UKRAINE: TRỪ THƯỜNG DÂN, ĐÓ LÀ CUỘC CHIẾN TẤT CẢ CÁC BÊN ĐỀU CẦN

Bài viết của Hà Quang Minh


Nga gia tăng cường độ tấn công trong mấy ngày qua và họ đã phá huỷ khá nhiều cơ sở quân sự, bán quân sự của Ukraine. Thương vong hai bên đều không đưa ra con số cụ thể nào nhưng nếu các phóng sự gần đây của CNN, BBC hay France24 là chính xác, chắc chắn không phải là nhỏ. Việc Nga sử dụng vũ khí chiến lược của họ là Kinzhal, loại tên lửa siêu siêu thanh (hypersonic) mà chính Lầu Năm góc phải thừa nhận là nhanh nhất tới cuối 2023 Mỹ mới có vũ khí xứng tầm đối phó (Mỹ hiện tụt hậu hơn Nga và TQ ở tên lửa siêu siêu thanh), đã khiến Ukraine hoảng sợ thật sự. Nếu nhìn cách phát biểu của tổng thống Zelensky, chúng ta dễ thấy sự thiếu nhất quán trong thái độ. Với Nga, Zelensky tỏ ra xuống nước với đòi hỏi một cuộc hoà đàm mặt đối mặt cùng Putin. Với thế giới, Zelensky vẫn gồng lên chứng tỏ Ukraine đang thắng. Thực tế, nếu đánh kiểu này, việc Nga chiến thắng sẽ còn chỉ tính trong đơn vị ngày.
“Chết chóc ở Ukraine đã buộc tổng thống Volodymyr Zelensky phải cân nhắc việc nhượng bộ Nga ngõ hầu tìm kiếm cái kết cho một xung đột thảm hoạ”. Đó chính là những gì mà Washington Post đã viết mới đây về cục diện cuộc chiến. Truyền thông phương Tây bắt đầu cho thấy họ đang có sự đổi tone giọng dần dần và không làm leo thang thêm chiến cuộc khi họ nhận thấy tương quan hai bên đã bắt đầu rõ ràng hơn. The Telegraph cũng mới có bài (khá lạ) đã gọi thẳng Tiểu đoàn Azov là Tân Quốc xã. Có lẽ, trong thời gian tới, chính truyền thông phương Tây, thứ đại diện cho thái độ của các chính phủ ấy, cũng sẽ phải hạ nhiệt dần khi tất cả đều hiểu mọi thứ đã quá đủ và cần phải có nước cờ cuối cho cục diện cần phải tàn này.
Như tôi đã nói, rồi mọi sự thật được che giấu cũng sẽ dần phơi bày. Nhưng ngay từ lúc này, bằng chủ quan riêng, tôi có thể khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến tất cả các bên tham dự đều cần tới nó. Chỉ có mỗi thường dân Ukraine là không cần nó một chút nào nhưng mỉa mai thay, họ lại là nạn nhân trong trò chơi chính trị bẩn thỉu.
Zelensky cần cuộc chiến này. Ông ta đánh một ván cờ liều lĩnh thực sự để nó xảy ra. Nếu thái độ của Zelensky với Nga và phương Tây là trung hoà, giống như những hướng dẫn mà cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã viết (mà chắc chắn kiểu gì Zelensky cũng đã đọc), sẽ không bao giờ chiến tranh xảy ra như vậy cả. Việc nhắm mắt làm ngơ cho các lực lượng bán quân sự cực hữu tân quốc xã trà trộn trong các trại huấn luyện quân chính quy và thả rông để cho lực lượng này là cơ yếu giải quyết mâu thuẫn với phe thân Nga là nước cờ Zelensky mạo hiểm cả một quốc gia cho chính vị thế bản thân mình. Trước chiến tranh, Zelensky tụt hạng uy tín ở Ukraine thảm hại, xuống còn 27,4%. Nhờ cuộc chiến, ông ta xây dựng mình trở thành một dạng người hùng dân tộc, một “captain Ukraine”, một biểu tượng chống lại áp bức bá quyền trên toàn cầu và lập tức mức tín nhiệm lên tới 90%. Bravo, ông ta thắng vị thế chính trị. Nhưng ông ta đổi bằng chính đất đai của tổ quốc mình.
EU cũng rất cần cuộc chiến này. Họ cần nó vì dư địa phát triển của châu Âu đã gần như cạn kiệt. 4 năm trước, vụ sập cầu ở Genoa - Ý để lại nhiều giận dữ và bi thương với số lượng nạn nhân tử vong lên tới 39 người. Nhưng cũng chính vụ sập cầu ấy lại mở ra cho Ý nói riêng và các đối tác EU nói chung một “cơ hội”. Nghe chữ cơ hội thì ác nhưng nó thật, thô mà thật. EU không còn dư địa phát triển cơ sở hạ tầng và họ cần kiếm tìm các thị trường khác để tham gia các gói thầu đầu tư công. Một Ukraine đổ nát tan tành sau chiến tranh, và lại có xu hướng hướng về Tây hơn là ngả về Đông, chắc chắn sẽ là một thị trường màu mỡ cho các nhà thầu EU đang cần việc hơn bao giờ hết. Đó mới chỉ là một khía cạnh nhỏ. EU trừng phạt Nga nhưng họ thực tế họ rón rén hơn Anh và Mỹ rất nhiều khi phụ thuộc Nga về năng lượng cũng như nguyên nhiên liệu thô. Nguồn cung khí đốt khó có thể kiếm tìm được ở nơi khác với cái giá như Nga từng bán cho họ vì nếu nhập từ Trung Đông chẳng hạn, khí hoá lỏng chắc chắn sẽ đắt hơn rất nhiều. Đó là còn chưa kể các mặt hàng nhu yếu phẩm khác mà điển hình là dầu hướng dương. Chỉ mình Nga với Ukraine đã chiếm tới hơn 70% nguồn cung dầu hướng dương rồi. Dĩ nhiên, dầu hướng dương là thứ có thể thay thế dễ dàng nhưng một biến động nhỏ nào cũng là không cần thiết trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau Covid này.
Thêm vào đó, bản thân nội bộ các nước EU và Anh cũng đang đầy rẫy các vấn đề nội tại chưa thể giải quyết được và đang tạo ra những bức xúc trong công chúng. Việc có một cuộc chiến mà ở đó, Putin trở thành một kẻ thù toàn cầu (public enemy) sẽ hướng mọi nguồn năng lượng tiêu cực trong dân chúng dồn về một phía và giảm mọi áp lực lên các chính trị gia EU và Anh. Đó là còn chưa kể tới việc cuộc chiến này cũng là một cơ hội cho chính Macron trong cuộc bầu cử Pháp 2022 nếu như ông tận dụng tốt được nó để chứng tỏ được vị thế của một nguyên thủ hàng đầu EU sau khi bà Merkel đã nghỉ hưu.
Cũng như EU và Anh, Mỹ cần cuộc chiến này và họ còn cần hơn thế, cần tới mức “đến chết đi được”. Xác định tương lai của thế giới sẽ là trục châu Á Thái Bình Dương, Mỹ muốn Nga phải dồn năng lượng vào một điểm ở châu Âu và từ đó giảm bớt đi mối quan tâm đến khu vực mà Mỹ đang muốn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng. Nhưng cũng giống EU và Anh, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nền kinh tế có nhiều suy thoái, tình hình làm ăn của các doanh nghiệp đang chẳng khấm khá gì, Mỹ muốn hướng hết năng lượng tiêu cực trong dân chúng về một kẻ thù chung: “trùm phát xít Putin”. Cuối năm 2022 này lại diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và một cuộc chiến ở Ukraine cũng là thứ để ngã ngũ các tranh cãi giữa Cộng hoà và Dân chủ về chính sách năng lượng, đặc biệt là liên quan tới lựa chọn dầu mỏ (Cộng hoà) hay năng lượng tái tạo (Dân chủ).
Và cuộc chiến này cũng làm xao lãng đi những quan tâm của công luận Mỹ về sự mờ ám của cha con Biden trong việc làm ăn với các quan chức cấp cao của tình báo TQ cũng như các Oligarch Ukraine suốt nhiều năm qua, đặc biệt ở 2 nhiệm kỳ phó tổng thống của Biden.
Ngoài ra, với sai lầm của Biden trong việc để mất đi thiện cảm từ UAE và Arab Saudi do chính sách của Biden với Iran mềm mỏng hơn nhiều so với Trump cũng dẫn tới việc Mỹ muốn chứng minh cho cả thế giới thấy Nga của Putin là một quốc gia “tồi” như thế nào và đáng bị cô lập ra sao. Việc cô lập được Nga do hình ảnh xấu xí của một kẻ xâm lược mang lại sẽ giúp Mỹ có lợi thế trong việc tạo lại cảm tình với Trung Đông, Venezuela…
Nga thì rõ ràng cần cuộc chiến này quá rồi, không phải bàn thêm nữa. Cái cách của Putin thể hiện tham vọng Nga muốn trở lại như một đại cường bằng cách thâu tóm đất đai hoặc tạo thêm chư hầu. Xử lý các nhóm tân quốc xã ở Ukraine thật ra chỉ là cái cớ. Mục đích chính của Nga vẫn là tạo một vị thế mới mà chính bản thân Putin rất mong mỏi bởi nó sẽ được coi là di sản của ông ta với người Nga sau gần 2 thập niên trị vì.
Trong một thế cờ tất cả các bên đều muốn có chiến tranh, bảo sao chiến tranh không leo thang. Và ở thế cờ ấy, chỉ có Trung Quốc, và phần nào là Ấn độ, là ngư ông thủ lợi. Còn như đã nói ở trên, thường dân Ukraine, những người chỉ cần hoà bình để yên ổn làm ăn, cần được sống trong một môi trường chính trị lành mạnh thì lại đang là nạn nhân chịu thiệt hại nặng nề nhất. Họ, hoặc chết hay bị thương, hoặc lê thân xứ người trong tư cách được đón với lòng thương cảm hôm nay nhưng chỉ một thời gian sau rất có thể sẽ bị xỉa xói như những gánh nặng của những xã hội phương Tây phát triển hơn Ukraine rất nhiều.
Kết thúc cuộc chiến theo cách nào, Ukraine cuối cùng cũng vẫn tan nát.