MẤY SUY NGHĨ VỀ THƠ - TÍNH TRUNG THỰC CỦA NHÀ THƠ

Bài viết của Nguyễn Hữu Quý (Đại tá, nhà thơ, nguyên Trưởng ban Thơ, tạp chí Văn nghệ Quân đội)
Ảnh: Phạm Duy Trưởng
 
 
Đã là nhà thơ chân chính thì không thể không trung thực. Dù rằng sự trung thực lắm khi mang lại cho thi nhân những hệ lụy rủi ro, những tai họa không lường trước được. Nguyễn Trãi đó, tài năng kiệt xuất bao nhiêu thì cũng bi thương tổn thất bấy nhiêu. Người dâng Bình Ngô sách, quân sư tài ba của Lê Lợi, được coi là nhà chiến lược, chiến thuật, ngoại giao xuất sắc và là linh hồn của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, tác giả của áng hùng văn - bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước nhà - Bình Ngô đại cáo, của những Quân trung từ mệnh tập, Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập nổi tiếng muôn đời cuối cùng bị chết cùng với ba họ (tru di tam tộc)  dưới lưỡi kiếm vương quyền thời Lê Thái Tôn.
 
Ông chết, suy cho cùng đâu phải chỉ vì oan án Lệ Chi Viên mà bởi lòng căm tức ghen ghét của thói xu nịnh gian tham nơi chốn quan trường thời đó. Một con người thấu hiểu Non cao non thấp mây thuộc; / Cây cứng cây mềm gió hay /…Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết / Bui một lòng người cực hiểm thay nhưng vẫn không thoát khỏi sự trả thù của mưu mô đen tối. Một hiền tài có tấm lòng trung liễn hiếu, mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen, yêu thiên nhiên tới độ lấy tiếng nước chảy rì rầm của khe suối làm đàn cầm, lấy đá rêu làm chiếu thảm phải chuốc lấy sự oan nghiệt thảm thê.
 
Đời nào cũng vậy, sự thẳng thắn trung thực thường bị thói xu nịnh dối trá căm tức trả thù. Nguyễn Trãi đâu không thấu tỏ cái thâm hiểm của loại người ấy, nhưng khí khái của một thanh quan, phẩm chất của một thi nhân không cho phép ông viết và hành động khác với tâm can vằng vặc của mình.
 
Bởi vậy, dẫu đã hơn sáu trăm năm rồi, trải qua bao thăng trầm biến động, nhà thơ Ức Trai Nguyễn Trãi vẫn sống cùng ta trong những vần thơ bất tử dào dạt tình yêu thiên nhiên Núi láng giềng, chim bậu bạn; / Mây khách khứa, nguyệt anh tam, sự chọn lựa thanh tao không ham hố: Công danh đã được chỉn về nhàn. / Lành dữ âu chi thế ngợi khen. / Ao cạn vớt bèo cấy muống. / Trì thành phát cỏ ương sen…, tình người thảo thơm rộng mở: Nghìn hàng cam quýt con đòi cũ / Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân…, lòng thương dân canh cánh: Tuy đà chưa có tài lương đống, / Bóng cả như còn rợp đến dân…
 
Thơ Nguyễn Trãi vẫn còn mê hoặc ta trong những bí ẩn huyền diệu của thi ca chưa thể giải mã hết: Tự bén hơi xuân tốt lại thêm. / Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm./ Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem (Cây chuối).
 
Ẩn dụ hay là siêu ẩn dụ đây? Thơ ở đẳng cấp cao không lộ ra, không nói hết mọi điều. Nếu nói về miêu tả thì chắc không nhiều người tả cây chuối đẹp và lạ như thế. Bàn tới sự đa nghĩa thì chắc Cây chuối không thua kém thi phẩm nào. Trong tôi, hiện lên một Ức Trai đa cảm, đa tình lắm. Tự bén hơi xuân tốt lại thêm. Mối liên hệ giữa Mùa (xuân) - Cây (chuối) là mối liên hệ của tình yêu; đối chiếu vào con người ta thấy mạch yêu ấy không ngừng tuôn chảy.
 
Cây bén hơi xuân, người bén hơi người, cả hai đều tươi tốt thêm. Đầy buồng lạ, mùi thâu đêm. Tình yêu đã đến độ kết trái, tỏa hương nhưng hình như vẫn còn có điều gì đó nữa nên mới Tình thư một bức phong còn kín. Những nỗi niềm, những ẩn khúc, những mong ước chưa giải bày thổ lộ? Những xao xác tơ non còn rưng rưng giấu kín trong lòng? Gió nơi đâu gượng mở xem. Theo tôi, đây là một mời gọi khám phá rất tinh tế và cũng rất hiện đại có từ thế kỷ 15. 
 
Điều tệ hại nhất với người cầm bút nói chung và nhà thơ nói riêng là đánh mất lòng trung thực. Không trung thực với đời, với xã hội, với mình, với nghệ thuật sẽ khó có những tác phẩm tâm huyết. Những bài thơ viết ra chỉ là những xác chữ vô hồn. Chẳng gì tệ hại hơn khi thơ bị chê là vô hồn (hiểu cụ thể hơn là thơ không có tình). Khóc sướt mướt chưa chắc đã thương đau thật sự.
 
Những bài thơ hay chính là sự kết hợp của phút thăng hoa tâm hồn với khoảnh khắc lóe sáng của trí tuệ. Người có nghề không mấy khi làm thơ kém nhưng chưa chắc đã viết được thơ hay. Nguồn gốc thơ, khởi thủy thơ, hành trình thơ, kết thúc thơ, trước thơ, trong thơ và sau thơ đều là cảm xúc. Cảm xúc chân thật và mãnh liệt dắt dẫn người làm thơ vào những cung bậc thi ca huyền diệu không ngờ tới. Cảm xúc ấy không chịu dừng lại khi tác giả đã dừng bút hay thôi gõ bàn phím vi tính mà nó tiếp tục cuộc thâm nhập, chinh phục bạn đọc, từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác.
 
Sau trận động đất kinh hoàng và bi thương ở Tứ Xuyên, hàng vạn bài thơ viết về sự kiện này đã ra đời tại Trung Quốc, nhưng tác giả của bài thơ hay nhất, xúc động nhất lại là người làm thơ nghiệp dư. Người máy, sau khi lập trình sản xuất ra thơ, nhưng tôi tin rằng các tác phẩm của rô-bốt có thể rất lạ nhưng không bao giờ hay. Bởi vì cho đến nay, người ta chưa lập trình được cảm xúc cho rô-bốt.
 
Và, giả dụ, người ta có thể lập trình được xúc cảm cho người máy thì đó cũng là thứ cảm xúc vay mượn, bắt chước mà thôi. Người máy, chỉ lắp ghép được từ ngữ, câu theo những vần điệu định sẵn chứ không thể, không bao giờ làm thơ hay được, đến bây giờ tôi vẫn nghĩ thế.
 
Việt Phương, là một dẫn dụ về lòng trung thực của người làm thơ. Ngợi ca hay phản biện cũng đều xuất phát từ lòng trung thực. Sinh năm 1928 tại Hà Nội, đã từng tham gia cách mạng từ tháng 4 năm 1944 trong Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, từng giữ chức Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 3 Miền Đông Nam Bộ (1946), từ năm 1947 đến năm 2000 là thư ký của vị Thủ tướng nổi tiếng Phạm Văn Đồng… thế mà Việt Phương đã có những câu thơ làm rung động cả trời xanh.
 
Thơ Việt Phương là thơ hai chiều, phản ánh đúng nhận thức thực tiễn của đời sống xã hội nước ta và thế giới thời ấy. Trong những tháng năm chống giặc Mỹ xâm lược, thơ ông mênh mông tình yêu và niềm tự hào đất nước chính nghĩa, anh hùng: Chỉ một áng mây chiều trên mặt sông Hồng bảng lảng / Một giọt nắng vàng trong vòm hoa phượng Hồ Tây / Một mùi dạ hương thoang thoảng heo may / Một khoang trời Việt Nam không mây, xanh biếc / Đủ để hiến cả đời ta chẳng tiếc / Trận đánh này là sự nghiệp tình yêu. (Ta đánh Mỹ, vậy thì ta tồn tại). Quá đúng! Ta yêu Tổ quốc này, ta yêu độc lập tự do, yêu hòa bình, yêu cuộc sống của quê hương, dòng họ, gia đình và bản thân nên mới: Ta sẽ đánh đến cùng / Con sẽ đánh bên cha. Cháu lớn nhanh để lên đường đánh nữa… (Ta đánh Mỹ, vậy thì ta tồn tại).
 
Nhưng ở phía khác của trái tim, thì nhà thơ lại nhức nhối nỗi đớn đau: Sự chết chóc mất mát tang thương của con người. Dù ở bên này hay bên kia, ta hay kẻ thù thì những cái chết vì chiến tranh đều xót xa cả: Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là "đánh đẹp" / Con xóa chữ "đẹp" đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con / Thêm hiểu lòng người đối với quân thù như sắt thép / mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương). Con người mới là vốn quý nhất của hành tinh này; không con người thì dù trái đất, thiên nhiên có đẹp đến mấy cũng vô nghĩa: Đất được màu hoa, ta mùa đời / Mỗi lòng thơm tỏa một hương vui / Như người ươm hạt yêu quả chín / Đi suốt đường hoa, chỉ ngắm người. (Chợ hoa ngày Tết).
 
Con người nồng nàn yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu Bác Hồ ấy đã rất trung thực và dũng cảm chỉ ra mặt trái của tấm huân chương, cái ngây thơ ấu trĩ của một thời: Chưa biết rằng "trời" còn xanh hơn "trời xanh" / Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình / Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa / Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương / Đã chọn đường đi, chẳng dừng ở giữa / Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường / Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ / Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào / Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ / Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao / Một phần tư thế kỷ qua đi và bây giờ ta đã biết / Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết / Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao / Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi).
 
Những câu thơ như thế còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay và những lõm lồi, vết bùn nơi chốn cao xa không thể không giật mình trước nó. Không phải bài thơ nào của ông cũng khá cả. Có những tác phẩm chất báo chí chính trị át chất thi ca nhưng phải nói rằng Việt Phương là một trong những người mở cửa thơ nước nhà trong thời chuyên chính vô sản rất sớm. Cần ghi công cho những nhà thơ tài hoa - trung thực như ông.

NHQ