Xem Bài 1 ở đây: http://vannghesontay.com/en/news/Nhan-vat-Su-kien/Nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-tieu-diet-dich-Bai-1-Dap-so-nam-o-duong-Truong-Son-1140/
Những quả đấm thép chủ lực
Căn cứ vào quyết định của Bộ Chính trị, tháng 4-1973, Quân ủy Trung ương thành lập Tổ soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, với mật danh là "Tổ trung tâm", gồm ông Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến; ông Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức, Cục phó Cục Tác chiến. Ông Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Vấn đề then chốt đặt ra cho ta là chọn mũi tiến công đột phá đầu tiên là hướng nào?
Sau này, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tâm sự: "Làm thế nào để nhanh chóng tạo thời cơ? Cần làm gì để "chớp" thời cơ, không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt chiến đoàn và sư đoàn ngụy?… Những câu hỏi ấy thường trực trong đầu, tôi mang theo chúng ngay cả vào trong giấc ngủ".
Vấn đề khác cũng vô cùng quan trọng, liệu Mỹ có đưa quân quay lại, ở lại miền Nam nữa hay không? Mức viện trợ vũ khí, tài chính… của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn là bao nhiêu? Đây là những câu hỏi khá hóc búa đối với Bộ Chính trị. Ngày 20-7-1974, đồng chí Lê Duẩn có cuộc gặp riêng với Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng tại Đồ Sơn, Hải Phòng, để bàn thảo bản kế hoạch dự thảo giải phóng miền Nam đến lần thứ 5.
Tại cuộc gặp này, đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo kỹ về tình hình quân ta và quân địch trên các chiến trường, đồng thời đưa ra chi tiết đắt giá cho đồng chí Lê Duẩn: "Khi hỏi tên Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ trưởng ngụy bị bắt trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào (Quảng Trị), hắn nói: "Nếu không có hậu cần và vũ khí của Mỹ, kế hoạch gì rồi cũng rách". Khi hỏi không có Mỹ thì quân ngụy chịu được bao lâu? Thọ trả lời: "Chỉ được hai năm…".
|
Các tướng lĩnh bàn phương án đánh địch, tại cơ quan Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng năm 1975. Từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Trung tướng Song Hào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Quang Đạo. Ảnh: Tư liệu |
Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn, nói: "Hôm nay mời các anh ra đây để bàn chuyện lớn. Chúng ta phải giải phóng miền Nam ngay sau khi Mỹ rút...". Đồng chí Lê Duẩn đã cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng vào bản kế hoạch do Bộ Tổng tham mưu khởi thảo: "Tôi đồng ý với ý kiến của Bộ Tổng tham mưu là Bộ Chính trị phải có nghị quyết về tình hình mới, thống nhất hành động, thống nhất ý chí để huy động sức mạnh của cả nước vào sự nghiệp lớn lao này…
Bộ Quốc phòng cần phải có những quyết định, phương án đánh tiêu diệt những tập đoàn chủ lực lớn của địch để nhanh chóng làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo bước nhảy vọt. Muốn thế, phải có lực lượng, cơ sở vật chất, phải đảm bảo kỹ thuật, bảo đảm hậu cần, phải có thế, tạo thời cơ… Điểm nổi bật trong so sánh lực lượng là ta chủ động, địch bị động, thế và lực của Mỹ - ngụy đã khác trước và có thể còn khác nữa".
Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ đạo "Tổ trung tâm" có mưu lược trong từng bước hành động mang tính tổng lực: "Ta phải có cách đánh khiến Mỹ phải chịu, cần đẩy lực lượng địa phương lên giải quyết cho được chi khu, quận lỵ, chủ lực đánh cỡ tiểu đoàn, trung đoàn, diệt sinh lực địch từ ngoài và trong. Cần phát triển cách đánh đặc công, nhằm vào đầu não, cơ sở vật chất, sân bay, bến cảng, đường giao thông… Kết hợp quân sự, chính trị, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy. Đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, đô thị, căng địch ra mà đánh, bao vây mà tiêu tiệt…".
Ngay sau đó, Bộ Tổng tư lệnh khẩn trương xây dựng các quân đoàn chủ lực cơ động, được xem là "quả đấm thép" cho các chiến dịch gồm: Quân đoàn I (mang tên Binh đoàn Quyết Thắng), Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang), Quân đoàn III (Binh đoàn Tây Nguyên), Quân đoàn VI (Binh đoàn Cửu Long) lần lượt ra đời.
Chọn điểm "hiểm yếu"
Trong dự thảo đề cương giải phóng miền Nam, năm 1973, "Tổ trung tâm" đã đề xuất hướng tấn công mở màn là Tây Nguyên. Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, một trong 4 người tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam từ giữa năm 1973, kể lại: "Địch luôn đề phòng hướng Bắc Tây Nguyên, phòng thủ mạnh ở Gia Lai - Kon Tum, đặt sở chỉ huy tiền phương ở Pleiku gồm Sư đoàn 23, 1 sư đoàn không quân, 7 tiểu đoàn biệt động, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 tiểu đoàn tăng - thiết giáp, 8 tiểu đoàn và 7 đại đội pháo.
Buôn Ma Thuột được coi như hậu phương, chỉ có Trung đoàn 53, 2 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn và 1 đại đội pháo". Trước đó, ông Lê Trọng Tấn đã có lần ra tình huống bài tập cho học viên trường Bổ túc quân sự cấp cao: "Nếu chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu thì mục tiêu đầu tiên là ở đâu?".
Tuyệt đại đa số đáp án của học viên đều thống nhất chọn hướng Nam, đánh vào Buôn Ma Thuột. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, người từng dự hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương thảo luận kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm, với nhãn quan của một vị tướng cầm quân và nhà nghiên cứu khoa học quân sự, nêu ý kiến: "Ý định đánh Buôn Ma Thuột đạt được sự nhất trí cao, là sự gặp gỡ của cấp chiến lược và cấp chiến dịch, cũng như thực tế chiến trường. Buôn Ma Thuột là một thị xã lớn, nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất".
Ngày 18-12-1974, Hội nghị Bộ Chính trị họp mở rộng, dưới căn hầm bí mật tại Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng, để thảo luận bản dự thảo kế hoạch giải phóng miền Nam lần thứ 8. Trong kế hoạch quân sự năm 1975 - 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu và yêu cầu ghi rõ thêm vào bản kế hoạch: "Phải có trận tiêu diệt lớn ở Nam Tây Nguyên bằng cách đánh địch đang vận động. Yêu cầu phải diệt từ 3 đến 5 sư đoàn địch trong đợt hoạt động mạnh và gọn, không được kéo dài…
Trận mở đầu đánh Buôn Ma Thuột, khi bị ta tiêu diệt, địch sẽ dao động, rối loạn. Lúc đó phải chớp lấy thời cơ giải phóng Huế. Nếu ta chậm chân, mỏi mệt, để mùa mưa đến thì lỡ mất thời cơ. Cho nên phải có kế hoạch bao vây chia cắt ngay từ bây giờ, không để cho địch co cụm chiến lược, rút về miền Đông Nam bộ, hay rút về phía Đông dọc theo bờ biển Trung bộ”.