BÀN VỀ TÍNH NHẠC TRONG THƠ

Tác giả Trần Kế Hoàn, bút danh: Trần Hoàn, Trần Kế Hoàn; quê: Côi Sơn – Thị trấn Gôi - Vụ Bản – Nam Định; Phó chủ nhiệm CLB thơ Non Côi, hội viên hội VHNT Nam Định. Tác phảm :- Khoảng trời vành khuyên (Thơ – NXB Hội Nhà văn, 2010)/ - Vía chữ thần nông (Thơ – NXB Hội nhà văn, 2014) Và có bài đăng ở nhiều báo chí; tuyển tập. Xin được giới thiệu một số bài viết mà tác giả gửi tặng Website Văn nghệ Sơn Tây. Qua đây ban biên tập website Văn nghệ Sơn Tây xin được cảm ơn tác giả!
Ảnh: Phạm Duy Trưởng
  Tính nhạc trong thơ 
                                                                    
 
  Xưa nay người ta thường nói trong thơ phải có nhạc bởi vì tính nhạc trong thơ hỗ trợ khá đắc lực cho nhà thơ thể hiện ý tưởng. Bây giờ người làm thơ thì quá nhiều mà người hiểu được nhạc trong thơ thì ít dẫn đến các bạn đang tập làm thơ như tôi thường tranh luận đôi khi là gay gắt về một vài câu thơ thất niêm, sai luật (nhất là các tác giả có tuổi, đạo mạo, nắm chắc luật các thể thơ). 
  Cái vốn âm nhạc trong đầu một lão nông như tôi thì lại chẳng có là bao song vì yêu thơ mà mạnh dạn tìm tòi, đưa ra vài ý kiến nhỏ về tính nhạc trong thơ theo ý hiểu của mình mong cùng chia sẻ với các thi huynh, thi hữu. Có chi khiếm khuyết xin được chỉ giáo và bổ sung.
  Trong cuốn: "ĐỔ RÊ MI TỰ HỌC" của hai nhạc sĩ Lê Yên và La Thăng (Nhà XBVH- 1976) có định nghĩa về âm nhạc như sau: Âm nhạc là các âm thanh  được lựa chọn và tổ chức theo những quy tắc riêng...
   Nhạc có ba tính chất sau: 
  1 - Khi bổng khi trầm là ÂM ĐIỆU.  
  2 - Khi nhanh khi chậm là NHỊP ĐIỆU.    
  3 - Khi to, khi nhỏ hoặc to dần, nhỏ dần, khi ngắt gọn, khi buông dài là SẮC THÁI của nhạc (trang 15).
  Xét theo những tiêu chí ấy chúng ta nhận thấy bản thân mỗi bài thơ là tập hợp của nhiều âm tiết đã được sắp xếp theo những quy tắc để có một nhịp điệu và âm điệu riêng tùy từng thể loại (thơ tự do, thơ luật đường, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ lục bát ... ) Vậy thì hiển nhiên mỗi bài thơ đã là một bản nhạc.
  Song một bài thơ có giàu tính nhạc hay chỉ là một bản nhạc sơ sài, đơn điệu lại là một chuyện khác.
  Bây giờ chúng ta lần lượt tìm hiểu về ba tính chất trên của âm nhạc có trong một số thể thơ
  1/ ÂM ĐIỆU
   Khi bổng, khi trầm đấy là âm điệu
  Trong tiếng Việt chúng ta thấy âm điệu thường  được thể hiện bằng các thanh bằng trắc theo các dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Các nhà thơ thường tận dụng các thế mạnh biểu cảm của sắc thái các âm tiết cho câu thơ của mình thêm ấn tượng.
  Khi phát âm một âm tiết i chẳng hạn:
  - Với cao độ trung bình vẫn là i.  (bình thường).
  - Hạ thấp giọng xuống lại là ì (nhẹ nhàng)
  - Cao giọng lên lại là í (véo von thanh thoát)
  - Khi nhấn mạnh lại là ị (nặng nề, u uất)
  - Khi gấp giọng lại là ỉ hoặc ĩ (gồ ghề, trúc trắc)
  Ta hãy nghe cụ Nguyễn Du diễn tả  chiếc xe ngựa trên đường
    "Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập gềnh" 
   Các âm tiết khi xướng lên nghe đã gợi sự trúc trắc, gồ ghề.
  Hồ Chủ Tịch day dứt, trăn trở cho vận nước, nằm đếm thời gian ở trong tù:
         "Một canh, hai canh... lại ba canh"
  Dòng sông thời gian đang trôi đều đều bỗng khựng lại như bị một con đập chắn ngang bằng một âm trắc ở giữa thật đắc địa.
  Tố Hữu diễn tả tiếng chim:
  "Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai"
   Bốn âm tiết "chim chiều chiu chít" mới xướng lên đã réo rắt
  Tác giả Triệu Sức ở CLB Thơ văn Thiên bản (Nam Định) lại có cặp lục bát rất giàu tính nhạc để diễn tả tiếng chim:
  "Trời trong veo, nắng trong veo
  Tiếng chim va vách đánh vèo ríu ran"
  Hàn Mạc Tử dùng cách gieo vần lưng bằng hai thanh trắc "trắng, nắng" khiến câu thơ nhói lên trong mạch cảm xúc mà nhiều thế hệ người viết sau còn ca ngợi và học tập:
          "Chị ấy năm nay còn gánh thóc
           Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"
  Trong cặp lục bát sau tác giả cố tình để thất luật, ưu tiên cho sức gợi của các âm tiết. Câu lục được chia làm hai vế tiểu đối và có tới năm âm tiết trắc. nhất là cách gieo vần lưng: "sóng, bóng" khiến hình ảnh thơ lung linh sống động:
             Cá đớp sóng, bóng lá khoai
           Cua nhe hí hóp một hai cánh bèo
  Nếu đọc là: "Cá đùa sóng" thì hiệu quả diễn tả hình ảnh của câu thơ kém sinh động.
  Trong cặp lục nói về tấm bia mộ :
   Dòng tên cũng lắm trở trăn
   Nhờ trán đá giữ nếp nhăn cho người
  Nếu viết cho đúng luật có thể thay từ "trán" bằng từ "gan" thì câu thơ cũng giảm ý nghĩa đi rất nhiều.
  Diễn tả cách nghĩ của thiếu nhi về dòng điện trong đoạn lục bát sau có là một độc đáo?:
      Dòng Điện chỉ ở trong dây
      Có mấy chân vậy mà mày chạy nhanh?
      Tách một cái: Đèn sáng xanh
      Tách một cái: Quạt quay nhanh ào ào
      Dây đặc chui vào làm sao?
      Cha mẹ mày ở nơi nào Điện ơi?   
  Cái nhí nhảnh trẻ trung trong suy nghĩ của trẻ con sẽ không diễn tả được nếu ta cứ khư khư bắt câu thơ phải theo đúng niêm luật? 
  Để diễn tả cảnh trùng điệp của đường đèo bà Huyện Thanh Quan cũng sẵn sàng phá niêm của thơ Đường vốn là một thể thơ chặt chẽ nhất về luật:
   "Một đèo, một đèo lại một đèo"
  Trong ngữ pháp tiếng Việt các từ diễn tả âm thanh được gọi là các từ tượng thanh. Trong một câu thơ hoặc một đoạn thơ không nên để các âm tiết trùng vần hoặc trùng thanh tránh cho độc giả sự tẻ nhạt bởi câu thơ kém tính nhạc.  
   Thơ một vần là một trể thơ rất khó làm. Thể thơ này yêu cầu nhà thơ phải có tài. Tôi thấy Nguyễn Bính đã có tới hai bài trăm câu một vần (mỗi bài gồm một trăm câu) nhưng rất hay.
      2/ NHỊP ĐIỆU
  Nhịp điệu = thời gian lặp lại ít nhất của một âm thanh mạnh và một âm thanh yếu.(sách đã dẫn trang 21).
  Khi đọc thơ đôi khi ta thấy chỉ một âm tiết đã chiếm hết thời gian của một nhịp và cũng có thể phải ba hoặc bốn âm tiết mới hết thời gian của một nhịp. Người đọc phải có sự cảm thụ tôt để khi đọc nhanh, khi đọc chậm, ngắt đúng nhịp thì mới thể hiện được hết ý tưởng biểu cảm của câu chữ.
  Đối với thể thơ lục bát truyền thống là loại giàu nhịp điệu nhất, phổ biến là nhịp 2/4... Hai âm tiết (hai phách), ứng với hai nốt trắng (bốn nốt đen) được xếp vào trong một ô nhịp. Trải qua hàng ngàn năm chắt lọc tinh túy của cả một dân tộc thơ lục bát với nhịp điệu nhịp nhàng, uyển chuyển thực sự đã là hồn cốt của người Việt. Ngưòi ta hát ru, hoặc chuyển thành rất nhiều làn điệu dân ca bằng thể thơ này. Thừa hưởng tinh hoa ấy các nhà thơ chỉ việc sắp xếp sao cho các con chữ nằm đúng vị trí các nốt nhạc có sẵn là xong. Khi câu thơ đã chuyển sang các nhịp khác thường là dụng công của tác giả nhằm nhấn mạnh ý trong mỗi văn cảnh:
                        Mải mê / đuổi một / cánh diều/
                   Củ khoai nướng / để cả chiều / thành tro
                                              (Đồng Đức Bốn)
  
                         Chiều nay / dưới bến / xuôi đò
                   Thương nhau / qua cửa / tò vò/ nhìn nhau
                        Anh đi đấu / anh về đâu
                    Cánh buồm nâu / cánh buồm nâu.../ cánh buồm...
                                                  (Nguyễn Bính)
 
                          Rạ rơm / chất phác / nhà quê
                    Con ra / tỉnh học / bộn bề/ tiễn đưa
                         Giật mình: / Nắng! / giật mình: / Mưa!
                     Giật mình / trở gió / nồm trưa / may chiều
                           Thật thà ít / giối gian nhiều
                       Con đi/ để lại / bao nhiêu / giật mình
                                                (tac giả)
                           Ngậm vào đắng / nhả ra cay
                      Cơm đời / ốm lửa. / Sượng. / Tay vẫn và
                                                 (tác giả)
                           Trời cao / mây vũ vần. / Xanh
                       Tháng giêng / cơn gió đông lành lạnh. / Xuân
                                                  (tác giả)
  Những câu thơ trên chúng ta thấy nhịp điệu (kể cả âm điệu) của thơ lục bát ngày nay được biến thể rất da dạng nhưng vẫn giữ trong cái khuôn truyền thồng.. Khi đọc ngắt đúng nhịp ta cảm nhận ngay được những ý mà tác giả muốn nhấn mạnh. Vai trò biếu cảm của các cách ngắt nhịp này rất lớn. Tôi cho đây là một sáng tạo của các nhà thơ  
  Bây giờ ta hãy nghe Trần Đăng Khoa dùng nhịp điệu diễn tả một trận mưa rào
  "Sắp mưa /Sắp mưa / những con mối / bay ra / mối trẻ bay cao / mối già bay thấp / gà con rối rít / tìm nơi ẩn nấp /ông trời mặc áo giáp đen / ra trận / Muôn / nghìn cây mía / múa gươm / Kiến hành quân / đầy đường / lá khô / gió cuốn / bụi bay cuồn cuộn / cỏ gà rung tai / bụi tre tần ngần gỡ tóc / hàng bưởi đu đưa / bế con / đầu trọc lóc. / Sấm ghé xuống sân khanh khách cười /cây dừa sải tay bơi / Ngọn mùng tơi nhảy múa /Mưa / Mưa /ù ù như xay lúa / Lộp bộp / lộp bộp / Rơi / Rơi... "
  Khi đọc bài thơ này, chúng ta rất dễ dàng cảm nhận được sụ dồn dập, xối xả của trận mưa.
  Ngược lại những bài thơ thể hiện tình cảm sâu lắng thiết tha, câu thơ có thể kéo dài, dàn trải. để người đọc ngắt nhịp tự do theo mạch cảm xúc của mỗi người ví như bài thơ: "Người đi tìm hình của nước" của nhà thơ Chế Lan Viên:
   "Đất nước đẹp vô cùng / nhưng Bác phải ra đi
   Cho tôi làm sóng / dưới con tàu đưa tiễn Bác"
  Cũng có thể ngắt nhịp cách khác:
   "Đất nước / đẹp vô cùng / nhưng Bác / phải /ra /đi
   Cho tôi làm sóng / dưới con tàu/ đưa/ tiễn/ Bác"
  Loại thơ này cũng rất dễ "thôi miên" độc giả bởi nhịp điệu tự do khoáng đạt. Người đọc có thể thả hồn mình vào một "mê hồn trận" của nhịp điệu mặc dù đoạn thơ sau có thể tạm gọi là thơ không vần:
  "Các anh yêu Tổ quốc đến cháy lòng. 
  Là củ sắn hạt ngô, là bát cháo sẻ nửa húp với nhau trong hầm tọa độ, là đêm trắng trũng sâu tròng mắt, đuổi giặc rồi sáng ra cười ha hả trong rừng.
  Những năm đất nước mang thai các anh gầy xanh mà hồng hào giữa bao nhiêu gian lao và khát vọng.
  Những lòng đất, lòng rừng, lòng sông rất rộng...
  Đất nước in đầy dấu dép cao su...
  Có làm thơ đâu mà gọi các anh là thi sỹ
  Chiến trường các anh ở những vùng rất sâu
  Sâu ở rừng sâu vốn đã sâu rồi
  Sâu ở chiếc gùi đồng bào Pa Cô vượt mấy thung sâu đem nắm rau rừng cho bộ đội
  Sâu ở nỗi nhớ mùa mưa có thằng bạn đất chèo vẫn hát sắp mưa ngâu..."
                (Những thi sỹ không làm thơ - Hoàng Nhuận Cầm)
   
 3/ SẮC THÁI CỦA NHẠC
  Khi to, khi nhỏ hoặc to dần nhỏ dần, khi ngắt gọn, khi buông dài không phải việc của người viết thơ mà là của nghệ sĩ ngâm thơ, đọc thơ. Cùng một bài thơ nếu ta đọc thật diễn cảm sẽ thấy hay hơn. Một bài thơ được phổ nhạc, ca sĩ hát lên thì sức biểu cảm của nó là vô cùng. Chính vì vậy người ta thường ví von rằng nhạc sĩ là người chắp cánh cho thơ.
  4/ KẾT LUẬN
  Qua những phân tích và dẫn chứng trên đây chúng ta thấy:
  - Tính chất nhạc trong thơ được thể hiện qua nhịp điệu và âm điệu
  - Vai trò biếu cảm của nhạc trong thơ là rất lớn. Một khi câu thơ phá vỡ niêm luật truyền thống mà giàu ý nghĩa hơn thì ta cứ lựa chọn. Những độc giả tinh tường sẽ sẵn sàng chấp nhận thậm chí còn ca ngợi
  - Không nắm chắc sắc thái biếu cảm của âm ngữ thì sao viết được câu thơ giàu tính nhạc 
  - Những bài thơ giàu tính nhạc là những bài thơ biết tận dụng tối đa sức biểu cảm của âm ngữ, chỉ thay đổi nhịp điệu, âm điệu truyền thống khi cần thiết.
   - Trong thực tế có những bài văn giàu nhịp điệu, giàu hình ảnh cũng có thể gọi là thơ như tùy bút: "Cây tre Việt Nam" của Thép Mới, "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành, "Sông Đà" của Nguyễn tuân... Nếu có ai còn thích viết thơ không vần (không có âm điệu, hay thơ văn xuôi) thì ít nhất cũng nên cố gắng sắp xếp sao cho câu thơ giàu nhịp điệu, sức truyền cảm sẽ lớn hơn nhiều
  Thật tẻ nhạt biết bao khi đọc một bài thơ dài hàng chục, hàng trăm câu rất đúng niêm luật, đã chẳng có những cách nói khác thường mà nhịp điệu, âm điệu lại cứ đều đều trong tất cả mọi văn cảnh.     
                                                  Trần Kế Hoàn
                               Hội VHNT Nam định - đt: 0165 8606 781
   .  
   
  
  -