Home » Tin tức » Nhân vật - Sự kiện

Bức ảnh nổi tiếng “Ngày hội ngộ” và điệp viên “TT”

SATurday - 20/12/2014 22:59
Theo nghệ sĩ Lâm Hồng Long kể lại thì ngày 4/5/1975, được tin có chuyến tàu chở 36 tử tù từ Côn Đảo về đất liền cập bến Rạch Dừa, Vũng Tàu, ông đã tìm tới để ghi lại sự kiện này. Đang đứng trước cổng khu nhà nơi đoàn nghỉ, chợt ông nghe thấy tiếng kêu của một bà má: "Má cứ tưởng con chết rồi...". Ông vội quay ra thì thấy một bà mẹ già người Nam Bộ đang ôm choàng người con trai tử tù của mình, nghẹn ngào. Cảm động trước tình mẫu tử, nhà nghệ sĩ nhanh tay bấm máy. Ông ý thức rất rõ, đây là một khoảnh khắc đáng lưu nhớ và không dễ gì lặp lại. Đó là bức ảnh mẹ con cụ Trần Thị Bính, quê ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Có lẽ sẽ chẳng mấy người biết đến Lê Văn Thức (tên người tử tù trong bức ảnh) nếu không có bức ảnh nổi tiếng này.
Bức ảnh nổi tiếng “Ngày hội ngộ”.

Bức ảnh nổi tiếng “Ngày hội ngộ”.

 
Năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế tổ chức tại Tây Ban Nha, bức ảnh "Ngày hội ngộ" (còn có tên khác là "Mẹ con ngày hội ngộ") của phóng viên ảnh Lâm Hồng Long thuộc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được trao bằng Tuyên dương Danh dự (Mencin Honor).
 
Bức ảnh được thực hiện đúng khoảnh khắc bà mẹ ôm chầm lấy người con tử tù vừa được giải thoát từ địa ngục trần gian Côn Đảo trở về đất liền sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Niềm hạnh phúc vô biên đã khiến bà mẹ bật khóc, khiến người con trai nở nụ cười đã tỏa ánh hào quang cho bức ảnh. Bức ảnh đã lay động mạnh xúc cảm của người xem.
Chuyện "hậu trường" của bức ảnh cũng không kém phần thú vị.
 
Hành trình trở thành “Sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa”
Được cán bộ Bảo tàng Côn Đảo hướng dẫn, chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Thức - nhân vật trong bức ảnh "Ngày hội ngộ" - tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đó là một ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nằm ngay mặt tiền đại lộ đi vào trung tâm tỉnh.
Không khách sáo, ông vào chuyện ngay bằng giọng điềm đạm, nụ cười hiền và mái tóc bạc trắng.
Ông sinh năm 1945, là con trai duy nhất trong số 5 chị em. Cha của ông là một nông dân hiền lành. Khi phong trào Cách mạng Tháng Tám lan đến Bến Tre, cha  ông tạm bỏ ruộng vườn chuyển sang buôn gạo để tiếp tế lương thực cho lực lượng Thanh niên Tiền phong.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Tân Thạch là vùng "xôi đậu". Ban ngày, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) quản lý. Ban đêm, chính quyền cách mạng quản lý. Nói kiểu khác, đó là vùng đất của VNCH quản lý nhưng "dân Việt Cộng" cư trú.
Tuy nghèo nhưng Lê Văn Thức được cha mẹ khuyến khích đi học. Năm 1965, ông thi rớt tú tài 2 trong thời điểm chính quyền VNCH ban hành lệnh tổng động viên quân dịch. Hàng ngày, lực lượng quân cảnh lùng sục khắp các ngả đường để bắt thanh niên trong độ tuổi quân dịch. Trong tình hình đó, nếu không "nhảy" vào căn cứ kháng chiến thì Thức sẽ bị bắt quân dịch. Thế là Lê Văn Thức tìm gặp ông Năm Yên (tức Nguyễn Văn Yên khi đó là cán bộ Ban An ninh Khu 8, đóng chân trên địa bàn xã Tân Thạch) để xin vào căn cứ.
Ông Năm Yên đưa Thức vào căn cứ giao cho ông Năm Văn - cán bộ Binh vận, thuộc Ban An ninh huyện Châu Thành - thu tuyển. Lúc đó, căn cứ cách mạng đóng ở ấp Tân Phong Nội, cùng xã Tân Thạch, cách nhà ông Thức vài cây số. Ông Năm Văn trực tiếp huấn luyện nghiệp vụ điệp báo và tổ chức kết nạp Đảng cho Thức vào ngày 10/3/1965. Buổi kết nạp Đảng do ông Hai Nghĩa (lúc đó là Bí thư Huyện ủy Châu Thành Đông) chủ trì.
Hoàn tất khóa huấn luyện 1 tháng, ông Năm Văn cho biết, cấp trên yêu cầu Thức phải thực hiện nhiệm vụ tối mật đầu tiên, đó là… tình nguyện đăng ký học Trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức (Tên gọi trước đó là Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức) của VNCH để chui sâu vào hàng ngũ địch. Mật danh của Năm Thức được ấn định là Thanh Tâm, ký danh TT.
Kết thúc 9 tháng đào tạo ở Trường Sĩ quan Bộ binh Thủ Đức, đầu năm 1966 ông Thức mang quân hàm chuẩn úy, được địch điều về chỉ huy một trung đội thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 11, Sư 7 đóng quân ở Long Định, Cai Lậy, Tiền Giang. Sáu tháng ròng, ông phải tuân lệnh cấp chỉ huy quân địch đưa trung đội đi vào vùng giải phóng càn quét. Với người lính điệp báo, đó là tình cảnh khó khăn nan giải nhất.
Cũng may, vào tháng 9 -1966, ông thoát được tình cảnh "quân ta bắn quân mình" khi được "quân lực VNCH" chọn đi học khóa cấp tốc "huấn luyện tình báo chống chiến tranh du kích" ở Malaysia. Kết thúc khóa học 3 tháng, ông được địch điều về làm sĩ quan huấn luyện chiến thuật tại Trung tâm huấn luyện Hùng Vương trong cụm căn cứ quân sự Bình Đức của Sư đoàn 7 ở Mỹ Tho.
Một ngày nọ, đang núp dưới bóng cây ở thao trường huấn luyện để trốn cái nắng gay gắt, ông mừng muốn ngừng tim khi người bán cà rem quen thuộc vừa chìa cho ông cây cà rem vừa nói: "Mời ông thầy ăn. Kem lạnh, ăn tê tê lưỡi, đã lắm".
Không tin vào tai mình, ông Thức nhìn sững người bán cà rem. Người bán cà rem đã nêu đúng mã danh của ông Thức là "TT". Như để xác tín, người bán cà rem lặp lại: "Kem Thanh Thảo ăn ngon lắm". Ông Thức như người được hồi sinh sau một thời gian dài mê đắm.
 

Ông Lê Văn Thức cùng tấm ảnh chụp ông và mẹ tại vũng Tàu tháng 5/1975.
 

Người tử tù mang biển nửa xanh nửa đỏ ở côn đảo
Sau khi móc nối thành công, người cán bộ mật giao chuyển cho ông Thức mệnh lệnh của cấp trên là "bằng mọi giá phải vẽ chính xác sơ đồ căn cứ quân sự Bình Đức". Sau này ông Thức mới biết đó là ông Thanh Tùng - Cán bộ mật giao của Ban Binh vận Khu 8. Giai đoạn này, Ban An ninh Châu Thành Đông đã chuyển hồ sơ ông Thức sang Ban Binh vận Khu 8.
Lúc này, ta đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch Tổng tấn công và nổi dậy (Mậu Thân 1968), Ban Binh vận Khu 8 rất cần bản đồ chi tiết bố phòng của căn cứ quân sự Bình Đức. Đó là căn cứ đầu não của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 VNCH. Ở đó, ngoài Trung tâm huấn luyện quân sự Hùng Vương, còn có rất nhiều yếu huyệt hậu cần, tiếp viện, tiếp lực của Sư 7 như kho xăng, căn cứ pháo binh Nỏ Thần, Bộ chỉ huy hành quân Biệt động quân, Bộ chỉ huy Trung đoàn 11 v.v…
Sau một tháng điều nghiên, ông Thức hoàn tất bản mật đồ thể hiện toàn bộ chi tiết căn cứ quân sự Bình Đức. Ông giao bản mật đồ cho người cán bộ mật giao trong vai người bán kem.
Vài ngày sau, đang làm việc trong văn phòng trung tâm huấn luyện, ông Thức bỗng thấy một đoàn xe quân cảnh tiến vào. Một nhóm quân cảnh tiến thẳng vào văn phòng ông đọc lệnh bắt. Ngay lúc đó, ông không hiểu mình bị địch phát hiện từ sự sơ suất nào.
Ông Thức bị đám quân cảnh di lý về nhà lao Mỹ Tho tra tấn suốt một tháng ròng. Ngày chúng cho ông nghỉ, đêm chúng dựng dậy dùng nhục hình, khai thác đường dây điệp báo của ông. Ông kiên quyết không khai. Chúng ném ra trước mặt ông tấm mật đồ do chính ông vẽ. Đến lúc đó ông mới biết mình bị lộ vì bức mật đồ lọt vào tay địch nhưng lọt như thế nào, ông vẫn chưa biết. Dù vậy, ông vẫn không nhận mình là tác giả bức mật đồ.
Sau này, ông mới biết, cán bộ mật giao nhận bức mật đồ từ tay ông rồi chuyển bí mật đến ông Phương Linh - cán bộ Binh vận Khu 8. Ông Phương Linh chuyển qua hòm thư mật ông Tư Năng - Phó ban Binh vận Khu 8.
Trên đường mang bức mật thư về Khu 8 cùng 2 cận vệ, ông Tư Năng bị máy bay địch phát hiện, truy đuổi. Ông Tư Năng và một chiến sĩ cận vệ chiến đấu quyết liệt và hy sinh tại kênh Chợ Gạo. Chiến sĩ cận vệ còn lại đã vượt qua vòng vây thoát hiểm. Địch lục soát thi thể ông Tư Năng thu được nhiều tài liệu, trong đó có bức mật đồ. Ngay lập tức, chúng chuyển các tài liệu đó về Vùng 4 Chiến thuật. Căn cứ vào kết quả giảo tự trong bức mật đồ, lực lượng an ninh quân đội địch phát hiện chữ viết là của ông Thức. Đó là lý do chúng bắt ông chỉ sau vài ngày ông Tư Năng hy sinh.
Nhờ kiên quyết không khai nhận nên ông Thanh Tùng - người cán bộ mật giao vẫn an toàn. Và cũng vì kiên quyết không khai nhận nên phiên tòa lưu động của Vùng 4 Chiến thuật diễn ra bí mật tại "hội trường đỏ" Tiểu khu Mỹ Tho, địch tuyên án ông với tội danh "phản nghịch", án tử hình. Thông thường, sau khi tuyên án xong là chúng đem ra pháp trường bắn ngay. Tuy nhiên, thời điểm đó rất nhiều sĩ quan Mỹ đang là tù binh của ta. Mỹ muốn VNCH giữ lại những tử tội chiến tranh để làm con tin trao đổi tù binh. Tuy nhận án tử hình nhưng ông được chúng di lý về khám Chí Hòa để chờ ngày đưa ra Côn Đảo.
Tháng 11/1968, địch đưa ông cùng với một số tù chính trị khác ra Côn Đảo. Ông bị chúng gán cho số tù 268, mang thẻ bài 2 màu xanh đỏ.
Ra đến Côn Đảo, chúng biệt giam ông tại Trại II, chung với 36 tù nhân Cộng sản mang án tử khác. Ông tham gia sinh hoạt Đảng cùng các đồng chí trong tù.
 
Bức ảnh nổi tiếng
Với tử tù Cộng sản, địch canh gác rất nghiêm ngặt. Ban ngày chúng cho mở còng chân, tối còng lại. Hầu như ông Thức không còn biết ánh nắng mặt trời là  gì suốt thời gian bị giam giữ ở Côn Đảo.
Là con trai nối tự duy nhất, ông Thức được mẹ cưng chiều từ thuở nhỏ. Nghe tin con bị bắt, bà chạy đôn đáo khắp các trại giam tìm kiếm. Khi bà biết tin Thức bị giam ở khám Chí Hòa thì ông đã bị chuyển ra Côn Đảo. Thương nhớ tận cùng, lại mù chữ, bà cũng chỉ biết nhờ cô con gái thứ tư viết thư gởi ra đảo cho ông.
Cho đến một ngày cuối tháng 4/1975, bỗng dưng nguồn tin cho biết địch âm mưu thủ tiêu tất cả tù nhân chính trị. Các đồng chí trong tù dặn dò phải bảo vệ nhau tuyệt đối.
Ông Thức nhớ lại: "Sáng 1/5/1975, địch dồn tù chính trị lại. Trước mỗi phòng giam chúng để mấy thùng lựu đạn. Khả năng địch thủ tiêu tù nhân rất rõ. Ở một số trại tổ chức anh em tù cất tiếng la ó phản đối kế hoạch thủ tiêu tù chính trị. Cho đến khoảng 10 giờ sáng ngày 2/5/1975, đột ngột có nhiều tiếng la ó. Ở trại tôi, anh em cùng nhau bàn phương án chiến đấu quyết tử nếu chúng thực hiện âm mưu diệt tù. Tuy nhiên, nghe kỹ mới biết đó là tếng reo hò vui mừng khi anh em biết tin Sài Gòn đã được giải phóng.
Tên trưởng trại đã bỏ trốn từ lúc nào nhưng vẫn khóa cửa nên anh em trong trại không hay biết. Mãi tới khi anh em ở các trại khác kéo tới bẻ khóa, mở cửa ra chúng tôi mới giật mình. Nhưng phải tới hôm sau mới liên lạc được với đất liền vì hệ thống thông tin đã bị địch phá hỏng trước khi tháo chạy. Khi đoàn tàu từ đất liền ra tới đảo đón, các chị em, anh em bị tàn tật và tử tù được bố trí đi trên các chuyến tàu đầu tiên trở về đất liền".
6 giờ chiều ngày 4/5/1975, khoảng 30 chiếc thủy đĩnh nhỏ, mỗi chiếc chở chừng 40-50 người khởi hành chở những tù nhân Côn Đảo trở về đất liền. 6 giờ sáng ngày 5/5/1975, đoàn tàu cập bến Rạch Dừa, Vũng Tàu.
Cùng lúc đó, nghe tin Đài Phát thanh Giải phóng loan báo đoàn tù từ Côn Đảo trở về, mẹ ông Thức vội vã khăn gói từ Bến Tre ra Vũng Tàu đón con.
Ông Thức bồi hồi nhớ lại: "Hôm đó vào khoảng 9, 10 giờ sáng, có người gọi tôi ra trại tiếp tân để gặp gia đình. Có lẽ khi đó gia đình chúng tôi đến sớm nhất nên tất cả anh em tử tù đều kéo hết ra ngoài cổng. Vừa gặp tôi, mẹ ôm lấy và khóc. Lúc đó có thấy một anh phóng viên chụp hình nhưng chúng tôi không quan tâm".
Ông không ngờ, khoảnh khắc xúc động đó đã được phóng viên ảnh Lâm Hồng Long - TTXVN - ghi nhận bằng chiếc máy hiệu Rolleiflex.
Lâm Hồng Long là nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất thân từ Bình Thuận, đã từng thực hiện nhiều bức ảnh nổi tiếng như: Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ với các anh hùng dũng sĩ miền Nam, Bác Hồ tặng hoa cho Mẹ Suốt… Năm 1975, ông được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Và trong ngày đón đoàn tử tù Côn Đảo trở về, ông đã có mặt để ghi lại khoảnh khắc diệu kỳ đó.
Năm 1991, tại Đại hội Nhiếp ảnh Quốc tế tổ chức tại Tây Ban Nha, bức ảnh "Ngày hội ngộ" (còn có tên khác là "Mẹ con ngày hội ngộ") của phóng viên ảnh Lâm Hồng Long thuộc TTXVN được trao Bằng Tuyên dương Danh dự (Mencin Honor). Bấy giờ một phóng viên Báo Đồng Khởi nghe tin đã tìm đến nhà ông Thức phỏng vấn và viết bài "Viên thiếu úy mang bản án tử hình" đăng trên Báo Đồng Khởi thứ bảy. Đến năm 1992, ông Lê Quang Vịnh - cũng là cựu tù Côn Đảo - tổ chức đoàn đi thăm miền Bắc và lúc đó nhiều phóng viên mới biết nhân vật chính trong bức ảnh là ông Lê Văn Thức, nhưng ông Thức cũng chưa được gặp mặt tác giả.
Đầu tháng 3/1997, nghe tin ông Lâm Hồng Long lâm bệnh nặng, ông Thức đã đến Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) thăm hỏi. Vài ngày sau, ông Thức hay tin ông Long qua đời.
Cuối năm 1975, do đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ giải phóng dân tộc, Ban Binh vận khu 8 giải thể. Ông Thức được giới thiệu đến Ty Công an Bến Tre nhận công tác. Không hiểu sao, hồ sơ ông được trả về xã Tân Thạch.
Mãi đến năm 1977, ông mới được bố trí công tác ở Phòng Công thương nghiệp huyện Châu Thành với mức lương… nhân viên mới tuyển. Dù vậy, ông không hề khiếu nại hay bất mãn. Trong một chuyến đi học lớp nghiệp vụ tại Cần Thơ ông gặp rồi yêu một cô gái đồng khóa đang công tác ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Kiên Giang. Một thời gian cả hai kết hôn. Ông an phận với công việc của mình và nghỉ hưu vào năm 1991 với chức danh Huyện ủy viên, Phó phòng Công nghiệp huyện Châu Thành (Bến Tre)
 
Biên tập: Phạm Duy Trưởng
(Theo Nông Huyền Sơn)
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh