BỘC LỘ NHIỀU KHIẾM KHUYẾT VỀ QUẢN LÝ SỰ CỐ ĐỐI VỚI VỤ CHÁY Ở NHÀ MÁY BÓNG ĐÈN PHÍCH NƯỚC RẠNG ĐÔNG

Tưởng rằng các quan chức đã biết rút kinh nghiệm từ vụ Cống Rộc nhưng không ngờ sự việc tương tự lại diễn ra trong vụ cháy Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông vừa qua. Và chính những thông tin nhiễu loạn ấy mới làm người dân hoang mang chứ không phải do hơn 1.000 tờ văn bản khuyến cáo của lãnh đạo phường Hạ Đình.
Khu nhà xưởng nằm tại số 87-89 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã cháy rụi sau một đêm.
Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội ngày 28-8-2019 đã trôi qua cách đây 1 tuần. Phải mất tới gần 70 giờ, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ cháy không phải ở sự thiệt hại về người (không có thương vong trong vụ cháy) hay về tài sản mặc dù thiệt hại vật chất sơ bộ tính thành tiền lên tới 150 tỷ đồng. Tính chất đặc biệt nghiêm trọng cũng không phải ở chỗ nguyên nhân gây cháy và nên xử lý ai khi còn chưa có kết luận từ phía cơ quan điều tra; thậm chí là còn chưa xác định được có hay không có một vụ án hình sự.

Tuy nhiên, vụ cháy đã làm bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong việc quản lý sự cố an ninh trật tự có liên quan đến môi trường và xa hơn nữa là quản lý thảm họa.

Việt Nam ta đã từng quản lý rất tốt các sự cố, các thảm họa do thiên nhiên gây ra như bão, lũ, lở đất cũng như do con người gây ra như sự cố ô nhiễm môi trường biển do Fomosa gây ra hay sự cố ô nhiễm chất hóa học ở Thanh Hóa và nhiều vụ việc khác. Nhưng trong vụ cháy ở Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông, các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội đã không rút được bài học kinh nghiệm để xử lý sự cố này như chúng ta đã từng xử lý những sự cố còn nghiêm trọng hơn như vừa nêu trên. Trong khi đó, vụ cháy Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông không chỉ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà còn có tính chất phức tạp riêng có của nó.

1- Khiếm khuyết về nắm tình hình và đánh giá về vụ cháy.

Như thường diễn ra, mỗi khi có tin báo cháy, lực lượng phòng cháy chữa cháy đều gấp rút triển khai lực lượng và phương tiện đến địa điểm cháy một cách nhanh chóng nhất có thể được. Tất nhiên là đi theo đoàn xe chữa cháy luôn có hàng chục phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài đã ngồi chờ sẵn trong các quán trà quanh trụ sở các đội chữa cháy, sẵn sàng cùng các chiến sĩ PCCC tới ngay hiện trường để đưa tin.

Nhưng có mặt sớm chưa đủ. Việc đầu tiên phải làm khi tới hiện trường là “trinh sát đám cháy”. Có nghĩa xem xét nhanh mức độ cháy, diện tích cháy, chất cháy, điều kiện địa hình địa vật quanh đám cháy, các hóa chất có trong khu vực cháy.v.v… Để làm được việc này, các chiến sĩ PCCC rất cần sự hợp tác của chủ nhân của công trình, tài sản .v.v… bị cháy cũng như những người chứng kiến vụ cháy ngay từ đầu.

Tuy nhiên, trong vụ cháy tại Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông, dư luận có quyền đặt câu hỏi về mức độ hợp tác đến đâu của các cán bộ có trách nhiệm ở Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông. Liệu họ có cung cấp đầy đủ thông tin về nhà máy của mình cho các chiến sĩ PCCC để họ xử lý cho đúng hay không ? Đặc biệt là thông tin về những hóa chất độc hại vẫn còn đang “ngâm trong lửa”. Đây là điều đặc biệt quan trọng, không chỉ làm tăng thêm tính chất phức tạp của vụ cháy mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của các chiến sĩ PCCC cũng như người dân xung quanh khu vực bị cháy.

Còn nhớ năm 1994, tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại khu chợ Đồng Xuân-Bắc Qua. Khi người dân phát hiện đám cháy mới bùng phát tại 2 kios phía Bắc chợ trên phố Hàng Khoai, Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh đã điều ngay 2 xe chữa cháy đến hiện trường. Phương án tối ưu nhất được người chỉ huy kíp chữa cháy vạch ra là điều xe chữa cháy số 1 vòng sang phía Nam chợ ở phố Cầu Đông, đi vào trong chợ để phun nước từ trong ra, phối hợp với xe chữa cháy số 2 phun nước từ ngoài vào. Với “hai mũi giáp công này”, ngọn lửa chắc chắn sẽ bị dập tắt sớm, ngăn chặn được thảm họa lửa cháy lan ra toàn bộ khu chợ.

Thế nhưng viên đội trưởng bảo vệ chợ và cả kíp trực bảo vệ hôm đó đã kiên quyết không chịu cho phá cổng chợ để các chiến sĩ PCCC vào dập lửa. Thậm chí họ còn thách thức các chiến sĩ PCCC phải bồi thường thiệt hại khi đưa xe chữa cháy vào trong chợ. Kết quả là xe chữa cháy số 1 phải vòng lại phố Hàng Khoai tiếp nước cho xe số 2 dập lửa. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là “đuổi lửa vào đốt chợ”.

Tất cả những tình tiết trên đây đều được nêu lên trong phiên tòa xét xử kíp trực bảo vệ Chợ Đồng Xuân hôm xảy ra vụ cháy và được các bị can thừa nhận. Nhắc lại vụ này để chúng ta thấy sự hợp tác của người lãnh đạo, quản lý hay chủ nhân công trình, tài sản bị cháy quan trọng đến mức nào để có thể khống chế sự cố cháy nổ tới mức tối đa, giảm thiểu các thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể.

Trong vụ cháy Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông, có nhiều khả năng về việc các vị lãnh đạo, quản lý nhà máy đã không cung cấp đầy đủ thông tin về các hóa chất nguy hiểm đang có trong nhà máy, dẫn đến việc 11 chiến sĩ phải đi xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu. Rất may là họ đã không bị nhiễm độc. Nếu lãnh đạo, quản lý nhà máy cung cấp ngay từ đầu những thông tin này, lực lượng phòng cháy chữa cháy sẽ có biện pháp để bảo vệ các chiến sĩ của mình.

2- Khiếm khuyết về chỉ đạo chữa cháy và khắc phục hậu quả.

Trong vụ cháy chợ Đồng Xuân năm 1994, ngay khi lực lượng chữa cháy còn đang chiến đấu quyết liệt với “giặc lửa” người ta đã thấy ông Phạm Thế Duyệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó và ông Hoàng Văn Nghiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội khi đó đến hiện trường để kiểm tra và chỉ đạo chữa cháy cũng như chỉ đạo việc khắc phục hậu quả. Hay như vụ cháy Nhà hàng Karaoke số 68-Trần Thái Tông năm 2016 làm chết 13 người, cả Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng Giám đốc Công an thành phố cũng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo. Hay như vụ cháy chung cư mới đây ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng tức tốc đến hiện trường khi đám cháy còn chưa được dập tắt. Tuy nhiên, đối với vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông thì chẳng hề thấy bóng dáng một vị lãnh đạo thành phố nào tới đó cả.

Tất nhiên là người lãnh đạo không nhất thiết phải có mặt tại hiện trường các vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khi nó đang diễn biến phức tạp và có thể chỉ đạo từ xa trong thời đại công nghệ 4.0 này. Nhưng những diễn biến xung quanh việc Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình Trần Thị Nhiên ký ban hành văn bản khuyến cáo người dân đề phòng chất độc hại phát tán từ vụ cháy đến việc bà Lê Mai Trang, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân ra quyết định thu hồi văn bản của UBND phường Hạ Đình, đến việc thông báo rằng Quận ủy Thanh Xuân kiểm điểm bà Trần Thị Nhiên vì lỗi ban hành văn bản vượt thẩm quyền, gây hoang mang trong nhân dân, đến việc lãnh đạo Tổng cục Môi trường đến hiện trường với tấm mặt nạ phòng độc cho thấy sự lúng túng, chồng chéo, thậm chí là rối loạn trong việc chỉ đạo của các cấp chính quyền Hà Nội khi xử lý vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này.

Để xảy ra hiện tượng này là có lỗi của cả các đồng chí lãnh đạo phụ trách chung, lãnh đạo chuyên ngành lẫn cán bộ tham mưu từ kém hiểu biết về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy đến việc thu thập thông tin, đánh giá tình hình và đưa ra các biện pháp xử lý. Lẽ ra, khi nắm được những thông tin về mức độ nghiêm trọng có thể có, lãnh đạo các cấp của Thành phố Hà Nội cần thết và có thể đưa ra những giải pháp phòng ngừa sớm, kể cả trong trường hợp không có rò rỉ chất độc hại thì phòng vẫn hơn chống, ngăn ngừa vẫn tốt hơn là chạy theo khắc phục hậu quả.

Ở các nước, một khi có nguy cơ sự cố nghiêm trọng về môi trường, chính quyền và các cơ quan chức năng đều đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo có tính phòng ngừa sớm. Kể cả nếu không xảy ra sự cố thì những cảnh báo đó cũng vẫn được rút lại. Và chẳng có chuyện gì xảy ra nếu hành động cảnh báo, khuyến cáo đó chỉ nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ người dân, ngăn ngừa hậu quả có thể có của sự cố hay thảm họa. Vì vậy, những lập luận mà chính quyền quận Thanh Xuân nêu ra về việc ban hành văn bản “gây hoang mang trong quần chúng” đều không phù hợp. Lập luận ấy xem ra có vẻ rất “chính trị” nhưng lại hết sức phi thực tế và vói đúng hơn là phi chính trị,

Cái lý duy nhất đúng mà bà lãnh đạo quận Thanh Xuân đưa ra “ban hành văn bản vượt thẩm quyền”. Nhưng trong trường hợp này, cần phải nói cho rõ rằng nếu chờ các cơ quan chức năng kết luận có ô nhiễm hay không có ô nhiễm môi trường làm cơ sở để ban hành văn bản thì sự cố vẫn ô nhiễm vẫn có thể diễn ra. Vậy thì việc Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình ra văn bản khuyến cáo người dân đề phòng ô nhiễm là hoàn toàn đúng đắn, hợp tình, hợp lý trên tinh thần tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là “Việc gì có lợi cho dân thì cần gắng sức làm”.

Lãnh đạo quận Thanh Xuân nghĩ sao nếu như kết luận của các cơ quan chức năng là có ô nhiễm ? Tất nhiên là không ai mong muốn điều đó nhưng ở thời điểm vụ cháy vẫn còn chưa được dập tắt hoàn toàn, ai dám khẳng định là sẽ không có ô nhiễm ? Và chính Thông cáo báo chí của Bộ Tài nguyên môi trường phát đi sáng 31-8-2019 khẳng định vẫn tiềm ẩn những rủi ro về môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đồng thời khuyến cáo để người dân tự bảo vệ như tạm thời không sử dụng lương thực, thực phẩm nuôi trồng quanh khu vực đám cháy; không sử dụng nguồn nước mặt để sinh hoạt, ăn uống; vệ sinh nhà cửa, quần áo bám khói bụi… ở bán kính 1,5 km, tức gấp 2 đến 3 lần phạm vi cảnh báo của phường Hạ Đình đã bị quận Thanh Xuân thu hồi… đã khẳng định rằng cảnh báo mà UBND phường Hạ Đình đưa ra là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.

Lâu nay, để trốn tránh trách nhiệm, thậm chí là đổ vấy cho người khác, các vị lãnh đạo các địa phương, các ban ngành ở cơ sở thường hay có câu cửa miệng để trả lời báo chí: “Chúng tôi chưa nhận được báo cáo”. Tất nhiên là đối với những sự vụ thông thường thì câu trả lời đó còn có thể tạm chấp nhận được. Nhưng khi đã hoặc đang diễn ra sự vụ cháy nhà, chết người mà còn ngồi đó chờ báo cáo thì câu trả lời ấy chỉ càng làm bộc lộ sự quan liêu, tắc trách của họ mà thôi.

Vì vậy, nếu bà Trần Thị Nhiên đã vội vã “vượt thẩm quyền” khi ban hành văn bản khuyến cáo người dân đề phòng thì lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng đã “lạm quyền” và khinh suất khi vội vã thông báo kiểm điểm và kỷ luật lãnh đạo phường Hạ Đình. Bởi trong tình trạng nguy cơ có thể diễn ra, lãnh đạo phường Hạ Đình đã làm đúng. Cho dù buộc phải vượt thẩm quyền nhưng mục đích phòng ngừa của họ là hoàn toàn cần thiết trong tình thế khẩn cấp. Ngay cả đến khi cơ quan chức năng kết luận chắc chắn rằng việc ô nhiễm môi trường không diễn ra thì lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng không thể kỷ luật lãnh đạo phường Hạ Đình vì họ đã làm đúng chức năng và trách nhiệm của mình khi có tình huống nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Lãnh đạo phường Hạ Đình chỉ cần rút kinh nghiệm thì thiết nghĩ cũng đã là quá đủ rồi.

3- Khiếm khuyết trong kiểm soát thông tin:

Những vụ cháy “tưng bừng” và “đình đám’ luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là điều bình thường. Nhưng việc đưa tin, đăng tải thông tin của báo chí thì lại là việc khác. Với tư cách là những người hiểu biết, những người định hướng cho dư luận, báo chí không thể viết theo kiểu một anh chàng xe ôm ngồi trong quán nước chè cạnh đám cháy để quan sát và viết theo cảm tính lên facebook, twite, blog hoặc wordpress.

“Nhanh nhẩu đoảng, vội vàng hư” là căn bệnh mà những người trẻ tuổi hay mắc. Đó là việc chỉ mới quan sát hiện tượng một cách hời hợt, thu thập thông tin không đầy đủ, không kiểm chứng, không xác định mức độ tin cậy của nguồn tin mà đã vội viết tin, bài đăng báo là việc tối kỵ đối với một nhà báo, một phóng viên chân chính. Ngay cả đội ngũ biên tập viên cũng vậy. Họ giữ “cánh cửa” cho tin, bài được hay không được đăng tải trên các tờ báo, trang tin và phải chịu trách nhiệm về độ chuẩn xác của thông tin mà các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên gửi về tòa soạn. Thế nên họ cần thấu hiểu một cách sâu sắc rằng uy tín của một từ báo, một trang tin nằm trong tay họ cũng như phải am hiểu những lĩnh vực có liên quan ngoài chuyên ngành báo chí.

Lâu nay, nhiều người vẫn chê trách “báo nhà nước” phản ứng chậm trước một số sự kiện, còn báo điện tử, báo của tổ chức nhanh hơn. Nhưng xin lỗi ! Những tờ báo có trách nhiệm, những tờ báo chân chính có hai ưu điểm đáng để học tập: Một là đăng tin chính xác và nhanh nhưng ngắn gọn, chỉ mô tả, không bình luận. Hai là đăng tin chậm một chút nhưng có kiểm chứng về mức độ chuẩn xác, thẩm định nội dung, xác minh nguồn gốc tin cậy của tin tức rồi mới đăng với những phân tích, bình luận sâu để người đọc hiểu rõ vấn đề, không suy diễn, không có những “thủ đoạn câu kéo độc giả”. Bài học “đạo đức người làm báo” này chắc còn phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần hơn nữa.

Tuy nhiên, khiếm khuyết lớn nhất về quản lý thông tin lại nằm ở những người lãnh đạo.

Mọi người chắc còn nhớ vụ án “Chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích” diễn ra ở Cống Rộc, Tiên Lãnh, Hải Phòng năm 2008. Khi đó, việc kiểm soát thông tin cũng hết sức kém cỏi. Trong ba ngày đầu, các báo chí được cung cấp tin từ Huyện ủy và UBND huyện Tiên Lãng đều đăng tin mô tả anh em Đoàn Văn Vươn như những tên côn đồ hung hãn, sẵn sàng lấy mạng người khác. Nhưng chỉ đến khi một số tờ báo khai thác được những uẩn khúc đằng sau vụ việc, trong đó có nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra vụ việc, có liên quan đến những hành vi tham nhũng của quan chức huyện Tiên Lãng thì dư luận lập tức đổi chiều.

Trong cả hai tình huống này, cơ quan quản lý truyền thông đã “bỏ bê”cho sự vụ bùng nổ, để mặc cho những thế lực phản động bên ngoài cũng như những kẻ bất mãn, chống đối bên trong mặc sức hoành hành, gây nên một làn song thông tin hết sức có hại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Thế rồi không ai phải chịu trách nhiệm về sự “buông lỏng” này cả. Còn những kẻ có tư tưởng chống Đảng, chống Nhà nước, chống phá chế độ còn được dịp tung hô rằng đó là “thắng lợi” của chúng. Thậm chí, một nhà văn nổi tiếng còn dẫn cả một đoàn “dân oan” từ Phụng Công, Cửu Cao và Đình Thôn (nơi đang có tranh chấp đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên khi đó) xuống Tiên Lãng để “học tập kinh nghiệm” của gia đình Đoàn Văn Vươn trong việc… chống chính quyền. Còn một số phóng viên hám lợi, hám danh, cơ hội chính trị thì hỷ hả vơ vào rằng vì có họ nên vụ việc mới được phanh phui ra ánh sáng.

Tưởng rằng các quan chức đã biết rút kinh nghiệm từ vụ Cống Rộc nhưng không ngờ sự việc tương tự lại diễn ra trong vụ cháy Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông vừa qua. Và chính những thông tin nhiễu loạn ấy mới làm người dân hoang mang chứ không phải do hơn 1.000 tờ văn bản khuyến cáo của lãnh đạo phường Hạ Đình.

Trong tình thế vụ cháy có nguy cơ làm phát tán chất độc hại, lẽ ra lãnh đạo các cấp, từ thành phố Hà Nội đến quận Thanh Xuân phải đứng ra phát biểu và khuyến cáo chứ không thể là ai khác. Trong khi có nhiều thông tin nhiễu loạn thì chỉ cần một lời phát biểu, nhận định đúng tình hình, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật của một vị lãnh đạo Thành phố ắt hẳn sẽ có trọng lượng gấp nhiều nhiều lần so với những lời đốn đoán, những tin tức suy diễn chủ quan, một chiều. Thực ra thì cũng chẳng có gì là khó nói. Chỉ cần nhận định rằng cơ quan chức năng vẫn còn đang trong qua trình kiểm tra và khuyến cáo người dân cần có các biện pháo phòng ngừa, yêu cầu cấp dưới thực hiện những biện pháp cần thiết theo chức trách, nhiệm vụ của mình để bảo đảm an toàn cho người dân là đủ. Có gì cao xa đâu mà khó nói đến vậy ?

Nguyên nhân của hiện tượng không có gì khác hơn là sự xa rời thực tế, nói sâu hơn nữa là “xa dân”. Bởi trong tình trạng cấp thiết như vậy thì ở mặt trận chiến đấu chống ngoại xâm cũng như trong tình huống cấp thiết ở thời bình, người lãnh đạo hoặc đích thân, hoặc thông qua bộ máy tham mưu của mình phải có mặt ngay ở những điểm nóng, nắm chắc tình hình nhất, chỉ đạo xử lý tình huống trước tiên và sâu sát nhất. Và đặc biệt là phải đi trước cả báo chí. Có như vậy mới kiểm soát được tình hình nói chung và kiểm soát thông tin nói riêng, không để tán phát những tin đồn vô căn cứ, những thông tin không chính xác .v.v… Trong vụ này, đây là một khiếm khuyết lớn của lãnh đạo quận Thanh Xuân và trên đó là cả của lãnh đạo thành phố Hà Nội.

4- Bản “Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Thành phố Hà Nội” hiện đang ở đâu ?

Quản lý sự cố, quản lý rủi ro từ lâu đã trở thành một công việc cần thiết của bất cứ chính quyền nào ở bát cứ một quốc gia nào. Việt Nam ta cũng đã có nhiều văn bản quản lý của Nhà nước cấp Trung ương cho đến cấp địa phương để quản lý sự cố, rủi ro do thiên nhiên mang lại hoặc do con người gây ra. Thực tế cho thấy các kịch bản về phòng chống bão, lũ, phòng chống cháy rừng, phòng chống dịch bệnh .v.v… mà các cơ quan chức năng dự báo và triển khai đã làm giảm thiểu rất nhiều hậu quả của những sự cố, rủi ro ấy. Vấn đề quan trọng nhất là sau khi đã có các kịch bản thì phải thực hiện ngay các phương án ứng phó mà kịch bản đã đưa ra một khi có tình huống thực tế tương ứng.

Tháng 5-2018, chính quyền thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt “Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Thành phố Hà Nội”. Bản đề án rất chi là chi tiết và hoành tráng này đã đưa ra hàng chục kịch bản về các rủi ro có thể xảy ra đối với Thủ đô Hà Nội, bao trùm nhiều lĩnh vực từ thiên tai, bão lũ, động đất, ô nhiễm nguồn nước đến sập đổ công trình .v.v… Thậm chí, cả nguy cơ rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam cách xa Hà Nội hàng nghìn km cũng được đề cập đến.

Thế nhưng khi một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng có nguy cơ làm rò rỉ hóa chất độc hại ra môi trường như vụ cháy Nhà máy Bóng đèn-Phích nước Rạng Đông vừa qua thì lại không thấy đề án này đề cập đến. Người ta cũng không thấy bất kỳ một cấp có thẩm quyền nào triển khai bất kỷ một trong các kịch bản của đề án đã nêu ra đúng hoặc gần đúng với thực tế. Và người ta cũng không thể biết rằng cái đề án ấy đang nằm ở đâu, nội dung của nó liệu có phù hợp và phù hợp tới mức nào đối với tình huống hiện hữu chứ không phải tình huống tưởng tượng hay không.

Lây nay, công tác nghiên cứu khoa học của chúng ta hay mắc cái bệnh xa rời thực tiễn. Bản “Đề án Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với Thành phố Hà Nội” ban hành tháng 5-2018 đúng ra phải là một công cụ khoa học quản lý và pháp lý đặc biệt cần thiết. Nhưng đến khi xảy ra sự việc thì dường như bản đề án ấy chưa từng tồn tại. Có lẽ nó đã được cất vào kho lưu trữ chăng ?
Nguyễn Minh Tâm