BÀI THƠ "MỘT CUỘC VÀO ĐỜI" CỦA TRẦN LÊ VĂN

Thi sĩ Trần Lê Văn

Thi sĩ Trần Lê Văn

Nhà thơ Trần Lê Văn (1923-2005),tên thật là Trần Văn Lễ, quê Vị Xuyên, Nam Định. Ông có nhiều năm làm công tác giáo dục ở miền núi phía Bắc. Trần Lê Văn cùng với Quang Dũng, Ngô Quân Miện kết thành bộ ba tài tử, rất được người đời nể trọng. Xin trân trọng giới thiệu một trong những bài thơ hay của nhà thơ Trần Lê Văn.











MỘT CUỘC VÀO ĐỜI 
Cảm tạ các bạn mừng tôi bảy chục “tuổi xuân”
Thu năm Ngựa có tin đồn
Người tên họ ấy tuổi tròn bảy mươi
Đúng tên tôi, đúng họ tôi
Mà nghe cứ tưởng chuyện người đâu xa
Ngẩn ngơ chiếc bóng chiều tà
Ngó mình, mình lại ngỡ là sớm mai
Bắt đầu, lại bắt đầu thôi
Trắng nguyên trang giấy bồi hồi đợi ta
Ngắm nhìn vũ trụ bao la
Huyền cơ đóng lại mở ra cũng thường
Lòng này mở đón yêu thương
Giã từ nhé! Nỗi chán chường lạnh tanh!
Ngại gì tóc lụi màu xanh
Lỡ khi bạc phếch tim mình mới lo
Gian lao gánh nặng “trời cho”
Một ngày còn vững tay co một ngày
Nụ vui còn ánh thơ ngây
Giọt buồn còn đượm nồng cay vị đời
Còn mê gió nổi mây trôi
Còn say cái đẹp tuyệt vời chon von
Bảy mươi dù khuyết hay tròn
Với ta, ta vẫn hãy còn đôi mươi
Tạ lòng bạn đến mừng tôi
Xin mừng một cuộc vào đời hôm nay.
Thu Canh Ngọ, 1990
Trần Lê Văn
---


Lời bình:
Mùa thu năm Canh Ngọ 1990, nhà thơ, nhà giáo Trần Lê Văn (Tên thật: Trần Văn Lễ) vừa tròn bảy mươi tuổi. Tuổi thất thập, nói như Đỗ Phủ, là tuổi “xưa nay hiếm”. Mừng thọ tuổi bảy mươi, nghĩa là mừng được sống nhiều sống lâu ở cõi đời, cũng là niềm hạnh phúc của một đời người, một gia đình. Hưởng lộc trời đến độ “xưa nay hiếm”, với một người bình thường, xem ra cũng đủ mãn nguyện rồi! Bạn bè đến thăm mừng nhà thơ lên lão trung thọ tíu tít đầy nhà, ấy thế mà thi nhân còn như mơ như tỉnh, cứ như một giấc chiêm bao. Rằng “Thu năm Ngựa có tin đồn / Người tên họ ấy tuổi tròn bảy mươi / Đúng tên tôi đúng họ tôi / Mà nghe cứ tưởng chuyện người đâu xa”…
Quả là một cách vào chuyện rất khéo, lại chêm tý đùa vui, hóm hỉnh của một Trần Lê Văn chưa muốn chịu già. Một sự khéo của tài hoa, chứ hoàn toàn không phải là vờ vĩnh, làm dáng làm duyên cố ý. Rõ ra giọng têu tếu với bạn bè, thân tình mà tự biết, của ông giáo thi sỹ từng trải việc đời việc người, lịch lãm và hồn nhiên đáng yêu. Tác giả viết: “Ngẩn ngơ chiếc bóng chiều tà / Ngó mình, mình lại ngỡ là đương trai”.
Một câu lục bát tiếp nối mạch tình cảm ở mấy câu đầu, nghe phảng phất cái âm hưởng đâu đó trong Văn Chiêu Hồn: “Ngẩn ngơ khi trở về già / Ai chồng con tá, biết là cậy ai”, hoặc trong Truyện Kiều: “Giật mình, mình lại thương mình xót xa” của Nguyễn Du; hoặc giả như có bóng dáng một câu thơ của Cụ Hồ hồi còn ở Việt Bắc kháng chiến: “Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai”…Có hơi hướng thôi, nhưng cũng chẳng sao cả, bởi “Ngẩn ngơ chiếc bóng chiều tà / Ngó mình, mình lại ngỡ là đương trai” của Trần Lê Văn có nội dung hoàn toàn khác, nó ký thác tâm sự của tác giả, khi chợt nhận ra rằng mình đã già rồi, nên thoáng “ngẩn ngơ”, cảm thấy thân phận mình cũng chỉ như “chiếc bóng” mỏng manh, mong manh vậy thôi. Nhưng câu sau lại “đỡ đần” cho câu trước, như thể gượng cười, gượng đùa tếu táo, để bạn bè vui, để mình tự vui…
Đoạn thơ tiếp theo thì khác. Sau phút “ngẩn ngơ” mộng mị, thi nhân chợt tỉnh, dường như cảm thấy sảng khoái hẳn lên, trẻ trung hẳn ra, trí tâm như bừng sáng và khai tuệ, tỉnh thức: “Bắt đầu, lại bắt đầu thôi / Trắng nguyên trang giấy bồi hồi đợi ta / Ngắm nhìn vũ trụ bao la / Huyền cơ đóng lại mở ra cũng thường / Lòng này mở đón yêu thương / Giã từ nhé! Nỗi chán chường lạnh tanh”…
Thế là một trang đời cũ khép lại từ đây, để rồi “bắt đầu, lại bắt đầu thôi” một trang đời khác, mới hơn, mà trẻ trung chả kém, như trang giấy trắng đang “bồi hồi đợi ta”! Thi nhân mở cửa, “Ngắm nhìn vũ trụ bao la”, rồi suy ngẫm, suy nghiệm về cái sự “Huyền cơ đóng lại mở ra cũng thường”, chứ phải đâu cứ đóng rồi đóng mãi, nên chi cứ vui lên, cứ mở lòng ra mà đón lấy nắng trời, đón lấy yêu thương tràn về từ trăm ngả! Rồi “tuyên cáo” đoạn tuyệt với nỗi buồn, với “nỗi chán chường lạnh tanh”!
Tiếp đó là những câu thơ có vẻ lý sự, biện hộ cho niềm hứng khởi đột nhiên bừng thức, rằng chả ngại đầu xanh hay đầu bạc, chỉ ngại rằng “Lỡ khi bạc phếch tim mình mới lo”! Còn như được hưởng cái phúc “trời cho” rồi, thì còn phải tiếp tục “chiến đấu”, không ngừng phấn đấu, “Phải vững tay co” và hơn thế: “Nụ vui còn ánh thơ ngây / Giọt buồn còn đượm nồng cay vị đời / Còn mê gió nổi mây trôi / Còn say cái đẹp tuyệt vời chon von”… 
Thật là những câu thơ như muốn bứt tung cái xiềng xích của tuổi già, như muốn ôm ghì lấy tuổi yêu tuổi dậy thì mơn mởn mà “vui” mà “mê” mà “say” ngây ngất, mà đắm đuối với cái “tuyệt vời chon von”... Một Trần Lê Văn đang muốn trẻ lại tuổi đôi mươi, hồn nhiên như chưa bao giờ thấy, thi sỹ như chưa bao giờ thấy. Chao ôi, cuộc đời mấy khi được phút thăng hoa đẹp đẽ đến như vậy? Thì hãy cứ vui lên, dẫu biết rằng “Bảy mươi dù khuyết hay tròn”. Và xin “Tạ lòng bạn đến thăm tôi”, nào nâng chén mừng cho một cuộc vào đời mới hôm nay!...
Một bài thơ giàu âm hưởng vui tươi, của một thi nhân tuổi đã cao, ấm áp tình đời tình bè bạn tri âm tri kỷ. Đến chúc mừng sinh nhật tuổi bảy mươi của Trần Lê Văn hôm ấy, đã vắng một người bạn tâm giao, đó là Quang Dũng. Nhà thơ Quang Dũng ra đi vài năm trước đó, chỉ còn có Ngô Quân Miện và một số bạn văn khác mà thôi. Bây giờ thì cả ba thi sỹ ấy cũng đã rủ nhau về trời, nhưng tình bạn của ba ông thì vẫn được người sau ca ngợi. Đó là ba người tử tế, keo sơn gắn bó chân thành, cũng hiếm có trong làng văn chương nước Việt ta. Như vẫn còn nghe vang vọng đâu đây lời nhắn nhủ của người thơ, rằng “Có ai nghe thấy một tiếng vọng / thì thả con thuyền sang với tôi!”. Trần Lê Văn đấy!
Hà Nội 28-5-2011
Vũ Bình Lục