CÒN MÃI KỶ NIỆM TẾT HÀ NỘI

Nhà văn Hồ Phương

Nhà văn Hồ Phương

Dù ở cái tuổi 80 nhưng nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn khi gợi nhắc về những cái Tết trong cuộc đời mình - từ khi ông còn là một cậu bé Hà Thành, trở thành chiến sĩ cảm tử quân bảo vệ Hà Nội tới một nhà văn lão thành cách mạng.
Một ngày cuối năm tôi trở lại phố Nam Đồng, gõ cửa tới thăm nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương. Đã bao nhiêu năm nay, mỗi khi Tết đến nhà văn Hồ Phương lại tự tay đi chọn một cành bích đào về cắm ngày Tết. Đó là cái lệ của nhà văn tới bây giờ dù sức khỏe đã yếu.
Nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1931, tại xã Kiến An, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ông là con út trong một gia đình trí thức, có cha từng làm lục sự tại tòa án Hà Đông. Thuở nhỏ ông cùng gia đình sống tại Hà Đông, tới năm 1941, gia đình ông chuyển vào trong nội đô Hà Nội.
Và câu chuyện giữa tôi và nhà văn bắt đầu từ chuyện hoa ngày tết, rồi tới những cái tết của thuở thiếu thời từ khi nhà văn hãy còn là một cậu bé cho tới khi đã ngoài cái tuổi xưa nay hiếm.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học nhưng cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Gia đình của nhà văn tiêu biểu cho sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây của những gia đình trí thức của Hà Nội giữa đầu thế kỉ 20. Vì vậy những giá trị truyền thống của tết Việt Nam nói chung và của người Hà Nội nói riêng gia đình nhà văn coi trọng và gìn giữ tới bây giờ.
Trong trí nhớ của Nhà văn Hồ Phương, mẹ ông là người đảm đang nội trợ và nấu ăn rất ngon. Tuổi thơ của ông cho tới bây giờ vẫn không thể quên được những cái Tết trôi qua ấm cúng cùng với gia đình, đặc biệt là những món ăn cụ làm cho cả nhà nhân dịp Tết đến.
Năm nào cũng thế, mỗi khi cúng ông Công ông Táo hay cúng đêm giao thừa, mẹ ông thường làm đầy đủ các món ăn ngon đặc trưng của người Hà Nội với đủ 3 loại bánh: bánh chưng, chè kho, bánh gói hay còn gọi là bánh răng bừa; 4 bát: canh miến, canh măng, canh bóng, bát mọc hoặc có năm lại được thay bằng chân giò lợn nấu giả cầy. Bốn đĩa gồm: đĩa thịt gà luộc, đĩa nem chua (làng Vẽ hay Đình Bảng) hay đĩa chả quế, đĩa giò mỡ hay giò thủ, đĩa giò lụa (Ước Lễ).
Cũng theo nhà văn: “Mẹ tôi là người kĩ tính trong việc bếp núc nên những món ăn này đều phải tự tay bà làm mọi khâu, từ đi chợ mua nguyên liệu cho tới nấu nướng.
Ông kể: “Đơn giản như bát canh măng, măng phải chọn loại măng dầy ít nhất 2cm, màu vàng nhạt, không mốc. Khi nấu, cụ cũng phải “canh” sao cho măng không nát, lúc ăn thấy vừa giòn và mềm, miếng măng thơm, nước dùng ngọt.”
Người Hà Nội rất quan trọng “nước dùng”. Bát canh do mẹ tôi làm rất ít khi cho mì chính vào nhưng nước dùng rất ngọt, đậm đà, trong veo của nước xương, hoặc thịt băm. Bởi theo quan điểm của cụ: “mì chính là một thứ ngọt giả tạo đánh lừa cảm giác con người”.
Riêng món chè kho, là món ngon truyền thống của riêng người Hà Nội có tác dụng giã rượu và giải độc nên Tết nào gia đình tôi cũng có. Cách nấu đơn giản nhưng lại mất khá nhiều thời gian, chè đỗ xanh nấu cùng với mật mía, quấy đều bằng tay, sau khi đã quánh thì bỏ thêm một loại hạt tên là Tò ho, sau đó đổ ra bát, rắc thêm vừng xát trắng. Chè kho là món yêu thích của trẻ nhỏ và người già bởi chè có vị ngọt thanh của mía đường, vị bùi của chè đỗ xanh và vừng và nhất là cái lạ miệng, rất riêng của tò ho.
Tới đêm giao thừa, sau khi đã đủ 4 bát, 4 đĩa cỗ, mẹ tôi lại cho 4 anh em sang phòng khác chơi và mời bố tôi khi ấy đã quần áo tề chỉnh ra bàn thờ cúng tổ tiên. Sau khi tàn hương, cả nhà sẽ ăn bữa cơm vui vẻ, đầm ấm.
“Cái lệ của người Hà Nội là đi chùa xin lộc đầu năm. Vì vậy mẹ tôi sẽ và các bà bạn cùng nhau đi ra đền Ngọc Sơn, còn các anh em chúng tôi thì đi chơi bờ Hồ Hoàn Kiếm. Dù đi đâu thì đi cả nhà phải về trước 12h đêm để đón giao thừa”.
Cha tôi thường xuyên phải đi công tác nhưng dù công việc bận rộn nhưng năm nào ông cụ cũng cố gắng sắp xếp công việc trước ngày 30 để về ăn Tết với gia đình. Công việc của cụ cũng hay gặp áp lực nên có thể cau có nóng giận nhưng những ngày Tết lúc nào ông cũng vui vẻ nói cười, mọi buồn vui, oán giận ông bỏ qua hết cho một năm mới an lành.
Cứ thế nhà văn say sưa kể cho tôi về những kỷ niệm ngày Tết của ông, những kỷ niệm mà cho đến tận bây giờ luôn in đậm trong tâm trí của ông.
Câu chuyện có vẻ chùng lại vì kỉ niệm xưa ùa về, nhà văn chợt ngừng lại và quay sang nói với tôi: “Năm nay nắng ấm, khéo dễ đào mất mùa, mấy hôm nay tôi đi tìm cành đào để về cắm mà vẫn chưa ưng, chắc ngày mai phải nhờ cậu trai trưởng chở ra phố hàng Lược xem đào Nhật Tân”.
Một năm nay, sau sự ra đi của người vợ yêu, nhà văn Hồ Phương vẫn gìn giữ được không khí ngày Tết của gia đình mình. Những ngày thường hay tới khi giáp Tết ông vẫn thay vợ đi ra chợ mua hoa về cắm và tết.
Vợ nhà văn Hồ Phương vốn là con gái Hà Nội gốc. Cũng như mẹ chồng, bà nấu ăn rất khéo. Bà có thể nấu được những món ăn cổ truyền ngon như mẹ chồng và thậm chí hơn vì biết nấu một số món ăn Tây như xúc xích, lạp xường rất được bạn bè nhà văn yêu thích mỗi khi có dịp tới chơi.
“Con gái Hà Nội được dạy dỗ cẩn thận nhất là trong “nữ công gia chánh” và cư xử vô cùng tế nhị. Cho nên ngày tết, vợ tôi lo làm bánh trái, các món ăn. Còn riêng hoa bà ấy vẫn ý nhị nhường cái thú này cho chồng đi ra phố hàng Lược chọn cành đào bích và những bông cúc vàng về cắm trong nhà”, nhà văn nói…
Ngoài kia xuân đã về, nắng vàng rực rỡ trên mọi khắp con phố của Hà Thành!
 Hoàng Lê