Quân đội Nga: Mệnh lệnh rút lui, rút lui và rút lui! - Tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh!

Quân đội Nga phải vội vàng rút quân khỏi Tripoli (Lybia) khi "mùa xuân Ả Rập" bắt đầu và trước đó là Cam Ranh (Việt Nam), Rostok (Đức) và Swinoujscie (Ba Lan).
Chủ tịch Tiểu ban về Quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga, ông Victor Ozerov, đã tuyên bố với hãng thông tấn RIA Novosti rằng, căn cứ tại Tartus có thể trở thành căn cứ nước ngoài đúng nghĩa của Hải quân Nga sau 2-3 năm kể từ khi ký kết thỏa thuận về căn cứ này và được Quốc hội phê chuẩn.
"Căn cứ từ những ấn tượng của mình liên quan tới căn cứ này và từ những kế hoạch nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà lực lượng vũ trang của chúng ta tại Syria đã báo cáo, có thể nói rằng chúng ta sẽ không bỏ vào ngăn kéo hoạt động nâng cấp Tartus trong bối cảnh mới", ông Ozerov tuyên bố.

Rút lui, rút lui và rút lui

Đã gần 20 năm, sự hiện diện của Nga trên khắp thế giới giảm đi một cách không thể cứu vãn. Điệp khúc rút lui, rut lui liên tiếp được nhắc đi nhắc lại!
Bắt đầu từ những năm cuối của thời kỳ Xô Viết, ngày càng ít căn cứ quân sự có cắm cờ màu đỏ, và sau đó là cắm cờ màu trắng-xanh-đỏ (quốc kỳ Nga) trên bản đồ thế giới.
Từ năm 1972, dường như có ai đó bắt đầu đếm ngược: Port-Said của Ai Cập, Berbera, Nokra. Năm 1991, người Nga rút khỏi các căn cứ quân sự tại Rostok (Đức) và Swinoujscie (Ba Lan). Năm 2002, Nga mất căn cứ hải quân tại Cam Ranh (Việt Nam), và sau khi "mùa xuân Ả Rập" bắt đầu, Nga phải vội vàng rút quân khỏi Tripoli (Lybia).
Trong bối cảnh sự lớn mạnh từng bước, nhưng khá nhanh của NATO, dường như là ván bài thua trắng của Nga.
Và bây giờ, tuyên bố của chủ tịch Tiểu ban Thượng viện về quốc phòng và an ninh cũng như những kế hoạch được nêu ra trước đây của Bộ Quốc phòng Nga như tiếng sấm vang lên giữa lúc trời quang mây tạnh.
Đó có phải là sự hồi sinh của Quân đội Nga hay không hay đơn giản chỉ là một trong những phần của cuộc xung đột Syria? Nga có cần căn cứ này hay không, Nga có thể duy trì nó hay không? Để tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này, cần phải quay trở lại và cố gắng hiểu được các căn cứ quân sự ở nước ngoài được thiết lập trên cơ sở những nguyên tắc nào.

Quân đội Nga: Mệnh lệnh rút lui, rút lui và rút lui! - Tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh! - Ảnh 1.
Tranh minh họa tàu Hải quân Nga tại căn cứ Cam Ranh (Việt Nam) trước khi rút đi vào năm 2002..
Tiếng vọng của chiến tranh
Một thế giới hai cực lại hiện diện rõ ràng ngay trong những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ Hai. Mối đe dọa mà khiến các nước phải tạm thời liên kết với nhau đã bị tiêu diệt, và bắt đầu rõ nét "chúng ta" và "họ".
Và thế giới đã chia ra làm 2 nửa. NATO được thành lập vào năm 1949, và Tổ chức các nước hiệp ước Warsaw được ký kết 6 năm sau đó, dồn mọi nỗ lực đối nảy lửa.
Một trạm vệ tinh rơi không đúng chỗ, một cuộc nổi dậy ở đất nước anh em xảy ra, nhu cầu hỗ trợ trong công tác tình báo. Tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết đơn giản hơn nếu có trong tay một căn cứ quân sự khép kín, được che chắn tốt trước những ánh mắt đầy soi mói.

Tại Cuba là Trung tâm sóng điện tử của Liên Xô, còn tại Việt Nam chỉ là điểm tiếp tế hậu cần của hải quân.
Tất nhiên, Liên Xô không phải là quốc gia duy nhất cố gắng nối dài cánh tay của quân đội. Mỹ cũng thiết lập các căn cứ của mình một cách không kém phần tích cực.
Bên cạnh đó, Mỹ còn có thể đạt được những điều chưa từng có: Họ không trả tiền thuê đất để xây dựng căn cứ gần như ở tất cả mọi nơi vì được coi như tiền đóng góp của nước chủ nhà vào an ninh chung. Hơn 30 quốc gia, hơn 100 căn cứ trên khắp thế giới đã tạo thành không gian tác chiến tối đa.
Không nên nghĩ rằng người dân địa phương, nơi có các căn cứ này, đều hạnh phúc khi nhìn thấy người Mỹ. Đã có những vụ biểu tình ở Okinawa, nhưng không sao – sự hiện diện quân sự quan trọng hơn.
Nhưng nhiều quốc gia Châu Âu, bao gồm cả nước cộng hòa vùng Baltic tự "dâng hiến" lãnh thổ của mình nhờ chính sách đối ngoại khôn khéo của Mỹ, khi quốc gia này thường xuyên đề cập tới khả năng xảy ra cuộc xâm lược từ phía Nga.

Quân đội Nga: Mệnh lệnh rút lui, rút lui và rút lui! - Tiếng sấm giữa trời quang mây tạnh! - Ảnh 2.
Tàu khu trục Nga thực hành bắn đạn thật.
Giành lại những vị thế trong quá khứ
Không nên coi các căn cứ quân sự như những pháo đài, nơi mà bất cứ lúc nào cũng có thể bị tấn công. Trong phần lớn các trường hợp (đặc biệt khi đề cập tới Nga), đó chỉ là sự chứng tỏ sức mạnh và hiện diện trong khu vực.
Mục đích chính là để cung cấp dịch vụ hậu cần nhằm phản ứng một cách kịp thời trước mọi vấn đề có thể xảy ra và hiện diện ở những căn cứ này chủ yếu là các nhóm cố vấn và chuyên gia quân sự.
Phần nhiều, những căn cứ có ít người là do thiếu tiền, Liên Xô đã phải gồng mình để duy trì tất cả các trung tâm hỗ trợ của mình ở nước ngoài chứ chưa nói tới Nga. Bởi vậy, việc quay trở lại chính sách trước đây khiến nảy sinh nhiều câu chuyện.
Bản thân căn cứ quân sự tại Syria được thiết lập để bảo đảm các hoạt động của hạm đội Hải quân Liên Xô trên Địa Trung Hải, như sửa chữa tàu thuyền; cung cấp nhiên liệu nước uống và nhu yếu phẩm khác.
Căn cứ này được thiết lập vào năm 1971, nó chưa bao giờ được coi là quá lớn vì chỉ có một vài cầu cảng và nhà xưởng bên trong khuôn viên căn cứ Hải quân Syria.
Sau năm 1992, khi biên đội tàu chiến Địa Trung Hải của Liên Xô - đối trọng với hạm đội 6 của Mỹ, đã bị giải tán, căn cứ này bắt đầu lụi tàn dần.
Trong thời kỳ hoàng kim, tại căn cứ có tới hơn 2.000 sĩ quan và thủy thủ được lính thủy đánh bộ bảo vệ. Vào năm 2002, toàn bộ căn cứ chỉ có tổng cộng 50 người, còn tới năm 2012 chỉ còn 4 lính Nga có mặt ở đây.
Sau khi các lực lượng vũ trang Nga bắt đầu tham gia vào cuộc nội chiến tại Syria, quân số của căn cứ này đã tăng trở lại. Vào năm 2015, có khoảng 1.700 người tham gia vào việc bốc dỡ, hậu cần và sửa chữa các tàu chở vũ khí của Nga tới Syria. Bởi vậy, nói về việc thiết lập căn cứ quân sự mới là hoàn toàn không chính xác, mà là trở lại.
Căn cứ không có đội tàu chiến
Về mặt địa lý, Nga không có lối ra Địa Trung Hải một cách bình thường. Cơ hội duy nhất để thoát ra khỏi Biển Đen đó là đi qua eo Bosfor và Dardanella của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó qua biển Mramor rồi mới tới được Địa Trung Hải.
Nhưng, thứ nhất, đường ra của tất cả các tàu qua Bosfor bị Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, kiểm soát chặt chẽ. Thứ hai, mỗi lần qua đều phải mất phí đôi khi với mức khá cao. Chính bởi vậy, căn cứ quân sự của Nga tại Địa Trung Hải là cần thiết, kể cả nếu không có biên đội tàu chiến thường xuyên trong khu vực này.
Hải quân Nga đã đề cập tới mong muốn khôi phục toàn bộ căn cứ tại Libya (Tripoli) từng hoạt động đến năm 2011. Nhưng tình hình chính trị hiện nay đã thúc đẩy quá trình trở lại Địa Trung Hải bắt đầu với căn cứ quân sự tại Syria.
Dự kiến sau khi nâng cấp xong, nó có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn. Ngoài mục đích chính thức, căn cứ Tartus có ý nghĩa lớn đối với các chiến dịch do thám, bao gồm cả do thám điện tử.
Tiền đâu
Vấn đề còn lại là chi phí của tất cả những thứ này. Nhiều khả năng, căn cứ vào mối quan hệ của chính phủ Nga và Bashar Assad hiện nay, chi phí thuê Tartus sẽ là 0.
Liên quan tới các khoản tiền sẽ được chi cho sự hiện diện của Quân đội Nga tại Syria và nhân sự phục vụ, thì trước đó, Bộ Tài chính Nga đã quyết định tăng các khoản chi "không công khai" thêm 678 tỷ rúp. Có nhiều khả năng, số tiền này sẽ được dùng để duy trì căn cứ hải quân của Nga.
Ngoài ra, cách đây không lâu, đã xuất hiện trên mạng những bức ảnh chụp từ một phóng sự trên truyền hình Syria. Trong đó có thể thấy rõ tên lửa không đối không tầm trung RVV-AE của Nga.
Điều này chứng tỏ rằng, Nga đang lặng lẽ cải tiến các máy bay tiêm kích MiG-29 của Syria thành MiG-29SM. Những tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không có vận tốc lên tới 3M. Giá của mỗi quả tên lửa này khá cao.
Vào năm 2012, Malaysia đã mua 35 quả tên lửa RVV-AE với tổng trị giá lên tới 35 triệu USD. Có thể việc nâng cấp này cũng là một phần của mối quan hệ Nga-Syria, mà kết quả của nó sẽ là sự hồi sinh căn cứ hải quân Nga tại Tartus.
Quay trở lại yên ngựa?
Nếu nói một cách thẳng thắn, một căn cứ mà không có hạm đội đồn trú thường xuyên trên Địa Trung Hải thì sẽ không làm được gì. Bước đi này không thể mang lại những thay đổi địa chính trị nào đó. Những ai muốn có thể mang ra so sánh với thành phần Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ để hiểu rằng, Nga sẽ không đe dọa họ từ căn cứ Tartus, và nếu có thì bằng cái gì.
Nhiều khả năng, đó là dấu hiệu cho thế giới và khối NATO hiểu được rằng, Nga muốn quay trở lại trường quốc tế và mong muốn của Nga không chỉ dừng lại ở biên giới các nước SNG, nơi mà hiện nay đặt phần lớn các căn cứ quân sự của Nga.
Thực ra, cần phải nhớ rằng, trở lại Tartus, Nga đặt cược vào Assad với vai trò một bên của cuộc chơi chứ không còn là kẻ khoanh tay đứng ngoài. Trong trường hợp chính phủ Syria thua cuộc, thì số phận căn cứ này cũng giống như những gì xảy ra với căn cứ tại Tripoli mà Nga phải nhanh chóng đóng cửa sau khi "mùa xuân Ả Rập" bắt đầu và Kaddafi bỏ mạng.
Đây là sự đặt cược liều lĩnh, nhưng trong trường hợp cuộc chiến tranh tại Syria kết thúc với may mắn thuộc về Assad, thì nó có thể sẽ trở thành nấc thang quan trọng để Nga trở lại sân chơi địa chính trị thế giới. Các hành động quân sự chỉ là sự kế thừa những mong muốn chính trị, và nếu như các căn cứ là công cụ hữu ích, thì cần phải tận dụng chúng.

(theo Thế giới trẻ)