Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng

FRIday - 17/07/2015 11:50
Sáng ngày 2-6-Ất Mùi (17-7-2015), tôi ra mộ cụ Giang Văn Minh, khi đó con cháu cụ đã làm lễ xong. Tôi chỉ kịp ghi lại hình ảnh ông Giang Văn Bổng, hậu duệ đời thứ 13 của cụ.
Ông Giang Văn Bổng, ngày 2-6-Ất Mùi (2015). Hậu duệ đời thứ 13 của Thám hoa Giang Văn Minh

Ông Giang Văn Bổng, ngày 2-6-Ất Mùi (2015). Hậu duệ đời thứ 13 của Thám hoa Giang Văn Minh

Vào thời điểm Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.
Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do "Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ" nhằm ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.
Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục""
Nghĩa là:
Cột đồng đến nay rêu đã xanh
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Nghĩa
Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng tức giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem "bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu". Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1638). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông, còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng" (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Thi hài Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm.

Mộ Thám hoa Giang Văn Minh (ảnh: Phạm Duy Trưởng)
---

Khí phách tiền nhân qua câu đối

Lịch sử bang giao giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với các triều đại Trung Quốc kéo dài hàng ngàn năm. Cùng với những cuộc chiến và những năm chung sống hòa bình xen kẽ đã diễn ra nhiều cuộc đấu trí trên nhiều lĩnh vực. Trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật thì cuộc đấu trí diễn ra trong câu đối đã thể hiện tài trí và khí phách hào hùng của ông cha ta.
Khi nhà Minh lấy cớ khôi phục nhà Trần, đánh nhà Hồ rồi xâm chiếm Đại Việt, Thượng thư Hoàng Phúc được vua Minh cử sang nước ta để cai trị và truyền bá văn hóa Trung Hoa. Một trong những việc làm đầu tiên của y là mở trường để dạy các nho sinh. Một hôm, do mưa bão nên nhiều nhà sập đổ, trước đám học trò, Hoàng Phúc đọc: "Tai chiêu phong vũ gia gia đồi hoại cựu viên tường" (Hôm qua mưa gió nhà nhà sập đổ vách tường xiêu) và bắt học trò đối lại.

Trong lúc mọi người đang suy ngẫm thì một nho sinh xin đọc: "Kim nhật càn khôn xứ xứ phát sinh tân thảo mộc" (Nay đất trời quang chốn chốn mọc lên cây cỏ mới). Câu đối thật tài tình bởi quang cảnh đổ nát ở đây do mưa bão gây nên cũng như kẻ thù đã làm cho nước Nam điêu đứng. Cây cỏ mới mọc lên cũng như nhân tài sẽ sớm xuất hiện để khôi phục lại đất nước. Tác giả câu đối này là Lê Thúc Hiến. Sau vụ này, ông cùng với anh là Lê Thiếu Đính vào Lam Sơn theo Lê Lợi và đã lập nhiều chiến công.

Tại làng Phan Xá (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), có chàng hàn sĩ Phan Nhân bị quân Minh bắt về hầu hạ tên học quan người phương Bắc sang nước ta mở trường để truyền bá văn hóa Trung Hoa và ca ngợi công đức nhà Minh. Một hôm, y ra một vế đối và bắt nho sinh đối lại: "Hồng lựu tự hỏa phi cầm lai vãng bất thiêu thân" (Hoa lựu đỏ như lửa, chim bay qua lại thân chẳng bị thiêu). Phan Nhân ứng khẩu đọc: "Lục tảo như ti du lý phù trầm nan tước vĩ" (Đám rêu xanh như tơ, cá lội nổi chìm đuôi chẳng bị vướng). Vế ra viên quan nhà Minh muốn nói: Đạo quân của chúng tuy bề ngoài có vẻ hung dữ nhưng thực chất là đạo quân nhân nghĩa chẳng làm hại ai.

Còn vế đối của Phan Nhân khẳng định rằng: Dù bị bủa vây nhưng không ngăn nổi ý chí tung hoành của người dân Việt. Sau cuộc đấu trí này, biết kẻ thù đang theo dõi mình, Phan Nhân đã trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi và đã lập được nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Những mẩu chuyện trên là những cuộc đọ trí tài hoa giữa các trí thức ta và Trung Quốc diễn ra trên đất Việt. Còn tại cung đình phương Bắc đã diễn ra nhiều lần đấu trí giữa sứ thần nước ta và vua quan phương Bắc. Các triều đại Trung Quốc thường có dã tâm biến nước ta thành quận huyện, trong bối cảnh đó, ngoại giao cũng là một mặt trận đấu tranh quyết liệt mà sứ thần Việt Nam thường bị làm khó dễ, bị thử thách nhưng vẫn thường giành thắng lợi.

Năm Mậu Thân (1308), Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ phương Bắc. Bữa nọ, trong lúc chờ thiết triều, quan Thừa tướng ra vế đối: An nữ khứ, dĩ thỉ vi gia (Chữ "an" bỏ chữ "nữ" đi, thêm chữ "thỉ" vào thành chữ "gia" nghĩa là "nhà"). Câu đối này có ngầm ý chê Mạc Đĩnh Chi có thân hình xấu xí. Ngoài ra, còn có ý khác là nhà Nguyên cần phải xóa sổ nước An Nam để nhập vào bản đồ Trung Quốc.

Mạc Đĩnh Chi đáp lại: Tù nhân xuất, nhập vương thành quốc (Chữ "tù" bỏ chữ "nhân" đi, thêm chữ "vương" vào thành chữ "quốc"). Đại ý là người ở trong tù đưa ra thì họ cũng làm được vua một nước. Câu này đối ý cũng rất chuẩn vì nó nói lên rằng dân Việt không chịu đè nén như vậy mà vẫn đứng vững thành một quốc gia riêng.

Thấy vậy, quan Thái sư đứng cạnh đó tiếp tục ra vế đối: Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn trùng nhật nguyệt (Nước Việt cách Trung Quốc nghìn dặm, núi sông đều giống như Trung Quốc. Nghĩa bóng: Họ gạ nước Việt nhập vào Trung Quốc). Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau: Nhất nhân thành đại, đại quân đại quốc đại càn khôn (Một người cũng là lớn, có vua lớn, nước lớn có trời đất lớn. Nghĩa bóng: Nước Việt tuy nhỏ nhưng cũng có vua quan, có trời đất riêng không phụ thuộc vào ai).

Quan Thái úy liền nối tiếp mạch văn chương: Hải trung hàm thủy thanh thiên bao nhật nguyệt tinh thần (Trong bể đựng nước bao bọc trời xanh mặt trời mặt trăng và cả tinh thần. Nghĩa bóng: Đại ý nói, Trung Quốc là nước lớn rộng như trời biển bao bọc cả trời xanh mặt trời mặt trăng và cả các vì sao, so nước Việt thì nước Việt nhỏ bé).

Mạc Đĩnh Chi đối lại như sau: Hàn thượng phân kim chỉ địa quát đông tây nam bắc (Trên mâm chia vàng chỉ xuống đất bao quát cả đông tây nam bắc. Nghĩa bóng: Trên một cái mâm chia vàng ai cũng được chia như nhau không cậy lớn mà chia ít cho người khác, chỉ xuống đất bao quát thấu suốt được bốn phương đông tây nam bắc. Nói cách khác, không thể khinh nước nhỏ mà ăn hiếp được).

Vua Nguyên từng nghe tiếng, nay được chứng kiến tận mắt Mạc Đĩnh Chi là bậc kỳ tài nên rất khâm phục. Trước đình thần, vua Nguyên phán: "Mạc Đĩnh Chi là Trạng nguyên An Nam và cũng là Trạng nguyên của nhà Nguyên". Từ đây trở đi, bốn chữ "Lưỡng quốc Trạng nguyên" xuất hiện dành cho Mạc Đĩnh Chi.

Năm 1493, vừa đỗ Hoàng Giáp, Ngô Kính Thần được Lê Thánh Tông cử đi sứ Trung Quốc. Tại cung đình, vua Minh ra câu đối và bắt sứ Đại Việt đối lại: Nhật hỏa, Vân yên, bạch trú thiêu tàn Ngọc Thỏ (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng). Ngô Kính Thần hiểu rõ dụng ý và mục đích đe dọa của vua Minh. Ý bóng gió của câu này là kẻ mạnh sẽ thắng kẻ yếu, tức là Đại Việt phải thuần phục Thiên triều.

Khẳng định ý chí và sức mạnh quật cường của người Việt, Ngô Kính Thần đáp lại: Nguyệt cung, Tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc Kim Ô (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời). Vế đối lại thật giỏi về nghĩa và chữ, hàm ý trăng lưỡi liềm như cánh cung, những vì sao tròn như viên đạn. Song, hay hơn cả là vế đối tỏ rõ sức cứng rắn của người nước Việt, không lời đe dọa nào làm cho run sợ, sẵn sàng đối phó với kẻ thù.

Nếu người Minh dùng "lửa mặt trời" (nhật hỏa) để đốt cháy "trăng Đại Việt" (thiêu tàn ngọc thỏ) thì dân Đại Việt lại dùng cái "cung mặt trăng" (nguyệt cung) để bắn rụng "mặt trời phương Bắc" (xạ lạc kim ô). Nghe xong vế đối, vua Minh nổi giận lôi đình, ra lệnh bắt Ngô Kính Thần tống giam vào ngục tối. Việc làm cực kỳ vô lý của vua Minh đã làm cho câu chuyện bi hùng và danh tính của người đối lại tồn tại và vang vọng mãi (Trước đây, người ta vẫn gán vế đối này cho Mạc Đĩnh Chi đời nhà Trần).

Khuân viên phần mộ Thám hoa Giang Văn Minh (ảnh: Phạm Duy Trưởng)

Năm 1637, vua Lê Thần Tông cử Thám hoa Giang Văn Minh làm Chánh sứ sang Trung Quốc để bàn chuyện bang giao. Khi tiếp sứ, vua Minh Sùng Trinh ra câu đối và bắt sứ đối lại: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Vua Minh nhắc đến cột đồng của Mã Viện dựng lên sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng. Lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, bất chấp uy lực của "Hoàng Đế Thiên triều", có thể gặp tai họa, Giang Văn Minh dõng dạc ứng khẩn đáp lại: Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ).

Qua vế đối của mình, Giang Văn Minh nhắc cho vua Minh biết rằng máu của người phương Bắc vẫn còn đỏ cả sông Bạch Đằng, từ những trận Ngô Quyền diệt Hoằng Tháo, Lê Hoàn diệt Hầu Nhân Bảo, Trần Hưng Đạo diệt Thoát Hoan. Không thể bắt bẻ gì về ngôn từ, vì nó quá chỉnh, còn nội dung quá sâu sắc bởi ba lần chiến thắng ở sông Bạch Đằng khiến cho kẻ thù phương Bắc phải kinh hồn bạt vía. Trước hằng trăm văn võ bá quan, vua Minh hổ thẹn và căm giận nên đã tìm mọi cách để hãm hại ông.
Phạm Duy Trưởng
 

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh