Home » Tin tức » Tin văn hóa văn nghệ

THÔNG BÁO LỄ GIỚI THIỆU SÁCH XỨ ĐOÀI VĂN

FRIday - 04/10/2013 23:57
THÔNG BÁO LỄ GIỚI THIỆU SÁCH XỨ ĐOÀI VĂN

THÔNG BÁO LỄ GIỚI THIỆU SÁCH XỨ ĐOÀI VĂN

THÔNG BÁO CỦA HỘI LIÊN HIỆP VHNT- HÀ NỘI VÀ QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG Vào hồi 8 giờ 30 Ngày 16 tháng 10 năm 2013 Chúng tôi sẽ tổ chức Lễ giới thiệu sách Xứ Đoài Văn- Do Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ xuất bản. Địa điểm tại: Trụ sở Hội Liên hiệp VHNT- Hà Nội 19- Hàng Buồm- Hà Nội. Trân trọng kính mời
THÔNG BÁO CỦA HỘI LIÊN HIỆP VHNT- HÀ NỘI CÙNG QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG VÀ CUỘC SỐNG

Vào hồi 8 giờ 30 Ngày 16 tháng 10 năm 2013 
Chúng tôi sẽ tổ chức Lễ giới thiệu sách Xứ Đoài Văn- Do Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ xuất bản.
Địa điểm tại: Trụ sở Hội Liên hiệp VHNT- Hà Nội
19- Hàng Buồm- Hà Nội.

Trân trọng kính mời 

Các Tác giả, Dịch và Thân nhân các Tác giả, Dịch giả đã quá cố, có Tác phẩm in trong Xứ Đoài Văn đến dự và nhận sách tặng của Ban tổ chức.
Đề nghị các Ông, Bà gửi địa chỉ cụ thể để chúng tôi chuyển giấy mời hoặc nếu các Ông, Bà không thể đến dự được, chúng tôi sẽ chuyển sách tặng đến nhà các Quý vị.

SÁCH XỨ ĐOÀI VĂN
(LỜI DẪN)


Trong tâm thức chúng ta, Xứ Đoài luôn luôn là một vùng đất gợi nhiều cảm hứng về văn chương, nghệ thuật - cả bác học lẫn dân gian -,về sức cuốn hút cổ kính của một nền tảng văn hóa tích tụ tự bao đời, về vẻ hài hòa của một vùng đất thiên nhiên đẹp kỳ thú và đầy mê hoặc. Cả vùng đất Xứ Đoài xưa nằm bên hữu ngạn sông Hồng là vùng đất điển hình cho tâm thức tam giác châu của người Việt. Phía trên của vùng đất này có một địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ phú là Ngã ba Hạc, nơi gặp gỡ của ba dòng sông : Sông Hồng, sông Đà, sông Lô, với ba màu nước hòa trộn vào nhau. Phía dưới của vùng đất này lại là Ngã ba Sa, nơi hội tụ của ba dòng sông: sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và sông Sa, gần khu cực Cống Thần. 
Nằm trong lòng cái tam giác châu trù phú tự nhiên của nền văn minh lúa nước đã hình thành từ đời lập quốc của các Vua Hùng, vùng đất Xứ Đoài luôn luôn đóng một vai trò hệ trọng về cả chính trị, quân sự, văn hóa và xã hội, thậm chí cả về đời sống tâm linh của dân tộc. Ngay từ thời Nhà nước Vạn Xuân ( 544 – 602 ), thời Lý Nam Đế, cha ông ta đã rất có ý thức đóng quân theo thế chân kiềng để liên hoàn chống giặc, đó là tập trung quân phòng thủ trong ba tòa thành sẵn sàng yểm trợ cho nhau: Thành Ô Diên, thành Long Biên và thành Cổ Loa. 
Người Việt xưa cũng dành cho địa thế Xứ Đoài một vị thế rất trang trọng khi liệt kê ra ba vùng đất vốn có truyền thống lâu đời nhất về văn minh và văn vật đáng được tôn vào vị trí “ liệt hạng ”, cũng như về sự phồn vinh đáng nể trọng trong quá trình phát triển các ngành nghề thủ công và sản xuất nông nghiệp : Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở. Ta hình dung Cổ Bi là vùng đất phía bắc châu thổ sông Hồng, xoay quanh đất Kinh Bắc xưa; Cổ Loa thì đã là kinh đô từ thời An Dương Vương, sau này mở rộng xuống phía Nam, ôm trùm lấy khu vực thành Đại La, về sau là ôm trọn lấy kinh thành Thăng Long; còn Cổ Sở thì không còn đâu khác mà chính là để chỉ vùng đất Xứ Đoài, vùng đất mãi sau này còn giữ khá lâu bền những tên làng tối cổ, được gọi tắt là vùng So Sở. Mà đâu phải chỉ riêng có So Sở, các vùng đất văn vật Xứ Đoài trải rộng ra xung quanh còn có thể kể thêm đến hàng chục địa danh nổi tiếng khác nữa: như Nhị Khê, Đường Lâm, Hạ Hồi, Bối Khê,Giẽ Hạ, Kẻ Đà; như Đa Sĩ, Liên Bạt, Quất Động, Vạn Phúc, Kim Hoàng, Ước Lễ; hoặc tiếp nữa như kẻ Bùng, phố Mía, phố Phùng, làng Nủa, làng Chàng v.v…Về tôn giáo, người Xứ Đoài xưa biết tôn trọng nguyên lý Tam giáo đồng nguyên ( Phật, Lão, Nho cùng hòa hợp) đã hình thành từ thời Lý Trần. Ở tổng Phùng xưa đã từng có ngôi chùa thờ một lúc cả Đức Phật Thích Ca, Đức Thái Thượng Lão quân cùng với Đức Khổng Tử. Trong đời sống tâm linh người Xứ Đoài, việc thờ cúng tổ tiên luôn luôn được coi trọng, nhưng bên cạnh đó, người dân vẫn thờ Phật và cả thờ Thánh, nhất là tục thờ Thánh Mẫu. Nhiều đền chùa ở Xứ Đoài cấu trúc theo mô hình khép kín: Tiền Phật, hậu Thánh. Các vị anh hùng dân tộc có công với nước và cả các vị tổ nghề giúp dân dựng nên các nghề thủ công, nghề phụ ngoài nông nghiệp…nhiều khi cũng được tôn vinh làm Thành hoàng và cũng được tôn thờ trọng thể trong đình đền, miếu mạo. Trong số bốn vị thánh được lưu danh vào hàng “ Tứ bất tử ” của dân tộc ta, gồm Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thì có hai vị đã có xuất xứ từ vùng đất Xứ Đoài, đó là Tản Viên Sơn Thánh - thượng đẳng tối linh thần, đệ nhất phúc thần từ thời lập nước, và Chử Đồng Tử - người con trai vốn xuất thân từ dân chài nghèo khổ, đã có một mối tình đẹp như mơ với công chúa Tiên Dung, rồi sau, cả hai người đều tu hành đắc đạo và hiển linh thành bậc thánh, đặc biệt là đều được lưu danh trong cả đạo Phật và đạo Lão.
Những điều phác qua trên đây cho chúng ta một cái nhìn gợi mở về truyền thống huy hoàng của vùng đất Xứ Đoài, một vùng đất thực sự xứng danh là “ địa linh nhân kiệt”. Sẽ rất xứng đáng nếu có thêm những bộ sách chuyên khảo, nghiên cứu công phu và toàn diện hơn nữa về lễ hội dân gian, về các danh thắng, đình chùa, miếu mạo và di tích tín ngưỡng, về các huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa,về các trò chơi dân dã phổ cập từ lâu đời, về các trò diễn xướng dân gian cổ truyền, về y phục nền nã của người dân xứ này từ cổ xưa đến cận đại, về nền văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú, về hàng nghìn di tích văn hóa vật thể và phi vật thể khác đang còn tồn tại thách thức với thời gian trên cả vùng đất đầy hào khí, đầy tinh hoa này của dân tộc ta, mang đậm đà hồn cốt và sắc thái thuần Việt; những giá trị mang nhiều ý nghĩa mà ngày nay đã được gắn vào vùng đất đế đôThăng Long để hợp thành bản sắc phức hợp của cả vùng đất Thủ đô mở rộng. 
Riêng trong lĩnh vực văn học, chúng tôi luôn ủ ấp một dự định xuyên suốt là sẽ gắng sức tập hợp và xuất bản được các Tuyển tập văn học ghi lại dấu ấn của các bậc văn nhân tài tử Xứ Đoài qua nhiều thế hệ với nhiều biến thiên lịch sử. Mà nói đến văn nhân tài tử Xứ Đoài thì không ai là không biết đến hai cha con danh nhân Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi; hay dòng họ Ngô Thì đã dựng nên cả một dòng văn học gọi là Ngô gia văn phái; dòng họ Phan Huy vừa nổi tiếng về văn chương vừa có tài chép sử; rồi nhà sử học Ngô Sĩ Liên; cho đến danh sĩ Nguyễn Văn Siêu, người dựng nên Tháp Bút ở trung tâm Thủ đô. Rồi thời kỳ cận hiện đại với biết bao nhiêu tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của văn học cả nước, chỉ đơn cử vài gương mặt như Vũ Đình Long, Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hiến Lê, Trọng Lang, Bùi Huy Phồn, nữ sĩ Ngân Giang… Đặc biệt có hai nhà văn rất gắn bó với Xứ Đoài đã cấy ghép cả tên đất, tên sông tên núi quê hương mình thành ra bút hiệu, đó là nhà thơ Tản Đà ( núi Tản sông Đà) và nhà văn Tô Hoài ( sông Tô và phủ Hoài Đức cũ), là những công dân lớn lên từ vùng đất này, rồi dần đã thành danh ở Thủ đô Hà Nội và trên cả nước. Tiếp đó, qua Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, rồi sang đến thời kỳ Đổi Mới và hội nhập, các tác giả xuất thân từ Xứ Đoài bao gồm nhiều thế hệ như Trần Đăng, Quang Dũng, Tào Mạt, Hồ Phương, Ngô Quân Miện, Nguyễn Dậu, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Bùi Bình Thi, Phượng Vũ, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ, Xuân Quỳnh, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Bắc Sơn… chưa bao giờ vắng bóng trên văn đàn, thi đàn và thực sự đã đóng góp nên tiếng nói riêng đặc trưng cho cả vùng đất và đã công bố rất nhiều tác phẩm xuất sắc.
Tuyển tập Văn Xứ Đoài này ( được làm tiếp theo Tuyển tập Thơ Xứ Đoài đã xuất bản của cùng nhóm biên soạn ) bao gồm các tác phẩm từ xưa đến nay của các nhà văn vốn có quê hương ở Xứ Đoài, hoặc đã làm việc, sinh sống hay có mối quan hệ mật thiết về gia tộc, dòng họ… cũng như thực sự gắn bó nhiều mặt với Xứ Đoài, góp phần làm rạng rỡ truyền thống văn hóa Xứ Đoài. Về cấu trúc bộ sách, chúng tôi tạm chia ra làm hai phần: Phần cổ điển chọn lọc các tác giả từ thời tồn tại các tư liệu về tản văn còn được lưu truyền lại đến nay( bao gồm 15nhà văn, các bậc danh sĩ cổ điển) và kết thúc vào đầu thế kỷ XX. Phần này xếp các nhà văn theo niên đại . Phần hiện đại, chọn lọc các nhà văn sống và hoạt động trong thời kỳ đương đại, chúng tôi xếp theo vần ABC để tiện tìm kiếm và tra cứu. Mốc thời gian khởi đầu cho thời kỳ này chúng tôi tạm quy ước là năm 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng là năm khởi đầu rõ nét nhất cho nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội ở nước ta suốt thập kỷ 30 và 40, dẫn tới Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam hiện đại, có vị thế mới mẻ trong cộng đồng quốc tế. ( Phần này bao gồm 37 các nhà văn hiện đại, trải qua các thời kỳ Cách mạng, chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước Đổi Mới và hội nhập ). Ban tuyển chọn đã làm việc rất cố gắng trong một thời gian không lâu và với khả năng có hạn, nên vẫn có thể còn có nhiều điều bất cập và thiếu sót. Rất mong được các bậc thức giả, các tác giả, dịch giả ( Hán Nôm ) am hiểu về truyền thống văn hóa Xứ Đoài và các bạn đọc có điều kiện có thể đóng góp thêm ý kiến cũng như cung cấp thêm các tư liệu quý hiếm mà chúng tôi chưa tập hợp đủ về những tác giả và tác phẩm cần bổ sung ( hoặc có trường hợp có thể có ý kiến cần rút bớt) để tập Tuyển Văn Xứ Đoài có thể được hoàn thiện hơn nữa trong lần tái bản sau.

BAN TUYỂN CHỌN “ XỨ ĐOÀI VĂN ”.
QUỸ HỖ TRỢ VĂN CHƯƠNG & CUỘC SỐNG.

Author: Bành Thanh Bần

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh