Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

LÀNG

TUEsday - 30/06/2015 23:04
Cổng làng Mông Phụ; ảnh Quý Kha

Cổng làng Mông Phụ; ảnh Quý Kha

Tùy bút của Hà Ngọc Lân (Kính tặng làng cổ Mông Phụ - Đường Lâm quê tôi)
Làng là  nơi  ta đã cất tiếng khóc chào đời , nơi Mẹ ta đã chôn núm nhau nhỏ bé của ta  bên rặng tre xanh cạnh bờ ao trong vắt tỏa ngát  hương sen. Nơi mà  lần đầu tiên ta đã tiếp nhận làn  ánh sáng dịu dàng , trinh nguyên  của ban mai trao tặng  , lần đầu tiên ta nhận được bầu  không khí trong lành  từ   đất trời  , và cũng  là nơi đầu tiên trong  đời ta nhận được những giọt sữa thơm ngon từ bầu vú Mẹ
        Làng – nơi đã in sâu vào trong tiềm thức của biết bao thế hệ với những cái tên mộc mạc đơn sơ nhưng sao mà thân thương đến vậy – những xóm Sui , xóm Hè , xóm xóm Đình  , xóm Sải ... những cánh đồng Mỏ Phượng , Lồ Cang , mả Sở ..... đồi gò Ang Độ .....mà mỗi khi nhắc đến trong lòng ta lại  cảm thấy một nỗi nhớ nhung da diết .
        Làng là nơi mà ở đó  có chiếc cổng làng cổ kính nép dưới bóng cây đa già toả bóng mát làm vợi đi những mệt nhọc , vất vả của những người nông dân chân lấm tay bùn  sau buổi làm đồng dưới cái nắng như nung như  nấu của  buổi trưa   hè . 
         Làng là nơi  ta cảm nhận được mùi nồng nồng của vạt đất mới cày mà Cha ta đã đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát dưới ánh nắng nóng như thiêu như đốt của những ngày hè chói chang  Nơi ta ngửi thấy mùi thơm của rơm mới - mùi của ấm no - nơi ta nhìn thấy mầu vàng óng  của những hạt thóc -mầu của sự trù phú – trải dài  trên sân đình  đỏ au mỗi độ mùa về
         Làng là nơi mà thuở thiếu thời  ta vẫn đi trên  những con đường đất  quanh co , cỏ dưới chân ta mềm mại, mát lịm đưa  ta vui bước đến trường, lạ lùng  với những chữ cái đầu tiên ,bỡ ngỡ  với những phép tính cộng trừ  ... trong lời dạy dỗ ân cần của các  Thầy Cô. Là nơi ta thả hồn vào những viên bi trong vắt ,  những trò đá cầu , thổi nịt , với những vạt áo lấm lem sau mỗi buổi vui chơi thỏa thích trong sân trường  để rồi khi tiếng trống  vang lên  ta lại cùng lũ bạn chạy ùa ra khỏi cổng trường đi dưới những rặng tre già  ngả bóng xuống con đường nhỏ  ríu  rít những câu chuyện dí dỏm , hồn nhiên không có hồi kết   , với những tiếng cười trong veo của tuổi thơ trong tiếng chim lảnh lót của buỏi trưa hè
         Làng là nơi mỗi khi ta đứng đây nhìn về phía xa xa, đỉnh núi Tản Viên mờ mờ trong sương lam  ấp  ủ  nhửng huyền thoại về một vùng cổ tích còn in đậm dấu ấn không thể phai mờ  trong ký ức của biết bao thế hệ . Nơi mà người nông dân mỗi khi nhìn vào đỉnh núi mờ xanh ấy có thể dự đoán được tiết trời để mà định đoạt công việc của nhà nông  với câu ca đã đi vào tiềm thức  tự bao đời :
                         “Đội nón sớm mai – Thắt đai chiều tối “
         Làng là nơi mà những củ khoai lang đồng Bường bở tơi một mầu vàng thuần khiết chắt lọc từ  vạt ruộng  khô cằn của đất đá ong làm ấm bụng ta trước khi ta rảo bước đến trường , là nơi mà những giọt nước giếng Giang trong vắt được múc lên từ chiếc gầu làm bằng mo cau tỏa một mùi hương dìu dịu, ngai ngái  làm  tan biến đi cơn khát sau những trận đấu bóng nẩy lửa trên sân đình cổ kính
        Làng là nơi khi ta đã lớn khôn , đã hiểu thế nào là nỗi nhục mất nước, nơi  biết bao thế hệ trẻ đã nghe tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc tạm xa mái trường thân yêu lên đường ra đi giết giặc cứu nước , cũng là nơi chào đón những chàng trai trở về ca khúc khải hoàn khi đất nước sạch bóng quân xâm lược trong tiếng cười nấc nghẹn cùng những giọt nước mắt mừng tủi của ngày hội ngộ  Là nơi mà từ nơi sâu thẳm của trái tim , từ nơi ác liệt nhất của cuộc chiến , từ trong tiếng bom huỷ diệt của quân thù vẫn không làm cho ta nguôi nhớ về nó , nơi có những người thân yêu đang trông ngóng , nơi ta đã gửi lại mối tình đầu e ấp , trong vắt như những hạt sương mai  .
        Làng là nơi mà mỗi độ gió  mùa đông  bắc thổi về làm   lạnh buốt không gian ta lai được cùng nhau theo sau ông trưởng họ với vẻ mặt thành kính , với nắm hương thơm ngát trong tay  đi trong màn sương còn bảng lảng trên cánh đồng mới  gặt còn vương lại mùi thơm dìu dịu của lúa chín đến  viếng những ngôi mộ Tổ , những tiên hiền của dòng họ , những người đã khai sơn phá thạch tạo nên cuộc sống ấm no cho muôn đời con cháu mai sau
         Làng là nơi  các cụ già mỉm cười mãn nguyện khi  đã làm xong bổn phận với quê hương dòng tộc , với con cháu, từ giã trần thế  để trở về với cội nguồn , trở về với đất Mẹ  , trong tiếng nấc nghẹn ngào , trong niềm tiếc thương vô hạn  của những người ở lại
          Làng là nơi mà mỗi khi ta nhớ về mảnh đất thiêng liêng ấy  lại làm cho ta phải đau đáu một nỗi niềm ta cảm thấy như  ta chưa làm được gì nhiều , ta có lỗi với nơi ấy nhiều lắm  ,  ta khao khát được trở về để được tạ lỗi và để lại được bơi trong cái ao làng trong vắt , thoang thoảng hương sen bao đời vẫn là chiếc gương lớn ôm trọn bóng   cây đa cổ thụ và cái cổng làng uy nghi in dấu  tuổi thơ ta đã bao năm  gắn bó với nó  
         Làng là nơi những người thân thích ruột già của ta đã , đang , và sẽ mãi mãi sống trong tình thương yêu đùm  bọc nhau để rồi khi phải chia tay ta vẫn khôn nguôi nhớ về nhau , nhớ về một thuở  thiếu thời đầy khó khăn nhưng cũng chất chứa đầy niềm vui mà ở đó có biết bao kỷ niệm sẽ mãi mãi cùng ta đi suốt cuộc đời
         Làng – Nơi biết bao người con trưởng thành đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc đem tri thức và sức lực cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp của dân tộc để rồi đến một lúc theo quy luật của muôn đời ta lại trở về nằm xuống, đất Mẹ lại ôm ta vào lòng , thân xác ta lại tan biến vào trong lòng đất Mẹ . Lúc ấy ta được phép mỉm cười mãn nguyện  rằng thật là hạnh phúc khi ta – những đứa con của Làng - đã được nhập vào dòng người cùng  đi trong vòng luân hồi của vũ trụ.
 
 Sơn Tây – Ngày Chạp Tổ Xuân Canh Dần 2010
HNL

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh