Home » Tin tức » Xứ Đoài văn

NGUYỄN VĂN VĨNH (1882 – 1935)

Hiệu là Tân Nam Tử, quê ở làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm 16 tuổi tốt nghiệp trường Thông ngôn, sau làm thư ký ở Tòa sứ nhiều nơi. Năm 24 tuổi (1906), đi dự Hội chợ triển lãm (Đấu xảo) tại Mác-xây (Pháp). Trở về xin thôi việc thư ký, đứng ra lập xưởng in, làm báo. Sau được cử là Hội viên Hội tư vấn Bắc kỳ (1913). Cuối đời từ bỏ văn nghiệp để đi tìm mỏ vàng ở Lào và mất tại Sài Gòn ngày 2/5/1935, hưởng dương 54 tuổi. Ông từng làm chủ bút nhiều tờ báo như Đại nam đăng cổ tùng báo (1907), Lục tỉnh tân văn (1910), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1915), An Nam mới (1931)... Chủ trương các báo tiếng Pháp như Notre Journal (1908), Notre revue (1910), Annam Nouveau (1931)...

Nhà văn Phan Kế Bính

PHAN KẾ BÍNH (1875 - 1921)

Phan Kế Bính, hiệu là Bưu Văn, người xã Thụy Khuê (Hà Đông), đỗ cử nhân Hán học. Ông là một trong số mấy nhà cựu học đã tham gia hoạt động báo chí, học thuật trên văn đàn công khai trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông là trợ bút tờ Đăng cổ tùng báo (1907), tiếp đó là một chân quan trọng trong ban biên tập của Đông Dương tạp chí. Sách của ông gồm một phần là biên soạn như: Việt Hán văn khảo, Nam hải dị nhân, Hưng Đạo đại vương truyện, Việt Nam phong tục, và một phần là dịch thuật như: Tam quốc chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện… Ngoài ra, trên Đông Dương tạp chí, ông còn có một số bài giới thiệu tư tưởng các triết gia, các văn nhân Trung Quốc rút ở các sách Chiến quốc, Liệt tử, Mặc tử v.v…và một số truyện dịch ở Tình sở, Kim cổ kỳ quan.

Nhà văn Nguyễn Bá Học (1857 - 1921)

NGUYỄN BÁ HỌC (1857 - 1921)

Nguyễn Bá Học, người xã Giáp Nhất, huyện Thanh Trì (Hà Đông), tinh thông Hán học, chuyển qua Tân học, làm giáo học ở Sơn Tây và Nam Định, sau khi về hưu, chuyển việc trú thuật. Cũng như Phạm Duy Tốn, ông là một trong những người Bắc đầu tiên viết truyện ngắn bằng quốc ngữ. Có hai truyện được chú ý hơn là “Cô chiêu nhì” và “Câu chuyện một tối của người Tân hôn”. Ông viết với mục đích bảo vệ đạo đức, luân lý cũ, nhất là luân lý gia đình, nhưng qua đó cũng phản ánh được một số nét hiện thực của xã hội; bệnh cờ bạc chơi bời ở người đàn ông (Câu chuyện gia đình), tính sa hoa, lười biếng, đến nỗi rơi vào cảnh trụy lạc bần cùng ở những người phụ nữ “con nhà” (Cô chiêu nhì), đặc biệt ông đã ghi được vài nét đơn sơ về cảnh làm việc khổ cực của thợ thuyền nhà máy sợi Nam Định trong “Câu chuyện một tối của người Tân hôn”.

NGUYỄN TRÃI (1380 - 1442)

NGUYỄN TRÃI (1380 - 1442)

Hiệu Ức Trai. Cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1400, 20 tuổi đỗ Thái học sinh, làm quan nhà Hồ, giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược Đại Việt. Năm 1416, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Thời Lê Thái Tổ, ông được ban tước Quan phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Lại Bộ Thượng thư quản công việc ở Khu mật viện. Dưới triều Lê Thái Tông, ông giữ chức Thừa chỉ Viện hàn lâm kiêm Quốc Tử Giám, chủ khảo Khoa thi Tiến sĩ ở Kinh đô. Năm 1443 vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, cả nhà ông bị khép án tru di tam tộc. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, truy phong ông chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Tán Trù bá. Tác phẩm chính: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Băng Hồ di sự lục.

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh