năm mà vẫn thắt nút giây ghi chính sự, phong tục chất phác, dân không gian dối.
An Dương Vương nối nghiệp Hùng Vương, dời đô về Loa Thành, giữ nước Âu Lạc gần 50 năm thì mất nước cho thế lực Triệu Đà. Rồi tiếp đó, nạn Bắc thuộc kéo dài gần 1.000 năm, trăm họ lầm than, dân không sống nổi.
Bà Trưng Trắc là dòng dõi Hùng Vương, căm giận vì chính lệnh hà khắc của Thái thú Tô Định mà chị em quyết phất cờ khởi nghĩa. Dân trong 65 thành ở cõi Lĩnh Ngoại hăm hở lập công theo Bà để cứu nguy cho đất nước. Nhưng do quân Đông Hán đã kéo sang quá mạnh, đàn áp, tàn sát rất dã man, đất nước lại phải chịu khổ đau.
Bà Triệu Ẩu là người phụ nữ ngoan cường ở Cửu Chân, Bà tung quân đánh phá các thành ấp. Tuy chưa chiếm lĩnh được Lĩnh Biểu như Hai Bà Trưng, nhưng đã tỏ rõ được bậc hùng tài trong nữ giới.
Lý Nam Đế rất thông minh, đủ tài văn võ, có quy hoạch của một đế vương. Nhưng gặp lúc quân Bắc đang hăng, giặc Bá Tiên đang mạnh, rút cục đều thất bại. Sau đó, Hậu Nam đế lại bội nghĩa mà diệt Triệu, nghe gió mà hàng Tùy, đến nỗi bị nhục đưa về Bắc triều, cũng bởi tại mình gây ra cả.
Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Quang Sở Khách, cất quân đi đánh. Phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường. Tuy cơ nghiệp đã dựng được vài ba năm, cuối cùng vẫn không chế ngự được Dương Tư Húc. Sử sách đều chép ông là bậc anh hùng vậy.
Phùng Bố Cái từ đất Đường Lâm đã cứu dân dẹp loạn, chiếm đất phục hưng cơ nghiệp. Tiếc vì con là Phùng An yếu đuối bất lực, cuối cùng chịu đầu hàng họ Triệu, khiến cơ nghiệp bại vong.
Khúc Thừa Dụ biết thừa cơ khi nhà Đường sắp mất, nêu quyền tự chủ, được dân trong ngoài ủng hộ. Nhưng thế nước còn yếu, chỉ dám tự xưng theo danh hiệu của nhà Đường mà thôi. Đến Khúc Thừa Hạo có mạnh mẽ hơn, biết định hộ tịch nêu chức quản giáp. Nhưng đến cuối đời Hậu chúa Khúc Thừa Mỹ lại bị dân oán, nước Nam Hán lăm le tiêu diệt.
Dương Đình Nghệ quyết diệt Nam Hán thu lại bản đồ đất đai. Song vì quá tin vào Kiều Công Tiễn để nó giết oan, làm tan cơ nghiệp.
Ngô Vương Quyền giết được gian trong là Kiều Công Tiễn, phá được giặc mạnh bên ngoài là Hoằng Thao, rực rỡ chiến công của vị Tiên chúa. Nhưng vì Dương Tam Kha lật lọng chiếm ngôi, gây nên mâu thuẫn, cung đình rối loạn, nạn xưng hùng xưng bá nổi dậy khắp nơi.
Đinh Bộ Lĩnh có công lớn thống nhất quốc gia, quy non sông về một mối. Mong nước thống nhất như thời Văn Lang, Âu Lạc. Nhưng than ôi ! Đinh Bộ Lĩnh không ngờ rằng: chính tên nội gián là Đỗ Thích đã giết hại cả bố lẫn con họ Đinh, cùng với tên Ngô Nhật Khánh thừa dịp nổi lên, cấu kết với giặc ngoại xâm là Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng tiến quân xâm lăng nước Việt. Cơ sự nghiêng đổ.
I. Thắng Tống năm 980-981 vua Lê Đại Hành đọc tuyên ngôn độc lập
Theo định nghĩa thông thường thì:
Tuyên ngôn độc lập thường chỉ xảy ra sau quá trình giành được độc lập từ một nước khác đến nắm quyền thống trị nước mình.
Tuyên ngôn độc lập thường chỉ xảy ra khi nước nắm quyền thống trị không đủ khả năng thống trị nữa, phải trả lại cho tộc người vốn là chủ nhân của đất nước đã bị tước quyền độc lập.
Như vậy, thì nước Việt Nam ta chỉ có mấy thời kỳ mất nước cụ thể như sau: thời Bắc thuộc mất nước gần 1.000 năm; thời thuộc Minh bị mất nước hơn 10 năm; thời Pháp bị mất nước hơn 80 năm. Ngoài ba thời kỳ đó, nước Việt Nam ta luôn luôn là nước độc lập tự chủ. Riêng đời Lý Nhân Tông tuy bị giặc Tống xâm lăng, nhưng nhờ nước mạnh dân giàu, nên quân Tống đã bị Lý Thường Kiệt đánh đuổi, không xảy một ngày mất quyền độc lập. Vả lại, khoa học lịch sử đã chứng minh bài thơ Thần mà Lý Thường Kiệt đọc vốn là bài thơ có từ thời Lê Đại Hành, chỉ sửa lại vài ba chữ mà thôi.
Đại Cồ Việt vào mùa thu năm Canh Thìn (980), nhà Tống chuẩn bị xuất quân 2 đợt, chọn nhiều tướng tài như Tôn Toàn Hưng, Hầu Nhân Bảo, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn, Trần Khâm Tộ, Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân, Hứa Xương Duệ do tướng Hứa Trọng Tuyên đại diện Tống triều tham dự điều quân.
Cuối năm Canh Thìn (980) đêm 30 tháng Chạp, Lê Hoàn mở trận lớn ở sông Đồ Lỗ (Lục Đầu giang), nhằm tiêu diệt đại quân Tống. Nửa đêm nghe tiếng Thần ngâm thơ:
“Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược ?
Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư!”
(1)

南 國 山 河 南 帝 居 , 
皇 天 已 定 在 天 書 。 
如 何 北 虜 來 侵 略 ? 
白 刃 番 城 破 竹 歟 !

Tạm dịch nghĩa:
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Sách trời đã định cho quyền này.
Cớ sao giặc Bắc sang xâm lược ?
Vung gươm ta giết như chẻ tre !

Thần đây là tướng Trương Hống, Trương Hát được vua Lê lập đền thờ ở hai bên bờ sông Lục Đầu. Trận Đồ Lỗ là trận thắng ban đầu, đuổi quân Hầu Nhân Bảo ra sông Lục Giang, rồi ra sông Bạch Đằng để mở tiếp trận thứ hai, tiêu diệt đạo quân Hầu Nhân Bảo, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống.
Bài thơ trên tưởng có sức mạnh như Thần, khiến quân Tống dẫm đạp lên nhau mà chạy. Nó có ý nghĩa như một bài Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước thời thắng ngoại xâm, kết thúc nghìn năm Bắc thuộc!
Về chiến tích trên sông Bạch Đằng, Thần tích ở trang Thường Sơn huyện Thủy Đường (nay thuộc huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng) có đoạn chép: “Thời nhà Đinh ở trang Thường Sơn có gia đình ông Phạm Hoằng và bà Nguyễn Thị Bích vì cảnh nghèo mà dựng một quán bán nước. Chỗ ông dựng quán dần dần trở thành khu chợ, gọi là Chợ Phướn vì giữa chợ thường treo lá phướn thờ Phật.
Ông Hoằng bà Bích sinh được ba trai một gái đều tài giỏi:
- Con trai đầu gọi là Phạm Quang;
- Trai thứ hai gọi là Phạm Nghiêm;
- Trai thứ ba gọi là Phạm Huấn;
- Gái út (thứ tư) gọi là Phạm Cúc Nương.
Đến năm triều Đinh suy, khắp nước đều nổi giặc, hai vua Đinh bị giết, quân Tống phối hợp với quân Chiêm ào ạt kéo sang, chiếm đóng Bạch Đằng - Hoa Bộ và nhiều nơi quan trọng. Vận nước đang suy khác nào “ngàn cân treo sợi tóc”.
Cũng may mấy tháng sau có Lê Hoàn kế vị. Ông bố trí lực lượng khắp nơi để cứu dân cứu nước. Chiến sự kéo dài, quân ta càng đánh càng thắng.
Về chiến sự ở sông Bạch Đằng, sách Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất có ghi lại mấy nét: “Bấy giờ Lê Hoàn đã nắm chắc thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ông tập trung chỉ đạo trận Bạch Đằng để tiêu diệt tên tướng khát máu của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo”(2).
Sách trên lược thuật rằng: Lê Hoàn dẫn các đạo hùng binh đóng trên các gò đất cao cạnh chợ Phướn, đặt các đồn ngự thành một hệ thống quân doanh tạm thời. Một đêm vua chiêm bao thấy Thần về bảo rằng: “Ta là thần quản xứ này, thấy đức vua vất vả vì nạn nước, ta xin giúp vua một số gạo để nuôi quân”. Vua tỉnh dậy thì thấy mấy gian kho đầy ắp gạo. (Nơi đó, về sau dân gọi là Đống Cơm). Vua Lê lập đàn tạ thần, rồi chuẩn bị chiến đấu.
Từ đó, Thường Sơn trở thành Hổ Trướng (Quân doanh) của Lê Hoàn. Và từ trận này, tướng Hầu Nhân Bảo đã phải bỏ mình trên sông Bạch Đằng, các cánh quân khác đều bị đánh tan, lủi thủi kéo về đất Tống.
Đối với cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi của vua tôi nhà Lý, Lý Thường Kiệt với kế phá tan khu dự trữ lương thực, khí giới của nhà Tống ở Ung châu đã được lịch sử đánh giá cao. Khi quân Tống tiến đánh vùng sông Cầu, Lý Thường Kiệt đã phát huy mọi mưu cao mẹo giỏi để chiến thắng địch, nên quân địch phải rút lui, vua Lý Nhân Tông không một ngày phải rời bỏ ngai vàng ở kinh đô Đại Việt.
Như vậy, theo chúng tôi thì một số học giả trước đây đã lý giải có phần sai, khi đưa bài thơ Thần nói là của Lý Thường Kiệt vào chương trình sách giáo khoa để dạy cho học sinh phổ thông. Không biết đến bao giờ kết thúc được sai lầm này, để cho các em hiểu được lịch sử nước ta suốt thời Lý không một ngày bị mất quyền độc lập, và là những triều đại hùng cường của đất nước, dựng nên kinh đô Thăng Long, lập lên Quốc tử giám, nhà Thái học và biết bao danh lam thắng tích.
II. Bình ngô đại cáo: Bản tuyên ngôn độc lập kết thúc kháng chiến chống Minh (1418-1428)
Sau cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ thất bại, dân ta lại phải làm nô lệ cho nhà Minh gần 20 năm, cuộc sống biết bao tủi nhục! Họ chia đất ta làm quận huyện, bắt dân ta làm thê thiếp, thuế nhiều mà nặng, phàm người hào kiệt trong nước, ban đầu chúng giả trao chức quan, rồi đem về an trí ở phương Bắc !
Lê Lợi nhìn đời tuôn trào nước mắt, bảo mọi người rằng: “Ta sở dĩ nếm mật nằm gai, mưu toan đánh giặc không phải vì tham phú quý, mà chỉ muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi tớ cho giặc mà thôi!”
Phép dụng binh của Lê Lợi là biết lấy nhu để chế cương, lấy yếu để chế mạnh, cho nên đánh trận hay thắng. Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi làm thư dụ, bảo rõ điều họa phúc, cho nên thường không đánh mà họ đến xin hàng. Vua chưa từng giết bậy một người, bắt được 10 vạn binh nhà Minh đều tha hết cả.
Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh sai Hạ Thanh và Tiến sĩ Hạ Thì sang ta, lấy hết các sách vở và sự tích xưa nay. Rồi nhóm họp người mò ngọc trai, kiếm hương thơm, bắt chồn trắng, hươu trắng, voi trắng, rùa chín đuôi, chim đậu ngược, vượn bạc má, các loài trăn để dâng nộp.
Đến năm Giáp Thìn (1424), nhà Minh lại khai mỏ vàng mỏ bạc. Cuối năm ấy, nhà Minh lại sai Mã Kỳ đem quân lấy nhiều vàng bạc châu báu và hương liệu của ta.
Năm Bính Ngọ (1426), ngày 20 tháng 9 giặc cậy mạnh, đem quân đến đánh quân ta. Bọn Triện và Bị đặt phục binh, đánh mạnh ở Ninh Kiều, phá đuổi giặc đến thôn Nhân Mục. Trên khoảng mấy chục dặm đường, xác giặc nằm gối lên nhau. Từ đấy giặc không dám kéo ra nữa. Giặc tự liệu thế ngày càng cùng quẫn, viện binh thì mãi không đến !
Ngày 26 tháng 9 bọn Phương Chính bỏ thành Nghệ An lánh về Đông Đô, chỉ để Thái Phúc cố chết giữ thành. Bọn Phương Chính, Lý An lúng túng không thể lên bộ, liền cưỡi thuyền nhân đêm bỏ trốn.
Vua lường thế giặc, thấy chúng ngày một yếu, quân ta ngày một mạnh, cơ hội có rồi chẳng nên bỏ lỡ. Liền sai bọn Lê Lễ, Lê Văn An, Lê Thận, Lê Ngân, Lê Sát, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng ở lại vây thành Nghệ An, còn vua thân đem đại binh thủy bộ đuổi theo bọn An, Chính đến thành Tây Đô, vây đóng doanh trại, úy lạo tướng sĩ, thưởng cho các phụ lão và thanh niên trong các làng.
Tháng 10 năm ấy, nước Minh sai bọn Thành Sơn hầu Vương Thông, Tham chính Mã Anh đem 5 vạn quân, 5.000 ngựa, chia đường sang cứu viện cho thành Đông Đô; còn 10.000 giặc ở Vân Nam thì đã đến trước, chúng thẳng xuống Tam Giang để phối hợp. Tháng 11 năm ấy, vua Lê thân đem đại binh cùng bọn Lê Lễ vây sát thành Đông Đô. Hai mặt thủy bộ giáp công, đang đêm vua phá được trại ngoài của giặc. Từ đó giặc cố chết giữ thành đợi viện.
Sang năm Đinh Mùi (1427) ngày 10 tháng 6, tướng giặc là Trấn Viễn hầu Liễu Thăng đem 5 vạn quân và 1.000 ngựa từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Sang đến nơi thì Liễu Thăng kiêu ngạo phải sớm bỏ mình trong ải Chi Lăng. Rồi Lý Khánh cũng bỏ mình, hơn vạn đầu giặc bị ta chém, 5.000 ngựa bị bắt. Các cánh quân giặc đều phủ phục xin hàng, ta cho về nước.
Từ đấy, dứt mối can qua, các tướng giặc đem quân về Bắc trả lại đất An Nam, ta khôi phục bờ cõi, trong nước yên ổn, nhân dân yên nghiệp làm ăn như cũ. Việc triều cống lại theo lễ thời Hồng Vũ, hai bên vui vẻ thông sứ qua lại.
Cuối năm ấy, vua Lê sai Dương Thái Nhất đưa thợ chữa lại đền Trần Hưng Đạo vì thần là bậc Quân sư lỗi lạc. Vua lại gọi người huyện Đường An đóng các chiến xa và thuyền chiến đón các tướng về.
Cuối năm Đinh Mùi (1427), cuộc Hội thề ở Đông Quan kết thúc, mười vạn quân Minh được tha về nước. Vương Thông phủ phục trước vua, tuôn trào nước mắt, một lúc lâu mới lên ngựa đem quân bộ ra về.
Vua đọc bài Đại cáo bình Ngô do văn thần Nguyễn Trãi soạn như sau:
“Thay Trời để giáo hóa, Hoàng đế chiếu rằng:
Việc nhân nghĩa cốt để yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Nghĩ như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn minh.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên làm chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
...
Vừa đây họ Hồ chính sự phiền hà,
Để đến nỗi gây nhân tâm oán phản.
Giặc Minh thừa dịp làm hại dân ta,
Đảng ngụy gian ác, mưu mô bán nước.
Tát hết nước biển Đông, không rửa hết vết nhơ,
Chặt hết trúc rừng Nam, chẳng ghi hết tội ác.
Thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha,
Ta phát tích Lam Sơn, nương thân nơi hoang dã.
Nghĩ thế thù khôn đội trời chung,
Thề giặc nước khó cùng chung sống.
Đau lòng nhức óc kể đã mười năm,
Nếm mật nằm gai phải đâu một buổi.
...
Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần,
Lúc Khôi huyện quân không đủ lữ.
Bởi trời muốn thử ta, mà trao trách nhiệm,
Nên ta càng cố chí, để vượt gian nan.
Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp,
Hòa rượu cùng uống, binh sĩ một dạ cha con.
Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ,
Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục.
Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn,
Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
Giặc cùng đường kiệt sức, chờ chết bó tay,
Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà thắng.
...
Ngày mười tám Liễu Thăng bị đánh, Chi Lăng đổ sụp,
Ngày hai mươi Liễu Thăng đại bại, Mã Yên phơi thây.
Ngày hai lăm, Lương Minh bị hãm trận bỏ mình,
Ngày hai tám, Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ.
Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối chịu tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói mình nộp thân.
Lạng Sơn, Lạng Giang, xác chết đầy đường,
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước.
Tướng giặc bị bắt, nó vẫy đuôi cầu sống,
Thần vũ không giết, ta tỏ lòng hiếu sinh.
Chúng sợ chết tham sống, thực muốn cầu hòa,
Ta cốt giữ toàn quân, để cho dân nghỉ.
Chẳng những mưu kế cực kỳ sâu xa,
Cũng tưởng xưa nay chưa từng được thấy.
Xã tắc do đó mà yên,
Non sông nhờ đó đổi mới.
Càn khôn bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.
Để mở nền thái bình muôn thuở,
Để rửa nỗi sỉ nhục ngàn thu.
Một gươm đại định, tạo thành công nghiệp vô song.
Bốn biển lặng trong, rộng nghe Tuyên ngôn đổi mới”.

III. Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình Hà Nội
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài Hà Nội đọc bản Tuyên ngôn độc lập như sau:
Hỡi đồng bào cả nước !
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn độc lập và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn....
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa...
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập.
Vì những lẽ trên chúng tôi, Chính Phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Từ bài thơ Thần, rồi Bình Ngô đại cáo và đến Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 là một chặng đường dài giữ nước hào hùng của dân tộc ta; theo chúng tôi, về tinh thần chung mà nói, đây là ba bản Tuyên ngôn độc lập thể hiện ba thời kỳ, thể hiện hùng khí và sự lớn mạnh không ngừng của dân tộc ta.
Trần Bá Chi

CHÚ THÍCH:
(1) Vũ Quỳnh Kiều Phú: Lĩnh Nam chính quái. Bản dịch; Đinh Gia Khánh. Nxb. Văn hóa 1960, trang 75-77.
(2) Trần Bá Chí: Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất. Nxb. Quân đội nhân dân, H. 1992.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh