MƯU ĐỒ CỦA MỸ VÀ PHƯƠNG TÂY TRONG VỤ “HỒ SƠ PANAMA” (KỲ II)

CIA, USAID, NED và ICIJ - Những diễn viên của cùng một vở kịch do các tập đoàn tài phiệt Mỹ viết kịch bản và dàn dựng


KỲ II: BÀN TAY CỦA CHÍNH QUYỀN MỸ VÀ TÁC ĐỘNG NHIỀU MẶT CỦA CHIẾN DỊCH “HỒ SƠ PANAMA”

4- Bàn tay của chính quyền Mỹ cùng vai trò các điệp viên của Langley trong chiến dịch “Hồ sơ Panama”.
Thiên hạ không phải đợi lâu, chỉ 4 ngày sau khi vụ “Hồ sơ Panama” được công bố, kết quả của một chiến dịch chiến tranh thông tin được ngấm ngầm chuẩn bị trước đó gần 2 năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner buộc phải thừa nhận rằng các nhà báo điều tra scandal trốn thuế hay còn gọi là "Hồ sơ Panama" đã nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả Chính phủ Mỹ. Ông này thông báo rằng Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho các nhà báo tiến hành điều tra “scandal trốn thuế” (Hồ sơ Panama) nhưng không can thiệp vào công việc của họ và hoạt động điều tra không nhằm chống lại bất kỳ cá nhân hay quốc gia riêng biệt nào. Mark Toner còn biện bạch cho hành động này rằng: “Họ (các nhà báo) đã nhận được tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cả chính phủ Mỹ. USAID cũng tài trợ cho tổ chức này nhưng mục tiêu của họ không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay cá nhân cụ thể nào, mà chỉ là tiến hành một cuộc điều tra báo chí độc lập”. Ông ta còn có nèo thêm: “Washington không hề biết trước về quá trình cũng như kết quả cuộc điều tra vì họ không can thiệp vào công việc của các nhà báo.”

Ông Sergei Roldugin (trái) được truyền thông Mỹ và phương Tây phong là “cố vấn thân cận” hay “cộng sự thân tín” của Tổng thống Putin thực ra chỉ là một nghệ sĩ chơi đàn Cello ở nhà hát lớn (Bollshoi Theatr) Moskva, bạn học thủa niên thiếu của Tổng thống Nga.

Không nói thì cả thiên hạ đều biết Mỹ chỉ thú nhận khi đã bị thiên hạ vạch mặt chỉ trán. Như trong kỳ I, mục 3 của loạt bài này đã vạch rõ, ICIJ là con của CPI, CPI là con đẻ của Charles Lewis và các cộng sự của ông. Tuy nhiên, vì CPI vốn là con nhà nghèo khó nhưng lại có tiếng tăm nên cả USAID, cả các loại quỹ Ford Foundation, Viện Xã hội mở, Sunlight Foundation .v.v… đã buộc Charles Lewis và các cộng sự của ông phải “bán” đứa con của mình. Rơi vào tay tập đoàn Mafia này, đứa con CPI đã phản lại chính chả đẻ của mình, đi ngược lại những mục tiêu tốt đẹp ban đầu mà Charles Lewis và các cộng sự của ông kỳ vọng vào nó. Từ một “hiệp sĩ” trong làng báo chí thế giới, CPI đã bị những đồng tiền của USAID, của George Soros trói chân trói tay. Nhưng dù sao thì những kẻ đã “ăn cướp” CPI và “thay máu” cho nó không muốn bất kỳ một scandal nào làm ảnh hưởng đến uy tín của nó một khi nó còn có tác dụng cho chúng. Và thế là ICIJ, đứa con của CPI được những thế lực đen tối ấy sử dụng dưới cái bóng đầy uy tín của CPI trong Chiến dịch “Hồ sơ Panama”. Ở kỳ trước, ta mới chỉ từ “ẩn số” ICIJ lần ra dấu vết qua CPI và dẫn đến USAID. Vậy, USAID là gì ?

Chuyên gia Việt Nam, PGS TS Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nói: “Có ý đồ đằng sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama”.

USAID là tên viết tắt của một tổ chức có tên tiếng Anh là United States Agency for International Development nghĩa là Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ. Đây là một tổ chức thuộc Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ, có chức năng và nhiệm vụ điều hành viện trợ dân sự cho nước ngoài. USAID được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đứng ra thành lập từ năm 1961 bằng cách hợp nhất một số cơ quan tiền thân để xúc tiến các chương trình viện trợ ra nước ngoài do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Hằng năm Quốc hội Mỹ cập nhật hóa các điều luật, chỉ định những khoản ngân sách viện trợ. Trên danh nghĩa, USAID là một cơ quan độc lập. Nhưng trên thực tế, hoạt động của cơ quan này phải tuân thủ chính sách đối ngoại của Phủ Tổng thống, Bộ Ngoại giao và quan trọng hơn cả là sự chỉ đạo của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC).

Hồ sơ Panama liên quan đến Thủ tướng Iceland đã gây ra cơn địa chấn chính trị ở thủ đô Rekjiavic

Tại sao USAID phải chịu sự điều phối của nhiều cơ quan, tổ chức như vậy, trong đó có Hội đồng An ninh quốc gia ? Đương nhiên, về quan hệ quốc tế thì Nhà Trắng chỉ đạo và Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện là được ? Vấn đề nằm ở chỗ không một khoản viện trợ nào của Mỹ mà không kèm theo điều kiện. Về lý mà nói thì sự tham gia chỉ đạo của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đối với USAID là đúng. Bởi cũng như các nước khác, Mỹ không muốn những khoản viện trợ của mình rơi vào tay nhưng nước mà trong tương lai, có thể trở thành kẻ thù tiềm năng của Mỹ. Nhưng điều quan trọng hơn cả là không một khoản viện trợ ra nước ngoài nào của Mỹ mà không kèm theo các điều kiện chính trị. Nước Mỹ cũng như các nhà tư bản tài phiệt của nó dù có giàu nứt đố đổ vách nhưng vẫn không thể “xùy” ra dù một cent nếu khoản chi đó không mang lại một lợi ích nào đó. Tư duy này dẫn đến một cơ chế kiểm soát đối với USAID. Về công khai là do bộ ba kể trên, nhưng thực chất bên trong, CIA mới là kẻ điều phối trực tiếp.
Trong lịch sử của USAID tại Chiến tranh Việt Nam, cơ quan đại diện của USAID đặt ở Sài Gòn thực chất là một ổ tình báo, che giấu cả một chi nhánh khổng lồ của CIA không chỉ ở miền Nam Việt Nam mà còn là nơi đóng trụ sở của “Phân cục CIA tại Đông Nam Á”, điều phối toàn bộ hoạt động của mạng lưới tình báo Mỹ tại đây. Bên cạnh ngân sách viện trợ ra nước ngoài được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, USAID còn có một nguồn ngân sách đến từ một địa chỉ khác. Đó là “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” – National Endowment for Democracy (NED) là một tổ chức phi chính phủ của Mỹ. NED thành lập năm 1983 với mục đích công khai là hòa bình, hữu nghị, giúp đỡ nhân đạo cho các nước “chưa có nền dân chủ rộng rãi”. Người sáng lập NED là Carl Gashman. Ngân sách hoạt động do Quốc hội Mỹ cung cấp. Phương thức hoạt động là phối hợp với CIA, thực chất là do CIA chỉ đạo cùng Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho các tổ chức “dân chủ” ở các nước và hướng hoạt động của các tổ chức này theo Mỹ; hỗ trợ cho các lực lượng chống cộng sản tại các nước XHCN thực hiện hoạt động bạo loạn, lật đổ và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này. “Khách hàng” của NED nhận được các khoản tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ (NGOs) dưới dạng các “Quỹ hỗ trợ” và USAID có chi nhánh ở khắp thế giới.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, “nạn nhân” đầu tiên của Chiến dịch “Hồ sơ Panama”.

Trong Chiến dịch “Hồ sơ Panama”, nếu Mỹ sử dụng NED trực tiếp tham gia thì các nghị sĩ Mỹ sẽ lập tức chất vấn chính quyền Mỹ. Bởi lẽ về lý thuyết, trong danh mục “khách hàng” NED không có những “khách hàng” kiểu như ICIJ, CPI… Vì vậy, USAID phải vào cuộc. Tuy có khập khiễng đôi chút bởi CPI là tổ chức trong nội địa nước Mỹ nhưng bù lại, CPI đã có ICIJ với danh nghĩa là một tổ chức có tình toàn cầu, xuyên quốc gia. Yếu tố “nước ngoài” được bảo đảm. Vấn đề tài chính được giải quyết thông qua một hợp đồng giữa USAID và ICIJ dưới sự bảo trợ của CPI. Vấn đề còn lại là ai sẽ thực hiện việc “moi” thông tin từ Mossack Fonseca. Và đến đây, CIA phải vào cuộc.
Trong thời đại hiện nay, thật khó có thể tìm thấy một người hảo tâm và đầy phẫn uất trước các bất công tới mức sẵn sàng chia sẻ một khối lượng thông tin mật khổng lồ như vậy. Trong lịch sử các vụ scandal đình đám trên thế giới ở thế kỷ XX, những cái tên đầy uy lực tham gia vào việc lật tẩy những vụ bê bối ấy là CIA (Mỹ), KGB (Liên Xô), Mi6 (Anh), Mossad (Israel), SD (Đức Quốc xã), các cơ quan đặc biệt của Pháp và Trung Quốc. Đó là những tổ chức tình báo có bề dày kinh nghiệm và mạng lưới tinh vi, rộng khắp toàn cầu mà không phải bất cứ một quốc gia nào cũng có được. Với những tài liệu được tích lũy từ tháng này qua năm khác mà trong vụ “Hồ sơ Panama”, người ta công bố là khoảng từ năm 1975 hoặc 1977 đến tháng 12 năm 2015. Trong 40 năm ấy, không thể có một tư nhân nào đủ trình độ và tài lực để làm việc đó mà phải là một tổ chức. Trên thực tế, qua những tiết lộ của Edward Snowden, chiến dịch nghe trộm toàn cầu của NSA hoàn toàn có thể thu thập và tích lũy được khối lượng thông tin khổng lồ như thế. Vấn đề còn lại là cách thức công khai hóa các thông tin đó mà che giấu được tính bất hợp pháp của việc thu thập thông tin. Đây chính là nhiệm vụ của CIA.

Ông Ian Cameron, người cha đã quá cố của Thủ tướng Anh David Cameron

Đến đây, ta có thể thấy cách thức mà các nhà báo Đức Bastian Obermayer và Frederik Obermaier của tờ “Suddeutsche Zeitung” nhận được các tài liệu này là không hẳn minh bạch. Một nguồn giấu tên với một nick phiếm chỉ là “John Do” không hề nói lên điều gì. Tuy nhiên, số lượng các tài liệu khổng lồ đã làm cho Bastian Obermayer và Frederik Obermaier và cả tòa soạn “Suddeutsche Zeitung” phải chú ý. Đây là điều hoàn toàn tự nhiên. Nên nhớ rằng Bastian Obermayer và Frederik Obermaier là thành viên chi nhánh Châu Âu của ICIJ nên việc họ chia sẻ cho các đồng nghiệp trong Hiệp hội để cùng xử lý bởi sức lực “con người có hạn” cũng là điều hoàn toàn tự nhiên. Dưới bàn tay đạo diễn của CIA, những thông tin cần công bố về Mossack Fonseca đã đến đúng địa chỉ của nó. Thực ra thì cái gọi là các chuyên gia, nhà báo của ICIJ bỏ ra gần 2 năm trời để phân tích khối tài liệu trên 2 triệu tỷ byte ấy chẳng qua cũng chỉ là việc giải một bài toán với đáp số đã cho trước. Bởi những thông tin đó đã được các chuyên gia của NSA và CIA phân tích từ lâu; thông tin được thu thập, tích lũy đến đâu sẽ được phân tích đến đó. Tuy nhiên, những kẻ chủ mưu Chiến dịch “Hồ sơ Panama” vẫn cần có một khoảng thời gian vừa đủ để “màn kịch" thêm hoàn hảo.

Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận đã từng sở hữu cổ phần trong quỹ đầu tư Blairmore Investment Trust của cha ông

Và đúng là màn kịch đã diễn ra rất hoàn hảo. Duy chỉ có một khoảng tối. Đó là “TÍNH MINH BẠCH CỦA NGUỒN TIN”. Đây chính là “gót chân Asin” của chiến dịch này. Do đó, dễ dàng hiểu được vì sao, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức xác nhận USAID tài trợ cho chiến dịch này và ra sức thanh mình rằng chính quyền Mỹ không can thiệp vào công việc phân tích chuyên môn của các nhà báo. Thực ra thì cũng chẳng cần phải mất công can thiệp bởi dữ liệu của bài toán đã được cung cấp cùng với đáp số. Với những dữ liệu kiểu đó thì dù có giải bằng cách nào thì cuối cùng cũng vẫn sẽ cho ra đáp số đã định sẵn.
“Gót chân Asin” thứ hai mà Mỹ đã để lộ ra trong chiến dịch “Hồ sơ Panama” là sự định hướng thông tin một cách lộ liễu của các tập đoàn tài phiệt Mỹ. Truyền thông Mỹ và phương Tây đã rất qua loa đại khái khi đề cập đến thông tin về những nhân vật bị kết tội gian lận tài chính, trong đó có Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko, cha đẻ của Thủ tướng Anh David Cameron, nhà vua Saudi Arabia Salman ibi Abdullah-Aliz Al Saud... Chỉ đến khi một số học giả và chuyên gia kinh tế nghi ngờ về sự tập trung vô căn cứ vào Tổng thống Nga V. V. Putin và nhấn mạnh sự thiếu vắng “những gương mặt Mỹ” thì báo chí báo phương Tây mới ngừng đâm bổ đi tìm kiếm trong các tài liệu này “những dấu vết Putin” trong phần dữ liệu được công bố.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cũng dính nghi án trốn thuế

Ông Craig Murray cựu Đại sứ Anh tại Uzbekistan (nhiệm kỳ 2002-2004) bình luận rằng manh mối từ ICIJ đã dẫn đến những nguồn tai trợ không chỉ từ Quỹ đầu tư Soros (Soros Foundation), mà còn cả Quỹ Rockefeller (Rockefeller Foundation), Tập đoàn Carnegie và những tổ chức có thế lực khác. Vấn đề quan trọng nhất là hoạt động của những quỹ này tài trợ cho hầu như tất cả các cơ cấu doanh nghiệp khổng lồ của Mỹ. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp lớn kiểm soát. Vì vậy, khả năng nguồn thông tin có thể đã bị định hướng là rất cao.
Lý giải về sự thiếu vắng “thành phần doanh nghiệp Mỹ” trong “Hồ sơ Panama”, Giám đốc Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ- Investigative Journalism) Gerard Ryle trả lời quanh co rằng tổ chức này hiện “không nắm được dữ liệu về các chính trị gia Mỹ” và hứa sẽ sớm công bố "nhiều họ tên người Mỹ khác". Ông này cũng hứa tiếp tục đưa ra tư liệu mới trên cơ sở "tài liệu Panama". Quá trình này sẽ có sự tham gia của các đối tác truyền thông với ICIJ. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về sự rò rỉ không được thông báo cụ thể trong thời điểm này.
Về vấn đề này, nhà báo kiêm chuyên gia tài chính người Đức Ernst Wolff, tác giả cuốn sách “Cường quốc thế giới IMF - Biên niên hành trình cướp bóc” đã nhận xét: “Tôi tin chắc rằng đằng sau vụ này là tình báo Mỹ. Hoạt động này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ. Một mặt, gây tổn hại cho một số “thiên đường thuế” nhất định như các cá nhân và tập đoàn sẽ phải rút tiền của họ ra khỏi đó và gửi đến Nevada hay là Nam Dakota. Mặt khác, ở đây còn kèm theo một mục tiêu phụ là bôi nhọ Tổng thống Nga Vladimir Putin, hòng dìm uy tín của ông vào vụ scandal với các nhân vật thân cận xung quanh nhà lãnh đạo Nga”.
Thống nhất với nhận định này, đại diện của Wikileaks công bố trên trang Twitter của mình rằng vụ bê bối “Hồ sơ Panama” của công ty Mossack Fonseca được dàn dựng bởi Trung tâm nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức của Mỹ (OCCRP), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ Soros. Wikileaks cũng khẳng định rằng việc cung cấp tài chính để điều tra vụ “Hồ sơ Panama” được Chính phủ Mỹ trực tiếp chỉ đạo. Trung tâm OCCRP có thể làm việc rất hiệu quả nhưng việc Chính phủ Mỹ trực tiếp tài trợ cho vụ việc “Hồ sơ Panama” với những mục tiêu không mấy “sạch sẽ” sẽ có những tác động tiêu cực không nhỏ lên uy tín của OCCRP”. Bởi OCCRP không chỉ đơn giản là “Trung tâm nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức của Mỹ” mà còn là tổ chức “con” của một tổ chức “mẹ” khác là Hiệp hội phát triển báo chí (Journalism Development Network) được đăng ký hoạt động tại bang Maryland.
"Kịch" hay vẫn còn đang ở phía trước. Nhưng một câu hỏi tiếp tục được đặt ra là tại sao Mỹ lại phải tốn công nhọc sức đến như vậy cho Chiến dịch “Hồ sơ Panama” ?

Giám đốc điều hành Ngân hàng Credit Suisse, Tidjane Thiam bác cáo buộc giúp khách hàng gian lận trốn thuế

5- Những mục tiêu của “Chiến dịch Hồ sơ Panama” (Panama Papers).
a- Mục tiêu kinh tế.
Mossack Fonseca ở Panama có phải là “thiên đường trốn thuế” duy nhất trên thế giới ? Chắc chắn là không ! Nếu chỉ đơn thương độc mã, nó đã bị giới tài phiệt Mỹ bóp chế từ lâu. Đến bây giờ thì thiên hạ đều biết trong lòng nước Mỹ cũng có nhiều “thiên dường trốn thuế” khác ở Nevada, ở Nam Dakota, ở Wyoming, ở Delaware ở Bermuda. Nhiều nước khác cũng có các “thiên đường” này. Tuy nhiên tịnh không có một cái tên quan chức Mỹ, người Mỹ nào bị nhắc tên trong hồ sơ này. Vậy có phải người Mỹ trung thực, sòng phẳng có đạo đức kinh doanh cao đến vậy không ? Cũng không phải. Vấn đề nằm ở mục tiêu thâu tóm thị trường tài chính của Mỹ.
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là từ đầu năm 2014 đến nay, nền tài chính Mỹ dang đứng trước nguy cơ đình trệ. Với tỷ giá đồng Dollar cao ngất ngưởng nhưng lãi suất gần như bằng 0, dòng vốn đã chảy từ nước Mỹ ra bên ngoài khá nhiều. Để đảo ngược tình thế, từ giữa năm 2015 đến nay, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã năm lần bảy lượt rục rịch tăng lãi suất nhưng rồi lại dừng lại. Họ đang chờ đợi diều gì ? Quả thật, về lý thuyết tài chính, nếu đồng Dollar Mỹ tăng lãi suất và giảm tỷ giá, dòng vốn đầu tư sẽ chảy ngược lại về Mỹ, xuất khẩu sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, Mỹ đã chọn một giải pháp với tham vọng cao hơn, tạo ra một scandal tài chính để “nắn” dòng vốn chảy về Mỹ, đó là Chiến dịch “Hồ sơ Panama”.
Người đầu tiên phát hiện ra mục tiêu này của Mỹ vẫn là nhà báo kiêm chuyên gia tài chính Ernst Wolff. Ông cho biết: “Các công ty bình phong (Offshore) đóng vai trò rất to lớn trong "gánh xiếc tài chính" toàn cầu. Trên thế giới hiện này không có một công ty tài chính lớn nào không đăng ký bình phong ở đâu đó tại nước ngoài. Nếu nhìn xem bao nhiêu thuế mà các tập đoàn lớn phải chi trả thì có thể thấy ngay rằng đó chỉ là số tiền tối thiểu. Tốt nhất là không nên tin rằng vụ phát giác về gian lận tài chính này hay việc "tát cạn ốc đảo thiên đường trốn thuế” là vì lợi ích của một chính phủ hay các tập đoàn truyền thông lớn khi chúng đều nằm dưới sự kiểm soát của các tổ hợp tập đoàn tài chính. Vụ “Hồ sơ Panama” chẳng phải cái gì khác hơn là những cố gắng của Mỹ để tự xác định rằng nước Mỹ như là một ốc đảo thiên đường thuế mới nhất và to lớn nhất. Trong nhiều năm qua, Mỹ đã toan tính phá hoại các nguyên tắc bí mật về thuế của Thụy Sĩ. Và họ đã làm được việc đó. Đó cũng chính là điều mà Hoa Kỳ đã thực hiện với hàng loạt “thiên đường thuế”. Trong khi đó, người Mỹ lại tự ban hành cho mình những qui tắc bí mật ngân hàng vô hạn định. Những bang như Nevada, South Dakota, Wyoming và Delaware là “ốc đảo trốn thuế” tuyệt đối. Vụ scandal Mossack Fonseca được xới lên chỉ với mục đích lái dòng chảy tài chính chuyển hướng đổ vào các "thiên đường thuế" của Mỹ. Có thể ước tính rằng trong các công ty bình phong đang găm giữ khoảng 30 đến 40 nghìn tỷ USD. Hoa Kỳ muốn để nguồn tài chính khổng lồ này chảy vào cho mình”.
Nói cách khác, sau Thụy Sĩ (ngân hàng HSBC), đến lượt Panama là “nạn nhân” tiếp theo của Chương trình triệt phá các “thiên đường thuế” trên thế giới để các thiên đường thuế trên đất Mỹ mặc sức tung hoành. Sau đó, rất có thể Síp, quần đảo Caimans (Anh), Hongkong … và nhiều “ốc đảo trốn thuế” khác cũng sẽ cùng chung số phận. Ngay cả các quốc gia được coi là các đối tác tin cậy của Mỹ trong NATO như Anh, Đức và Pháp cũng sẽ không được hưởng các “ân huệ” như các công ty Mỹ, Australia và Canada.
Mục tiêu thứ hai của Mỹ về kinh tế là câu chuyện muôn thuở về việc “tạo ra khủng hoảng kinh tế rồi đẩy khủng hoảng kinh tế” ra nước ngoài, một trong những chiêu thức thống trị nền kinh tế thế giới của Mỹ. Những năm 2008-2009, cơn bão “khủng hoảng kinh tế” tại Mỹ được tạo ra với mục đích hạn chế sự can dự quá lớn của các nhà tài phiệt giàu có Trung Quốc vào Mỹ. Nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng hùng mạnh, các tập đoàn bất động sản khổng lồ lần lượt sụp đổ trong cơn bão này. Kiểm điểm lại, trong số hơn 700 tập đoàn, công ty bị “bão tài chính” Mỹ thổi bay, hầu hết có sự tham gia của các cổ đông thuộc các tập đoàn tài chính Trung Quốc, chủ yếu đến từ Hongkong và Macau, hai “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế Trung Quốc. Điều đáng chú ý là trong các vụ khủng hoảng kinh tế tài chính các năm 1997-2001 và từ 2007 kéo dài cho đến nay, người ta đều thấy bóng dáng của George Soros. Ohari thừa nhận là chiến lược gia kinh tế này đã phục vụ rất đắc lực cho nước Mỹ trong việc tạo ra bất ổn có kiểm soát trên toàn cầu về kinh tế, tài chính để nước Mỹ có thể “đại trị” trong sự “đại loạn”.

Văn phòng đại diện của Mossack Fonseca ở Châu Á đóng trụ sở tại Trung Quốc

b- Mục tiêu chính trị.
Theo trang Moonofalabama, “Hồ sơ Panama” đơn giản chỉ là một âm mưu bôi nhọ, đánh gục một số người mà "đế chế" Mỹ không yêu thích. Nó còn là cơ hội để “kẻ đại diện” thực hiện ngón đòn tống tiền: Hứa sẽ không công bố thêm thông tin về các nhân vật chưa bị lộ nhưng đổi lại họ phải biết cách “đáp lễ”. Đúng là “Hồ sơ Panama” đã làm một loạt chính phủ lao đao. Tuy nhiên, mục tiêu chính trị hàng đầu trong Chiến dịch “Hồ sơ Panama” phải kể đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
- Nga: Bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây đã không bỏ lỡ cơ hội khai thác khía cạnh chính trị của “Hồ sơ Panama” để chống Nga. Tờ Guardian của Anh ngày 3-4-2016 đưa tin, “Hồ sơ Panama” hết sức đặc biệt và rung động trên toàn thế giới bởi nó liên quan đến các nhân vật quá lớn: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các bộ trưởng của Iceland, Pakistan, Quốc vương Ả Rập Saudi, Tổng thống Ukaine, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Argentina, cha ruột của Thủ tướng Anh, gia đình Tổng thống Azerbaizhan, họ hàng Tổng thống Syria và cả một nhân vật thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tờ Independent cũng tung tin rằng “Hồ sơ Panama” tiết lộ một cộng sự thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Hoạt động này được điều hành bởi Ngân hàng Rossiya, ngân hàng bị Mỹ và EU trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraina. Vậy nhân vật thân cận hay cộng sự thân cận ấy của Tổng thống V. V. Putin là ai ?
Cái lối nói mập mờ của truyền thông Mỹ và phương Tây dễ làm cho dư luận liên tưởng đến những nhân vật cỡ lớn như ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, thậm chí là Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev hay “bộ tứ Kremlin”… Tuy nhiên, cái mà Mỹ và phương Tây gọi là nhân vật thân cận hay cộng sự thân cận ấy chỉ là một người bạn cùng học từ thời trung học phổ thông của tổng thống V. V. Putin và chẳng có bất cứ một vai vế chức vụ nào trong chính quyền Nga dù là ở cấp thấp nhất để được gọi là “nhân vật thân tín” hay “cộng sự thân cận” của Tổng thống Nga cả. Người đó là Sergei Roldugin.
Ông Sergei Roldugin là một nghệ sĩ chơi đàn cello và được bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây cho là bạn thân của Tổng thống Nga V. V. Putin chỉ qua một bức ảnh tình cờ chụp được trong một chuyến đi thưởng thức biểu diễn nhạc cổ điển của Tổng thống Nga. Ông này sở hữu 3 công ty ở nước ngoài gồm Sonnette Overseas, International Media Overseas và Raytar Limited. Ba công ty này, được thành lập bởi Bank of Russia - một ngân hàng tư nhân ở St Petersburg mà ông Roldugin nắm giữ 3,2% cổ phần - đã mua thành công 12,5% cổ phần tại công ty quảng cáo lớn nhất của Nga là Video International. Từ miếng “thịt vịt” này, tờ Telegraph (Anh) đã bọc thêm cho nó một tàu “lá cải” rằng "có vẻ như ông Putin đang quản lý lượng tiền khổng lồ" thông qua các công ty vỏ bọc nêu trên. Cáo buộc vô căn cứ này đã bị người phát ngôn điện Kremlin, ông Peskov bác bỏ mạnh mẽ: “ 'Hội chứng ghét Putin' ở nước ngoài đã lên tới mức quái gở. Nếu nói điều gì tốt về nước Nga, hoặc hành động tốt nào của nước Nga, hay bất kỳ thành quả nào người Nga đạt được, đều bị coi là điều cấm kỵ. Thay vào đó, họ phải nói những điều xấu, rất nhiều chuyện xấu, và khi không có gì để nói, họ phải tạo ra nó. Với chúng tôi, điều này được nhận thức rất rõ ràng”.
Tuy nhiên, bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây không hoài hơi để bày đặt ra những “trò hề” đó. Cuối năm 2016, sẽ diễn ra sự kiện chính trị nổi bật nhất của Nga là cuộc bầu cử và Duma Quốc gia Nga (tức hạ nghị viện), dự định được tổ chức vào ngày 18-9-2016. Ngay sau đó, các đảng phái chính trị sẽ phải bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống dự định được tổ chức vào tháng 3-2018. Ngoài ra, nước Nga năm 2016 sẽ còn chứng kiến nhiều sự kiện đối nội quan trọng khác. Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế Nga đã kéo dài năm thứ 3 liên tục, các lệnh cấm vận của phương Tây cũng như các biện pháp trả đũa của Nga đang ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của cử tri. Nga đang tham gia giải quyết cuộc xung đột quân sự ở Syria nhưng hầu hết giới phân tích nhận định rằng đảng cầm quyền “Nước Nga thống nhất” (ER) sẽ tiếp tục giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 9-2016.
Xét bối cảnh chính trị Nga hiện nay, nhiều khả năng sẽ chỉ có 3 đảng chắc chân có ghế trong Quốc hội mới của Nga gồm đảng ER, đảng Cộng sản Nga và đảng Dân chủ Tự do (LDPR). Khả năng đảng “Nước Nga công bằng” có vượt qua được mốc tối thiểu 5% phiếu bầu để có ghế trong Duma quốc gia hay không vẫn đang là câu hỏi. Các đảng phái khác còn lại như đảng “Quả táo” (Yabloko), đảng “Tổ quốc”, đảng “Những người yêu nước Nga”, đảng “Những người hưu trí” hay đảng PARNAS sẽ chỉ có thể giành được một vài phần trăm phiếu bầu.
Vị thế đang lên của Nga là một vấn đề lớn đối với Mỹ cũng như Liên minh Châu Âu (EU). Một âm mưu hạ bệ uy tín nước Nga, làm giảm ảnh hưởng của Nga trên thế giới không phải là điều khó tưởng tượng. Trong thông báo của mình hồi cuối tháng 3-2016, người phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Peskov cũng đã cảnh báo về việc các tổ chức truyền thông nước ngoài đang cố tình bôi nhọ uy tín của Tổng thống Nga trước kỳ bầu cử sắp tới. Họ cố tạo cho cái gọi là “các tổ chức dân chủ ở Nga” những mục tiêu tấn công chính trị để làm giảm phiếu bầu cho đảng Nước Nga thống nhất. Vì vậy mà từ lâu, các giới cầm quyền Mỹ và một số tay chân ở phương Tây đều muốn một cuộc “cách mạng đường phố” sẽ diễn ra ở Nga và lật đổ chế độ của Đảng ER cầm quyền cũng như cá nhân Tổng thống V. V. Putin, mặc dù hiện nay ông là người không đảng phái. Bằng cách bôi nhọ tổng thống Nga, dù bằng bất cứ thủ đoạn nào, Mỹ và phương Tây đều nhắm đến mục tiêu thay đổi “bức tranh tổng thể” của chính trường Nga hiện nay và sâu xa hơn nữa là thay đổi thể chế chính trị ở Nga, làm suy yếu nước Nga để rảnh tay thao túng thế giới.
Vấn đề chính mà Mỹ và phương Tây quan tâm là liệu ER có thể giành được chiến thắng áp đảo để tự mình thành lập chính phủ mà không phải liên minh với bất kỳ đảng nào hay không. Những cản trở chính đối với mục tiêu này của ER có thể là các nhân tố như khủng hoảng kinh tế kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút (trong đó có thu nhập của người về hưu), khả năng gia tăng bất ổn xã hội và các cuộc biểu tình phản đối chính phủ cũng như uy tín chưa thực sự cao của Thủ tướng Medvedev (hiện là Chủ tịch Đảng ER). Người Mỹ biết rõ rằng hiện nay, cả phe đối lập có ghế cũng như không có ghế trong quốc hội đều đang tận dụng chiến dịch vận động tranh cử để chỉ trích Chính phủ Nga. Hơn nữa, phe đối lập có thể sẽ cố gắng biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý về niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Khi đó, ER trở thành mục tiêu rõ ràng nhất để công kích. Và nếu ER giành dưới 226 ghế trong Duma Quốc gia Nga thì ER sẽ bị coi là thất bại, buộc ER phải liên minh với một đảng khác để lập chính phủ mới.
Để đạt mục tiêu này, truyền thông Mỹ và phương Tây bằng mọi cách tiếp tay cho các lực lượng đối lập ở Nga (trừ Đảng Cộng sản Nga) thực hiện một cuộc “Chiến tranh thông tin” nhằm hạ thấp uy tín của Tổng thống V. V. Putin trước thềm bầu cử năm 2018 và cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga năm 2016 được coi là bước đi đầu tiên thực hiện chiến dịch này. Vì vậy, “Hồ sơ Panama” được bộ máy tuyền thông Mỹ và phương Tây tận dụng triệt để cho mục tiêu trên. Và trên thực tế “Hồ sơ Pannama” trở thành một chiến dịch bộ phận nằm trong một chiến dịch toàn diện nhắm vào việc hạ bệ nhà lãnh đạo Nga cũng như làm mất uy tín của nước Nga trên trường quốc tế. Đặc biệt là về thời điểm vụ bê bối này được tung ra hiện nay, khi thời gian tiến đến cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga chỉ còn chưa đầy nửa năm.
Ngoài nước Nga, nhiều nước khác cũng trở thành nạn nhân và chịu những chấn động chính trị không nhỏ trong Chiến dịch “Hồ sơ Panama” do cái gọi là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Mỹ khởi xướng dưới sự điều khiển của chính quyền Mỹ mà trực tiếp là NSA và CIA. Ngày 5-4-2016, Thủ tướng Iceland tuyên bố từ chức sau sức ép dữ dội từ người dân và đảng đối lập, do ông và vợ có tên trong vụ rò rỉ thông tin này. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đang phải đối mặt với sức ép về nghi vấn tài chính của người cha quá cố. Cha ruột của Thủ tướng Anh. Ông Ian Cameron vốn dĩ không phải là người thực sự có ảnh hưởng chính trị sâu rộng. Hơn nữa, ông cũng đã qua đời vào năm 2010. Những tư liệu về quỹ đầu tư Blairmore Holdings của ông Ian Cameron và hành trình trốn thuế đều từ những năm trước khi con trai ông trở thành nhân vật quyền lực thế giới, cách đây hơn 30 năm.
- FIFA: Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) gọi đây là những cáo buộc vô lý. Vương quốc Anh, Pháp, Úc và Mexico tuyên bố sẽ điều tra về những hành vi trốn thuế được nêu ra trong “Hồ sơ Panama”.
- Công ty luật Mossack Fonseca:
Ngay trong ngày 4-4-2016, Mossack Fonseca đã phát hành thông cáo khẳng định công ty này không làm gì trái pháp luật. Phát biểu với CNN, nhà đồng sáng lập Ramon Fonseca Mora của công ty tố cáo những thông tin về vụ “Hồ sơ Panama” là sai sự thật và hoàn toàn không chính xác. Người này còn nhấn mạnh rằng, nhiều trường hợp mà ICIJ dẫn ra không phải và chưa từng là khách hàng của Mossack Fonseca. Trong thông cáo, công ty Mossack Fonseca còn cho rằng mình là nạn nhân của hành động ăn cắp dữ liệu và cho hay sẽ “làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng các bên có liên quan đến vụ xâm nhập, trộm cắp này sẽ bị đưa ra trước công lý”. Công ty khẳng định sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng của mình một cách tốt nhất, giống như đã làm trong 40 năm qua. Đại diện của Mossack Fonseca còn cho rằng, việc công bố "Hồ sơ Panama " là "đòn tấn công" nhằm vào Panama.
Trước những phản đòn yếu ớt của Mossack Fonseca, ICIJ tung tiếp đòn thứ hai nhằm vào một trong hai CEO của Mossack Fonseca, đó là Jürgen Mossack, đồng sáng lập Mossack Fonseca. Ông này sinh năm 1948 ở Đức và cùng gia đình chuyển tới Panama đầu những năm 1960. ICIJ dẫn hồ sơ của tình báo quân đội Mỹ cho thấy Jurgen Mossack là con trai của một sỹ quan lực lượng SS Đức Quốc xã từng phục vụ trong đơn vị “Totenkopf” (Đầu lâu tử thần) trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Cha của ông Jurgen Mossack là Erhard Mossack từng là thành viên của lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã. Năm 1948, Eahard đưa gia đình từ Đức đến Panama, nhưng sau đó lại quay lại Đức trong những năm 1970. Thông tin từ ICIJ dẫn nguồn từ các tài liệu của quân đội Mỹ cho biết, “các hồ sơ tình báo cũ” cho thấy Erhard Mossack còn từng đề nghị được làm gián điệp tại Cuba cho CIA khi còn sinh sống ở Panama.
Hiện chưa thấy Mossack Fonseca phản ứng gì về đòn tấn công thứ hai này.
- Iceland: Ngày 4-4-2016, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson lên án vụ “Hồ sơ Panama” và gọi đó là cuộc tấn công nhằm vào ông và vợ. Ông khẳng định, vợ của ông, bà Palsdottir, luôn đóng thuế cho Iceland chứ không tìm cách trốn thuế bằng cách giao dịch ngầm ở nước ngoài. Theo Hồ sơ Panama, ông Sigmundur và bà Palsdottir mua công ty nước ngoài Wintris Inc. tại quần đảo Virgin của Anh vào tháng 12-2007. Ông chuyển giao cổ phần của mình cho vợ vào năm 2009 với số tiền tượng trưng là 1 USD. Hồ sơ này cho thấy ông và vợ đã sử dụng công ty nước ngoài này để che giấu các khoản đầu tư hàng triệu USD. Tuy nhiên, chỉ đến ngày hôm sau, 5-4-2016, ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải từ chức trước sức ép quá lớn từ phe đối lập và dư luận trong nước.
- Pakistan: Trong “Hồ sơ Panama”, Gia đình Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị cáo buộc có con gái Mariam và con trai Hussain sở hữu các công ty phục vụ cho mục đích rửa tiền ở nước ngoài.
- Ukraine: Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thừa nhận ông có 3 tài khoản ở nước ngoài. Dù đã biện minh rằng ông không quản lý tài sản của mình kể từ khi lên nắm quyền năm 2014, nhưng Tổng thống Ukraine vẫn không thể tránh được những chỉ trích gay gắt. Thậm chí nhiều người còn thúc giục ông này từ chức ngay lập tức.
- Anh: Thủ tướng Cameron đã rơi vào tình huống khó xử khi những tài liệu tiết lộ từ "Hồ sơ Panama" cho thấy một quỹ đầu tư do thân phụ quá cố của ông thành lập tại Bahamas đã không đóng một đồng thuế nào tại Anh trong 30 năm. Liên quan công ty hiện có giá trị tài sản lên tới 35 triệu bảng và vẫn đang hoạt động này, ông Cameron nói rằng quỹ đầu tư của bố ông là "vấn đề riêng tư", còn bản thân ông không sở hữu cổ phiếu hay bất cứ quỹ hải ngoại nào. Tuy nhiên, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập để làm rõ mối liên hệ giữa Anh với mạng lưới trốn thuế mà "Hồ sơ Panama" đã tiết lộ ở mọi cấp độ. Nhà lãnh đạo Công đảng cũng kêu gọi làm trong sạch các vùng lãnh thổ hải ngoại và trực thuộc Vương quốc Anh, ví dụ như Quần đảo British Virgin - nơi đóng trụ sở của một nửa số công ty được nêu tên trong "Hồ sơ Panama", Quần đảo Cayman và Anguilla. Ông Corbyn cho rằng Chính phủ Anh nên xem xét áp đặt quy định trực tiếp lên các vùng lãnh thổ hải ngoại và trực thuộc Anh vốn nằm ở trung tâm các vụ cáo buộc.
Việc “Hồ sơ Panama” có đến 140 chính trị gia và quan chức trên thế giới trong đó có 12 nguyên thủ hoặc cựu nguyên thủ quốc gia và 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes được nêu tên trong danh sách buộc các nước phải mở các cuộc điều tra để xác minh. Với mục tiêu chính trị này của Chiến dịch “Hồ sơ Panama”, thế giới và nội bộ các nước liên quan nhẹ thì nghi kị lẫn nhau, nặng hơn thì chia rẽ, đả kích nhau và phát sinh rối loạn chính trị xã hội. Đây cũng là điều mà Washington mong muốn.
Nguyễn Minh Tâm

(Đón đọc KỲ III: NHỮNG “PHẢN ĐÒN” TỪ CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN TRONG CHIẾN DỊCH “HỒ SƠ PANAMA”)