Đức nói rõ với Ba Lan về trừng phạt Nord Stream-2

Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức trong cuộc họp với người đồng cấp Ba Lan mang nhiều ý nghĩa.
 
 
Hôm 16/6, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Jacek Czaputowicz đã gửi đi thông điệp xung quanh việc các nước đang nhăm nhe trừng phạt dự án Nord Stream-2.
Duc noi ro voi Ba Lan ve trung phat Nord Stream-2
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Ba Lan Jacek Czaputowicz. Ảnh: Yahoo News
Theo ông Heiko Maas, Chính phủ Đức không thay đổi quan điểm về dự án Nord Stream-2 bất chấp các đe dọa trừng phạt đến từ Mỹ hay bất cứ quốc gia nào muốn ngăn cản dự án này được hoàn thành.
"Thực tế là các biện pháp trừng phạt đã được xem xét hoặc các biện pháp mới sẽ có thể được bắt đầu ở đó [ở Mỹ -ND], sẽ không thay đổi bất cứ điều gì về quan điểm của chúng tôi đối với Nord Stream-2... Các lệnh trừng phạt đang được thảo luận bây giờ là những lệnh trừng phạt nằm ngoài lãnh thổ, theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi sẽ bác bỏ chúng" - Ngoại trưởng Maas nói.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức trong cuộc họp với người đồng cấp Ba Lan mang nhiều ý nghĩa.
Trước hết, đó là quan điểm tiên quyết của Đức, là xác định không thay đổi về dự án thuần túy kinh tế Nord Stream-2 chạy dưới biển Baltic, không mang ý đồ chính trị, không tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng châu Âu như lập luận của Mỹ hay các quan chức EU khác, bao gồm cả giới chức Ba Lan.
Chính phủ Đức đã còn có những đánh giá chi tiết về các kịch bản mà Mỹ sẽ nhằm vào dự án này, buộc nó không thể hoàn thành. Bộ Kinh tế Đức dự báo lệnh trừng phạt mới của Mỹ còn có thể nhằm vào các cơ quan trực thuộc Chính phủ Đức chịu trách nhiệm đánh giá, đo lường tiêu chuẩn của dự án Nord Stream-2. Điều này cho thấy phía Berlin đã có sự chuẩn bị cho các kịch bản tồi tệ nhất, gồm cả kịch bản có thể tác động đến quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược. Nếu trong kịch bản trừng phạt mà Mỹ sẵn sàng đặt quan hệ đồng minh vào vòng trừng phạt, phía Đức cũng sẽ chọn lựa động thái thể hiện phản ứng đáp trả tương xứng.
Ý nghĩa thứ 2 của việc Đức tuyên bố không đổi quan điểm về Nord Stream-2 ngay tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan: Đức không chấp nhận quan điểm của Ba Lan.
Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Đức đã đề cập đến các lệnh trừng phạt đã được tính đến nhằm cáo buộc Nord Stream-2 gây ra mất an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời thể hiện sự bác bỏ các lệnh trừng phạt "bất hợp pháp" này. Sự kiên quyết của Berlin như cảnh báo sớm dành cho Ba Lan nếu họ tiếp tục ủng hộ Mỹ tăng lệnh trừng phạt vào Nord Stream-2.
Một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ giới thiệu một đạo luật mới về tăng cường cấm vận đối với Nord Stream-2, cho rằng tuyến đường ống này sẽ khiến Nga tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị tại Đức và nhiều quốc gia châu Âu.
Dự luật mới này được xây dựng dựa trên Đạo luật Bảo vệ năng lượng cho châu Âu (PEESA) được Tổng thống Trump ký ban hành năm 2019, có chỉnh sửa, bổ sung nhiều điều khoản trừng phạt mới nhằm vào các công ty tham gia xây dựng, vận hành, bảo hiểm, bảo trì, cung ứng kĩ thuật, nâng cấp đường ống.
Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế và Năng lượng trong Quốc hội Đức Klaus Ernst cho rằng Đức và EU cần có phản ứng thống nhất trước việc Mỹ có kế hoạch mở rộng trừng phạt nhằm vào Nord Stream 2.
Theo ông Ernst, không thể xem cấm vận của Mỹ là hành động của tình hữu nghị, mà phải coi đó là bước can thiệp vào chủ quyền của Đức và EU. Nếu Mỹ không giảm sức ép đối với dự án này, Đức và EU cần xem xét các biện pháp nghiêm túc để bảo vệ chính mình, mà một trong số đó có thể là việc áp thuế trừng phạt đối với mặt hàng khí hóa lỏng từ Mỹ.
Trước đó, lo ngại bị trừng phạt, Tập đoàn Allseas – một liên danh giữa Hà Lan-Thụy Sĩ, đã dừng công việc thi công đường ống ngầm từ tháng 12/2019, khiến dự án Nord Stream-2 bị chậm tiến độ.
Hiện việc rải ống ngầm được hai tàu của tập đoàn Gazprom (Nga) đảm nhận, với khoảng 160km đường ống còn lại. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Huy Vũ