Ngày 30-5-1968, đồng chí rời Hà Nội đi Pari qua Matxcơva, trực tiếp đàm phán với Henry Kissinger, đại diện Chính phủ Mỹ để giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam. Qua gần 5 năm đàm phán cả bí mật và công khai, ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết tạo ra một bước ngoặt “Mỹ cút, ngụy nhào” vào ngày 30-4-1975 lịch sử. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá: “Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao khổng lồ”. Cũng trong năm 1973, đồng chí đã từ chối nhận giải thưởng Nobel Hoà bình.
Sau khi Hội nghị Pari kết thúc, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban miền Nam của Đảng, đã nỗ lực cao độ để cùng Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Ngày 10-3-1975, ta mở màn Chiến dịch Tây Nguyên bằng đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột giải phóng thị xã then chốt này, làm cho toàn bộ Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của địch sụp đổ. Tiếp đó, ngày 21-3 ta mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng xoá sổ Quân đoàn 1 và Quân khu 1 của địch, cùng với Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng hoàn toàn các tỉnh duyên hải miền Trung trong tháng 3-1975. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp quyết định “Giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”. Sau cuộc họp quan trọng này, được sự đồng ý của đồng chí Lê Duẩn, ngày 28-3-1975, đồng chí Lê Đức Thọ lên đường vào chiến trường. Trong cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm (1945-1975), đây là lần thứ ba, đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam Bộ để cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam sớm nhất có thể. Chiều ngày 7-4-1975, đồng chí đã có mặt ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Bắc Tây Ninh. Sáng ngày 8-4-1975, trong cuộc họp của Đoàn Bộ Tổng tư lệnh (Đoàn A75) với Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày 25-3 và quyết định của Bộ Chính trị thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính uỷ.
Ngày 30-4-1975, với ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hoà bình, năm cánh quân như năm mũi tên đồng loạt đánh vào nội đô để rồi cùng hội tụ ở điểm hẹn Sài Gòn vào 11 giờ 30 phút, kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm không ngừng nghỉ để giải phóng và thống nhất đất nước.
Ngay trong ngày Sài Gòn được giải phóng, đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường đã có mặt tại Sài Gòn vừa im tiếng súng. Nửa tháng sau, vào giữa tháng 5-1975, tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã họp tổng kết chiến dịch. Ngoài báo cáo tổng kết do Đại tướng Văn Tiến Dũng trình bày thì đồng chí Lê Đức Thọ là diễn giả chính của hội nghị tổng kết chiến dịch.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí được phân công làm Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Miền.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí thay mặt Bộ Chính trị đọc Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công trở lại làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Từ giữa năm 1977 đến tháng 1-1979, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt theo dõi tình hình biên giới phía Tây Nam và giúp cách mạng Campuchia. Đầu tháng 11-1978, thay mặt Bộ Chính trị, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí tiếp các đại biểu của những người Campuchia nổi dậy chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt và cuối tháng này Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia ra đời. Ngày 7-1-1979 khi chế độ Khmer đỏ sụp đổ thì đồng chí đã có mặt ở Phnôm Pênh để chỉ đạo công tác giúp bạn. Ngày 24-8-1979, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban phụ trách công tác K gồm bốn người (Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Nguyễn Côn, Hoàng Thế Thiện) do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban.
Tháng 1-1980, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Ban Bí thư phụ trách công tác tổ chức, tuyên huấn và nội chính. Tháng 10-1980 được cử làm hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt, đào tạo cán bộ cho bạn. Tháng 12-1980, đồng chí thôi chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương để tập trung làm Thường trực Ban Bí thư.
Cuối tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí trình bày báo cáo Xây dựng Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ngày 24-4-1982, Bộ Chính trị họp phân công công tác các đồng chí trong Bộ Chính trị, theo đó đồng chí Lê Đức Thọ thôi làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trưởng đoàn chuyên gia giúp Campuchia, giúp đồng chí Lê Duẩn chủ trì công tác của Ban Bí thư, phụ trách công tác tư tưởng và công tác đối ngoại. Năm 1983, đồng chí được chỉ định làm Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Đảng.
Năm 1986, đồng chí được Bộ Chính trị phân công làm Tiểu ban nhân sự Đại hội VI. Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Lê Đức Thọ và các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương để chuyển giao nhiệm vụ cho thế hệ sau, được Đại hội long trọng tuyên dương công trạng và cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 13-10-1990, do bị bệnh hiểm nghèo đồng chí đã qua đời, hưởng thọ 79 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Với 79 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, 64 năm hoạt động cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Đức Thọ là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đồng chí là người lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà ngoại giao kiên định, xuất chúng, có những đóng góp lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng. Xuyên suốt cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí chủ yếu làm công tác tổ chức - xây dựng Đảng, có công rất lớn trong việc xây dựng Đảng ta.
Trong Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại tang lễ đồng chí ngày 17-10-1990 đánh giá: “Tấm gương về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm liêm chính và tình thương với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng và toàn dân ta thương yêu kính trọng”.
Theo Lưu Trần Luân