Home » Tin tức » Nhân vật - Sự kiện

ĐIỆP VIÊN THÀNH SƠN TÂY, NHỮNG BÍ MẬT SAU 20 NĂM

SATurday - 14/06/2014 07:46
Năm 1971, sự thật về cuộc đời “người điệp báo xứ Đoài” ấy mới chính thức được công nhận. Ông mới được đứng bên những người đồng đội của mình, cùng kể lại những câu chuyện điệp báo thời chống Pháp.
Vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thùy và Nguyễn Thị Đào thời kỳ hoạt động bí mật tại Sơn Tây

Vợ chồng điệp báo viên Đào Thiện Thùy và Nguyễn Thị Đào thời kỳ hoạt động bí mật tại Sơn Tây

Hoạt động trong lòng địch, từng giữ chức phó Ty Cảnh binh Sơn Tây, nhưng sau năm 1954, người điệp báo viên Đào Thiện Thùy vẫn phải sống dưới vỏ bọc của mình suốt gần 20 năm mà không được phép công khai thân phận, chịu bao ánh nhìn kỳ thị của người đời.

Năm 1971, sự thật về cuộc đời “người điệp báo xứ Đoài” ấy mới chính thức được công nhận. Ông mới được đứng bên những người đồng đội của mình, cùng kể lại những câu chuyện điệp báo thời chống Pháp.
Vỏ bọc hoàn hảo của vợ chồng người điệp báo F61
Quê gốc của ông Đào Thiện Thùy (điệp báo viên thời chống Pháp, từng được cài trong lực lượng địch với vai trò phó Ty Công an Sơn Tây) ở Trung Lễ, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Gia đình ông đều là những người nông dân nghèo theo đạo Thiên chúa.
Cụ thân sinh ra ông là cụ Đào Viết Hùng, cụ bà Đỗ Thị Nho. Vì cuộc sống ở Nam Định quá nghèo mà gia đình cụ Đào Viết Hùng phải theo cha cố Khâm chuyển lên cư trú tại bản Quấn, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ông Đào Thiện Thùy cũng được sinh tại Lạng Sơn.
Từ lúc còn nhỏ, cậu bé Thùy đã được linh mục Nguyễn Hữu Linh, cha xứ nhà thờ Bản Quấn quý mến, đưa vào làm “cậu giúp lễ” trong nhà thờ. Sau này khi trưởng thành, Đào Thiện Thùy về bản Quấn dạy học cho bà con trong bản.
Khi đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ, vì dáng người cao to, khỏe mạnh, lại biết tiếng Pháp, Đào Thiện Thùy được tuyển vào Trung đoàn Hải ngoại 5 của quân đội Pháp R.E.I, chiến đấu ở Thái Lan, ở Campuchia và từng bị Nhật bắt làm tù binh đến năm 1942 mới được trả tự do.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Nhật thấy Đào Thiện Thùy được bà con quanh vùng Sơn Lộc tín nhiệm nên đã gọi Thùy lên thẩm vấn và giao cho ông làm chức Trưởng đồn Cảnh sát huyện Tùng Thiện. Nhưng thời gian này cũng là thời gian ông đã được giác ngộ cách mạng.
Người giác ngộ ông chính là Nguyễn Quốc Hồng (Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Sơn Tây sau Cách mạng tháng Tám 1945). Trong Tổng  khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, khi tên tri huyện Tùng Thiện bỏ trốn, Đào Thiện Thùy đã đứng ra vận động toàn bộ cảnh sát huyện giao nộp súng cho chính quyền cách mạng.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã được giao làm Trưởng đồn Cảnh sát huyện Tùng Thiện, dưới chính quyền cách mạng, sau đó tham gia Vệ Quốc đoàn rồi trở về làm việc tại Ty Công an Sơn Tây.
Thời đó Trưởng ty Công an Sơn Tây phát hiện Đào Thiện Thùy là một trinh sát có trình độ học vấn, biết tiếng Pháp, có điều kiện trở thành một điệp báo viên hoạt động trong vùng địch hậu ở Sơn Tây.
Sau khi xin ý kiến cấp trên và tham khảo kỹ về cuộc đời của Đào Thiện Thùy, trưởng Ty Nguyễn Đức Tường đã gửi quyết định cử ông vào làm công tác điệp báo trong lòng địch vì quê vợ ông ở đó, cả ông bà và anh chị ông đều theo đạo Thiên chúa gốc. Hơn nữa trước ông tham gia quân đội Pháp, quen với lối sống thành thị.
Nhận lệnh cấp trên, Đào Thiện Thùy quay lại Sơn Tây, trở thành điệp báo viên trong tổ điệp báo Thành Sơn.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Đào cũng theo chồng trở lại Sơn Tây, đóng vai trò làm liên lạc giữa ông với mạng lưới điệp báo được cài trong thị xã, người chỉ huy trực tiếp là đồng chí Công Bình, tổ trưởng tổ điệp báo thị xã Sơn Tây (sau này là Cục trưởng cục B15, Tổng cục 5 Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an).
Khi còn làm việc trong quân đội Pháp, Đào Thiện Thùy từng đóng quân ở Sơn Tây. Tại nơi đây, trong những lần đi lễ nhà thờ, ông đã quen rồi kết duyên với bà Nguyễn Thị Đào, con gái cụ Lang Minh – một gia đình công giáo quê gốc ở xóm nhà thờ Sơn Lộc (lúc bấy giờ còn là ngoại ô thị xã Sơn Tây).

Ông Đào Thiện Thùy và các đồng đội

Hồi đó, đi nhà thờ, thấy bà Nguyễn Thị Đào xinh đẹp, ông đã tìm cách nhờ ông Hai Chí (anh trai của bà) làm mối, sau đó xin Cha cho làm lễ cưới.
Cha Chánh sứ nhà thờ Sơn Lộc là người Pháp, tên là Pierchon, vốn là Cha đỡ đầu của bà Nguyễn Thị Đào rất quý Thùy vì Thùy vừa là người công giáo, lại vừa biết tiếng Pháp. Cha Pierchon đã nhận Đào Thiện Thùy làm con nuôi.
Sau khi ông bà bỏ vùng kháng chiến về lại thị xã Sơn Tây, chính thức bắt đầu quãng đời hoạt động của một điệp báo viên, ông được mang mật danh “chị Nguyên”, mã số F61, còn bà có trách nhiệm giao liên cho F61, liên lạc với cấp trên.
Là người phụ nữ yêu chồng hết mực, bà Nguyễn Thị Đào đã gắn bó chồng không chỉ trong cuộc sống lứa đôi mà còn luôn ủng hộ chồng cả trong lý tưởng cách mạng.
Sự trở về của vợ chồng ông Đào Thiện Thùy lập tức gây chú ý cho bọn cảnh sát Ngụy. Chúng đã nghi vấn ông là người do Việt Minh cài lại vùng địch hậu và triệu tập ông đến. Nhưng trước sau như một, sau rất nhiều lần bị tra hỏi, Đào Thiện Thùy chỉ trả lời với duy nhất một nội dung:
“Gia đình tôi sống sướng quen rồi, giờ ra ngoài đó khổ quá. Trước đây vì Cách mạng nên vợ chồng tôi buộc phải đi theo, nhưng giờ chúng tôi đã trốn khỏi vùng kháng chiến để về sống tại Sơn Tây”.
Cần phải nói thêm rằng, khi trở lại Sơn Tây, việc đầu tiên ông bà làm là liên lạc với cha Pierchon, người rất có uy tín với quân Pháp đóng tại Sơn Tây.
Với những lời khai cứng rắn của Đào Thiện Thùy và tiếng nói của Đức Cha, bọn cảnh sát Ngụy đã để yên cho gia đình ông sinh sống tại Sơn Tây, nhưng vẫn ngày đêm tìm cách theo dõi.
Song dần dần, những nghi vấn ấy tan dần, khi chúng thấy Đào Thiện Thùy là con nuôi của Cha Pierchon. Mỗi khi có việc gì cần cha Pierchon lên tiếng, chúng đều nhờ qua Đào Thiện Thùy.
Suốt một thời gian dài sau đó, gia đình ông sống im ắng, yên lặng, tạo ra một vỏ bọc, đập tan những nghi ngờ của địch. Ông bà vừa phải kiếm sống, vừa phải tìm cách bắt liên lạc với “Anh Cả” – bí danh chung của tổ điệp báo viên Sơn Tây.
Là người phụ nữ tháo vát, đảm đang, khi đó bà Nguyễn Thị Đào đã đề xuất với chồng: “Em sẽ hàng ngày đi khắp nơi quanh đây mua đồng nát, sắt vụn. Tuy mệt nhưng kiếm được sống, lại chẳng cần nhiều vốn. Mà biết đâu khi đi như thế lại gặp một người nào đó của “Anh Cả” nhận ra chúng ta.
Vì kiểu gì không sớm thì muộn, thế nào “Anh Cả” cũng cho người bắt liên lạc với chúng ta… còn anh mua một bộ dao kéo và cái hòm như cái hòm của thợ cắt tóc, hành nghề cắt tóc. Vừa được đi nhiều, biết nhiều, cắt tóc cho lính Tây đen”.
Suốt thời gian đó, Đào Thiện Thùy hết làm nghề cắt tóc rồi lại chuyển sang nghề bán rượu, bán lạc rang, suốt ngày xách túi đi khắp vùng. Vợ ông làm nghề đồng nát. Cả hai vợ chồng ông bà lặn lội kiếm sống, chờ cơ hội liên lạc với “Anh Cả”.
Để tạo vỏ bọc cho Đào Thiện Thùy hoạt động, chính quyền cách mạng đã làm một cái công văn và cố tình đưa đến tay địch, có nội dung như sau: Công an tỉnh Sơn tây được lệnh Chính phủ tuyên án tử hình đối với nhân viên công an Đào Thiện Thùy đã phản bội tổ quốc, bỏ hàng ngũ kháng chiến, mang vợ con về với địch.
Nhờ tờ giấy này mà tên trùm mật thám Forkelle đã giải tỏa hoàn toàn nghi ngờ với Đào Thiện Thùy. Năm 1950, sau nhiều thời gian chờ đợi, thấy Ty Cảnh binh tuyển nhân viên, Đào Thiện Thùy đã tìm đến nộp đơn xin thi vào Ty cảnh binh của địch, bắt đầu hoạt động điệp báo trong lòng địch.
Thùy rất thân với tụi lính gốc Phi. Có lần chúng kéo đến ngồi uống rượu với ông và vô tình tiết lộ về việc đi càn vùng chân núi Ba Vì, nơi từng là căn cứ đóng quân của Công an tỉnh xưa. Đoán biết sắp có trận càn ở vùng này, Đào Thiện Thùy đã lập tức viết một bức thư, nhờ vợ chuyển cho “Anh Cả”.
Đó là chiến công đầu tiên của vợ chồng điệp báo viên có mã số F61. Nhờ đó mà mấy đơn vị lính lê dương đã bị ta phục kích ở chân núi Ba Vì, thiệt mạng về người vô số kể. Nhờ khéo léo tạo vỏ bọc, ông dần được tin tưởng trong hàng ngũ địch và làm Phó Ty Cảnh binh tỉnh Sơn Tây.
Với việc quen thân với các cha cố ở Sơn Tây, Đào Thiện Thùy cũng quen với giới chỉ huy Sơn Tây từ Tư lệnh đặc khu Kalevien đến các trưởng ty, các sĩ quan quân đội. Tất cả họ đều tỏ vẻ nể ông.
Nhờ những mối quan hệ này, cùng với vị trí Phó Ty Cảnh binh Sơn Tây, ông đã lấy được nhiều thông tin quan trọng cho cách mạng, chặn đứng những cuộc hành quân, những trận càn của địch vào vùng kháng chiến, giúp ta giảm thiểu được thiệt hại tối đa và tiêu diệt nhiều quân số địch.
Ông cũng nhận được thông tin về một số cán bộ điệp báo hoạt động ở Sơn Tây bị lộ, báo ra cho cấp trên ở vùng kháng chiến để tìm cách giảm thiểu thiệt hại nhất cho lực lượng điệp báo.
Gần 20 năm chờ đợi cho một bí mật tình báo chưa được công khai
Với sự khéo léo của mình, trong suốt thời gian từ năm 1950 đến năm 1954, không một tên địch nào phát hiện ra Đào Thiện Thùy là người của cách mạng. Ông được chúng tin tưởng tâm sự những bí mật quân sự và cả những thất bại, tổn thất về lực lượng.
Chúng không hề biết  Phó Ty Cảnh binh Sơn Tây Đào Thiện Thùy thực chất là một điệp báo viên nằm vùng do cách mạng cài vào lòng địch. Đến năm 1954, khi địch và những thành phần chống đối cách mạng cùng nhiều bà con giáo dân di cư vào miền Nam, Đào Thiện Thùy vẫn giữ được vỏ bọc của mình.
Sau khi quân đội ta vào tiếp quản Sơn Tây, vợ chồng ông Đào Thiện Thùy vẫn ở tại phố Thuần Nghệ, thị xã Sơn Tây. Trong mắt nhiều bà con trong thị xã, ông vẫn mang tiếng là một phó Ty cảnh binh Ngụy quyền, vẫn bị bà con gọi là “Cậu đội”.
Mỗi khi thấy bà Nguyễn Thị Đào phiền lòng về chuyện này, ông lại động viên bà tin tưởng vào những việc mình đã làm và phải chấp nhận hi sinh vì lợi ích chung.
Vì nhiệm vụ cách mạng lâu dài, thời gian dài sau khi miền Bắc giải phóng, ông vẫn phải sống dưới vỏ bọc “đội cảnh binh Ngụy”. Ông được đưa về làm việc tại Công ty vận tải đường sông Sơn Tây, hưởng lương theo chế độ “công chức lưu dung”.
Dù biết điều đó đồng nghĩa với việc sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, bị cái nhìn thiếu thiện cảm của người xung quanh, ông bà vẫn vui vẻ chấp nhận. Cũng chính vì chuyện này mà tình duyên của con gái ông bà cũng suýt nữa gặp khó khăn.
Thời gian đó, con gái thứ hai của ông Đào Thiện Thùy là Đào Thị Thu đã phải bỏ học văn hóa để theo một lớp đào tạo riêng trong ngành rồi về công tác tại Ty Giao thông tỉnh. Cô đã gặp gỡ, quen biết với một người lính tên là Đỗ Sâm, khi đó là Trung úy, Giáo viên trường Sỹ quan Pháo binh.
Một buổi chiều, Đỗ Sâm hỏi người yêu: “Trước kia bố Thu làm gì?”, Thu trả lời: “Bố em là Phó Ty Cảnh binh của chính phủ Bảo Đại”.
Điều này đã khiến Đỗ Sâm không khỏi suy nghĩ. Những lần đến thăm nhà Thu, Sâm thấy bố mẹ Thu là người rất tốt, được bà con khu phố quý mến, ở nơi làm việc, ông Thùy cũng được tín nhiệm, nên Đỗ Sâm rất bất ngờ với việc ông Đào Thiện Thùy đã từng có thời làm việc cho chính quyền ngụy.
Trong lòng Đỗ Sâm có rất nhiều nghi ngờ, thắc mắc. Với lý lịch đó, hẳn chuyện tình duyên của Đỗ Sâm và Thu sẽ gặp nhiều ngăn trở, khó khăn. Tuy nhiên, Đỗ Sâm vẫn quyết định mạnh dạn kể chuyện này với Thiếu tá Trần Sơn – Trưởng Ban giáo viên trường Sĩ quan pháo binh lúc ấy.
Sau khi cho tìm hiểu kỹ về lý lịch của ông Đào Thiện Thùy, cấp trên chỉ thị cho Đỗ Sâm “cứ tiếp tục quan hệ với cô Đào Thị Thu”. Được sự chấp nhận của nhà trường, xin phép bố mẹ và cơ quan hai bên, Đỗ Sâm và Đào Thị Thu đã đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới tại Sơn Tây.
Trong ngày đầu về làm rể nhà ông Đào Thiện Thùy, Đỗ Sâm mới biết sự thật về người cha vợ của mình, mà sau này Đỗ Sâm nhớ lại: “Trong những ngày đầu về sống cùng gia đình Thu, ông Đào Thiện Thùy và bà Nguyễn Thị Đào, bố mẹ vợ tôi đã cho tôi xem nhiều thư.
Nội dung những lá thư đó giống như trong chuyện trinh thám tôi được đọc thời kỳ còn là học sinh. Người viết thư mang tên Công Bình, Lê Việt, Bảo, Lê Nhượng đều gửi cho “chị Nguyên” .
Khi đó, ông Đào Thiện Thùy mới tiết lộ sự thật với con rể: “Những chuyện này của bố dù chưa được phép công khai, nhưng anh là con trong nhà, anh nên biết”. Đến 27/2/1971, ông Đào Thiện Thùy mới chính thức được ngành Công an công khai, công nhận là điệp báo viên.
Đích thân Trưởng ty Công an tỉnh Sơn Tây là Cao Văn Bắc đã trực tiếp đến nhà ông Đào Thiện Thùy để thông báo tin này cho vợ chồng ông:
“Tỉnh đã đề nghị lên bộ cho phép công khai việc hoạt động điệp báo trước đây của hai bác. Trên cho biết đã có quyết định”. Sau 17 năm chờ đợi, ông bà mới được công khai thân phận thật của mình. Đến lúc này, ông Kiều Vũ Phúc, nguyên đội trưởng đội trừ gian Hùng Sơn mới tiết lộ một sự thật:
“Thật hú vía bác Thùy ơi, thời gian ấy sau khi diệt những tên phản động như đội Uyên, cai Cần, đội Truyền… tôi đã ghi vào sổ cái tên “đội Thùy” rồi báo lên trưởng Ty Lê Nhượng kế hoạch thủ tiêu “đội Thùy” để xin phép triển khai, nhưng anh Nhượng chỉ thị hủy bỏ kế hoạch này với lý do:
“Tên Thùy đang có nhiều tư liệu quan trọng cần khai thác. Khi cần xử hắn phải có lệnh của thượng cấp, cơ sở không được tự ý hành động”.
Nếu hôm đó, các đồng chí trong đội trừ gian Hùng Sơn chỉ cần manh động một chút, thì có lẽ người điệp báo thành Sơn Đào Thiện Thùy có lẽ không còn có cơ hội đứng với đồng đội với danh phận thực của mình.
Công việc của người điệp báo là như thế, gian khổ và nguy hiểm đến từ mọi phía. Sau khi ông Đào Thiện Thùy được công khai thân phận điệp báo, các con ông mới được kết nạp vào Đảng. Những người xung quanh mới không còn gọi ông là “đội Thùy” như trước nữa.
Những năm tháng về hưu, vợ chồng người điệp báo Đào Thiện Thùy sống vui vẻ, quây quần bên con cháu. Người con rể của ông bà – Đại tá Đỗ Sâm, sau nhiều năm chinh chiến ở các chiến trường miền Nam trở về, đã dành rất nhiều thời gian nghe ông bà kể lại quãng đời hoạt động điệp báo của mình.
Đại tá Đỗ Sâm cũng dành mấy chục năm để đi gặp lại những người đồng đội cũ của ông Đào Thiện Thùy, những người cùng hoạt động điệp báo với ông như ông Nguyễn Công Bình, Cao Văn Bắc, Nguyễn Bảo Ninh, Lê Sáu…..
Đại tá Đỗ Sâm từng nói với những người bạn thân: “Tôi sẽ bằng cả tấm lòng chân thành của mình ghi lại những tâm sự của ông bà và một số bạn đồng nghiệp công an của ông để tỏ lòng tôn vinh, khâm phục và biết ơn những chiến công và sự cống hiến thầm lặng nhưng thực sự vĩ đại của người chiến sĩ tình báo, điệp báo anh hùng của Tổ quốc ta”.
Giữ đúng lời hứa của mình, sau này, vào năm 2009, Đại tá Đỗ Sâm đã xuất bản cuốn sách “Người điệp báo thành Sơn”. Đó là trường hợp hiếm hoi một người con rể viết về cuộc đời hoạt động điệp báo của bố mẹ vợ mình, một sự tri ân mà Đại tá Đỗ Sâm dành cho bố mẹ vợ, những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận thầm lặng./.

Biên Tập: Phạm Duy Trưởng

Source: phunutoday.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh