DÁM HỎI CỤ VŨ

DÁM HỎI CỤ VŨ
Trong cái trào lưu ào ạt hòa nhập văn hóa Âu, Á, Phi, Mỹ…mà hằng ngày dù muốn hay không ta cũng được thấy, phải nghe; có một lần tôi được vinh hạnh gặp và hầu chuyện cụ Vũ Trọng Phụng ( Nhà văn, tác giả cuốn tiểu thuyết để đời “Số đỏ”) trong mơ, bèn ghi lại, ngõ hầu có người chia sẻ:
- Hậu sinh dốt nát, dám xin được hỏi Vũ tiên sinh, “Xuân tóc đỏ” tưởng đã là tột bậc vĩ nhân thì không còn gì mà nói nữa. Ấy thế mà tiên sinh lại định nối bản “anh” này, không biết có hụt hơi?..
          - Anh bảo tột bậc vĩ nhân ở chỗ nào?
          - Bẩm cụ, sau chiến thắng lẫy lừng hai vận động viên trong trận “quần thủ thư hùng”mang lại niền vinh hạnh cho giới quần xứ Bắc, hắn ta đứng trên nhân loại nhơn nhơn nhìn xuống bằng nửa con mắt mà rằng: Hỡi nhân loại đáng thương, ngươi còn ngây thơ lắm!..
          - Khá khen cho anh cũng biết cảm cái hào quang ngây ngất của kẻ vĩ nhân. Thế thì ta cũng đáng bỏ thời gian để đàm đạo. Anh thấy đấy, Xuân tóc đỏ thời nào chẳng có. Lấy ví dụ thời anh đang sống, ta có thể đặt cho hắn cái đuôi không ai cãi được, ấy là Xuân tóc vàng hay Xuân tóc Hàn. Ta cho hắn làm Bác sỹ Đông y Trung Quốc lừng danh mà chỉ vài chiêu quảng cáo là người không bệnh cũng nghĩ mình có bệnh rồi nườm nượp xếp hàng cho hắn ta chữa trị. Hắn cũng có thể, (có thể thôi nhé) xứng là đấng Giáo sư, Tiến sỹ, quán quần đệ nhất thời đại; là một đại tư bản thành công, đầu tư trên lĩnh vực buôn bán quan chức qua môi giới bởi Hiệp hội quần vợt Mãng xà hay Diều hâu gì đó…
          - Thế còn vai trò là một nhà đại cải cách cái món áo ỡm ờ, quần chờ một phút… thì sao, thưa cụ?
          -  Có gì là khó, hắn sẽ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh đa ngành, đa cấp. Chẳng hạn ngoài các mánh lới dính dáng tới sân quần, hắn còn vươn tay tới lĩnh vực buôn bán quần bò đũng cực ngắn, ngắn đến mức người ta có thể không phải tưởng tượng xem một tiểu thư đài các dường kia làm cái việc “đầu ra đáng xấu hổ” trông sẽ thế nào mà có thể nhìn thấy ngay tại đám cưới, đám ma, trước mặt mọi người hoặc mục sở thị  cô nàng làm cái việc ấy ngay trên xe buýt, xe máy chạy giữa phố đông. Xuân tóc vàng cũng nhập khẩu cả các loại quần áo ren màu da người khiến chị em mặc mà người văn minh tiến hóa không thể nhìn đi nơi khác được…
          - Vậy tiệm Âu hóa cụ định đặt chỗ nào và số phận anh TYPN (Tuýt phờ nờ - tôi yêu phụ nữ) sẽ ra sao?
          - Đặt chỗ nào mà chả được, có ai cấm đoán gì đâu. Cái anh “ Tuýt” (TYPN) cũ không theo kịp thời đại mới thì thay bằng anh khác, ai mà chả tuýt?
          - Dạ còn bà Phó..?
          - Mệnh phụ Phó Đoan thời anh không chỉ quẩn quanh với cái sân nhà mà còn đứng ra tổ chức nhiều giải quần danh giá rồi chạy xô nào là giám khảo “sâu bít”, người mẫu thời trang, “Cặp đôi hoàn hảo” hay dẫn chương trình tại các buổi giao lưu, tọa đàm gì đó. Tóm lại bà ta muốn làm gì thì làm, không cần bằng cấp, chứng chỉ , thoải mái cười hô hố trước ba quân thiên hạ miễn là có sự đóng góp cho sự cách tân văn hóa sao cho càng cách rời cái truyền thống vốn cổ hủ, lạc hậu xưa nay đi, càng giống ngoại thì càng tốt. Và có thể mệnh phụ đáng kính của chúng ta không chỉ có một mà có nhiều thằng “em chã” để tha hồ thể hiện đức mẫu tử tình thâm mỗi khi về nhà xả “xì choét”!
          - Bẩm còn nàng “Mộng” Tuyết và anh chàng “mọc sừng”, cụ định xử trí thế nào?
          - Thiếu gì nguyên mẫu. Chả cần phải mất công tưởng tượng, lần mò, cứ dở báo chí ra có mà tha hồ đắp điếm.
          - Dạ bẩm, theo như cụ nói, con thấy Xuân có mặt còn chưa thể bằng cái anh Xuân thời của cụ.
          - Anh cứ nói.
          - Xuân thời cụ còn là thi sỹ! Còn…
          - Tôi chưa nói, chứ không phải không nói tới điều anh vừa nhắc. Thế này: Muốn làm được việc gì thì trước hết anh phải thuyết phục người ta bằng chủ thuyết của anh. Xuân sẽ là thi sĩ dòng thơ Tắc tị (cách gọi của kẻ bất tài, ác khẩu). Để người ta thừa nhận hắn là đại thi sĩ, thậm chí đại thi hào chỉ một không hai, ta phải tung ra thuyết “Thơ tắc tị mới là thơ đích thực”. Bởi nó hay tới mức mọi sự hiểu biết bằng thứ ngôn ngữ thông thường không thể nào cảm nhận hết; dùng cái thứ ngôn ngữ thông thường mà áp vào thơ thì khác nào giết thơ, là hủy hoại nền văn minh, hủy hoại bước phát triển của nhân loại; là sự phỉ báng loài người. Đến với thơ, đến với sự cao siêu của nhận thức, đến với tột cùng cảm xúc thì anh hãy gạt bỏ chính mình, khi ấy chỉ còn nàng thơ với người thơ ngân nga đàm đạo hay ca hát véo von… Thơ Tắc tị mà lại không vần điệu là bước cách tân vĩ đại nhất, nó vượt ra khỏi mọi thứ khuôn mẫu, người thơ được lột bỏ tất thảy, không trời, không đất, không có giới hạn không gian, thời gian, chỉ còn sự sung sướng nhâm nhi trên từng đường gân thớ thịt…Ấy mới xứng là thơ. Và một chàng Xuân tóc vàng của chúng ta đã ngộ ra và đắc được sự vinh thiêng đó bằng những nét không phải là chữ của bất cứ quốc gia hay bộ tộc nào trên trái đất, không phải là họa…, kiểu như những nét sấm sét giữa cơn giông mà chỉ những người thực sự có tâm hồn thi sĩ mới thu nhận được. Có thể hiểu những người này phải giống như những người nhìn thấy vua mặc quần trong truyện “Vua cởi truồng” (của nhà Văn An Đéc Xen, người Đan Mạch viết khi xưa) mà kẻ không nhìn thấy thì không tài nào thưởng thức được dòng thơ cực kì cao siêu và tinh túy này.
          - Bẩm cụ, con xin ngả mũ bái phục.
          - Hãy khoan, chưa hết. Xuân tóc vàng thời anh còn là đại nhạc sĩ kiêm siêu nghệ sĩ biểu diễn thiên tài bẩm sinh mà mấy triệu năm mới xuất hiện một lần trên trái đất. Ngoài những cống hiến lẫy lừng không ai dám phủ nhận cho nền âm nhạc nhân loại, thể loại nhạc anh này có công đầu du nhập vào bản quốc và dày công nhào nháo cách tân là Híp hốp. Anh ta có thể vừa ăn, vừa sáng tác, lại đồng thời hát và nhảy. “Tạo hóa bất công chỉ đãi kẻ đa tài!” Để khỏi phải đứng khum khum chân khi biểu diễn, tạo hóa tặng anh ta đôi chân chuyên dụng, phải nói là chuyên dụng chứ nói là vòng kiềng e rằng bất kính đối với một siêu đẳng vĩ nhân Xuân. Góp phần vào sự thành công của Xuân phải kể đến sự cổ súy vô tiền khoáng hậu của giới truyền thông. Họ đã sớm nhận ra cái hay, cái đẹp, cái xu thế phát triển không thể nào cưỡng lại được của nền âm nhạc Híp hốp mà anh chàng Xuân nhà ta có con mắt tinh đời sớm nhận ra và phát triển. Thật là như rồng thêm cánh thêm vây!
          - Còn tài năng sân quần – cái niềm vinh hạnh tột đỉnh của thể thao Bắc kỳ?
          - Cái này, thú thực tôi còn đang cân nhắc. Thời các anh, Xuân tóc vàng làm gì có đất dụng võ. Quần không dành cho giới bình dân. Ngay cả cái chân nhặt bóng cũng chỉ là đặc ân đối với gái chân dài. Đến tiến hóa, xinh đẹp như mộng như mơ thế mà còn phải xơi gậy quật bóng tới vỡ đầu, chết giấc, thì Xuân có là cái hạt bụi gì, chớ mong bén mảng...
          - Ấy là cái bên trong, còn bên ngoài có thể hình dung nhân vật này thế nào, thưa cụ?
          - Tóc và chân thì như đã nói. Đôi mắt to mơ màng. Tai hơi vểnh, lỗ to. Mũi thẳng, cao. Miệng rộng, răng chắc. Cổ đổ nhiều về phía trước. Đôi tay dài quá khổ, ngón cái mọc đối với những ngón còn lại. Bụng phệ…Đại loại là như vậy, còn tùy ở người tưởng tượng.
          - Con e như thế có phần chưa được tiến hóa cho lắm?
          - Tạo hóa trêu ngươi. Sự tiến hóa bên trong chưa hẳn đã bắt kịp với bên ngoài và ngược lại đôi khi sự tiến hóa bên ngoài không theo kịp bên trong. Vả, bước tiến hóa là do anh ta quyết định, tôi không thể can dự vào được.
          - Cụ thứ lỗi cho, kẻ hậu sinh dám hỏi, cụ xây dựng nhân vật Xuân như thế có quá xa rời thực tế không ạ?
          - Anh hỏi lạ. Nhân vật văn học ấy là hương, là hoa của cuộc sống, nó phải được ướp ủ từ cuộc sống, trách nhiệm của nhà văn là chưng cất nó.
          - Vậy cụ nghĩ thế nào về chuyện nhan nhản tác phẩm cứ nhăm nhăm nhìn xuống phần dưới bụng, phải chăng đó là tại người đời?
          - Người đời mà suốt ngày chỉ có vậy thì lấy gì mà ăn. Rõ ràng đấy không phải là hương hoa cuộc sống. Vậy thì tại ai, anh tự hiểu.
          - Thưa, xin được hỏi cụ câu cuối cùng, Xuân tóc vàng bao giờ ra đời và cụ có còn nối bản lần nữa?
          - Ra lúc nào ấy là chuyện không thể nói trước. Còn nối bản thì chắc chắn không chỉ một hai lần.
          - Dạ, kẻ hậu sinh xin được tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm ơn cụ và rất mong sớm được nghiền ngẫm Xuân tóc vàng của cụ; cũng rất lấy làm vinh hạnh nếu lại có lần được hầu chuyện cụ./.

Hữu Niệm