“SÔNG VỚI BIỂN” TỪ GÓC NHÌN ĐA CHIỀU

Khuất Quang Thái

Khuất Quang Thái

Khuất Quang Thái , tặng tôi tập thơ “Sông với Biển” anh vừa xuất bản. Tên tập thơ gợi lên trong tôi hình tượng Tụ- Tan…/đã hàng triệu triệu năm, muôn sông không phút ngừng đổ lòng ra biển. (TỤ), mà lòng biển chẳng đầy, ắt phải có chỗ TAN đi… Tập thơ mỏng (phần thơ gần 60 trang) tôi đã phải đọc nhiều lần mới cảm nhận được ý tứ của mỗi bài thơ. Với Khuất Quang Thái, tôi là bạn thơ và cũng là độc giả.Từ góc nhìn đa chiều để cảm nhận “Sông với Biển”

Trước hết “Sông với Biển ” gợi lên quy luật cơ bản của vạn vật: Sự tụ-tan:
“Vây cánh và nanh vuốt
Tụ tan như mây trời
Nhân gian in bóng bao thời
Nát tan vây cánh , rã rời vuốt nanh ” (Tụ tan )
Hoặc “ Cõi trời sáng tối tụ tan. Cõi tình còn những trái ngang thắt lòng !” / “Qua cái mất, được cái còn . Sông chưa tới biển có tròn phận sông ?/ ” ( Vu vơ)
Khuất Quang Thái am hiếu Tử vi –Phong thủy, nên thơ anh khúc triết, ý tứ nhiều chiều, nếu chỉ đọc lướt qua, có thể khó hiểu. Đọc kỹ một chút sẽ thấy thơ anh chuyển tải nhiều thông điệp
“Con chim sâu trong vườn hiểu tất
Biết đông về, hoa,lá…hát nơi nao ?” … (Biết)
Hay : 
“Cửa chùa chật bước ra vào
Biết ông Hộ pháp 
chọn chào đón ai” (Ngẫm)
Và: “Chim trời, cá nước bơ vơ
Sơn hoàn- Thủy bão bao giờ lại linh? ” (Phong thủy)
Thơ anh thường đề cập đến các quy luật thiên nhiên, qua đó cho ta liên
tưởng tới những quy luật xã hội, với những day dứt nhân tình thế thái…cùng nỗi gian truân của những người không may mắn trên đường đời.
“ Người may , cái mặt phởn phơ
Kẻ rủi , điêu đứng sững sờ trí tâm…” (Cười)
Nhưng thơ anh cũng không thiếu cái đẹp thuần khiết, mơ mộng, hy vọng…của người nhà quê , cảnh quê…
“Quê anh Sông Mộng , Bến Mơ
Làng Chiêm Bao, thắm bãi bờ biếc xanh…” (Dường như)
Và: “Hội xuân xem hát sân đình
Lời thương thủ thỉ…Giao- Quỳnh quyện nhau”

“Vườn quê Loan Phượng vẫn thề” (Tỉnh- mê)
Nhiều bài anh đặt câu hỏi khiến bạn đọc phải nhăn trán:
“Vua tìm hiền tài cứu nước
Sao không quan lại đương triều..?
Mà ở nhân gian!” (Vô ngôn)
Bài thơ nói về “Ông Gióng” – Chú bé đòi ăn cơm với cà, uống nước giếng khơi, bỗng vụt lớn lên, vung tre "Đằng Ngà" đánh bạt vía giặc ngoại xâm. Khi đất nước ca khúc khải hoàn thì chàng trai làng Phù Đổng … đã thanh thản bay về trời rồi!
“Thanh thản chàng bay về trời
Vẫn không một lời để lại
…Bên chân thần tượng bừng giác ngộ
Vì sao Thánh gióng giữ vô ngôn?” (Vô ngôn)
Không một lời mà như có vạn lời. câu hỏi cũng là câu trả lời thật khúc triết, sâu sắc.
Còn một chiều toát lên từ tập thơ, mà theo tôi- (Người thích thơ, đôi lúc cũng viết thơ) hết sức quan tâm là trách nhiệm của người cầm bút. Ý thức được điều người làm thơ phải gieo vào người đọc niềm tin yêu hy vọng, đánh thức cái Thiện của con người, từ đó không khoan nhượng với lối viết dễ dãi, chiều lòng người khác : 
“Những câu thơ vỗ về 
nồng nàn son phấn
Thưa rằng đừng lấm vào tôi
Những câu thơ cốt vừa ý ai
mà trái lòng trời đất
Thưa rằng đừng đụng vào tôi” (Mắt giấy)
Và đây là lời khẳng định:
“Những câu thơ dốc dạ cởi lòng
Thô nháp sinh tồn lấm láp mồ hôi
Xin trải lòng đón đợi…
Thơ giật mình bừng thức
Gặp mắt giấy tinh khôi” (Măt giấy)
Ở đây , tôi không đề cập về nghệ thuật thơ anh, mà chỉ nêu mấy nét về phong cách thơ Khuất Quang Thái. Thơ anh nặng về lý trí, nên tứ thơ chặt chẽ, khúc triết, gọn , chắc, chuyển tải được nhiều thông điệp.Những hình tượng sử dụng trong thơ anh có chọn lọc,nhiều bài có tính khái quát cao, một số bài có câu kết hay…Tuy nhiên, lẽ thường thì, khi thiên về chữ lý,ắt sẽ nhẹ chữ tình. Thơ anh cũng rơi vào tình trạng ấy. Tôi biết anh đã cố gắng chuyển thể thơ nhiều chữ thành thơ ít chữ, từ lục bát thành thơ nhịp đôi nhịp ba nên có đôi chút mới lạ, hoăc sử dụng nhiều câu chữ mượt mà, âm hưởng đồng quê, song độc giả vẫn cảm thấy thơ anh hơi khô.
Với tôi, Khuất Quang Thái, là người bạn tốt.Đến với nhau, cái Tình đi trước, cái Chữ (Thơ) theo sau. Đọc thơ để biết cái tình của tác giả, tôi thích đọc thơ anh vì, trong thơ anh có triết lý sống. Ai đó hiểu ra, sẽ thấy mình bình tĩnh trước đời sống, xã hội đầy cam go, và cũng chất chứa nhiều mâu thuẫn này…”Sông với Biển”- Tụ và tan, giúp ta tự tin hơn khi gặp sự nhiễu nhương trên đường đời…
Đời là một cuộc viễn du, cái đích cuối cùng là được giải thoát, để tâm hồn nhẹ tênh phiêu lãng…
Chúc anh luôn mạnh khỏe, chúc thơ anh ngày càng hay hơn.
Sơn Tây : 11.5.2011 sửa lại 13.9.2013.
Chử Quốc Đông