Chính vì vậy, quân Hitler mưu toan tiêu diệt Liên Xô bằng chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng”, tiếp theo là gây tác động tâm lý mạnh lên người dân Xô viết. Chiến lược này đã được Đức Quốc xã áp dụng thành công tại Ba Lan, Pháp và Nam Tư. Người Đức không tiến hành tổng động viên quân đội, nhưng chuẩn bị cho cuộc tấn công vào nước Nga tốt hơn nhiều so với các chiến dịch nhằm vào Ba Lan hay Pháp.
Quân Đức trong cuộc tấn công Liên Xô mùa hè năm 1941. Ảnh: МАММ/MDF/russiainphoto.ru. |
Sai lầm của Hitler
Sai lầm chính của Hitler và đội ngũ thân cận hắn là việc đánh giá giới cầm quyền Liên Xô. Chúng nhìn nhận ban lãnh đạo Liên Xô như trong cuộc nội chiến Nga và những năm 1920, khi giữa những người Bolshevik còn xảy ra việc tranh giành quyền lực khốc liệt. Tuy nhiên, đến năm 1941 thì mọi thứ đã hoàn toàn khác, Liên Xô lúc này chỉ có một lãnh tụ duy nhất. Đó là Joseph Stalin - con người sắt thép từng trải qua lưu đày và cuộc nội chiến, chống lại chủ nghĩa Trotsky và những khuynh hướng lệch lạc khác. Ông cũng không phải là chính trị gia theo kiểu dân chủ phương Tây. Ngay từ những ngày đầu Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Stalin vẫn kiểm soát tình hình và làm việc với cường độ cao. Ý chí sắt đá của ông cuối cùng đã mang lại kết quả tốt đẹp.
Bộ Tổng Tham mưu, Chính phủ, Đảng và Bộ Chỉ huy quân sự Liên Xô vẫn tích cực hoạt động. Binh lính và sĩ quan Hồng quân quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tại những khu vực bị chiếm đóng xuất hiện những ổ kháng cự, những chiến sĩ hoạt động bí mật và du kích quân, họ sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao cả.
Tại Liên Xô lúc đó không có kiểu tự do ngôn luận và kiểu tự do truyền thông mà Đức Quốc xã có thể lợi dụng để gieo rắc nỗi khiếp sợ và sự hoảng loạn như ở các nước Tây Âu. Chính báo đài phương Tây đã hỗ trợ Hitler và các tướng lĩnh của hắn rất nhiều trong việc này.
Trong khi đó, Liên Xô biết cách chống lại những kẻ gieo rắc hoang mang. Đài phát thanh bị thu hồi nhằm tránh việc kẻ địch lợi dụng thông tin tác động lên tâm trí của người dân Xô viết. Thời đó chưa có truyền hình và Internet, còn báo chí, phim thời sự và đài phát thanh hoàn toàn chịu sự kiểm soát của Chính phủ Liên Xô. Người Đức chỉ còn cách rải truyền đơn và tung tin đồn, nhưng Liên Xô vẫn có thể chặn được. Vì vậy, khắp đất nước Xô viết đều không xảy ra tình trạng hoang mang và rối loạn trong dân chúng.
Stalin cho thấy ý chí chiến đấu đến cùng, điều mà nhân dân Liên Xô đã cảm nhận được. Và người Đức ngay từ đầu đã nhận thấy sự kháng cự ngày càng dữ dội của người Nga. Chính nhờ ý chí sắt đá của lãnh đạo Liên Xô mà chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Đức đã bị bẻ gãy.
Stalin chuẩn bị để đất nước và xã hội Liên Xô sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lớn. Nhân dân sẵn sàng lao động và phòng thủ, chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Những năm 1930, miền Đông Liên Xô đã lập cơ sở công nghiệp mới, phát triển ngành công nghiệp ở vùng Ural và Siberia. Mặc dù các mỏ quặng Ural và Siberia có chất lượng kém hơn so với Donbass, cũng như chi phí sản xuất ở miền Đông đắt hơn ở miền Tây, nhưng Liên Xô vẫn quyết tâm xây dựng thêm. Khu vực giữa dòng Volga và dãy Ural đã xây dựng cơ sở dầu mỏ thứ hai, thành lập các doanh nghiệp lớn về luyện kim là nhà máy thép Magnitogorsk và Kuznetsk. Ở vùng Viễn Đông ra đời thành phố Komsomolsk trên sông Amur – trung tâm chế tạo máy bay và đóng tàu. Trên khắp cả nước thành lập các nhà máy dự phòng chế tạo máy, luyện kim, lọc dầu, hóa học… Tất cả đều tự hoạt động theo năng lực của mình trên cơ sở sử dụng nguyên liệu hiện có tại địa phương. Trong thời gian chiến tranh, khi những khu công nghiệp phía Nam và Tây Bắc bị địch chiếm đóng, còn khu trung tâm bị tấn công, thì Ural trở thành nơi từng cứu sống cả đất nước Liên Xô.
Trước chiến tranh, việc phát triển các vùng miền được đặc biệt chú ý. Mỗi tỉnh đều thành lập những cơ sở sản xuất đáp ứng những nhu cầu cơ bản của địa phương về nhiên liệu, vật liệu xây dựng, năng lượng, lương thực... Xung quanh những thành phố lớn còn xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc và trồng rau xanh, phát triển nghề làm vườn. Nhà lãnh đạo Joseph Stalin đã cho xây dựng nguồn dự trữ chiến lược, đảm bảo cho đất nước trong trường hợp xảy ra những tình huống xấu nhất. Chính điều này đã cứu sống Liên Xô trong năm 1941, khi nước này mất toàn bộ miền Tây thuộc lãnh thổ Nga.
Lính Đức vượt qua biên giới của Liên Xô. Nguồn: Topwar. |
Tại sao chiến tranh “bất ngờ”?
Quân đội Hitler có thể tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ. Chúng biết cách dồn lực lượng của mình sang phía Đông bằng thủ đoạn đánh lừa và tung tin đánh lạc hướng. Hitler đã thành công trong việc tiến hành chiến tranh thông tin và tâm lý chiến, khi tạo cho Moskva cảm tưởng rằng, hắn không có ý định tiến đánh thủ đô của Liên Xô đầu tiên. Điều này cho phép Đức Quốc xã lợi dụng tính hiệu quả của sự bất ngờ nhằm san phẳng thế trận của Hồng quân Liên Xô trên biên giới phía Tây, đặc biệt là tại Belarus.
Trong những năm thực hiện chính sách “công khai hóa” và “cải tổ” trước khi Liên Xô sụp đổ, người ta đã từng bịa ra câu chuyện về “sự cả tin” của Stalin. Nói rằng, nhà lãnh đạo Liên Xô vì “tính bướng bỉnh và dại dột” của mình nên đã không nghe theo nhiều cảnh báo về kế hoạch xâm lược của Đức Quốc xã. Stalin đã không tin lực lượng tình báo, những người có thiện ý của Liên Xô và nguồn tin từ nước Anh. Vì vậy, ông ấy có lỗi trong tất cả những thảm họa và thất bại của Liên Xô.
Tuy nhiên, không lâu sau đã xuất hiện những nghiên cứu nghiêm túc của giới quân sự phủ nhận hoàn toàn giả thuyết này. Stalin không phải là “dại dột”, ông có trí tuệ tài ba, ý chí sắt đá và trực giác tuyệt vời, nếu không thì ông đã không thể trở thành lãnh đạo Liên Xô trong thời đại mang tính bước ngoặt. Tin tình báo thì có vô khối, nhưng ngày tháng đưa tin thì khác nhau. Rõ ràng, người Anh lại muốn đẩy Nga và Đức vào xung đột như năm 1914. Stalin rất không muốn người Nga lại chiến đấu vì lợi ích của người Anh.
Cũng cần biết rằng, Hitler và Stalin là những kiểu nhà lãnh đạo khác nhau. Stalin là nhà lý luận cứng rắn, còn Hitler dựa vào trực giác và cảm quan của mình nhiều hơn. Nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu rằng, Đức không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh cổ điển để rồi bị kiệt quệ. Thông qua tin tình báo, Moskva được biết rằng, Đức không tiến hành tổng động viên quân đội là do dự trữ nguyên liệu chiến lược của người Đức không nhiều. Quân đội Đức không sẵn sàng cho chiến dịch mùa đông, không cấp phát quân phục mùa đông, cũng không có dầu máy chịu được giá lạnh cho vũ khí và phương tiện kỹ thuật.
Yếu tố mặt trận thứ hai
Điện Kremlin biết rằng, các tướng lĩnh Đức Quốc xã sợ nhất là chiến tranh trên hai mặt trận, bởi điều này từng hủy diệt nước Đức trong Thế chiến lần thứ nhất. Ở phía Tây, Đức có nước Anh không thể đánh bại, vốn đã hồi phục và tăng cường năng lực quân sự của mình. Những cuộc giao tranh diễn ra tại Bắc Phi, có thể người Đức sẽ đưa quân đổ bộ vào Trung Đông sau Hy Lạp và đảo Crete. Hoặc sẽ tấn công Malta rồi sau đó là Ai cập. Tất cả điều này là logic và hợp lý.
Như vậy, Đức sẽ không gây chiến với Nga chừng nào chưa giải quyết được vấn đề nước Anh, cũng như vấn đề huy động kinh tế. Việc triển khai các sư đoàn quân Đức trên biên giới với Liên Xô là rất dễ lý giải. Berlin có thể sợ người Nga bất ngờ tấn công khi Đức đang nhắm vào Anh. Việc chuẩn bị quân đảm bảo ở sườn phía Đông cũng là hợp lý, vì Hitler lúc đó có đủ quân để làm việc đó. Chiến dịch Crete diễn ra giống như cuộc diễn tập cho một chiến dịch quy mô lớn hơn nhằm chiếm các đảo của Anh. Stalin biết rằng, vương quốc Anh đang rơi vào tình thế nguy hiểm. Hitler có thể điều lực lượng chủ lực của không quân và hải quân để chống lại Anh; tăng cường sản xuất tàu ngầm, hủy hoại các tuyến giao thông đường biển của quân địch. Và thực tế là đã từng có việc chuẩn bị chiến dịch đổ bộ vào nước Anh. Đức cùng với Ý đánh chiếm Malta, cho quân đổ bộ vào Syria và Lebanon, tăng cường cho quân đoàn của Thống soái Erwin Rommel tại Lybia, và bằng hai đòn đánh chặn đã đè bẹp lực lượng Anh tại Ai Cập. Sau đó, Đức khôi phục chế độ hữu hảo tại Iraq, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình… Nhìn chung, nếu Hitler muốn có chiến thắng thực chất trước người Anh, thì hắn hoàn toàn có thể làm được.
Hy vọng cho lối thoát duy nhất của người Anh là xảy ra xung đột giữa Nga và Đức. Stalin nhớ rất rõ chuyện Pháp và Anh đã cứu đế chế của mình như thế nào vào năm 1914-1917, khi họ chiến đấu với Đệ Nhị Đế chế Đức “đến người lính Nga cuối cùng”. Trước đây, Anh có thể sử dụng nước Nga thời Sa hoàng để tiêu diệt Đế chế Napoleon. Trong cả hai trường hợp thì người Anh, bằng việc tung tin đánh lạc hướng, lừa gạt, mua chuộc, gian kế, cho vay và lật đổ triều đình, đã phá hỏng ý định xích lại gần và lập liên minh giữa Nga và Pháp, cũng như với Đức. Rõ ràng, đến cuối những năm 1930 đầu những năm 1940, người Anh vẫn không thay đổi chính sách của mình. Họ cùng với người Pháp bằng toàn bộ lực lượng của mình mưu toan đẩy Đệ Tam Đế chế Đức sang phía Đông. Sự thực, Hitler ban đầu đã quyết định giải quyết vấn đề nước Pháp.
Sau khi đánh bại Pháp, chính sách mật của Anh vẫn bất di bất dịch. Người Anh cố gắng xúi giục người Nga và người Đức. Vì vậy, những thông tin tình báo của Anh về kế hoạch Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô giống như việc phao tin đồn nhảm, để Stalin mắc mưu khiêu khích và trở thành người đầu tiên tấn công Đức.
Chứng kiến những gì xảy ra ngay trước mắt, Stalin không tin vào việc Đức sẽ tấn công Liên Xô vào mùa hè năm 1941. Căn cứ những lập luận mang tính logic thì việc này không thể xảy ra. Phải chăng nếu có, thì chiến tranh có thể xảy ra vào khoảng năm 1942, khi Hitler giải quyết được vấn đề mặt trận thứ hai.
Vấn đề là ở chỗ, trùm phát xít không phải là người lý luận, tư duy của hắn không dựa vào phân tích, mà là dựa theo trực giác. Hitler xông vào trận chiến, khi đất nước và nền kinh tế chưa ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn, không đủ lượng dự trữ nguyên liệu, thậm chí còn chưa chuẩn bị quân đội cho chiến dịch mùa đông.
Sự thực, giữa hắn và London có một thỏa thuận bí mật, theo đó sẽ không có mặt trận thứ hai thực sự nào. Hitler biết rằng, lúc đó nếu hắn tấn công Nga thì Anh và Mỹ cũng sẽ không can thiệp.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, “đội quân thứ năm” trong Hồng quân Liên Xô vẫn chưa bị trấn áp hoàn toàn. Ngay trước khi bắt đầu chiến tranh, Moskva đã đưa lực lượng vũ trang vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ. Tuy nhiên, một số tướng lĩnh đã ngầm phá hoại chỉ thị này. Chính vì vậy, binh sĩ của Bộ Dân ủy Nội vụ và Hải quân Liên Xô đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công của kẻ địch, trong khi các đơn vị Hồng quân tại Belarus thì không.
QUỐC KHÁNH (theo Topwar)
Newer articles
Older articles