Trịnh Công Sơn Và Những Bài Ca Vượt Năm Tháng

Trịnh Công Sơn Và Những Bài Ca Vượt Năm Tháng
                    Trịnh Công Sơn Và Những Bài Ca Vượt Năm Tháng
                                                                                                               Đặng Thị Thanh Hương
Cuối thập niên 50 đầu những năm 60 xuất hiện một số ca khúc nhan đề nghe lạtai: Ướt mi, Lời buồn thánh, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Vết lăn trầm... như lối vào một khu vườn siêu thực đang nảy nở những sắc hương mới trong thời kỳ ấy. Những ca khúc này nổi tiếng ngay khi mới ra mắt công chúng. Đó là những bản tình ca buồn mang tiếng rên xiết của một trái tim thèm yêu đương. Năm ấy, Trịnh Công Sơn 20 tuổi. Hình như đường sinh mệnh trên bàn tay tài hoa ấy mọi nhánh đều rẽ vào tình sử. Từ đó đến nay, Trịnh Công Sơn trở thành người tình - người nghệ sĩ lãng du cùng nhiều thế hệ.
Nỗi cô đơn là linh hồn mà âm nhạc Trịnh Công Sơn đã đạt tới, như anh đã đi đến nơi chân thân của mình để từ đây khước từ mọi ảo tưởng cuộc đời. Trịnh Công Sơn bảo rằng: "Có những ngày cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa...". Trịnh Công Sơn lớn lên bằng tuổi chiến tranh, đứt rồi lại nối, chiến tranh dai dẳng và cùng khắp đến nỗi đứng ở tọa độ nào trên đất nước cũng nhìn thấy và sờ thấy chiến tranh. Thế đứng từ trước đến nay ở miền nam đã không hại cho uy tín và sự nghiệp sáng tác của anh. Lịch sử đất nước lật sang trang mới, anh vẫn an nhiên gửi gắm lòng mình trong các bản tình ca. "Đôi khi một người dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi... (Tự tình khúc). Anh đi vào nhạc, anh bước xuống đường, y như người ta hít thở. Nói như thế không có nghĩa là Trịnh Công Sơn phó mặc cuộc đời mà anh đã gieo trồng vào những luống đã tự đào sẵn, không phải ngoái lui, không cần xóa đi làm lại. Nhạc và lời của anh nếu có thay đổi chẳng qua vì đến lúc tâm hồn đã chuyển mùa.
Nhạc Trịnh Công Sơn không hẳn là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài ca của anh là một truyện ngắn, một bài thơ hay một chương khúc của câu chuyện dài không có kết thúc về những người bạn, người tình, người đời, những hơn thua ngộ nhận, thị phi. Nhưng không có đoạn truyện nào kết thúc có hậu để đôi lứa được lấy nhau, mà ngược lại, là những Tình sầu, Tình xa, Tình nhớ phôi pha... Không có cái đẹp của đối xứng, vuông tròn, chung thủy. Cùng nhau tắm gọi trong biển bấp bênh của cuộc đời, con người, xót xa khám phá ra cái đẹp chông chênh, cái ma lực của chén đắng. Đời dành riêng cho kẻ nào đã lên tới đỉnh buồn và xuống tới vực thẳm để nhận rõ cái yếu của cô đơn, cái hào quang của thất bại. Nguồn cảm hứng khơi mạch từ đó rất dễ rơi vào nỗi sướt mướt, ê chề, dễ gục ngã như nhiều người đánh giá về nhạc Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đã nhặt nhạnh những tóc trắng, những tàn phai, những giọt mưa, hạt bụi, cái lăn lóc tận cùng của hòn cuội... rồi dung nạp tất cả vào lòng, rồi thả ra trong từng nốt nhạc... Nhạc và ca từ của anh thấm vào dương gian để khi vui, lúc buồn, lúc cay đắng và thành đạt, người ta đều có thể hát vang lên. Như loài sâu ngủ quên trong tóc chiều... tiếng hát ru mình trong giấc ngủ vừa... thương cho người rồi lạnh lùng riêng...
Trí óc và cảm xúc của Trịnh Công Sơn phù hợp với sự tổng hợp hơn là phân tích nghiêng về kết hợp hơn là phân chia. Tình yêu - Quê hương - Thân phận - làm sao nói hết về những vấn đề này bằng lời ca và chuyên chở bằng nhạc? Trong tình ca của Trịnh Công Sơn, người nghe chứng kiến cuộc thể nghiệm sáng tạo và đổi mới ngôn từ tiếng Việt dưới mọi góc độ, hình hài lạ lẫm, bằng những tri giác dày dặn nhiều tầng với khả năng tưởng tượng bay bổng.
Trịnh Công Sơn nói rằng: "Với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm tôi nhìn trời đất để lục về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để viết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm...".
Tôi gọi Trịnh Công Sơn là Người thơ ca bởi ở anh nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Cái tài và cái tình của người nhạc sĩ cô đơn này muôn năm trước và đến muôn năm sau vẫn tỏa sáng trong tâm hồn của những kẻ đã biết yêu và biết quên, biết hạnh phúc và biết khổ đau. Chính vì sự đồng cảm ấy mà nhạc sĩ Văn Cao - người không cùng thời với anh đã tìm ra một lời hẹn của tri âm. Văn Cao đánh giá về Trịnh Công Sơn rất cao: "Cái quyến rũ ở nhạc Trịnh Công Sơn ở chỗ không định ra một trường phái nào, một triết học nào mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như hình thức của dân ca... Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim không chỉ ở trong nước mà cả ở bên ngoài biên giới nữa...".
Những người yêu nhau trên đời vẫn tiếp tục khiêu vũ cùng với cây đàn guitar của Trịnh Công Sơn. Cùng với tiếng hát làm sương khói trần gian thêm bảng lảng để chút thiên thu còn lại mãi.

Author: Đặng Thị Thanh Hương