Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

THƠ NÔM KHẮC Ở VÁCH ĐÁ TRONG HANG TRẦM

FRIday - 28/11/2014 11:01
Ở thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội có một dãy núi đá vôi cao chót vót nổi lên giữa đồng bằng với chu vi hơn 3000 mét và ngọn núi cao nhất tới hơn 400 mét. Núi này từ lâu người ta vẫn quen gọi là núi Trầm (hay Tử Trầm). Trên núi còn dấu tích của những ngôi chùa cổ và trong lòng núi có những hang động to rộng. Bên ngoài có dòng suối ngự uốn lượn quanh tạo nên cảnh “Sơn thủy hữu tình”.
Núi Tử Trầm

Núi Tử Trầm

Hang Trầm (động Long Tiên) là một động to đẹp ở dưới chân núi đá do hai mỏm đá lớn ngang sườn núi chầu vào nhau để hở một chỗ thông thiên ở trên đỉnh. Bởi vậy trong hang luôn có một khoảng sáng tự nhiên chiếu vào chính giữa làm cho những mảng tối ở xung quanh và tượng Phật hiện lên mờ ảo. Cách bài trí ở trong hang cũng theo tầng lớp giống như một tòa tam bảo mà ta vẫn gặp, nhưng điều độc đáo của chùa hang là tất cả đồ khí đều bằng đá. Vừa là hang động, vừa là ngôi chùa thờ Phật được thế ưu đãi tuyệt đối của thiên nhiên, nơi đây đã từng là điểm tham quan hội tụ của những mặc khách tao nhân. Tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ 17 (1696) ở trong hang cho thấy vua Lê chúa Trịnh đã từng dựng cung điện và ở hẳn tại đây. Dấu xưa xe ngựa vết cũ còn đây, biết bao thi nhân đã từng đến vãn cảnh, vịnh thơ khắc vào vách đá. Ngoài các bài văn thơ trong các sách nói về hang Trầm động Long Tiên thì trong lòng hang rải rác trước cửa hang có những bài thơ Nôm tồn tại dưới dạng ma nham đã bị rêu phong cỏ cây phủ kín. Người ta không dựng thành bia, ngoài một vài bia như tấm bia dựng năm Tự Đức ở ngang sườn núi nói về việc công đức của tín vãi thập phương và dân làng xung quanh còn các bài văn thơ đều được khắc trực tiếp vào vách đá. Người ta bạt đá cho phẳng một khoảng hình chữ nhật rồi khắc chữ trực tiếp chứ không trang trí hoa văn. Duy có một chiếc khánh đá trên đó khắc một bài thơ và một bài ca trù là có trình bày hoa văn theo kiểu một chiếc khánh thông thường. Hầu hết những bài văn, bài thơ ở đây đều viết bằng chữ Nôm nên có người đã gọi núi Trầm là núi thơ Nôm. Ngoài một bài văn Nôm giới thiệu về hang Trầm, động Long Tiên được khắc ở ngay vách đá gần cửa động thì toàn là thơ Nôm theo kiểu lục bát, tứ tuyệt và Đường luật. Tác giả của những bài thơ này thuộc nhiều thành phần ở nhiều địa phương khác nhau, do vậy mà lối viết chữ Nôm cũng có những điểm không giống nhau. Nhìn chung thì chữ Nôm ở các bài thơ này đều có diện mạo của chữ Nôm đời Nguyễn. Để giúp các bạn có thêm tư liệu tìm hiểu di tích hang Trầm, dưới đây chúng tôi chỉ xin phiên âm giới thiệu một số bài thơ văn Nôm được khắc trong lòng động.
BÀI VĂN NÔM GẦN CỬA ĐỘNG
Người ta sinh ra ở trên đời thú chơi có hai cảnh, một là phồn hoa, một là tịch mịch. Phồn hoa thì phải ở thành thị, tịch mịch thì phải ở lâm tuyền, nhưng ở phồn hoa mãi thì chán, ở tịch mịch mãi thì buồn. Vì thế phải làm cách cho thành thị lâm tuyền thông với nhau, trước là giải lấy trí khôn, sau là thanh lấy niềm tục. Cách tỉnh Hà Đông không xa có bãi đồng bằng, bên hữu thì dãy rừng ngang, bên tả thì dòng sông Hát, trong có một tòa núi đá nổi lên gọi là núi Tử Trầm. Trong núi có động, trong động có hang thông thiên, ngoài động có chùa, dưới chùa có đầm quanh núi. Núi Bút Sơn, bề mặt trước chùa Vô Vi đứng một bên, thực là cảnh lâm tuyền thứ nhất. Trước hai trăm năm nay chúa Trịnh đã lâm cung ở đó. Nơi mắc võng, nơi chèo thuyền dấu cũ đến bây giờ chưa mất. Thế chẳng phải là chốn phồn hoa mà tìm nơi tịch mịch ru ? Tiếc vì cây cỏ rậm rạp, đường sá chưa thông, cho nên lên Lạn Kha tìm khách đánh cờ, vào Dục Thúy thăm ông câu cá, chẳng qua mấy kẻ cao nhân dật sĩ mà thôi. Ta nhân khi thong thả tới cảnh chạnh niềm, kia như núi Đạo Hạnh, chùa Quan Âm, động Hồ Công, hàng Từ Thức cũng chỉ vì người trước có công tìm kiếm mà làm cho người sau có thú vui chơi. Thế thì núi này cũng là cảnh bụt, bầu trời đâu có lẽ phó mặc bóng tà cỏ ấy. Vậy thì theo cảnh tự nhiên thêm công tu bổ. Đường càng gần thì người đi càng tiện, cảnh càng đẹp thì khách càng đông. Từ nay mà đi kẻ lại người qua, dẫu tịch mịch cũng không lấy làm buồn, dẫu phồn hoa cũng không lấy làm chán. Than ôi! Khuất tà quy chính là trách nhiệm kẻ sư nho, hậu lạc tiên ưu là chí khí kẻ quân tử. Có phải cầu tiên cầu phật đem thiên hạ lấy sự hoang đường, muốn cho có cảnh có người, chưng thiên hạ lấy sự lạc lợi. Sách có chữ rằng núi không cần chi thấp mới cao, có tiên thì nổi tiếng, nước không cần chi sâu mới cạn, có rồng thì nên thiêng. Vậy ta lấy tiên rồng mà đặt tên cho động.
BÀI HÁT CA TRÙ TRÊN KHÁNH ĐÁ
Cảnh Long Châu danh lam đệ nhất
Động Long Tiên non nước thật là xinh
Bút kích thiên độc lập chênh vênh
Nguồn đào(1) chảy nước xanh dòng nước biếc
Tạo hóa hữu tình kim tự tích(2)
Giang Sơn bất lão tích như kim(3)
Bầu Lưu Linh(4) vui thú bạn tri âm
Thơ Lý Bạch(5) ca ngâm tình quyến luyến
Thiên bất yếm hề nhân bất yếm(6)
Cảnh thiên nhiên muốn chiếm để riêng chơi
Lại e thay phong cách của trời
Âu là để cùng người chơi cùng thú
Nay ướm hỏi đinh công động chủ
Chẳng thần tiên cũng đủ thú Bồng Lai
Từ lang(7) âu cũng thế này.
NGUYỄN BÁ GIAO ở Liên Trì kính đề
Bài số 1
Núi đá chon von đứng giữa trời
Tử Trầm tên gọi trải bao đời
Tòa sen bụt ốc quanh rêu bám
Nước biếc thuyền rồng vẳng tiếng bày
Hoa cỏ mặc dầu đưa đón khách
Chủ trương hồ dễ(8) mấy dăm người
Trời Nam xoay khéo từ đâu lại
Mặc sức sau này săn thú chơi
Hồng Lô tự khanh Thượng thẩm tòa án sát sứ Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân cung đề.
Bài số 2
Cung Trầm văng vẳng cánh mây sa
Tô điểm non xanh lại đậm đà
Chữ mới Long Tiên đề cửa Phật
Cảnh xưa Lê Trịnh để phần ta
Mở hàng thiên thị cho người họp
Sửa núi Nga tô đón khách qua
Sẵn thú thiên nhiên nên tạc lấy
Khi chơi danh thắng lúc phồn hoa.
Hồng Lô tự khanh Thượng thẩm tòa án sát sứ Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân cung đề
Bài số 3
Chòm đá chon von động hẹp hòi
Mặc dầu nước chảy với hoa trôi
Đầy kho trăng gió luôn luôn mãi
Mấy cuộc thương tang thế thế thôi
Dưới núi vắng teo người hái thuốc
Trên chùa nhạt nhẽo khách ăn xôi
Mỉa mai con tạo xoay vần lại
Mở mặt non xanh thử ngó coi.
TRẦN MÝ án sát Hà Đông cung đề
Bài số 4
Kìa cảnh Bồng Lai nổi giữa đồng
Tử Trầm chốn ấy phải hay không
Động Tiên hương ngất lồng mây tỏa
Bia Trịnh rêu phong lẩn đá chồng
Vui thú liên đài riêng vũ trụ
Mặc trò tang hải với non sông
Nhờ ai tô điểm nên linh tích
Nức tiếng danh nghiêm cõi Lạc Hồng.
DƯƠNG QUANG cung đề
Bài số 5
Mấy cuộc tang thương luống não nùng
Từ Trầm riêng một thú non bồng
Văn minh đã nhiễm mùi Âu á
Phong cảnh còn in dấu Lạc Hồng
Núi tốt duyên thay, mây đỏ chói
Phật đa tình nhỉ, nước xanh trong
Giang sơn nào lại anh hùng ấy.
Mặc truyện thần tiên có có không.
Tuần phủ Thái Bình
PHẠM VĂN THỤ bái đề
Bài số 6
Cảnh đâu đưa đón đất Hà Đông
Động Tử Trầm đây có phải không...(9)
Nước non bốn mặt dấu vua Hùng
Chùa quanh một lối hang liền lũy
Bụt trải bao năm đá lạnh lùng
Danh thắng khen ai tô điểm khéo
Bầu trời khép lại thú chơi chung.
TRẦN TẤN BÌNH cung đề
Bài số 7
Cung Trầm hương ngạt khắp đòi nơi
Cửa động thiên nhiên rộng thảnh thơi
Cảnh lạ vòng quanh ba mặt nước
Thú vui riêng chiếm mộ bầu trời
Giang sơn ai gánh từ đâu lại
Cung điện bền xây mấy thủa rồi
Mô phật mừng nay tô điểm khéo
Rầy xem dạo cảnh biết bao người,
NGUYỄN TRỌNG LÃ Niết tỷ bát phẩm tỉnh Hà Đông cung đề
Mùa đông năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân 8 (1914)
Bài số 8
Dừng bước mây xanh khách nghỉ ngơi
Thoát trông thấy núi, núi ôm trời
Chùa nguyên bụt cũ vừa trang phấn
Đá trải lò nung chửa hóa vôi
Xe phượng dấu in vầng cỏ mọc
Cung thềm nền rạng bóng trăng soi
Xưa sao vắng vẻ rầy đông đúc
Tô điểm non sông cũng tại người.
Nguyên án sát tỉnh Lạng Sơn, Tiến sĩ
Khoa ất Mùi NGHIÊM XUÂN QUẢNG kính đề, ngày 1 tháng 11 năm thứ 9 Duy Tân (1615).
Bài số 9
Ngày xuân chơi động Long Tiên
Người xưa dấu cũ biết tìm nơi nao
Có tiên nào kể non cao
Có rồng nào kể nước sâu mới là
Hương Trầm thoang thoảng gần xa
ấy ai áo tía lướt qua bụi hồng
Muôn thu nước cũ Lạc Hồng
Cảnh vui chung cả con rồng cháu tiên
Đất bằng một thú thiên nhiên.
Cử nhân...(10)
Mùa xuân năm Quý Hợi Khải Định (1923)
Bài số 10
Danh thắng thiên nhiên cảnh vẫn còn
Tử Trầm cao ngất núi chon von
Hang rồng lớp lớp mây như cuốn
Bụt đá trơ trơ sắc chửa mòn
Lối ngự rêu in mầu lẩn biếc
Cửa trời hà vẩn(11) bóng thu tròn
Trụ trì âu cũng là sinh Phật
Chắc có duyên gì với nước non.
TRẦN MÝ TÂN kính đề
Mùa xuân năm Giáp Tý niên hiệu Khải Định (1924)
Bài số 11
Bước tới chùa Trầm nhận dấu xưa
Long Tiên động cũ cảnh bây giờ
Hương thôn đèn sáng năm tòa Phật
Gió táp mưa sa một vách thơ
Nét bút bia Lê còn ngấn rõ.
Vết xe cung Trịnh đã rêu mờ
Non xanh tô điểm nhờ ai đó
Nào khách qua chơi nghĩ đến chưa.
NGUYễN VĂN CƠ Tri phủ Nghĩa viên phủ Thường Tín kính đề.
Mùa xuân năm thứ 4 Bảo Đại (1929)
Bài số 12
Cơ tạo riêng ai thú thảnh thơi
Cỏ hoa hợp lại một bầu vơi
Ra tòa chỉnh chiện tiên hay phật
Một dải long lanh nước lộn trời (12)
Luồng gió cửa hang đưa đón khách 
Mảng trăng sườn núi lạ quen người
Nào ai giữ bụt rầy đâu nhỉ
Hỏi đá trơ trơ nỏ giả lời(13)

Hiền Lương
Bạch Văn Luyến

--------------------------

Chú thích:

(1) Nguồn đào: suối hoa đào, chỉ nơi có cuộc sống thanh bình sung sướng.
(2) (3) Hai câu thơ chữ Hán nghĩa là: tạo hóa hữu tình nay cũng như xưa, giang sơn tươi đẹp mãi xưa cũng như nay.
(4) Lưu Linh: Người đời Tấn tính thích uống rượu
(5) Lý Bạch: nhà thơ nổi tiếng đời Đường, tính phóng khoáng, rất hay uống rượu.
(6) Câu chữ Hán nghĩa là: trời có che dấu đâu, người có che dấu đâu.
(7) Từ Lang: tức Từ Thức.
(8) Hồ dễ: đâu phải dễ.
(9) Câu thơ thứ ba do đá bị xước không còn rõ nét nên không đọc đựơc.
(10) Những chữ ghi tên tác giả bị vỡ nên không các định được.
(11) Hà vẩn: ráng mây lởn vởn.
(12) Nước lộn trời: nước trong in (soi) bóng trời ở dưới đáy nước.
(13) Bài thơ không ghi tác giả và năm khắc.

 
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
thắng - 26/01/2017 08:50
ohh. hay quá ạ,giờ cháu mới biết được thông tin này và thấy ngạc nhiên ạ. nhưng cháu đang thắc mắc "Tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ 17 (1696) ở trong hang cho thấy vua Lê chúa Trịnh đã từng dựng cung điện và ở hẳn tại đây". Trong sử sách thì có tài liệu nào ghi chép ko ạ? Mong tác giả hoặc các bác biết có thể chỉ bảo cháu ạ!
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh