NGÔ THÌ NHẬM – CON NGƯỜI VÀ THỜI ĐẠI
FRIday - 15/09/2017 12:15
Ngô Thì Nhậm là một nhân vật kiệt xuất của nước ta hồi nửa cuối thế kỷ XVIII. Được người đời đương thời và các thế hệ người Việt Nam sau này tôn vinh là nhà chính trị học, quân sự học và văn học. Thế nhưng những bài viết hiện nay đăng tải trên các trang mạng đưa ít thông tin về xuất thân và thời đại của ông, mà chủ yếu nói về công lao và sự nghiệp. Bài viết này với hy vọng bù đắp được vào khoảng trống đó.
Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
Ngô Thì Nhậm được sinh ra ở làng Tả Thanh Oai, một ngôi làng ven bờ sông Nhuệ, tên nôm gọi là làng Tó. Làng Tó đã sản sinh ra các nhân tài giầu học thức và nhiều công trạng với đất nước, làng Tó cũng là quê hương của những người có tiếng tăm trong lịch sử, thuộc dòng họ Ngô Thì . Phổ hệ họ Ngô Thì ở Thanh Oai dàn đầy tên tuổi của những nhân vật liền bảy đời nối nhau đỗ đạt cao và làm quan to, trong đó không hiếm những trường hợp “huynh đệ đồng triều, phụ tử thế khoa”. Vào thời đó dân gian trong vùng có câu “Con gái họ Ngô, một bồ tiến sĩ”.
Ông nội của Ngô Thì Nhậm là Cử nhân Ngô Thì Ức, được bổ làm Tuyên Quang đẳng xứ tán tự thừa chánh sứ ty - tham nghị. Nhưng ông đã sớm lìa đời ở tuổi 28, để lại hai người con là Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Đạo.
Ngô Thì Sĩ là bố Ngô Thì Nhậm, ông có tài nhưng chậm đường công danh, đi thi nhiều lần mà vẫn chưa đỗ đạt. Gia tư vì thế mà nghèo. Năm 1763 Ngô Thì Sĩ được chúa Trịnh vời thẳng vào triều mà không cần xét đến việc đỗ đạt, ba năm sau khi đã 41 tuổi ông mới đỗ Tiến sĩ.
Ngô Thì Nhậm là con cả của người vợ cả, hồi trẻ ông sống trong cảnh thanh đạm bần bách với gia đình. Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (25/10/1746), năm năm sau trận đói khủng khiếp năm Tân Dậu (1741). Thời đó nạn đói kéo dài lê thê từ năm này qua năm khác, thế nên, thế kỷ của Ngô Thì Nhậm là thế kỷ của nông dân khởi nghĩa. Tiếng khóc chào đời của Ngô Thì Nhậm chìm vào giữa những tiếng súng thần công từ khắp nơi dội về, vào đúng lúc nó trào sôi những cơn phong ba dữ dội nhất .
Ngô Thì Nhậm là người có thiên tư, thông minh, tài trí. Cuộc đời sau này của Ngô thể hiện rất rõ về điều này. Tác phẩm “Việt sử toát yếu” được Ngô Thì Nhậm hoàn thành khi mới 16 tuổi. Hai mươi bốn tuổi Ngô Thì Nhậm hoàn thành cuốn sách “Tứ gia thuyết phả”. Mấy năm sau ông lại hoàn thành tập “Hải đông chí lược”.
Ngô Thì Nhậm đậu tiến sĩ vào năm 1775, sự việc trọng đại này đến khi ông đang ở tuổi 29. Vợ ông tên là Ngô Thị Anh là người vùng Bách Tính, Nam Định.
***
Tĩnh đô vương Trịnh Sâm, người thực tế nắm quyền đất nước vào thời ấy, đã tinh ý phân biệt được tài năng của Ngô Thì Nhậm giữa bầy quan lại nhung nhúc của triều đình bằng nhận xét: “Ta nuôi Thì Nhậm như nuôi tuấn mã… ngày đi nghìn dặm. Nhưng nếu không biết cách điều khiển thì không lôi kéo được sức nó. Những con ngựa thường, bảo sao nghe vậy, ai mà chẳng ưa; nhưng chỉ ăn no nằm chuồng, phí cả thóc, cỏ” (trích trong “Kim mã hành dư”)
Những cuộc khởi nghĩa lớn của nông dân đều bị dìm trong bể máu, nhưng phong trào đấu tranh của nông dân vẫn diễn ra liện tục. Bốn năm trước khi Ngô Thì Nhậm thi đỗ, làm quan, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã bùng nổ. Trong thời gian này Ngô Thì Nhậm cho ra đời tập “Thánh triều hội giám” và từ chỗ mới gia nhập hàng ngũ quan lại, ông đã tiến tới chỗ được nhận vào hàng gia thần của nhà Trịnh.
Bấy giờ là những năm cuối đời của Trịnh Sâm. Việc thừa kế ngôi chúa đặt ra gấp gáp. Trịnh Khải (tức Trịnh Tông) là con trưởng đã lớn nhưng ngôi Thế tử hiện vẫn bỏ ngỏ, trong khi đó chúa Trịnh Sâm lại say đắm mẹ con Đặng Thị Huệ, vì vậy Trịnh Khải lo sợ cha sẽ lập Trịnh Cán (con Đặng Thị Huệ) chứ không lập mình. Nhân Trịnh Sâm bị bệnh nặng, Trịnh Khải đã gấp rút hành động. Trịnh Khải bàn mưu với gia thần, bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu tập dũng sĩ, để chờ thời cơ giết chết Đặng Thị Huệ và Quận Huy (tức Hoàng Đình Bảo). Trịnh Khải còn ngầm liên kết với Trấn thủ Sơn Tây là Hồng lĩnh hầu Nguyễn Khản, Trấn thủ Kinh Bắc là Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân để sẵn sàng hỗ trợ việc tranh ngôi Thái tử của mình.
Việc bị bại lộ, Trinh Sâm hạ lệnh triệu hồi Nguyễn Khản về kinh, rồi cho bí mật bắt hết bè đảng của viên trấn thủ này. Đồng thời, Trịnh Sâm cũng cho triệu Nguyễn Khắc Tuân về triều. Sau khi giam tất cả lại, chúa Trịnh sai Ngô Thì Nhậm cùng viên hoạn quan là Phạm Huy Thức cùng lo việc tra khảo. Bất ngờ, cha Ngô Thì Nhậm là Ngô Thì Sĩ mất, ông phải về chịu tang, nên chúa dùng Lê Quý Đôn để thay. Đó là cái bi kịch rất lớn với Ngô Thì Nhậm.
Kết cục, nhiều người trong gia thuộc của Trịnh Khải bị giết. Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân đều bị giam vào ngục, sau đó Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán uống thuốc độc mà chết. Riêng Trịnh Khải bị phế, chỉ được ở ngôi nhà ba gian, ăn uống đi lại đều không được tự do.
Vụ án năm Canh Tý đã làm cho triều đình Lê-Trịnh bị tổn thất nhân sự, nội bộ nhà Lê - Trịnh thêm rạn nứt và suy yếu. Phe Trịnh Tông thất thế và phe Đặng Tuyên phi - Trịnh Cán thắng thế. Tuy nhiên, cục diện này không duy trì lâu, chỉ 2 năm sau, Trịnh Sâm chết, phe Trịnh Khải lại trỗi dậy. Đó là năm Nhâm Dần (1782), quân Tam Phủ - Ưu binh giết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa. Bị cho là người có liên quan đến vụ án năm Canh Tý, Ngô Thì Nhậm phải trốn về quê vợ ở vùng Sơn Nam Hạ (nay là Bách Tính, Nam Hồng, Nam Định).
Giữa lúc ở ngoài Bắc , triều đình Lê-Trịnh lâm vào cảnh rối ren như vậy, thì trong Nam, phong trào nông dân Tây Sơn cuồn cuộn như lửa bốc, đã thiêu cháy rụi cơ nghiệp của tập đoàn vua quan cát cứ dòng họ Nguyễn Phúc. Đại tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ cùng đạo quân nông dân của mình nghiền nát năm vạn quân Xiêm xâm lược do Nguyễn Phúc Ánh rước về. Rồi đó, ngọn cờ đỏ của phong trào Tây Sơn trực chỉ cõi Bắc, nhằm thẳng vào triều đình Lê-Trịnh rệu rã. Chỉ trong mấy trận, Tây Sơn lại đánh sập luôn cơ nghiệp của tập đoàn vua quan Lê-Trịnh. Trịnh Tông bị bắt, phải tự tử, Lê Chiêu Thống kế vị Lê Hiển Tông, lật đật bật sang triều đình Mãn Thanh cầu cứu.
Giữa tình hình ấy, Nguyễn Huệ ra lệnh tìm những quan lại cũ của triều đình Lê-Trịnh ra để xây dựng chế độ mới do phong trào Tây Sơn làm chủ. Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên, sớm nhất, tìm đến với Nguyễn Huệ. Sáu năm ở vùng nông thôn trấn Sơn Nam, Ngô Thì Nhậm đã kịp cho ra bộ sách “Xuân Thu quản kiến”.
Những năm phục vụ dưới triều đại Tây Sơn của Nguyễn Huệ (1788-1792) là thời kỳ đắc ý nhất trong toàn bộ cuộc đời của Ngô Thì Nhậm. Ngô vào Nam, ra Bắc, sang nước ngoài, viết văn, làm thơ, thảo sắc lệnh, định chính sách… thỏa chí “xoay vần tám cực, chống đỡ chín cõi” mà Ngô hằng mơ ước. Chính Ngô Thì Nhậm nhận thức rõ rằng sở dĩ được như thế, là nhờ ở phong trào Tây Sơn, nhờ sự trỗi dậy đấu tranh anh dũng và sang tạo vẻ vang của cả dân tộc, cũng như nhờ sự lãnh đạo thiên tài và tấm long ưu ái của người anh hùng Nguyễn Huệ.
Nhưng, chính giữa lúc sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm đang phát triển cùng với đà phát triển của đất nước, của phong trào Tây Sơn và Nguyễn Huệ thì tai biến xảy ra: Nguyễn Huệ từ trần đột ngột sau một cơn ác bệnh giữa tuổi trung niên sung sức hoạt động.
Mộ Ngô Thì Nhậm
Sau cái chết của Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn chia rẽ, bè đảng tranh giành trong chính giới đã phát triển ngày càng tồi tệ. Nguyễn Phúc Ánh, được sự ủng hộ của giai cấp địa chủ trong nước và các thế lực tư bản nước ngoài lại ngóc đầu dậy một cách mạnh mẽ. Ngô Thì Nhậm không thể không lo lắng trước một tình hình chính sự nguy hiểm như thế. Nhưng vào lúc này,Ngô đã bị thất sủng. Trong thời gian này Ngô Thì Nhậm đã tập hợp lại được các văn kiện chính trị trong suốt thời hoạt động của mình vào trong các bộ sách “Kim mã hành dư” và “Hàn các anh hoa”. Các văn kiện ngoại giao được Ngô đưa vào các tập “Bang giao hảo thoại” và “Bang giao tập”. Ông còn cho ra các tập thơ “Yên đài thu vịnh”; “Cúc đường bách vịnh”; “Liên hạ thi minh” và công trình nghiên cứu Phật học “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”.
Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh đã đánh đổ được triều đình Tây Sơn, và tiến hành khủng bố trả thù man rợ đối với những người đã đi theo phong trào Tây Sơn, cả người đã chết. Năm 1803, Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường lúc đó là phó Tổng trấn Bắc thành của Nguyễn Ánh đưa ra Văn Miếu Thăng Long, hắn ra vế đối: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai”. Ngô Thì Nhậm đối rằng: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế”. Trước ý chí của một con người như vậy, Đặng Trần Thường đã cho lính đánh một trăm gậy làm Ngô Thì Nhậm về đến nhà thì chết, lúc đó ông vừa năm mươi bảy tuổi.
Năm mươi bảy năm của một cuộc đời, gồm hai mươi chín năm để chuẩn bị vào đời, mười ba năm hoạt động cho một chế độ, và mười lăm năm để cống hiến cho một chế độ mới. Đấy cũng là năm mươi bảy năm đầy rẫy biến động của một thời đại mà lịch sử đang trăn trở chuyển mình./.
Phạm Duy Trưởng
Các tài liệu tham khảo:
· Hoàng Lê nhất thống chí (XB 1970)
· Lê Quý dật sử (XB 1987)
· Ngô Thì Nhậm, con người và sự nghiệp(XB 1974)
· Lê Quý kỷ sự (1974)