Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN HUYÊN VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM

SATurday - 06/06/2015 20:29
GS: Nguyễn Lân Dũng (ông là con rể GS Nguyễn Văn Huyên)

GS: Nguyễn Lân Dũng (ông là con rể GS Nguyễn Văn Huyên)

VNXĐ - Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) người xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội). Ông đồng thời là một Giáo sư, tiến sỹ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông là người giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất, chính xác là 28 năm, 350 ngày. Ông là niềm tự hào của người Xứ Đoài! Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Giáo sư Nguyễn Văn Huyên với văn hóa Việt Nam" của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:




---

GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN HUYÊN VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM

GS. Nguyễn Lân Dũng - Thưa các bạn,
Nhà xuất bạn Chính trị Quốc gia vừa xuất bản cuốn NGUYỄN VĂN HUYÊN- CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP. Ông là trí thức ngoài Đảng nhưng đã được Bác Hồ tin cậy và đã tận tụy đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong gần ba thập kỷ. Ông cũng là nhạc phụ kính yêu của tôi.
Sách in rất đẹp, dày 629 trang với hai phần: Phần I- Nguyễn Văn Huyên sống mãi trong lòng bạn bè, đồng chí và đồng nghiệp; Phần II- Một số bài viết chọn lọc về Giáo dục của GS. Nguyễn Văn Huyên.
Tôi xin giới thiệu bài viết của tôi được in trong phần I của cuốn sách này.

Một cuốn sách dày dặn (803 trang) giấy đẹp, bìa cứng trong bộ sách hai tập của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên ra mắt độc giả nước ta sau lần xuất bản bằng tiếng Pháp tới hơn nửa thế kỷ và sau khi tác giả qua đời đã 20 năm.
Thật là quá chậm trễ, nhưng cũng còn may, bởi vì công trình nghiên cứu đồ sộ này vẫn giữ được nguyên vẹn và đã được chuyển ngữ bởi các dịch giả uyên bác về ngôn ngữ và văn hóa. 
Trong bài đề dẫn: Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên với văn hóa Việt Nam, Giáo sư sử học Hà Văn Tấn đã viết: “Người ta thường coi Nguyên Văn Huyên là một nhà dân tộc học lớn, điều đó đúng, nhưng đọc ông, nghiền ngẫm các tác phẩm của ông, tôi lại thấy trội vượt lên ở ông tư cách một nhà xã hội học. Có thể nói rằng phần lớn các ông trình nghiên cứu của ông đều nhằm hướng tới những phân tích và kết luận xã hội học”. Giáo sư Hà Văn Tấn nhận định rằng: “Tất nhiên để hiểu được những gì Nguyễn Văn Huyên nói với chúng ta, chúng ta cần có thì giờ nghiền ngẫm công trình đồ sộ - hiện đã được dịch tất cả - của nhà bác học này”.
Về phần mình, khi đọc xong tập I của bộ sách dày dặn và thú vị đó tôi chú ý nhiều nhất đến một quan điểm mà Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã nhận ra từ năm 1944: “Dân tộc này không chịu sao chép những gì của Trung Quốc, mà tự tạo lấy cuộc sống riêng trong trường kỳ lịch sử vẫn luôn luôn được thanh xuân hóa”.
Trong luận văn tiến sĩ bảo vệ tại Đại học Sorbonne ngày 17-2-1934 (khi mới 26 tuổi), ông đã sử dụng hai công trình "Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam" và "Nhập môn nghiên cứu cư trú nhà sàn ở Đông Nam Á". Đó có lẽ là hai công trình nghiên cứu đầu tiên về folklore ngôn từ Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài và vì giá trị khoa học của chúng mà ngay năm ấy Nhà xuất bản Paul Geuthner ở Paris đã cho in thành hai cuốn sách riêng. Trong 10 năm tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã cho công bố thêm 44 công trình nghiên cứu khác xoay quanh chủ đề văn hóa và văn minh Việt Nam.
Chúng ta đều biết là nước ta bị nhà Hán chiếm đóng từ năm 111 trước Công nguyên và tính đến Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) là quãng thời gian đằng đẵng 1.049 năm. Có nước nào trên thế giới bị đô hộ một cách hà khắc hơn 10 thế kỷ mà vẫn giữ được sâu đậm bản sắc vãn hóa của dân tộc mình? Công trình của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên góp phần chứng minh cái độc đáo kỳ diệu của dân ta trong lĩnh vực đó.
Qua nghiên cứu hát đối, ông phát hiện thấy ứng tác thơ ca là một tài năng phổ biến ở nước ta, từ người dân cày tới bậc chí sĩ. Thơ dân gian bắt nguồn từ lời nói. Ông viết: “Độc giả của chúng tôi bây giờ có lẽ hiểu rõ hơn vì sao nông dân Việt Nam ứng khẩu dễ dàng như vậy các câu thơ trong các hội hát đối”.
Nông dân Việt Nam số đông không biết chữ nhưng lại thuộc làu làu Truyện Kiều và vận dụng rất linh hoạt trong thơ ca ứng khẩu. Nông dân Việt Nam lấy đâu ra tiền để mua nhạc cụ nhưng lại biết tự làm lấy đủ loại trống, sênh, sáo, nhị, tam, tì bà, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu. Không có đàn thì đã có phách mạnh, phách yếu được dùng làm điểm tựa cho giọng hát. eòn có tiếng vang (ơ ư, à à a) để tạo ra một âm sắc nhẹ hơn khi hát với phách yếu và một âm sắc khỏe hơn khi hát với phách mạnh. Còn có tiếng chêm làm tăng thêm tiết tấu của khúc hát. Đó là những từ trình đề (rằng, này, ấy ...) những từ nối (mấy, mà, lại...) hoặc những nhóm từ (bảo rằng, bảo này, người ta bảo rằng...) hay những điệu khúc cuối câu (ơ nường nường ôi, du hỡi du tình du...).
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên nhận xét rằng: “Nước Việt Nam tuy trải dài nhưng tư duy khá đồng bộ. Cùng một nền văn hiến, được truyền bá bằng cùng một ngôn ngữ với cùng một hệ thống giáo dục, nó để lại những dấu ấn rõ nét trên khắp đất nước. Hơn nữa, giữa các vùng có những quan hệ liên tục và đôi khi ở một chừng mực nhất định là đều đặn. Các trung tâm thi cử, kinh đô, sự có mặt một bậc thầy lớn hay một vị hiền giả, luôn lôi cuốn những người dù ở xa nhất. Cũng như vậy các danh lam thắng cảnh, các đền chùa nổi tiếng bao giờ cũng là chốn hành hương cho mọi tín đồ. Những chuyến đi này thường là dễ dàng do lối sống giản dị, ít bị các gánh nặng của tiện nghi mới thu hút. Thêm vào các chuyến đi giải trí là những sự di chuyển đều đặn của người thợ cấy thợ cày thường đi xa làm mướn ở các tỉnh...”.
Thật thú vị khi thấy đây là ý tưởng về một Tổ quốc Việt Nam thống nhất của một thanh niên trí thức mới 26 tuổi và chưa từng được giác ngộ cách mạng, lại ở một thời điểm mà thực dân Pháp tìm mọi cách phân cắt, chia rẽ ba miền Bắc - Trung - Nam.
Người thanh niên ấy bằng lao động nghiên cứu và sáng tạo của mình đã làm cho Giáo sư Vendryès - Chủ tịch Hội đồng chấm luận án - phải thốt lên: “Đây là một sự kiện lớn lao trong lịch sử Sorbonne”.
Sau khi đậu cử nhân Văn chương (1929), cử nhân Luật (1931) và tiến sĩ Văn khoa (1934), Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã từ bỏ chức vụ giảng dạy mà nhiều người mơ ước tại Trường Ngôn ngữ phương Đông để về nước. Khác với dự đoán của số đông, một trong những ông “nghè” Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp ở châu Âu này đã khước từ mọi lời mời ra làm quan để chọn nghề dạy học tại Trường Bưởi- cái nôi đào tạo nhân tài của nước nhà. Ông vừa giảng dạy vừa nghiên cứu tại đó từ năm 1935 đến năm 1938, sau đó chuyển sang làm nghiên cứu tại Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) ở Hà Nội nhưng vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy. Tháng 6-1941, ông được mời làm ủy viên Thường trực của EFEO và cũng năm đó, ông được cử làm ủy viên Thường trực Hội đồng Nghiên cứu khoa học Đông Dương.
Thật khó hình dung nổi chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, nhà khoa học trẻ tuổi Nguyễn Văn Huyên đã cho in 46 công trình khoa học về văn hóa và văn minh Việt Nam gồm tới gần 2.000 trang in bằng tiếng Pháp. Bằng các luận cứ khoa học thận trọng, chắc chắn ông chứng minh với thế giới rằng bất luận trong các lĩnh vực dân tộc học, sử học, văn hóa học dân gian, xã hội học nông thôn... đều thấy rất rõ Việt Nam có một nền văn hóa riêng biệt và hết sức đặc sắc.
Xuất thân từ gia đình một công chức nhỏ, mồ côi cha từ năm lên 8, được mẹ tần tảo nuôi nấng bằng nghề may vá và bán quần áo cũ, được chị chắt chiu từng đồng tiền dạy học để cho em du học, ông lúc nào cũng đứng về phía những người lao động, nghiên cứu về họ, khai thác và nâng cao trí tuệ đối với họ. Ngay từ năm 1938, ông đã nhiệt tình tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và về sau trở thành ủy viên Ban trị sự của Hội ở Bắc Kỳ.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám ông đã được Hồ Chủ tịch hoàn toàn tin cậy và giao phó nhiều trọng trách: Tổng Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Viễn Đông Bác cổ, cố vấn của Chính phủ tại Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau. Từ tháng 11-1946 đến tận lúc qua đời (tháng 10-1975) ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trong suốt 29 năm trời ở cương vị mới, ông đã có 108 cuốn sách và bài viết được xuất bản nhưng tất cả đều về giáo dục. Vì các trách nhiệm nặng nề được giao phó, ông phải hy sinh niềm yêu thích nghiên cứu những chủ đề mà ở tuổi thanh niên ông đã dốc lòng say mê theo đuổi.
Tuy nhiên những trước tác của ông thời trẻ, mặc dù nay mới lần đầu tiên được in bằng tiếng Việt, đã được đông đảo các nhà khoa học tham gia cuộc Hội thảo khoa học Kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (16- 11 - 1993) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội khẳng định là “Còn giữ nguyên giá trị”.
Mong sao những di sản này sẽ được đông đảo các bạn trẻ cùng lứa tuổi với ông thời ấy tìm đọc.



NLD
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh