Khi nói về bia, chúng ta thường nghĩ tới loại bia đá, không ai nghĩ rằng cha ông ta ngày xưa làm cả bia bằng đồng nữa. Do một sự ngẫu nhiên dân làng Quan Nhân, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội (nay đã thuộc khu vực nội thành) đã phát hiện trong đống gạch ngói sụt lở ở hậu cung của đình làng một tấm bia đồng - một di vật quý hiếm mà nhiều cụ già nhất trong làng chưa từng hay biết.
Tấm bia hình chữ nhật, khổ 105x63,5cm, dầy 4mm, nằm trong khung gỗ sơn son thếp vàng. Tất cả đặt trên một giá gỗ cũng sơn son, cao 33cm. Diềm bia là hoa văn hình hồi văn, trang trí đơn giản mà trang nhã. Lòng bia khắc 61 dòng, mỗi dòng trên dưới 45 chữ. Tổng cộng là 2700 chữ, được khắc theo lối chân phương. Dòng đầu tiên, có thể xem là tên bia, ghi: "Việt Thường Thị, Hùng Hiển Vương hoàng tôn, Ninh Hải quận vương thứ tử Trung Nghĩa Đại Vương ngọc phả cổ lục". Như vậy là tấm bia ghi chép về ngọc phả sự tích Trung Nghĩa Đại Vương, con trai thứ của Ninh Hải quận vương, cháu của Hùng Hiền Vương, họ Việt Thường.
Từ dòng 2 đến dòng thứ 58 là nội dung bản thần tích, ghi chép về Hùng Lang Công(1).
Dòng thứ 59 ghi "Hồng Phúc nhị niên tam nguyệt sơ thập nhật" (ngày 10 tháng 3 niên hiệu Hồng Phúc 2 (1573). Sau dòng chữ này là 3 dòng chữ bị đục, vết đục được bôi son đỏ. Vết đục thứ 1 dài 17 cm, số chữ bị đục chừng 13 chữ. Vết đục thứ 2 dài 40cm ở giữa dòng chữ thứ 59 và 60, số chữ bị đục chừng 29 chữ. Vết đục thứ 3 dài 21cm ở bên trái dòng thứ 61, số chữ bị đục chừng 15 chữ. Giữa 2 dòng bị đục thứ 2 và 3 còn lại các chữ "Bản thôn tòng tiền phụng sự linh thần nhị vị tịnh bất tường sự tích. Tự Đức tứ niên, Tân Hợi tứ nguyệt nhật phỏng đắc sự tích tại Bạch Hạc huyện, Bình Đẳng xã đệ hồi. Lục niên Quý Sửu thập nguyệt nhật y dạng thuyên khắc dĩ thuỳ vĩnh cửu". Nghĩa là: "Thôn nhà từ trước thờ cúng hai vị linh thần nhưng đều không rõ sự tích. Ngày tháng 4 năm Tân Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851) tìm được sự tích của thần tại xã Bình Đẳng, huyện Bạch Hạc rước về. Ngày tháng 10 năm Quý Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853) đem khắc y nguyên để lưu truyền cho muôn đời".
Như vậy, năm tạo dựng tấm bia đồng trên là 1853, niên hiệu Tự Đức thứ 6. Dòng niên đại trên có đặc điểm: nét chữ to hơn, khắc đậm hơn so với chữ ở dòng thứ 59 trở lên. Nhưng vì sao có 3 hàng chữ bị đục và đó là những chữ gì? Đây là một vấn đề cần tìm hiểu, có ý nghĩa về văn bản học. Chúng tôi đã tìm hiểu thêm những tư liệu có liên quan tới tấm bia đồng này tại địa phương, được biết như sau:
1, Ngôi đình thờ Thành hoàng của làng, nơi để tấm bia bằng đồng được xây dựng từ rất lâu. Theo tấm bia "Quan Nhân thôn tri bảo hậu thần" có niên hiệu Chính Hòa 22 (1701) đặt ở bên trái nhà bia thì ngôi đình của làng đã có từ đầu thế kỷ XVIII và việc thờ Trung Nghĩa Đại Vương cũng đã có từ khi xây dựng ngôi đình của làng.
2, Các tấm sắc phong còn lưu giữ được ở đình làng cho biết Thành hoàng của làng được phong là Trung Nghĩa Đại Vương, Mỹ tự "Trung Nghĩa" được ghi trong tấm sắc phong có niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767). Đây là tấm sắc phong có niên đại sớm nhất trong số sắc phong còn lưu giữ được ở đình làng này.
3, Về sự tích thần Trung Nghĩa Đại Vương hiện còn một bản thần tích chép tay. Nội dung của bản thần tích này về đại thể không khác mấy với nội dung văn bản thần tích khắc trên tấm bia đồng. Chỗ khác nhau là:
a, Sau hàng chữ ghi niên hiệu "Hồng Phúc nhị niên tam nguyệt sơ thập nhật", văn bản chép tay ghi họ tên chức vụ người soạn là "Hàn lâm viện Đông các đại học sỹ thần Nguyễn Bính phụng soạn" gồm 13 chữ. Tiếp đó là dòng: "Hoàng triều Vĩnh Hựu nguyên niên quản giám bách thần tri điện thiếu khanh, bát phẩm thư lại thần Nguyễn Hiền tuân y tiền triều cựu bản phụng tả" gồm 29 chữ.
b, Văn bản chép tay không có dòng chữ "bản thôn tòng tiền phụng sự nhị vị linh thần tịnh bất tường sự tích (...) dĩ thùy vĩnh cửu" gồm tất cả 52 chữ. Như vậy vị thần Trung Nghĩa Đại Vương đã được thờ tế từ lâu, sự tích đã được ghi lại, văn bản thần tích đã được khắc lên tấm bia bằng đồng. Căn cứ vào chỗ khác nhau và vị trí vết đục, thì vết đục thứ nhất có khả năng là họ tên, chức vụ người soạn, vết đục thứ hai có khả năng là họ tên, chức vụ người sao chép. Còn vết đục thứ ba, dựa vào hình thức nói chung của thể loại bi ký mà đoán định, thì vị trí của vết đục này tương ứng với dòng họ tên, chức vụ người viết hay người khắc chữ.
Từ những vết đục đã gợi lên cho chúng ta biết rằng tấm bia đồng vốn là một văn bản nguyên vẹn, có thể nó không phải được dựng vào năm thắng văn bản được khắc lên bia vào năm Tự Đức 6 (1853). Ở đây có hai khả năng xảy ra:
1. Đây là biểu hiện của việc thi hành chính sách đục xóa di sản văn hiến của một thời đại không được coi là chính thống.
2. Do ý muốn chủ quan muốn đề cao sự linh thiêng của vị Thành hoàng mà dân làng thờ cúng.
Qua khảo cứu văn bản khắc trên tấm bia đồng chúng tôi thấy:
a, Những họa tiết trang trí ở diềm bia là những họa tiết hình hồi văn, họa tiết rất phổ biến thời Tây Sơn và thời Nguyễn(2).
b, Các chữ khắc trên bia có những chữ sau đây được khắc theo lối kiêng húy:
- Chữ Tông (宗) xuất hiện 2 lần ở dòng chữ thứ 5 và thứ 16 đều được khắc bớt nét ( ).
- Chữ Chủng (種) xuất hiện 2 lần đều ở dòng thứ 10 được khắc bớt nét (重).
- Chữ Nhậm (任) xuất hiện 2 lần ở dòng 19 và dòng 41 đều được khắc bớt nét (壬 ).
Chúng ta biết rằng những chữ húy trên đây là những chữ húy quan trọng của các triều từ đầu nhà Nguyễn đến Tự Đức. Từ những cứ liệu này bước đầu chúng tôi đoán định rằng văn bản thần tích được khắc lên trên tấm bia đồng được thực hiện vào thời gian những năm đầu niên hiệu Tự Đức. Do vậy khả năng thứ nhất không thể xảy ra.
Căn cứ vào dòng chữ "bản thôn tòng tiền phụng sự nhị vị linh thần tịnh bất tường sự tích" (thôn nhà từ trước thờ cúng hai vị linh thần nhưng đều không rõ sự tích) có mâu thuẫn với những tư liệu còn lưu giữ tại đình như văn bia, sắc phong có niên hiệu đời Lê, nội dung có liên quan tới vị thần "Trung Nghĩa Đại Vương". Cho nên ghi "bất tường sự tích" là có sự khiên cưỡng. Điều đó chứng tỏ ý muốn đề cao sự linh thiêng của vị Thành hoàng mà dân làng đang thờ cúng. Từ đó chúng tôi suy ra hai dòng chữ ở giữa khoảng cách vết đục thứ hai và thứ ba là dòng chữ khắc thêm. Vết đục và dòng chữ khắc thêm có thể được thực hiện vào giai đoạn dân làng sau khi sưu tầm ra bản thần tích chép tay tại xã Bình Đẳng, do vậy niên đại ghi lên tấm bia đồng vào năm Tự Đức 6 (1853) là niên đại của dòng chữ khắc thêm.
Tuy vậy chúng tôi cũng thấy có điểm nghi vấn cần nêu lên:
- Chữ Thời (時) là chữ húy rất quan trọng thời Tự Đức. Ở văn bản này chữ Thời xuất hiện 4 lần ở các dòng chữ thứ 7, dòng 19, dòng 21, dòng 59 nhưng đều không được khắc theo lối kiêng húy như những văn bản chúng ta thường gặp từ thời Tự Đức trở về sau.
- Chúng tôi cũng chưa lý giải được tại sao họ tên chức vụ của người soạn là Nguyễn Bính và họ tên chức vụ người sao chép là Nguyễn Hiền bị đục bỏ. Hai ông này đều là người đời Lê.
Xin nêu lên để các nhà nghiên cứu bổ cứu cho.
NỘI DUNG BẢN THẦN TÍCH KHẮC TRÊN TẤM BIA ĐỒNG
Bản thần tích ghi chép (sự tích) Trung Nghĩa Đại Vương, vị Thành hoàng của làng Quan Nhân. Bản này được chia làm bốn phần.
1. Phần mở đầu, bản thần tích khẳng định công lao gây dựng đất Việt của các vua Hùng và con cháu nối dõi là các vị thần nổi tiếng trấn trị các miền rừng núi và đồng bằng.
2. Phần thứ hai, ghi sự ra đời của Hùng Lãng Công. Ông là dòng dõi vua Hùng, được làm Huyện trưởng tại huyện Vũ Tiên, sau lấy bà Trương Mỵ Nương người làng Quan Nhân. Lúc đó dân làng Quan Nhân đang bị dịch bệnh hoành hành, nhờ uy linh của ông mà dân làng khỏi bệnh, dịch bệnh được diệt trừ. Mọi người tôn ông làm thần sống, và dân làng được nhận chức "hộ nhi", lại được miễn trừ sưu sai thuế dịch.
3. Phần thứ 3, ghi sự tích đánh dẹp giặc Nam Chiếu của Hùng Lãng Công. Khi ấy giặc nổi loạn động tới hàng chục vạn, kéo đi cướp bóc tài sản của nhân dân, triều đình sai ông đi chống trả. Do có tài dụng binh mưu lược, lại có nhiều tài lạ phép hay cho nên Hùng Lãng Công đã chiến thắng. Nhưng do sau này không phòng bị, bị giặc quay lại bao vây, ông phải phá vây và tự "hóa".
Phần kết luận: Khi nghe tin Hùng Lãng Công hy sinh, bà Trương Mỵ Nương cũng "hóa" theo, dân làng lập đền thờ. Từ đó về sau vùng này có tục lệ kiêng ba chữ "Lãng" "Mỵ" "Nương" và cấm dùng quần áo màu vàng, màu trắng.
Khảo sát về mặt nội dung, văn bản khắc lên tấm bia đồng đã ghi lại sự tích Hùng Lãng Công dánh dẹp Nam Chiếu. Sự kiện đánh dẹp Nam Chiếu cũng được các sử sách cổ của ta ghi chép lại ít nhiều. Trong năm 858 "đất Giao Châu có mối lo về người Man (Nam Chiếu)(3) và từ đó cuộc đánh chiếm lấn đất của người Nam Chiếu có lần đã tới tận phủ Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay). Không rõ "Nam Chiếu" mà Hùng Lãng Công đánh dẹp có liên quan gì với nước Nam Chiếu ở thế kỷ thứ 9 hay không. Dẫu sao thì bản thần tích này do Nguyễn Bính soạn đã dựa trên những sự kiện lịch sử và truyền thuyết của nhân dân, văn bản lại được khắc lên tấm bia bằng đồng, chắc chắn nó có một giá trị nhất định, góp phần vào công việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cổ đại. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta phát hiện ra tấm bia được dựng lên bằng chất liệu đồng, đó là một tư liệu quí góp phần làm phong phú mảng tài liệu nghiên cứu về bia ký học của Việt Nam.
Phạm Văn Thắm
--------------
Chú thích:
(1) Xem phần lược thuật nội dung bản thần tích ở phần cuối bài.
(2)Nguyễn Bích: Tư liệu đình làng Quan Nhân.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1983, tr.185-187./.
(Biên tập: Phạm Duy Trưởng; theo Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1987)