Home » Tin tức » Thơ

CHỢ QUÊ HUYỀN THOẠI

FRIday - 13/01/2017 09:56
Chợ quê

Chợ quê

CHỢ QUÊ HUYỀN THOẠI

                 
Nguyễn Hoàng Kim Oanh

“Đêm qua mơ thấy chợ quê 
Họp hăm ba tết, đò về ken sông…

Xanh xanh nhuộm thắm lá dong 
Đào hoa chúm chím, nắng hồng xênh xang
Chợ trưa ồn ã rộn ràng 
Thắt lưng hoa lý nồng nàn áo khăn.

Cau từ Làng Bãi quê anh 
Sang em Làng Ngái trầu xanh thắm trầu
Đẫm tình vồng cải lá rau 
Vẩn vương sương muối, lao xao bấc lồng.

Mịn màng tơ lụa Hà Đông 
Duyên cô hàng tấm men nồng ai say? 
Hồng hồng phấn phấn má khoai 
Kiêu sa cũng tiếng Xứ Đoài, đấy thôi! (*)

Lom khom chị đứng em ngồi 
Nhẩn nha bác xẩm ngân lời thiết tha.
Gánh gồng trăm món trăm nhà 
Rổ na, giành mướp, bu gà …công kênh

Bồng bềnh vai quảy tồng tênh 
Hương hoa Mẹ bán, mua xuân ngọt ngào. 
Lều gianh hàng xén thanh tao 
Tranh Đông Hồ thả yếm đào...phất phơ!

Chợ Quê có tự bao giờ? 
Ngàn năm vần vũ làn thơ dập dìu. 
Núi cong uốn tạc phù điêu 
Chuông ngân, sông hát, lam chiều ngậm sương.”


---------
(*)Tiếng ai như tiếng Xứ Đoài
Ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều (Ca dao)

Đến với bài thơ:
CHỢ QUÊ HUYỀN THOẠI
của Nhà giáo Nguyễn Hoàng Kim Oanh.

Thương nhớ quê hương da diết với những nếp sinh hoạt thân thuộc đã trở thành mỹ tục là tâm trạng thường gặp trong tâm hồn của những người con giàu cảm xúc nhưng phải sống xa quê. Bài thơ “Chợ Quê huyền thoại” trong chuyên mục “Hà Nội ngàn năm văn hiến” của Nhà giáo hưu trí Nguyễn Hoàng Kim Oanh, người con của Làng Ngái (Hương Ngải, huyện Thạch Thất) xứ Đoài đã nói lên điều đó.

Với thể thơ lục bát truyền thống, lối thơ thiên về tự sự, tác giả làm sống dậy phiên chợ quê dịp Tết. Thời gian và không gian Chợ Quê được tái hiện rất cụ thể: “Họp hăm ba tết, đò về ken sông”. Trong tâm thức người Việt, chợ là nơi hội tụ văn hóa vật chất và tinh thần, là linh hồn của làng xã, luôn gắn bó mật thiết với đời sống người dân. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là điểm giao lưu văn hóa cộng đồng giản dị, mang dấu ấn văn hóa mỗi vùng miền. Bài thơ là một bức tranh đa sắc màu, tất cả đều tươi tắn, trẻ trung đầy sức sống. Bức tranh thơ ở đây có màu xanh xanh của lá rong, làm nổi thêm màu hồng tươi của đào hoa chúm chím và “Hồng hồng phấn phấn má khoai” của những cô gái, làm phóng khoáng thêm màu hồng nhạt của nắng mới xênh xang. Đáng nói là màu xanh hoa lý của áo khăn các bà, các chị thật bắt mắt khiến lòng người càng thêm nồng nàn.

Trong bài có những câu rất đăng đối và giàu ý nghĩa biểu cảm: “Cau từ Làng Bãi quê anh/ Sang em Làng Ngái trầu xanh thắm trầu/ Đẫm tình vồng cải lá rau/ Vẩn vương sương muối, lao xao bấc lồng/ Mịn màng tơ lụa Hà Đông/ Duyên cô hàng tấm men nồng ai say?”. Cau trầu là những sản vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên trong dịp lễ tết, cũng là biểu tượng cho tình yêu thủy chung, bền chặt của con người.

Biết bao mối tình đẹp đẽ được khởi nguồn từ những phiên chợ trên đất Việt Nam: Chợ tình Khau Vai (Hà Giang), Chợ Viềng (Nam Định), Chợ tình (Sa Pa)... Chợ quê của tác giả Kim Oanh họp ngay trong làng, chỉ là lều gianh đơn sơ, nhỏ về quy mô nhưng những gian hàng tạp hóa này vẫn đủ phục vụ sinh hoạt cho bà con trong làng ngoài xã. Xưa vẫn quen gọi chủ nhân của nó là những cô hàng tấm, hàng xén duyên dáng làm say lòng người và là cảm hứng cho không ít nghệ sỹ. Nhà văn bậc thầy Thạch Lam từng có truyện “Cô hàng xén” rất nổi tiếng. Chợ quê Làng Ngái ngày thường đi muộn là tan nhưng phiên chợ ngày Tết lại khác, trưa rồi nhưng chợ vẫn ồn ã, rộn ràng đông vui.

Trong bài, nhiều câu thơ đảo ngữ cùng với rất nhiều từ láy cả tượng hình và tượng thanh, nhấn mạnh sự tấp nập của người đi chợ đa phần là các chị em “Lom khom chị đứng em ngồi/ Nhẩn nha bác xẩm ngân lời thiết tha/ Gánh gồng trăm món trăm nhà/ Rổ na, giành mướp, bu gà …công kênh/ Bồng bềnh vai quảy tồng tênh/ Hương hoa Mẹ bán, mua xuân ngọt ngào”. Tác giả đã khéo liệt kê các hàng hóa của ngày Tết thật nhiều thứ trăm món lỉnh kỉnh của trăm nhà.

Câu thơ cuối đoạn giàu giá trị thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Người Mẹ ở đây được viết hoa với dụng ý riêng, đó có lẽ vừa là người mẹ sinh thành tác giả vừa là biểu tượng cho bao người mẹ khác, những người giàu đức hy sinh luôn nuôi giữ ngọn lửa hạnh phúc trong mỗi mái ấm gia đình. Mẹ mang đi chợ những sản vật tự nhà trồng cấy “hương hoa Mẹ bán” và mua sắm nhiều thứ phục vụ cho sinh hoạt dịp Tết. Mẹ không quên mua Tranh Đông Hồ - dòng tranh dân gian độc đáo, với những bức vẽ ngộ nghĩnh thể hiện ước vọng về một cuộc sống sung túc, an lành. Mẹ đi chợ là để mua xuân ngọt ngào, mang về bao niềm vui, hy vọng và may mắn cho gia đình, cho mọi người.

Đoạn cuối bài thơ có câu hỏi Chợ Quê có tự bao giờ? Song dường như tác giả đã tự giải đáp: Cuộc sống ngày nay đã đổi khác nhiều, các khu nhà cao tầng, những trung tâm thương mại dần thay thế những lều bạt, nhà gianh ở chợ quê xưa song trong hoài niệm của tác giả và bao người con xa quê khác, dù có trải qua Ngàn năm vần vũ, hình ảnh đẹp đẽ của quê hương với “Núi cong uốn tạc phù điêu/ Chuông ngân, sông hát, lam chiều ngậm sương” cùng với Chợ Quê đã và sẽ còn sống mãi.

NGUYỄN THỊ THIỆN
(Nguyên PHT trường THPT Thạch Thất, Hà Nội).
Thôn Phúc Tiến, xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội,

Author: Nguyễn Hoàng Kim Oanh

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh