CHẤT LÃNG MẠN VỚI CÁC CHIỀU KHÔNG GIAN THƠ

Tác giả Trần Kế Hoàn, bút danh: Trần Hoàn, Trần Kế Hoàn; quê: Côi Sơn – Thị trấn Gôi - Vụ Bản – Nam Định; Phó chủ nhiệm CLB thơ Non Côi, hội viên hội VHNT Nam Định. Tác phảm :- Khoảng trời vành khuyên (Thơ – NXB Hội Nhà văn, 2010)/ - Vía chữ thần nông (Thơ – NXB Hội nhà văn, 2014) Và có bài đăng ở nhiều báo chí; tuyển tập. Xin được giới thiệu một số bài viết mà tác giả gửi tặng Website Văn nghệ Sơn Tây. Qua đây ban biên tập website Văn nghệ Sơn Tây xin được cảm ơn tác giả!
Ảnh minh họa
CHẤT LÃNG MẠN VỚI CÁC CHIỀU KHÔNG GIAN THƠ

 Khoảng gần hai chục năm nay, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã tổng kết thành lý luận rằng thơ có bảy chiều không gian: 1/ Chiều trực cảm. 2/ Chiều tâm cảm. 3/Chiều liên tưởng. 4/Chiều tâm tình. 5/Chiều chiêm nghiệm. 6/ chiều tiềm thức. 7/ Chiều tâm linh.
Tôi thấy đây là sự nghiên cứu rất khoa học, rất thuyết phục về thơ. Có những bài thơ được viết lên từ một chiều không gian, có bài thơ được viết lên bằng hai hay nhiều chiều không gian nhưng đích chung  của các cách viết là phải làm cho câu thơ có nhiều tầng ý nghĩa:  THƠ PHẢI LÃNG MẠN.
Người làm thơ phải có trí tưởng tượng cao, có những liên tưởng độc đáo hay nói cách khác là phải có óc lãng mạn thì mới tìm được ngôn ngữ thơ cho đứa con tinh thần của mình. Để dẫn dắt người đọc đến những ý tưởng mình muốn gợi mở nhà thơ có thể dùng chiều không gian này hoặc chiều không gian kia tùy theo sắc thái  cảm hứng ở mỗi thời điẻm, sở trường của mỗi người nhưng mục đích chung là làm sao câu thơ có nhiều tầng ý nghĩa, có tính khái quát cao.
   Trong triết học người ta định nghĩa: “ Lãng mạn là nhận thức thế giới khách quan bằng ý thức chủ quan nhưng vượt ra ngoài thực tại”.
  Chinh vì có một tâm hồn lãng mạn nên các nghệ nhân tạo hình đã đục lên đá, lên gỗ những con vật hoặc hoa lá đẹp hơn ở ngòai đời thực. Họa sĩ vẽ tranh dân gian “ Lý ngư vọng nguyệt”  nếu không vẽ con cá chép đẹp hơn con cá chép thực thì chẳng ai dại gì mà mất tiền mua về treo trên tường nhà mình cả.
     Tôi nhận thấy thường thì chất lãng mạn trong thơ được “lên men” từ hiện thực. Ở các chiều tiềm thức và chiều tâm linh chất lãng mạn có thể lại được “lên men” trong ảo giác trong giấc mơ. Ở bài viết này tôi chỉ bàn tới hai câu thơ tiêu biểu ở hai chiều liên tưởng và tâm tình đủ để rút ra một số kết luận  hữu ích  khi cảm thụ và sáng tác...
    Trước tiên tôi xin phân tích hai câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu với nhãn quan của một người luôn lấy ngòi bút cổ động cho mọi phong trào Cách mạng  trong suốt hai cuộc trường chinh cứu nước vừa qua của dân tộc ta:
                     “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
                       Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
    Con đường Hồ Chí Minh được mở dọc dãy Trường Sơn để phục vụ cho viêc vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam là một thực tế nhưng tác giả đã nhận thức hiện thực này vượt ra ngoài cái nghĩa đen  của nó khiến câu thơ gợi mở cho người đọc nhiều tầng ý nghĩa:
   1/ Sức mạnh của cách mạng, của dân tộc (xẻ được núi)
   2/ Quyết tâm giải phóng miền Nam (dẫu núi cũng phải “xẻ dọc”)
  3/  Sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam (nhiều người mới “xẻ” được núi)
   4/ Sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc (đến cả dãy Trường Sơn cũng bị “xẻ”)
   5/ Gian khổ khó khăn to lớn (xẻ núi là vất vả lắm)
   6/Tình yêu quê hương đất nước thiết tha (mới dám xả thân như thế)
   7/ Căm thù giặc Mỹ sâu sắc (mới quyết tâm như thế)
   8/ Sự lạc quan yêu đời của những người đi xẻ núi (“lòng phơi phới”)
   9/ Niềm tin tất thắng (“dậy tương lai”)
  10/ Khí thế hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (hinh tượng xẻ dọc cả dãy Trường Sơn chạy dài theo chiều dài đất nước)
   11/ Tầm vóc vĩ đại của sự nghiệp cách mạng (cả sông núi cũng sẵn sàng hy sinh)
  12/ Khát khao tự do độc lập. (Câu thơ một lần nữa khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”)
   13/ Niềm tự hào của những người được tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến
  14/ Vai trò to lớn của dãy Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
  15/ Tầm nhìn chiến lược, chiến thuật của Đảng ta trong lãnh đạo chiến tranh giải phóng, biết tận dụng triệt để địa hình hiểm trở của núi rừng, biết huy động sức mạnh của cả một dân tộc
   Như vậy, chỉ với hai câu thơ, 14 âm tiết (với tôi) đã phát hiện ra tới 15 chiều ý tưởng hoàn toàn độc lập mà trong lý luận về thơ người ta gọi là các tầng ý nghĩa. Càng nhiều tầng ý nghĩa thơ càng hay, tính lãng mạn càng đậm nét. Những tầng ý nghĩa của thơ như thế người ta gọi là “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời)
  Từ những điều thơ đề cập đến người đọc có thể liên tưởng đến những điều khác xa xôi hơn. Theo Nguyễn Vũ Tiềm định nghĩa như thế về không gian thơ thì hai câu trên ở chiều liên tưởng.
  Vậy tại sao hai câu thơ trên lại gợi ra nhiều tầng ý nghĩa như thế?
    Xin thưa tiêu điểm gợi mở thứ nhất của hồn thơ ở đây là động từ: “xẻ”. Nếu ta cứ nói thật như đếm là; “Làm đường dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì sức gợi của câu thơ kém đi rất nhiều. Động từ : “xẻ” thông thường chỉ những viêc làm  nhỏ ví như xẻ một thân cây, một con mương… Nói: “xẻ dọc Trường Sơn” khiến người ta cảm thấy tất cả mọi đồ sộ, hùng vĩ cũng nhỏ bé trước sức mạnh của dân tộc.
   Điểm gợi mở thứ hai của hồn thơ là hiện thực cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có sẵn, tác giả chỉ việc sao chép nguyên sy. Đó là hình tượng dải Trường Sơn chạy dài theo chiều dài Tổ quốc. Nếu chúng ta chỉ mở đường qua một quả đồi nhỏ thì hẳn là câu thơ cũng chẳng có sức gợi ghê gớm đến thế. Điều này không thuộc sự sáng tạo của nhà thơ mà thuộc sáng tạo của lịch sử, nhà thơ chỉ là người biết chọn lọc thực tế để tái tạo thành hình tượng thơ mà thôi.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               
    Bây giờ chúng ta đến với một bài thơ nổi tiếng khác của Nguyễn Bính:
                                          Chiều nay dưới bến xuôi đò
                                    Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
                                            Anh đi đấy, anh về đâu?         
                                    Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm…
                                                                               (Không đề)
 
     Hai câu đầu chưa phải là thơ bởi chưa gợi mở được ý gì đằng sau cái nghĩa đen của nó   Nhưng đến hai câu sau thì ắp đầy tâm trạng của người đưa tiễn:
    1/ Nỗi day dứt đến khắc khoải của cuộc chia li
    2/ Người ra  đi với một tương lai mù mịt
    3/ Tình cảm nồng thắm chứa chan của người đưa tiễn
    Ba tầng ý nghĩa này được gợi mở bởi các thủ pháp nghệ thuật sau:
   1/ Cách chuyển nhịp đột ngột của câu thơ từ 2/2 sang 3/3:                                   
                                            Chiều nay/ dưới bến /xuôi đò
                                    Thương nhau/ qua cửa /tò vò/ nhìn nhau
                                            Anh đi đấy,/ anh về đâu?         
                                    Cánh buồm nâu…/ cánh buồm nâu…/ cánh buồm…
                                                                              
     Câu hỏi tu từ: “Anh đi đấy,/ anh về đâu?” chia câu lục thành hai vế tiểu đối đầy day dứt, trở trăn. Nỗi niềm của kẻ ở trước bước chân vô định của người đi khiến câu thơ phá vỡ nhịp truyền thống mà nghẹn lai: “Anh đi đấy” rồi trào lên: “anh về đâu?”   như một tiếng nấc nghẹn ngào ,  để đến câu bát đổ tràn ra tựa hồ một hơi thở dài chìm dần vào vô tận: “Cánh buồm nâu…/ cánh buồm nâu…/ cánh buồm…”. Biết rằng  người đi nhưng nhấn mạnh là: “đi đấy”, một sự khẳng định đầy tâm trạng rất hợp lo-zic tình cảm với câu nghi vấn: “anh về đâu?”. Biết người thân ra đi nhưng không biết đến đâu, về đâu ai chẳng lo lắng, trở trăn.
   2/ Hình ảnh cánh buồm nâu được điệp lại  khiến câu thơ có sức gợi đến kinh ngạc. Đọc câu thơ người ta dễ dàng hình dung ra khung cảnh trời nước mênh mông mà trên đó có một cánh buồm nâu nhỏ dần… nhỏ dần… rồi mất hút vào dường chân trời xa lắc. Câu bát cuối này không những đã gợi được khoảng không gian mà còn giúp người ta cảm được cả thời gian và hình ảnh người đưa tiễn đang đứng lặng trên bờ chiều như một pho tượng đau đáu dõi mãi về phía chân trời: “Cánh buồm nâu…/ cánh buồm nâu…/ cánh buồm…”
Cả bài thơ không hề nhắc đến một từ chỉ sự chờ đợi nào nhưng hình tượng của nhân vật trữ tình đã hóa đá trong mỏi mòn mong nhớ.
   Thơ tâm sự giãi bày những nỗi niềm, cảnh ngộ theo Nguyễn Vũ Tiềm đã định nghĩa về không gian thơ thì bài thơ trên của Nguyễn Bính thuộc chiều tâm tình.
   Qua các dẫn chứng và phân tích trên chúng ta rút ra một số kết luận sau:
     1/ Các chiều không gian thơ chỉ là phương thức phản ánh nội tâm của nhà thơ. Các thủ pháp nghệ thuật mới là điều kiện tiên quyết để làm nên các tầng ý nghĩa trong thơ.  
    2/ Ngôn ngữ thơ là những từ, cụm từ,hoặc  cách nói (các thủ pháp nghệ thuật) để gợi mở ra một hoặc nhiều tầng ý nghĩa đằng sau nghĩa đen của câu thơ.
    3/ Nghĩa đen của câu thơ là sự trụi trần của hiện thực. Câu nào, bài nào chỉ có nghĩa đen chưa là thơ.
    4/ Nhiều khi hiên thực đã là thơ rồi, chỉ cần nhà thơ ‘bê” nguyên si vào văn bản thơ là xong.
    5/ Các tầng ý nghĩa dấu đằng sau nghĩa đen của câu thơ là sự thăng hoa cảm xúc chỉ có ở  những cây bút thực tài với một tâm hồn lãng mạn.
 
                                                                             Non Côi 4/3/2014
                                                                                 Trần Kế Hoàn