CHUYỆN NGẠI KỂ

Tôi thấy việc đám cưới lại cho các cụ thật vô duyên. Ta nên có những hình thức khác, đỡ phù phiếm nhiêu khê, vừa làm khổ con cháu, vừa làm khổ bạn bè. Những gì sai quy luật tự nhiên đều là lố lăng, nhăng nhít mang tiếng với thiên hạ.
Cưới lại
_____________________


CHUYỆN NGẠI KỂ
 
Lưu Quốc Hòa
 
Cách tôi hai làng có một lão đòi làm “đám cưới đồng”.
Chả dám nêu tên, sợ lão đấm vào mặt.
Tôi chơi thân với con trai trưởng nhà lão. Một bận tình cờ gặp nhau ngang đường, tôi rủ nó đi ăn sáng. Hai thằng đánh chén lòng lợn tiết canh. Nó vốn ít nói nhưng hễ nói là như đinh đóng cột. 
Ngà ngà say nó hậm hực bảo tôi:
- “Anh già” nhà tao đổ đốn rồi mày ạ. Đúng là cái đồ “cứt tháo dạ có chóp”.
- Mày bố láo bố lếu! Sao gọi bố là “anh già”.
- “Anh” ấy thối chuyện lắm mày ạ. Để tao kể cho mà nghe.
Rồi hắn kể:
- Mày biết đấy! Tao là hộ nghèo, nghèo khạc ra gio, nghèo ho ra máu chứ có vui thú gì đâu, thế mà bố tao chả thương, đòi đám cưới lại với bà già nhà tao. Bố khỉ! Thấy người ta đua cũng đòi/ Thấy người ta đẻ cũng nhoi lên giường.
- Sao? Cưới lại là kiểu gì. Tao cưới “đi” một lần còn khổ thấy mẹ, bố mày thật rách việc.
- Thế mới thối chuyện. Bố tao đi ăn cưới “vàng” của mấy ông giàu có, thừa tiền vãi ra mua vui rồi rửng mỡ học đòi. Mà người ta có danh có giá, bố tao hai lần vào tù chứ hay ho gì. Nhục, nhục thật mày ạ.
- Ừ, vớ vẩn thật đấy. chỉ khổ con cháu.
- Thì vưỡn!

-----------

Lão Cả Kích năm nay ngoài bảy mươi. Lão chắc như chày vồ gỗ nhãn. Khác với đám đàn ông già cả. Lão đi đứng, nói năng còn hoạt lắm. Người đi sau, cái miệng oang oang như lệnh vỡ đi trước. Hai lần đi tù về lão cứ phây phây. Càng ở tù càng béo tốt, cứ như vào tù là đi ăn dưỡng.
Khác với lão ông. Lão bà hom hem nhem nhuốc. Trông bà cứ như cây tre đực biết đi. Bà nghiện trầu vỏ nên miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu
và nhổ quết đỏ lòm quanh nhà. Được cái nết bà mau mắn. Hai lần lão Kích đi tù vì tội cờ bạc là hai lần tổng cộng bốn năm bà đi thăm nuôi. Trong tù lão Kích béo nây béo núc thì bà lại vạc đi như quả bồ kết phơi nắng.
Một bữa đi ăn cưới “vàng” một ông Đại tá về hưu, có vợ là diễn viên đoàn chèo. Trong lúc bốc đồng lão giơ tay trước một đám bạn già: Học tập ông Đại tá, tháng sau tôi cũng “cưới lại”.
Tưởng chuyện “trà dư tửu hậu” ai ngờ lão Kích chơi thật.
Dĩ nhiên là lão bỏ qua ý kiến bà vợ già. Trong nhà này lão là Thái thượng hoàng, quyết gì mọi người theo nấy.
Anh con trưởng (có nghĩa là bạn tôi) bị triệu tập đầu tiên. “tội quy vu trưởng” mà. 
- Này anh Cả! Anh có muốn báo hiếu tôi không đấy hả? Nói mau.
- Bố nói gì con không thủng? Báo hiếu cái gì cơ ạ?.
- Tôi muốn làm “ đám cưới đồng” với mẹ anh, thủng chửa? Cái người “banh lồn xé váy” đẻ ra lũ các anh các chị nhà này ấy. Thủng chửa? 
- Dạ! Thưa bố là thủng toang hoác ra rồi ạ. Con biết cái trò nhiêu khê ấy rồi. Con đang lo đái ra máu về thằng Cát, cháu ông đang học đại học ở Hà Nội, mỗi tháng gần bốn triệu bạc. Bố có tiền thì bố làm, hai vợ chồng con chỉ bỏ công thôi chứ có lột da vợ chồng con thì cũng chẳng có một đồng một cắc nào đâu.
Lão Kích đập bàn đánh xuỳnh và chỉ mặt: Thế thì cái sổ đỏ này tôi giao thằng Hai Tam, anh không đáng mặt làm con trưởng.
Chuyện thì dài kể ra nhọc công người viết, mất thời gian người đọc. Chỉ biết rằng “đám cưới”đồng” của lão vẫn cứ tiến hành. Có nghĩa là lão cũng comle ca vát như ai. Bà khọm khổ chủ cũng quàn áo dài, cũng cơm cỗ linh đình, nhạc sống nhạc sít lôi thôi.
Câu chuyện kể ra cũng cho qua vì cái thói đua đòi bây giờ là đại dịch bùng phát nhưng một kết cục vô cùng bi thảm lại diễn ra sau đám cưới lão Kích. Đó là đôi vợ chồng già vừa đám cưới “đồng” xã bên được mời. Tan cuộc hai cụ lên xe máy trở về. Do quá chén lại bất cẩn, khi qua đoạn đường ngang lối vào xã tôi bị tàu hỏa cán chết. Người ta khâm liệm hai cụ chở về xã. Lúc đi cũng có đôi và lúc về cũng …có đôi.


Lời bàn của Lưu Quốc Hòa
Con đường dẫn đến hôn nhân là giới tính, là sự va chạm thân xác của những người trẻ tuổi. Nó linh diệu và hấp dẫn vô cùng. Chính vì vậy lần đầu được làm cô dâu chú rể cho đến nhắm mắt xuôi tay, nó vẫn là cung đàn ngân nga mãi mãi. Người ta nhớ lần đầu tác hợp, người ta nhớ vị ngọt đôi môi…sướng lắm.
Tuổi già là lúc cạn kiệt giới tính, thưa lỏng rồi tiến lên kinh hãi tình dục thì còn đâu hứng khởi mà “cưới lại”. Cưới mà làm gì. Cưới xong thì cũng là lúc lo áo quan thì vui thú nỗi gì. Nếu ở địa vị tôi , trời thương để bố mẹ sống với nhau đến 120 tuổi tôi cũng phản đối "các kiểu cưới" mang tính "kim khí" người đời nặn ra. Người già càng sống lâu, càng chiêm nghiệm mực thước chứ chả ai rửng mỡ mà cưới xin rùm beng thiên hạ. Muốn làm gương cho con cháu thì thiếu gì cách mà phải "làm gương" kiểu vô duyên như thế.
Tôi rất kính trọng các cụ nhưng cũng rất phản đối cái phù phiếm. 
Ngày mẹ tôi lên thượng thọ. Tôi may cho Mẹ cái áo vàng rất đẹp. Mồng Sáu Tết tôi tổ chức mừng thọ cho Mẹ. Mẹ tôi mặc áo ngắm nghía và nhoẻn cười. Mẹ cười nhưng tôi lại khóc vì nghĩ rằng: Chả mấy nữa mẹ sẽ xa chị em tôi. Tôi thương cái rạo rực muộn màng mẹ có hôm ấy. Mẹ tôi mất gần mười năm rồi nhưng nụ cười ấy luôn ám ảnh tôi trong những đêm khó ngủ. 
Không biết bao lần tôi đã khóc vì nụ cười của Mẹ khi mặc áo vàng. Cha mẹ được phúc lão lai thì vợ (hoặc chồng) kết hợp với con cháu mừng thọ có phải ý nghĩa hơn không.
Tôi thấy việc đám cưới lại cho các cụ thật vô duyên. Ta nên có những hình thức khác, đỡ phù phiếm nhiêu khê, vừa làm khổ con cháu, vừa làm khổ bạn bè. Những gì sai quy luật tự nhiên đều là lố lăng, nhăng nhít mang tiếng với thiên hạ.
Đây là câu chuyện thật tôi kể lại với các bạn. Có lẽ nhiều người phản đối nhưng tôi vẫn cứ kể vì Lưu Quốc Hòa khi viết nghiêm túc thì hết sức nghiêm túc.
Mà nghĩ cho cùng. Một thằng đàn ông lắm thói hư tật xấu lại đĩ “có tàn có tán, có hương án thờ vua” như tôi mà còn thấy khó chịu thì các bậc chân tu còn khó chịu đến mức nào.

LQH