Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

LÝ TRẦN QUÁN VÀ TÁC PHẨM "THIÊN NAM LỊCH KHOA HỘI PHÚ TUYỂN"

FRIday - 10/07/2015 17:56
Bài viết của Đỗ Thỉnh
Hình minh họa

Hình minh họa

Trong “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(1) và Lược truyện các tác gia Việt Nam(2), nhà sử học Trần Văn Giáp đã dựa vào sách của Phan Huy Chú, ghi Lý Trần Quán là tác giả sách Thiên Nam lịch khoa hội phú tuyển và đã chép tiểu truyện Lý Trần Quán trong đã có đoạn: “... Lý Trần Quán gốc tích ở làng Thái Bạt, huyện Bất Bạt, Sơn Tây, là dòng dõi Trần Cận và là cháu ngoại xa Đặng Công Toản ở Thượng Yên Quyết, sang ở quê ngoại làng Vân Canh cùng huyện Từ Liêm, lấy họ Lý”...(3)
Vừa qua tôi được ông Lý Trần Tuân ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho mượn sách Phả ký họ Đặng Trần, chi Vân Canh(gọi tắt là Phả ký)(4) thấy có nhiều chi tiết khác với các sách nói trên của cụ Trần Văn Giáp. Về tác giả sách Thiên Nam lịch khoa hội phú tuyển, Phả ký ghi: “cụ Đặng Trần Diễm soạn ra Hội thí tuyển các khoa sách do Tiến sĩ làng Đông An là Nguyễn Đình Tố đề tựa “... Sách Từ Liêm đăng khoa lục trong đoạn chép về Đặng Trần Diễm, có ghi: “Đặng Trần Diễm năm lần trúng hội tam trường, tri huyện Đông Ngàn, nguyên dòng dõi của Đặng Công Toản, Tiến sĩ, người Thượng Yên Quyết, đổi là họ Lý Trần, là cha sinh ra hai Tiến sĩ Lý Trần Quán và Lý Trần Dự (...)” Văn tịch chí chép: ông từng soạn ra Hội thi tuyển các khoa, Tiến sĩ Đông An là Nguyễn Đình Tố làm bài tựa...”(5).
Ngay trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm cũng có chép một đoạn bài tựa của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tố: mùa xuân năm Tân Mão (1771) hai anh em ông (Quán và Dự) đem quyển thơ phú do cụ thân sinh đã sưu tập và quyển chép những bài nhất giáp các khoa thi sau đó, sắp khắc để in. Tôi thấy, mới hỏi rằng: “Cụ nhà ta trước biên chép nhiều lắm, sao các ông lại bỏ bớt đi mà chỉ Lấy từ năm Giáp Tuất (1694) là thế nào?”
Qua các tư liệu trên, rõ ràng sách Thiên Nam lịch khoa hội phú tuyển, dù có sự ghi tên sách khác nhau, thì tác giả vẫn là Đặng Trần Diễm. Nhưng sau khi cụ Diễm mất, hai con trai là Lý Trần Quân và Lý Trần Dự cắt bớt đi để dem in, có nhờ Nguyễn Đình Tố đỗ Tiến sĩ cùng khoa (1769) với Lý Trần Dự viết bài tựa. Nên Phả ký... Từ Liêm đăng khoa lục chỉ chép cụ Diễm là tác giả sách đã mà không ghi Lý Trần Quán.
Về Đặng Trần Diễm, sách Phả ký cho biết: cụ sinh năm 1705, năm 25 tuổi đỗ Hương cống, sau đã 5 lần đi thi Hội chỉ trúng Tam trường, năm 31 tuổi được bổ tri huyện Đông Ngàn rồi ốm mất ở huyện nhà năm 1759, thọ 55 tuổi. Đặng Trần Diễm dòng dõi Trần Quốc Tuấn. Đến đời Trần Văn Huy đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), đời Lê Thánh Tông dời đến ở làng Quang Bị, huyện Bất Bạt, phủ Đà Dương (sau gọi là xứ Sơn Tây). Đến đời thứ tư vì có Trần Tuân khởi nghĩa chống lại vua Lê Tương Dực năm 1511, bị tướng Trịnh Duy Sản giết ở làng Xuân Tảo (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm), dòng họ sợ liên lụy, nên ông Trần Nguyên Trạch đi di cư ra ở làng Thượng Yên Quyết nay là xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội; đổi họ Trần ra họ Đặng, lấy tên là Đặng Công Du. Con ông Du là Đặng Công Toản đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1520). Đến đời chắt của Đặng Công Toản là Đặng Trần Phấn nho sinh lấy vợ người làng Vân Canh rồi ở nhà vợ sinh ra Đặng Trần Quế bố Đặng Trần Diễm.
Đặng Trần Diễm và bà vợ cả là Trần Thị Tỳ muộn con, phải đi cầu tự ở đình Chèm thờ Lý Ông Trọng, nên đến năm 1735, sinh ra con trai đầu lòng, cho rằng vốn là con Lý Ông Trọng đầu thai, nên đổi họ là Lý và đặt tên con là Quán tức Lý Trần Quán. Sau đó, năm 1746, sinh người con trai thứ hai là Lý Trần Dự. Từ đó chi họ Đặng ở Vân Canh đổi là Lý Trần, nhưng vẫn về giỗ tổ họ Đặng ở Thượng Yên Quyết.
Theo Phả ký thì cụ Diễm còn người vợ thứ hai họ Nguyễn, người làng Lê Xá, huyện Duy Tiên (Hà Nam Ninh) có một người con trai là Lý Trần Thản. Vì bà vợ cả không công nhận cho đi lại, nên Phả ký không ghi.
Theo Phả ký thì Lý Trần Quán đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766), trải làm quan đến Đông các đại học sĩ, Khâm sai tri bộ phiên. Sau được tặng phong Công bộ thượng thư, tước Đại vương. Lý Trần Dự đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) làm quan tới Tổng đốc Lạng Sơn rồi mất ở đó năm 1774.
Về Lý Trần Thản, theo các tư liệu còn lưu lại của dòng họ Lý Trần ở thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam Ninh, như bài vị, 5 bản sắc phong, đạo sớm nhất của vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767) phong cho Lý Trần Thản lúc đó đang làm Tri huyện Phú Xuyên và bia Phúc thần bi ký do Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu (1769) Tham tụng Lại bộ Thượng thư Bùi Huy Bích soạn, bia dựng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), thì Lý Trần Thản đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769), cùng khoa với Bùi Huy Bích và Lý Trần Dự. ông làm quan Thiêm sai tri phiên, Đông các Đại học sĩ, kiêm Hữu tư giảng cho Vương thế tử Trịnh Tông. ông là con rể của nhà bác học Lê Quý Đôn, ông mất năm Bính Thân (1776), được tặng Thượng Thư. Tuy Viễn hầu, phong Trung đẳng phúc thần(6).
Tóm lại Đặng Trần Diễm là tác giả sách Thiên Nam lịch khoa hội phú tuyển, còn Lý Trần Quán chỉ là người tu chỉnh lại đề đưa in Lý Trần Quán là dòng dõi Tiến sĩ Đặng Công Toản ở Thượng Yên Quyết chứ không phải là “cháu ngoại xa”. Ngoài ra tôi cung cấp thêm tư liệu về Đặng Trần Diễm và ba người con trai đều đỗ Tiến sĩ làm quan đại thần đời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), đặc biệt các con đều do cha trực tiếp dạy (giáo tử đăng khoa) mà đỗ Tiến sĩ, nên cụ Diễm được vua Lê tặng phong Đại Lý tự thừa, gia tặng Đông các Đại học sĩ - một chức vụ chỉ dành cho những người đỗ đại khoa mà cụ Diễm chỉ đỗ trung khoa. Đây cũng là một gia đình vào loại hiếm dưới chế độ phong kiến.
---

Chú thích:
(1) Nxb. Văn hóa, H. 1984, tr.263.
(2) Tập I, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.332.
(3) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Sđd, tr.264.
(4) Do ông Đặng Trần Phát dịch năm 1945 (bản chữ Hán không rõ soạn năm nào).
(5) Tác giả Bùi Xuân Nghi, cử nhân khoa Đinh Mão (1867), Hàn lâm viện Thị giảng. Sách do Bùi Xuân Thọ dịch năm 1982.
(6) Nhân đây cảm ơn các ông Lý Trần Ba, Lý Trần Đà, Lý Trần Diên đã tạo điều kiện cho tôi về Lê Xá khảo sát về cụ Lý Trần Thản.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh