PHIÊU LƯU QUÂN SỰ: PUTIN ĐÃ SAI LẦM Ở ĐIỂM NÀO?

Khi súng nổ ở trên đất Ukraine ngày 24/02/2022, có những ý kiến cho rằng Putin đã nóng vội, mất bình tĩnh và có dấu hiệu căng thẳng vì tuổi tác không còn cho ông ta nhiều thời gian với nước Nga nữa. Nhưng khi cuộc chiến kéo dài đến tận ngày hôm nay, dường như nhận định về chuyện sai lầm do tuổi tác nên thiếu tỉnh táo đã không còn hợp lý nữa. Từng nước cờ mà Putin đi vẫn sắc. Nếu nó không sắc, NATO không phản ứng lại mạnh mẽ đến thế. Mỗi lần NATO tăng cấp độ phản ứng là mỗi lần cho thấy lần phản ứng trước đó của họ không hiệu quả với Putin và buộc họ phải cho người đàn ông Nga kia uống thuốc tăng thêm liều.



Nhưng điều đó không thể đủ để phủ nhận chuyện Putin đã có những sai lầm trong cuộc chiến ở Ukraine. Cụ thể, Putin sai lầm ở đâu? Đây là câu hỏi mở rộng mà bản thân mỗi người cũng sẽ kiếm tìm được cho mình ít nhất một đáp án nào đó. Hi vọng, việc cùng nhau tìm kiếm được đủ đầy nhất các sai lầm của Putin sẽ khiến chúng ta có cái nhìn sáng suốt hơn về chiến tranh và cục diện toàn cầu.
Thứ nhất, về cơ bản, và chắc chắn không bao giờ có thể phủ nhận được, việc phát động chiến tranh, đưa quân tràn qua biên giới một nước láng giềng bất chấp công pháp quốc tế đã là một sai lầm rõ rành rành. Khi Nga tiến hành đưa quân qua biên giới, dù họ có đưa ra biện minh thế nào đi chăng nữa, họ cũng không thể nào gạt bỏ hai chữ “xâm lược” trong tất cả những kết luận lịch sử. Hậu quả của quyết định này đối với Nga có thể kéo dài hàng chục năm sau.
Thứ hai, về chiến lược và dài hạn, Putin đã sai lầm trong chọn cách tiếp cận vấn đề Ukraine. Ukraine, bằng chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc lịch sử để chạy theo xu hướng bài Nga, là một bài toán mà Nga cần giải khéo léo hơn, đặc biệt là trên khía cạnh truyền thông, tạo dư luận quốc tế rộng rãi. 2014, Euromaidan, Putin đã mở cuộc cờ bằng cách nhảy vào chiếm Crimea mà khômg bị sự phản ứng thái quá nào. Việc chiếm lấy Crimea vừa là phép thử phương Tây, vừa dằn mặt Ukraine, và hơn thế, vừa biến Ukraine thành một quốc gia còn tranh chấp chủ quyền nên không thể hội đủ điều kiện để gia nhập NATO. Nhưng sau đó có vẻ Nga hành động chưa đủ.
Việc Ukraine chặn 85% nguồn nước ngọt vào Crimea thực tế là một hành vi phi nhân đạo. Song song với đó, các câu chuyện về nạn đồ sát người thân Nga ở Donbass của phái tân phát xít Ukraine. Nếu làm cho thế giới hiểu được rộng rãi hơn, Nga sẽ có thuận lợi để tiến hành một việc mà Mỹ vẫn làm: bảo vệ công dân của mình ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Thứ ba, cũng về chiến lược dài hạn, thực tế Putin quá hiểu thái độ, và chính sách của Mỹ, cụ thể là chính quyền Biden, đối với Nga là như thế nào. Sự sắc sảo, am tường của một cựu sỹ quan KGB càng đủ để Putin đánh giá Ukraine sẽ là nơi mà Mỹ muốn căng thẳng dồn nén lại thành một xung đột. Cho đến giờ, vẫn rất khó hiểu tại sao Putin lại giải quyết Ukraine bằng quân sự mà không phải bằng phương pháp khác. Nhìn cục diện Nga - Mỹ như một ván cờ, có lẽ Putin đã quên cách mà Karsparov đối diện với Karpov được ông viết thành cuốn sách “Cuộc đời phản chiếu qua những ván cờ” sau này. Để đối phó Karpov, Karsparov đã đi đến đối sách rất hay, sau này trở thành chiến lược của ông cả cuộc đời. Đó là dồn tổng lực nghi binh ở một cánh rồi bất thần tổ chức tấn công ở cánh khác. Áp dụng câu chuyện này vào cách xử trí Ukraine, câu hỏi đặt ra là tại sao Putin không ra vẻ dồn tổng lực vào mặt trận Ukraine trên bàn cờ ngoại giao, ra sức lôi kéo, thậm chí trấn áp EU bằng cái valve khoá khí đốt của mình, và sau đó bất thần tổ chức tấn công rất mạnh vào trận địa mà thực tế Mỹ cũng đang rất ưu tiên: Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung và Trung Mỹ nói riêng. Khi Mỹ mang lửa đến biên giới Nga, Nga cũng mang lửa đến biên giới Mỹ theo cách khác. Cuộc khủng hoảng Cuba trong lịch sử chiến tranh lạnh giữa Soviet và Mỹ là kinh nghiệm quá quý giá mà Putin dường như bỏ qua. Nước Mỹ không muốn Nga yên ổn bằng cách tạo ra một Ukraine bất ổn. Nga hoàn toàn có thể trả đũa ngược bằng cách không cho Mỹ yên ổn khi tạo ra các tiền đồn ở những nơi mà Mỹ chú tâm, những đồng minh chiến lược nhất của Mỹ ở các vùng Mỹ xem là kế hoạch dài hạn và thậm chí, ở ngay biên giới nước Mỹ, nơi mà người Mỹ chưa bao giờ nghĩ rằng có thể xảy ra nguy cơ xung đột.
Putin thật ra đã thắng một nước cờ rất hay ở Syria, một nước cờ dám nói là chấn động nước Mỹ. Thế giới Hồi giáo vốn dĩ đã mất hoàn toàn niềm tin vào Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung và Putin chưa nhìn rõ lợi thế ấy để hành động. Cái cách châu Phi đối xử với Nga giàu niềm tin hơn so với Mỹ gần đây là bằng chứng cho thấy Nga nên tấn công Mỹ từ thế giới thứ ba như thế nào. Nhất là khi Nga đang nắm trong tay những lá bài mang tính toàn cầu là an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Ngoài ra, sự chia rẽ trong lòng EU là có và Putin chưa khai thác tốt sự chia rẽ này để kiếm tìm đồng minh mới từ chính sân sau mà Mỹ tạo dựng nhiều thập niên qua. Bản thân cả các thành viên trong lòng NATO cũng có vài đối tượng tấm lòng không hoàn toàn coi Nga như kẻ thù như cái cách mà thủ lĩnh NATO vẫn vạch ra. Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary vẫn là những quốc gia thành viên mà NATO nghi ngại. Thêm vào đó là tình trạng lịch sử giữa Ukraine và Ba Lan. Khi Ukraine và Ba Lan cùng chung một cái nhìn thù hận về Nga, nếu Nga đối đầu cái nhìn ấy, họ có hai kẻ thù. Nhưng nếu Nga hướng chính cái nhìn căm thù của họ về nhau, việc dù yêu cầu mất khá nhiều thời gian, đầu tư, hoạt động tình báo, gián điệp, Nga hoàn toàn có thể tạo ra xung đột Ukraine - Ba Lan, một xung đột đẩy xa Ukraine khỏi NATO hoặc đẩy Ba Lan vào tư thế ngờ vực người Mỹ. Nên nhớ, trước chiến tranh Ukraine xảy ra, Mỹ nhìn nhận về Ba Lan chưa đủ tích cực như các thành viên khác.
Sai lầm thứ tư là Putin chủ quan vào quyền năng năng lượng, sức mạnh hạt nhân và sự ủng hộ ngấm ngầm của Trung Quốc. Trung Quốc thực tế chưa bao giờ thật tâm với ai, đặc biệt là Nga. Họ vẫn lấn từ phía Đông của Nga bằng chiến dịch di dân ở khu vực hẻo lánh Siberia mà Nga không thể lấp đầy bằng dân số. Trung Quốc cần Nga phiêu lưu quân sự để đảm bảo hai việc. Thứ nhất, nếu họ có phiêu lưu quân sự sau này, thế giới đã thay đổi rất nhiều và đã có một tiền lệ. Thứ hai, Trung Quốc dùng Nga để đánh giá tình hình của các trả đũa phương Tây và từ đó lên các kịch bản đối phó hoàn hảo hơn.
Thứ năm, đối địch giữa các thế lực lớn trên thế giới hiện nay vẫn là các đối địch ngấm ngầm nhưng thể hiện rõ nhất ở tranh giành ảnh hưởng hàng hải, thứ thiết yếu nhất trong lưu thông hàng hoá. Mỹ xoay trục châu Á và hướng tới cửa ngõ Thái Bình Dương. Nga cần gắn chặt hơn với Ấn độ với tầm nhìn về lợi thế đường bở biển của quốc gia này. Sự liên minh Nga - Ấn, nếu được đánh giá đúng, sẽ có tầm quan trọng còn lớn hơn liên minh Nga - Trung về lâu về dài.
Thưa sáu là Putin đã đánh giá sai tình hình. Đầu tiên, ông đánh giá tương quan tham dự cuộc chiến. Có lẽ, Putin suy nghĩ đây sẽ lại tiếp tục là một mâu thuẫn quân sự Nga - Ukraine và nếu phương Tây có tham gia thì chỉ là các trừng phạt kinh tế đơn thuần. Đánh giá này có thể đến từ việc Putin cho rằng vì Ukraine không nằm trong EU, chưa phải là thành viên NATO nên nếu có hỗ trợ nào từ bên ngoài thì cũng chỉ là hỗ trợ ngấm ngầm. Nhưng Putin đã sai. Chưa bao giờ NATO hành động mạnh mẽ như thế để bảo vệ một đối tượng không phải là thành viên của mình. Dĩ nhiên, NATO không yêu quý gì Ukraine cả. NATO, mà đúng hơn là Mỹ, dùng Ukraine để bẫy Nga vào một Afghanistan thứ hai. Chính vì thế, mỗi khi tưởng như có thể đạt được một thoả thuận hoà bình thì sự can thiệp của Nhà trắng lại khiến Ukraine cưỡng lại những gì đã đàm phán bằng cách không thoả hiệp ở một hạng mục gần như đã thoả hiệp. Sự bất nhất này khiến mọi nỗ lực của các quốc gia năng nổ nhất trong ngoại giao con thoi trở nên đáng thương và chưa bao giờ người ta thấy một nguyên thủ một quốc gia cần trợ giúp lại mắng một quốc gia sừng sỏ của EU như cách Zelensky đối xử với Đức. Putin không lường được là khí tài liên tục được bơm vào Ukraine tiếp tiếp nối nối đến mức đó. Chưa kể, NATO còn chia sẻ tin tức tình báo, không ảnh vệ tinh và tham chiến ác liệt trên chiến trường truyền thông.
Tiếp theo, Putin đánh giá sai về khả năng tác chiến, cách giải quyết mục tiêu đặt ra của quân đội Nga theo kế hoạch. Phía phương Tây tung hoang tin Nga lên kế hoạch đánh trong 3 ngày nhưng thực tế, thông tin của phe thân Nga nói kế hoạch là 40 ngày. Tin vào bên nào đi nữa thì đến nay cũng đã kéo dài quá mọi thời hạn dự đoán rồi. Nó cho thấy Nga có sa lầy trên chiến trường. Và họ tác chiến tương tự cách họ tác chiến thành công ở Syria, cách đánh vây chặt, dùng vũ khí chính xác từ xa. Trong khi đó, chiến trường Ukraine lại bày bố cách khác, chưa kể cả cách phản kháng kiểu chiến tranh khủng bố đô thị mà Ukraine đang sử dụng. Ngoài ra, chiến dịch thông tin của Nga gần như tê liệt hoàn toàn so với chiến dịch thông tin hữu hiệu của Ukraine và dẫn tới cả một thế giới phủ màu cờ Ukraine, dùng khẩu hiệu Slava Ukraini mà không hề biết là đó chính là khẩu hiệu của Pravyi Sector, một đảng phái tân phát xít.
Tất nhiên, tôi không phải là chính trị gia nên chuyện bàn luận về các sai lầm của Putin sẽ khiến nhiều người cảm thấy nực cười. Nhưng tại sao không thể có chuyện Putin không sai lầm nhỉ? Ông ta cũng chỉ là một người đàn ông 70 tuổi, hói đầu, cao 1m70 mà thôi. Và với một người như thế, đời không có những quyết định sai lầm thì cũng nhàm chán lắm./.
Hà Quang Minh