TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO GIỮA SINGAPORE VÀ MALAYSIA
SUNday - 03/11/2013 05:42
Ở châu Á, bên cạnh tranh chấp chủ quyền biến đảo quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhiều khu vực khác cũng có tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Có thể liệt kê các tranh chấp sau : Tranh chấp chủ quyền ( TCCQ) giưã Trung Quốc và Indonexia về đông bắc quần đảo Natura; TCCQ giữa Trung Quốc và Philippin về Bãi cạn Hoàng Nham( Scarborough); TCCQ giữa Indonexia và Malaysia về 2 quần đảo Ligitan và Sipadan; TCCQ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về đảo Takesima/Đốc đô; TCCQ giữa Brunei và Malaysia về đảo Curuman; TCCQ giữa Malaysia và Philippin về vùng đất bang Sabah và biển Sulu; TCCQ giữa Malaysia và Singapore về 3 đảo Pedra Branca, Middle Roks, South Ledge ở biển Đông .....
Nhiều nước trên thế giới thường giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng phương thức song phương, có khi cả đa phương, và đó chính là phương thức hay nhất, chẳng hạn như giải quyết tranh chấp đảo Hắc Hạt Tử (Ussuriysky)
giưã Nga và Trung Quốc, hay việc hoạch định biên giới biển Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam...Khi mà đàm phán song phương không giải quyết được tranh chấp, các bên buộc phải đưa nhau ra tòa án quốc tế phân xử. Hai tòa án thường trực của Liên Hợp Quốc để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa các nước là Tòa án Công Lý quốc tế (International Court of Justice- ICJ) và Tòa án Quốc tế về luật Biển- ICLOS.
Bài báo này, giới thiệu để bạn đọc tham khảo về giải quyết TCCQ giữa Malaysia và Singapore về 3 đảo Pedra Branca, Middle Roks, South Ledge trên biển Đông.
Điều đáng chú ý trong tranh chấp chủ quyền các đảo nói trên là ở chỗ, trước khi có tranh chấp, hai nước láng giềng Nam Á này lại là “người một nhà”. Như mọi người đều biết, Singapore giành được độc lập từ năm 1959, đến tháng 9/1963 gia nhập Liên bang Malaysia gồm Malaysia ( lục địa Malaysia), Singapore, hai bang trên đảo Boóc- nê- ô xa xôi là Sarawak và Sabah. Khi còn trong Liên bang, 3 đảo trên là các đảo không người ở và cũng chẳng bên nào quan tâm đến chúng, vì là “ người một nhà”. Đến ngày 9/8/1965, Singapore lại tách ra, trở về quốc gia độc lập, chính Malaysia là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Singapore độc lập.Từ năm 1979, hai nước đều ra tuyên bố chủ quyền với 3 hòn đảo trên, bên nào cũng đưa ra những lí lẽ chứng minh yêu sách chủ quyền của mình.
Pedra Branca – nghĩa là đá trắng, là một hòn đảo hẻo lánh ở cực đông của Singapore, có diện tích 8 560 m2, khi triều cường thấp, đảo dài khoảng 137 m, rộng chừng 60m, đảo có tọa độ 10 49 phút 48 giây vĩ bắc, 1040 24 phút 27 giây kinh đông, đối diện với eo biển Singapore ra biển Đông. Middle Roks bao gồm 2 cụm đá nhỏ dài khoảng 250m, cách nhau 1,1km, nằm về phía nam của đảo Pedra Branca. Còn đảo South Ledge cách đảo Pedra Branca về phía tây nam 4,1km. Từ xa xưa, đảo Pedra Branca thuộc lãnh thổ của Vương quốc Hồi giáo Johor năm 1528, sau năm 1824, Vương quốc Hồi giáo mới Johor thuộc Anh, năm 1851 người Anh xây dựng hải đăng trên đảo này. Ngày 21/9/1953, quyền ngoại trưởng của Johor khi trả lời thư kí thuộc địa của Singapore là: Chính phủ Johor không yêu cầu quyền sở hữu đảo Pedra Branca ( ngày nay, Johor là bang của Malaysia, sát liền với Singapor bởi eo biển hẹp -eo biển Johor). Ngày 21/12/1979, Malaysia công bố bản đồ mới, trong đó, Đảo Pedra Branca, cùng các đảo Middle Roks, South Ledge thuộc lãnh thổ Malaysia. Năm 1993, Singapore ra tuyên bố chủ quyền đối với 3 đảo trên. Qua nhiều lần đàm phán, lập trường của các bên vẫn không thay đổi, cuối cùng vào ngày 6/2/2003, hai bên có thỏa thuận đặc biệt về việc cùng nhau đưa tranh chấp chủ quyền 3 đảo trên ra Tòa án Công lý Quốc tế và hứa hai bên sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa.
Tòa án Công lý Quốc tế-ICJ bắt đầu hoạt động từ năm 1946, gồm 15 thẩm phán do Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng LHQ bổ nhiệm, nhiệm kì của thẩm phán 9 năm, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an thường xuyên có đại diện tại Tòa. Tòa ICJ đưa ra một yêu cầu phải có một thỏa thuận giữa các bên tranh chấp cùng đồng ý đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ, như năm 1984, Nicaragoa khởi kiện Mỹ liên quan đến việc Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự tại Nicaragoa và chống lại nước này, ngày 26/11/1984, ICJ chấp nhận đơn khiếu kiện của Nicaragoa, ngày 8/1/1985 Mỹ ra tuyên bố không tham gia, tuy vậy ngày 27/6/1986, Tòa ICJ vẫn ra phán quyết : bác bỏ lí do sử dụng quyền tự vệ chính đáng do Mỹ đưa ra, kết luận Mỹ đã vi phạm các nghĩa vụ của luật tập quán quốc tế, Tòa đã xử thắng kiện cho Nicaragoa, phía Mỹ không chấp nhận phán quyết này. Trong thực tiễn hoạt động từ năm 1946 đến nay, ICJ đã nhận 148 vụ tranh chấp được đưa ra Tòa, ICJ đã giải quyết được 120 vụ. Trở lại với vụ kiện của hai nước Malaysia và Singapore, sau khi hai nước gửi hồ sơ ra Tòa ICJ, từ 6-8/11/2003 Singapore trình bày trước Tòa về những lập luận chủ quyền của mình, tiếp dến Malaysia từ ngày 13-16/11/2003 trình bày những lập luận của mình. Việc xét và xử kiện được diễn ra trong cung điện “ Hòa Bình” ở Hà Lan.Trong thời gian từ 3/2004 đến 11/2005, hai bên đã có 3 vòng tranh luận bằng văn bản trước Tòa. Sau 5 năm nghiên cứu, ICJ đã ra phán quyết vào ngày 23/5/2008. Phán quyết của Tòa là :
Đảo Pedra Branca là thuộc chủ quyền của Singapore, mặc dù hòn đảo này, như đã trình bày trên đây, vốn thuộc chủ quyền của Vương quốc Hồi giáo Johor( Malaysia ngày nay);
Đảo Middle Roks thuộc về Malaysia, Singapore đã không có thể hiện bất kì hành vi chủ quyền nào đối với đảo này;
Riêng đảo South Ledge, ICJ chưa phán quyết xong.
Hai nước đã chấp thuận phán quyết của ICJ, hai nước ngay sau đó đã quyết định thành lập tổ công tác phối hợp thảo luận về thiết lập biên giới trên biển vùng các đảo Pedra Branca và Middle Roks. Hiện nay, quan hệ giữa Malaysia và Singapore rất tốt đẹp, như ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman phát biểu sau chuyến thăm Singapore của thủ tướng Malaysia gần đây: Quan hệ giữa hai nước là rất tuyệt vời.
Nguyễn Ngọc Điệp