Vụ Bob Kerrey: Nhân dân không cần ai dạy về sự tha thứ!

Bài viết của Nguyễn Thanh Tùng
Bob Kerry nhận giấy phép đầu tư Fulbright Việt Nam
khoan dung, vị tha vốn dĩ là bản chất của người dân lao động, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới loài người này. Nhân dân lao động không có nhu cầu phải thù ghét lẫn nhau trừ phi họ bị cưỡng ép, bị lừa gạt (bằng niềm tin tôn giáo, bằng tư tưởng chính trị, bằng khác biệt sắc tộc,…) bởi các thế lực muốn nô dịch họ. Khát khao của họ trong mỗi cuộc chiến tranh mà họ bị bắt buộc tham gia chỉ là mong sớm được “súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”. Chính vì vậy, khi chiến thắng đến với phe chính nghĩa, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy những cuộc “tắm máu” trả thù cho dù lò lửa chiến tranh đã hun đúc lên vô vàn ngọn lửa hận thù.
Người dân Việt Nam càng nổi tiếng hơn nữa về sự khoan dung với kẻ thù là vì được dẫn dắt dưới ngọn cờ chính trị chính nghĩa, đề cao tinh thần đoàn kết với nhân dân thế giới, kể cả ở các nước đang gây chiến với mình. Ngay cả trong thời chiến tranh ác liệt nhất, khi giặc lái Mỹ thả hàng triệu tấn bom đạn lên đầu người dân Việt, khiến bao nhiêu gia đình tan hoang, khăn tang vắt trắng cả 2 đầu đất nước thì nhân dân Việt Nam vẫn duy trì được sự khoan dung, nhân ái đáng kinh ngạc đối với những tên giặc lái bị bắt. Truyền thống “đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại” tiếp tục được duy trì xuyên suốt qua các cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia và Trung Quốc, rồi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, rồi với Mỹ. Hàng trăm cựu chiến binh Mỹ, Hàn,.. đã quay trở lại nơi họ đã gieo rắc tang tóc xưa kia để sám hối trong tấm lòng bao dung của những nạn nhân thuở nào. Và người dân Việt Nam nói chung đều ghi nhận sự “quay đầu là bờ” đó với những vòng tay rộng mở, những lời an ủi và thậm chí cả với những nụ cười xua tan khoảng cách. Từ rất lâu rồi, nhân dân luôn tha thứ, biết cách tha thứ chứ không cần bất cứ người nào phải dạy bảo về điều đó!
Vậy tại sao trường hợp của Bob Kerrey lại là một ngoại lệ khi rất nhiều người phản đối ông ta ngồi vào cái ghế Chủ tịch quỹ tín thác của trường đại học Fulbright Việt Nam và là cơ hội để cho vài vị “nhân sĩ trí thức”, “ngôi sao chính trị” khoác lên mình “bộ áo thầy tu” để khuyên bảo người dân về lòng “vị tha”, “cao thượng”?
Vấn đề ở đây là, các “nhà đạo đức” đã không hiểu hoặc không thèm hiểu để nhập nhèm giữa chuyện tha thứ cho tội ác của Kerrey và chuyện ông ta ngồi vào cái ghế chủ tịch quỹ của một trường đại học (có vẻ) là một biểu tượng cho sự hàn gắn về tư tưởng kinh tế – giáo dục đào tạo giữa hai nước Việt – Mỹ.

1- Kerrey có được tha thứ không?

Nếu người tha thứ là nhân dân Việt Nam nói chung thì tôi có thể khẳng định rằng: ! như đối với bao ông cựu chiến binh khác đã gây tội ác trên xứ sở này. Chí ít thì cũng chẳng có ai biểu tình về tội ác của ông ta, phản đối sự có mặt của ông ta tại Việt Nam hoặc có ý định phỉ nhổ vào mặt ông ta! Ông ta vẫn được đón tiếp trọng thị bởi những lãnh đạo cấp cao ở TpHCM, vẫn được các đại biểu vỗ tay đôm đốp chào đón!
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bất cứ ai cũng có quyền lên giọng dạy bảo người khác về việc tha thứ cho Bob Kerrey nếu người đó không phải là nạn nhân trực tiếp của ông ta, những người mà dù “bao năm hối hận”, Kerrey cũng chưa từng bước đến nấm mộ, thềm nhà của họ để mà cúi đầu. Những người mà khi John W. DeCamp, một cựu thượng nghị sĩ bang Nebraska và cũng là một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, yêu cầu Kerrey gặp gỡ “đối chất” hoặc có động thái sửa chữa lỗi lầm cụ thể thay vì chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi thì chỉ nhận được sự im lặng hững hờ. Hay như lời bà Giang, người thân của các nạn nhân trong vụ thảm sát này: “Đằng này hơn 40 năm, nhóm lính Mỹ năm xưa có người còn, người mất. Thế nhưng chưa từng có một ai đến hối lỗi như họ nói“. Dẫu vậy, người Việt Nam vẫn sẵn sàng tha thứ cho những tội ác trong quá khứ của Bob Kerrey và đồng đội dù rằng họ không xứng đáng với điều đó.
Cũng cần phải nói thêm rằng, dù Bob Kerrey và rất nhiều đồng đội khác của ông ta đã gây nên những tội ác kinh tởm ở Việt Nam nhưng những kẻ có trách nhiệm lớn nhất về những tội ác này (với cái chết của hơn 3 triệu người Việt) chính là các đời Tổng thống Mỹ và bộ máy chiến tranh của nó. Những kẻ đó dù không trực tiếp nhúng tay vào máu nhưng mỗi quyết định của họ đưa ra được đong bằng máu của người Việt (mà chẳng biết họ có cần quan tâm xem mất bao nhiêu máu không!). Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự công bằng được quyết định bởi lợi ích của những kẻ mạnh nên khó lòng đòi hỏi công lý một cách trọn vẹn. Chẳng có tòa án quốc tế nào xét xử tội ác của những kẻ lãnh đạo Mỹ như đã từng làm với những “kẻ độc tài”, những tội phạm chiến tranh thất thế khác. Thậm chí, người ta còn sẵn sàng trao cái gọi là Nobel Hòa Bình cho những kẻ gieo rắc tang thương trên khắp thế giới này. Có lẽ cũng giống như tinh thần “dân chủ” phạm vi hẹp của các chế độ Cộng hòa của Hy Lạp cổ đại, La Mã, hay trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chỉ áp dụng cho đàn ông không phải là nô lệ và là người da trắng (ở Mỹ), “hòa bình” của giải Nobel chỉ có giá trị đối với tầng lớp thượng lưu của thế giới. Thực tế, trong suốt gần nửa thế kỷ sau vụ thảm sát Thạnh Phong, và hiện tại, các “Nobel Hòa Bình” của cỗ máy chiến tranh Mỹ vẫn đang cử những Bob Kerrey đi khắp thế giới để ban phát “dân chủ” cho những quốc gia sa cơ và người dân tội nghiệp của họ. Thậm chí, ngày nay, những Bob Kerrey không cần thiết phải lăm lăm tay súng, tay dao và nhuốm máu mà họ chỉ ngồi phòng lạnh, quần là áo lượt, cravat rực rỡ, ở cách nơi thảm sát hàng ngàn ki-lô-mét, nhấm nháp cà phê cùng bánh ngọt, cầm một bộ điều khiển như đồ chơi điện tử của trẻ nhỏ, điều khiển máy bay không người lái, vệ tinh và nhấn nút phóng tên lửa vào bất cứ đám đông nào mà họ nghi ngờ là “quân khủng bố”. Hẳn là tôi không cần phải dẫn chứng ra đây hàng loạt các vụ “bắn nhầm” của quân đội Mỹ vào các đám cưới, đám ma, bệnh viện,.. ở các quốc gia tội nghiệp như Iraq, Afghanistan, Lybia như họ đã từng “ném bom nhầm” vào các trường học, bệnh viện ở Việt Nam hơn 40 năm về trước? Vậy nên, thưa các vị vẫn kêu gào rằng “không nên đào bới quá khứ”, sự thật tàn ác đó chưa từng là quá khứ, nó vẫn diễn ra hàng ngày và chỉ lê lưỡi hái của nó từ nơi này sang nơi khác, để một ngày nào đó, nó có thể quay lại viếng thăm các vị vào lúc các vị đã quên nó rồi.

2 – Tại sao cần phản đối Kerrey ngồi vào ghế Chủ tịch ở ĐH Fulbright?

Trong việc phản đối Kerrey ngồi vào ghế Chủ tịch quỹ tín thác của ĐH Fulbright, tùy góc nhìn mỗi người mà có ý kiến khác nhau. Nhà ngoại giao như bà Tôn Nữ Thị Ninh thì lo ngại về “một vấn đề gây tranh cãi thay vì tạo nên sự đồng thuận cần thiết cho dự án quan trọng này cất cánh thuận buồm xuôi gió” và “vì tỉnh táo và sáng suốt mong muốn cho đại học Fulbright có một khởi điểm lành mạnh, đồng thuận, suôn sẻ và một con đường phát triển bền vững”. Người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thì không thể chịu đựng nổi cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông BK một cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt ở Việt Nam.
Người ta không hề nói về sự “hận thù” đối với người đàn ông này mà lo ngại về những gì mà ông ta đại diện, tội ác man rợ của người Mỹ ở Việt Nam, được trang trọng đặt vào vai trò người giáo dục, một biểu tượng rất được trân trọng đối với người Việt. Đây là tương lai nhãn tiền cho Fulbright Việt Nam bởi với truyền thống Âu Mỹ, tên tuổi của các nhà sáng lập, các nhà tài trợ hay các vị “chủ tịch quỹ tín thác” sẽ được vinh danh rạng ngời cho các thế hệ sinh viên tôn thờ. Để dễ hình dung, nếu ai đã từng đọc bộ truyện lừng danh Harry Porter của nhà văn Anh Quốc J. K. Rowling, có thể liên tưởng đến bốn “nhà” trong trường phù thủy Hogwarts, mang tên những người sáng lập: Gryffindor, Slytherin, Ravenclaw và Hufflepuff. Với cách “uống nước nhớ nguồn” thực dụng của mình, cái tên Bob Kerrey vàng chóe chẳng bao lâu nữa sẽ được gắn lên những nơi trang trọng nhất của ngôi trường Fulbright Việt Nam cùng một tiểu sử huy hoàng với những chiến công “diệt Việt Cộng, cứu dân lành” và trở thành bậc tiền bối – ân nhân đáng ngưỡng mộ trong lòng các “tinh hoa” Việt tương lai.
Đừng nghĩ đến chuyện ông chủ tịch quỹ chỉ là hình ảnh mờ nhạt trong một ngôi trường, nơi hiệu trưởng mới là người “cầm cân nảy mực”. Với người Mỹ, chủ tịch tín thác là người quyết định phương hướng phát triển của trường, tức lãnh đạo tối cao, còn hiệu trưởng chỉ là người điều hành. Với người Mỹ, quyền to nhất thuộc về người có tiền.

Tên những 'chủ tịch tín thác', những người quyên góp cho trường được đặt trang trọng tại trường học của Mỹ.
Tên những “chủ tịch tín thác”, những người quyên góp cho trường được đặt trang trọng tại trường học của Mỹ. Ảnh: blogger Beo
Nghĩ đến điều đó, tôi thường nhớ những câu chuyện kể về một kẻ thủ ác giết chết bố mẹ của một đứa trẻ rồi bắt đứa trẻ đó về nuôi dạy. Đứa trẻ lớn lên gọi kẻ thù bằng cha và thực hiện theo tất cả những gì được “người cha” sai bảo, bao gồm cả việc giết chóc những người cùng huyết thống với nó. Có thể nói, đó là một kiểu tội ác cực kỳ tinh vi và tàn bạo. Ở đời thì chuyện “nhận giặc làm cha” không dễ nhận ra như trên phim, dù rằng nó vẫn hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống chúng ta, thậm chí ở tầm vóc dân tộc – quốc gia – tôn giáo. Với hành động đặt một biểu tượng tội ác chiến tranh vào vị trí lãnh đạo trường ĐH đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam, phải chăng người Mỹ muốn gửi đến một thông điệp cho người Việt rằng: họ muốn giết chúng ta thì giết, muốn dạy chúng ta thì dạy!? Phải chăng đây không chỉ đơn thuần là một vấn đề nhân sự mà là một phép thử về lòng tự trọng, sự tự tôn (yếu tố cần thiết cho sự khuất phục hay chống đối) đối với chế độ, với người dân Việt Nam? Nói như bà cựu TBT báo Thể Thao TP.HCM, Hồ Thu Hồng là “Vấn đề không phải ở Bob Kerrey, vấn đề lớn nhất ở chỗ, chúng ta đã tạo ra một thế hệ chấp nhận Kerrey là một giải pháp tốt”. Điều đáng buồn hơn nữa là chẳng cần phải chờ đến một thế hệ sinh sau đẻ muộn để sẵn sàng chấp nhận “sự hợp tác” (với “ông trùm” Hoa Kỳ) bất chấp mọi giá trị về lòng tự trọng (mà có ai tự hỏi, “hợp tác” mà phải bất chấp tự trọng của mình thì có còn gọi là sự “hợp tác” hay không?), đã có rất nhiều người từng chứng kiến đồng bào mình, nếu không bị cắt cổ mổ bụng như những nạn nhân của Bob Kerrey thì cũng tan xương nát thịt bởi bom đạn của giặc Mỹ, vẫn dễ dàng “chấp nhận Kerrey là một giải pháp tốt”.

3 – Về những lý lẽ bênh vực cho sự tại vị của Bob Kerrey tại ĐH Fulbright

Những biện giải để bênh vực cho sự tại vị của Bob Kerrey trong vị trí chủ tịch hội đồng quỹ tín thác trường ĐH Fulbright là không nhiều, trong đó tởm lợm nhất là những lý lẽ ngược ngạo để bảo vệ Bob Kerrey trước tội ác mà ông ta đã gây ra, đã buộc phải thừa nhận một phần, dù rằng như đã nói ở phần trên, nhân dân Việt Nam có thể đã tha thứ, hoặc thậm chí không thèm quan tâm đến cái tên Bob Kerrey nếu như ông ta không bất thình lình hiện ra trên cái ghế lãnh đạo một trường đại học được cho rằng sẽ là nơi đào tạo rất nhiều người được “nhắm” vào các vị trí quản lý trong bộ máy nhà nước. Đại diện gớm giếc nhất cho luồng ý kiến này, thật mỉa mai dù không hề ngạc nhiên, là ông nhà văn Nguyên Ngọc, một “cây đa cây đề” trong nền văn học cách mạng qua hai cuộc kháng chiến, với tuyên bố: “Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con!”. Với ông Nguyên Ngọc và những người có lý lẽ tương tự, không gì chính xác hơn lời nhận xét của blogger Thiên Lý: họ “đã cố công dùng miệng lưỡi xảo quyệt của mình để liếm sạch những vết máu trên mũi giày Bob và cả những kẻ đã gây ra hàng chục vụ thảm sát dân thường trên đất nước Việt Nam”.
Trong số những người bênh vực cho Kerrey, nực cười nhất là phát biểu của ông nhà văn Bảo Ninh: “Thú vị ở chỗ, hầu hết những người phản đối lại là những người chưa từng cầm súng, chưa từng đào công sự, họ chưa từng trải nghiệm “nỗi buồn chiến tranh”. Lên mạng thì thấy, toàn những người đánh trận bằng mồm, đào công sự trên giấy rất hung hăng. Chuyện này không chỉ phổ biến ở nước Mỹ đâu, có cả ở Việt Nam nữa đấy. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không biết những người đang hăng hái tranh luận quanh chuyện trường Fulbright, họ đã từng tới Thạnh Phong chưa, họ có biết Thạnh Phong ở đâu không?”
Phải chăng phải là người cầm súng, phải đến Thạnh Phong mới được quyền phản đối một kẻ tội phạm chiến tranh ngồi vào chiếc ghế giáo dục, thưa ông nhà văn?
Tôi thì cho rằng ngược lại. Chính những người chưa từng cầm súng, chưa từng phải trải nghiệm “nỗi buồn chiến tranh” mà biết kinh tởm tội ác chiến tranh, biết đau nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh, biết nhìn thấy trước tác hại của việc đặt một kẻ tội phạm chiến tranh (dù chưa từng bị tòa án nào kết án) vào vị trí của một người lãnh đạo giáo dục,.. mới là điều đáng mừng cho tương lai đất nước. Nếu ông nhà văn cho rằng chỉ những người “từng cầm súng, từng đào công sự” mới được quyền tha thứ hay không tha thứ Bob Kerrey thì có bao giờ ông ta nghĩ rằng những nạn nhân của các vụ thảm sát ấy, nếu có thể, sẽ chất vấn ông ta rằng sao ông ta, thời “từng cầm súng, từng đào công sự”, không thể cứu họ khỏi tay những kẻ ác ôn đó hoặc trả thù những kẻ đó trên chiến trường để bây giờ, các thế hệ sau khỏi phải tranh cãi về việc này?
Lý lẽ được nhiều người dùng nhất, từ ông đại biểu quốc hội đến ông bí thư thành ủy, từ ông cựu chiến binh đến ông cựu quan chức là nói về việc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, là “hy sinh vì đại cục” tức sự hợp tác giữa hai nước Việt – Mỹ. Nghe thì rất hay, rất “vì nghĩa diệt thân” nhưng chính với cái lý lẽ đó, họ đã đặt “cái ghế” của một tên tội phạm chiến tranh giết đàn bà con nít không gớm tay lên ngang hàng với sự bang giao giữa hai nước được xây dựng bằng hàng ngàn cuộc đàm phán, sự nỗ lực và trí tuệ của hàng ngàn con người của cả hai bên và trong suốt hàng chục năm trời. Bằng lý lẽ đó, họ tự cho mình cái quyền thay mặt chính phủ Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của Bob Kerrey đối với mối quan hệ giữa hai nước, với “tương lai đất nước” (sic) trong khi sự thực thì trải qua 15 năm, bộ ngoại giao Việt Nam chỉ mới “mềm hóa” phát ngôn liên quan đến Bob Kerrey từ cáo buộc “phạm tội ác chiến tranh” (năm 2002) đến tuyên bố đầy ẩn ý rằng “phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo Đại học Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho cả nhân dân hai nước” (đá “quả bóng” cho phía Mỹ và ĐH Fulbright theo kiểu “các ông các bà làm sao thì làm cho nó coi được!”) và đặc biệt, tất cả những bài báo đăng về phát ngôn của ông bí thư thành ủy TP.HCM ủng hộ sự tại vị của Bob Kerrey đã bị gỡ bỏ! Tức là các vị ấy đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, nói đúng hơn là chạy “ngược chiều với ô tô”!
Nhìn ra thế giới, người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” với người Nhật, nhưng họ không thể chấp nhận chuyện lãnh đạo Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ phụng cả những tội phạm chiến tranh đã đem lại tang thương cho dân tộc họ. Không phải vì họ nuôi dưỡng sự căm thù đối với những người dưới mồ kia mà đấy là cách họ duy trì, nhắc nhở lẫn nhau về bài học tang thương trong quá khứ, đồng thời thể hiện sự tự tôn của dân tộc mình trước những kẻ đã đè nén dân tộc họ. Mặt khác, giống như một chút đau giúp người ta tỉnh táo, một liều lượng vừa phải “hận thù” cũng giúp người ta mạnh mẽ hơn, có động lực vươn lên hơn. Với tinh thần của một dân tộc lớn như vậy, người Trung Quốc, người Đài Loan, người Hàn Quốc có thể nhanh chóng xây dựng một đất nước thịnh vượng sau chiến tranh, khác hẳn với các quốc gia Đông Nam Á, nơi mà người ta đã dễ dàng “lãng quên” tội ác của phương Tây, như một nhà văn, nhà báo, nhà triết học Andre Vltchek đã nhận xét.
“Khép lại quá khứ” không thể chỉ đòi hỏi nỗ lực đến từ một phía vì như vậy sẽ chẳng phải là sự hợp tác tự nguyện, bình đẳng. Chính quyền Mỹ có quan tâm đến việc “khép lại quá khứ” không khi giữa hơn 300 triệu công dân, hàng chục nghìn cựu chiến binh ở chiến trường Việt Nam, hàng ngàn chính trị gia,… họ chọn đúng “cái gai” dễ gây tổn thương đến ký ức người Việt Nam nhất để đặt vào một cái ghế rất quan trọng của một ngôi trường rất nhạy cảm, nơi có tham vọng đào tạo ra các nhà kinh tế, kỹ trị cho bộ máy nhà nước Việt Nam?! Và trong khi những người Mỹ có lương tri cảm thấy vô cùng xấu hổ về điều đó thì ở chiều ngược lại, không ít người Việt lại tự nguyện “cao thượng”, “vị tha” và vứt bỏ sự tự tôn dân tộc (vì không phải của cá nhân họ) một cách vô điều kiện! Người ta luôn dễ dàng nói đến chuyện “tha thứ” nếu điều đó không đụng chạm đến lợi ích của mình! Ai không tin, cứ thử đụng vào bát cơm của họ xem họ thể hiện sự “vị tha” như thế nào!

4 – Sự “sám hối” của Bob Kerrey đáng tin đến nhường nào?

Chúng ta thường nghe nhiều người than thở rằng họ mất lòng tin vào xã hội, mất lòng tin vào đất nước,… nhưng thật ngạc nhiên là trong trường hợp của Bob Kerrey, chỉ cần một lời thổ lộ của ngài cựu sát thủ da trắng này (trên báo chí, chứ không phải đối mặt với những nạn nhân xưa cũ) về sự hối hận của ông ta đối với tội ác trong quá khứ, “lòng tin” của người ta lại dào dạt trở về rất mãnh liệt và sâu sắc, hệt như cái cách mà hàng chục, hàng trăm nghìn con người đã ào ạt gửi gắm “lòng tin” của họ vào hình ảnh bóng bẩy và uy nghi của những vị đại gia, những cựu tướng lĩnh trong các trò lừa đảo kiểu đa cấp bị phát hiện gần đây.
Tôi không dám khẳng định về sự chân thành của Bob Kerrey trong việc hối lỗi của ông ta đến mức nào, điều đó chỉ bản thân ông ta rõ. Nhưng thay vì chỉ thổn thức với những lời lẽ cảm động của ông ta trên mặt báo, tôi có rất nhiều thông tin khác thú vị hơn hẳn để tham khảo mà suy xét về một con người. Chẳng hạn như:

  • Ngày 25/2/1969, Bob Kerrey (26 tuổi) dẫn đầu đội biệt kích của ông ta vào Thạnh Phong, giết chết 21 người gồm người già, phụ nữ mang thai và trẻ em dù không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Sau đó, ông ta được tặng thưởng huy chương Sao Đồng về “thành tích” này nhờ những “báo cáo láo” như: “Trong khi chỉ huy các binh lính dưới quyền trong một cuộc tuần tra tại vùng mật cứ Than Phu, ông đã chống trả lực lượng Việt Cộng có vũ trang trong hai cuộc chạm trán. Khi bị chạm súng lần đầu tiên, Trung uý Kerrey đã ra lệnh cho binh sỹ tản ra và bắn trả giết chết 14 Việt Cộng. Sau đó, khi ông và đồng đội quay trở lại một con rạch để rút lui thì phát hiện sự di chuyển của kẻ địch. Cuộc chạm súng sau đó kết thúc với 7 kẻ địch bị giết. Kết quả của cuộc tuần tra là 21 Việt Cộng bị giết, 2 lán trại bị phá huỷ, và 2 vũ khí của kẻ địch bị tịch thu.” (trích Quyết định phong thưởng dựa trên báo cáo của Kerrey).
  • Bob Kerrey có hơn 30 năm (1969 – 2001) “âm thầm hối hận” về tội ác của mình, thứ tội ác cùng với lời báo công giả dối đã giúp đeo lên ngực ông ta những anh dũng bội tinh và trải thảm đỏ cho hoạn lộ của ông ta sau này, bao gồm cả việc dùng “chiến công” đó để gặt hái thành công trong chiến dịch giành ghế thống đốc bang Nebraska cùng 1 ghế trong thượng viện Mỹ, và chỉ nói về nó khi bị người khác “lật tẩy”. Có ai nghe nói gì về nỗ lực của ông ta trong việc hàn gắn quan hệ Việt – Mỹ thời gian này không?
  • Sau khi bị phanh phui về tội ác chiến tranh trên tờ The New York Times Magazine và 60 Minutes II (2001), Bob Kerrey đã phải đối mặt với yêu cầu của các sinh viên trường đại học New School đòi ông ta phải từ chức khỏi vị trí chủ tịch trường mà ông ta vừa được bổ nhiệm. Ông ta vội “trải lòng” rằng: “Đó không phải là chiến thắng quân sự. Đó là một vụ thảm sát và tôi đã ra lệnh. Đến bây giờ tôi vẫn còn đau khổ không hiểu sao tôi lại phạm một lỗi lầm như thế… Nếu tôi mất cả hai tay, hai chân, cả thị lực, thính lực của mình cũng không nhiều bằng những gì tôi đã mất đêm hôm đó” và “chưa bao giờ đeo tấm huy chương xấu xa đó”, “không hề băn khoăn nếu quân đội Mỹ quyết định thu hồi nó” (ơ kìa, nếu cảm thấy nhục nhã vì đeo những tấm huân chương đó thì ông ta phải tự vứt bỏ nó đi như bao CCB khác đã làm chứ sao lại chờ quân đội Mỹ thu lại?). Ấy vậy mà chỉ trong vòng một năm sau đó, khi sóng gió từ dư luận, truyền thông và giới sinh viên trường đã lắng xuống, bằng cuốn hồi ký Thủa tôi là thanh niên (When I Was a Young Man: A Memoir), Kerrey lẩn tránh trách nhiệm của mình đối với vụ thảm sát, nói về chính mình như là một nạn nhân chính của sự kiện Thạnh Phong, chứ không phải 21 nạn nhân vụ thảm sát và gia đình của họ. Điều đó khiến cho phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam bấy giờ, bà Phan Thúy Thanh, đã ngay lập tức phản đối:“Dù nay ông Kerrey có nói gì đi nữa thì cũng không thể thay đổi được sự thật. Chính ông Kerrey đã từng thú nhận ông ta rất hổ thẹn về những tội ác mà mình đã gây ra”.
  • Khi luật sư John William DeCamp, cựu thượng nghị sĩ bang Nebraska và cũng là cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, người đã đến Thạnh Phong thăm hỏi các gia đình của những nạn nhân của vụ thảm sát năm 2002, đề nghị Bob Kerrey đóng góp vào quỹ giúp những nạn nhân Thạnh Phong từ nguồn tài chính của bản thân và những người tham gia trong vụ thảm sát thì Kerrey đã bác bỏ và gọi các yêu cầu của DeCamp là “vô lý và nực cười”. Liệu điều đó có phù hợp với tuyên bố đầy xúc cảm của Kerrey trên báo chí: “Tôi muốn hành động để bù đắp đau thương”?
  • Sau khi tội ác trong quá khứ của ngài chủ tịch 72 tuổi của quỹ tín thác ĐH Fulbright Việt Nam được “khui ra”, ngày 31/5, Bob Kerrey nói với tờ Financial Times rằng ông ta hiểu sự chỉ trích mà người Việt dành cho mình và cho biết ông ta “sẵn sàng vui vẻ từ chức” nếu như sự tham gia của ông khiến cho FUV gặp rủi ro thất bại.  Chỉ một tuần sau đó, vẫn chính là Bob Kerrey lại khẳng định trong chương trình Here & Now của đài WBUR-FM rằng ông ta sẽ không từ chức chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fullbright ở Việt Nam dù phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ dư luận!
  • Ngay khi vừa ngồi vào ghế chủ tịch của đại học New School năm 2001, Bob Kerrey đã phải đối mặt với sự phản đối của đông đảo sinh viên trường về tội ác của ông ta gây ra cho người dân Việt Nam. Nhưng Bob Kerrey đã đứng vững cùng sự “hỗ trợ vô điều kiện” của hội đồng quản trị trường mà không cần bất cứ cuộc điều tra độc lập nào dù nhỏ nhất. Và ông ta chỉ rời khỏi cái ghế chủ tịch trường năm 2010, cùng “danh hiệu” chủ tịch trường được trả lương cao nhất nước Mỹ (hơn 3 triệu đô-la/năm), sau những cuộc biểu tình phản đối gay gắt của sinh viên trường (tự bịt miệng bằng băng keo, chiếm căng-tin trường,…) và kết quả thảm hại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của giảng viên trường với 74/77 người bất tín nhiệm ông ta. Ngay cả sau khi rời New School, Bob Kerrey vẫn nhận được khoản tiền 400.000 – 600.000 đô-la một năm liên tục cho đến năm 2016, trong vai trò “chủ tịch danh dự” của trường này. Rõ ràng, Bob Kerry là một con buôn chính trị – giáo dục cáo già và Fulbright Việt Nam là một dự án làm ăn mới của ông ta, tất nhiên, với chiêu bài “hành động để bù đắp đau thương” mùi mẫn.
Xâu chuỗi những sự kiện đã được công khai liên quan đến vụ thảm sát Thạnh Phong trong quãng đời gần nửa thế kỷ của Bob Kerrey chúng ta thấy được gì nổi bật hơn sự lật lọng và dối trá? Câu chuyện dưới đây, từ một người trong cuộc càng khẳng định rõ hơn điều đó:
Ông John W. DeCamp khi gặp bà Út Lãnh, nhân chứng vụ thảm sát, đã hỏi: “Bà có dám bước qua máy kiểm tra nói dối không?”. Bà Út đã kêu lên: “Trời ơi, tui thấy sao nói dzậy, đâu có nói dóc đâu mà sợ”. Ông luật sư vỗ tay khẳng định: “Nếu tôi cũng hỏi câu hỏi này với Bobby, chắc chắn ông ta sẽ trả lời không”. Ông cựu thượng nghị sĩ bang Nebraska tâm sự: “Lúc đầu tôi còn hồ nghi, nhưng gặp họ tôi tin rằng những con người này không thể nói dối. Trên chính trường Mỹ người ta dường như luôn nói dối, vì vậy mới cần đến máy kiểm tra nói dối”.
Như vậy, nếu đặt những lời sám hối của Bob Kerrey bên cạnh những điều kể trên, sự chân thành của ông ta đáng tin đến cỡ nào? Tôi không rõ nhưng chắc chắn một điều, tôi đặt nhiều niềm tin vào sự lừa dối kiên định của ông ta.

5 – Kết luận

'Tổng thống' chuyên lừa tình gạt tiền Lê Công Định, một cựu học viên ưu tú của chương trình Fulbright
“Tổng thống” chuyên lừa tình gạt tiền Lê Công Định, một cựu học viên ưu tú của chương trình Fulbright
Việc đại học Fulbright được cấp giấy phép mở trường ở Việt Nam sau hơn 20 năm hoạt động của chương trình Fulbright Việt – Mỹ là một sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực đào tạo giáo dục nói riêng. Nhưng thật lạ lùng là sự khởi đầu của nó lại gắn liền với quá khứ đẫm máu (người Việt) và sự lừa dối hào nhoáng của ông Chủ tịch Bob Kerrey cùng sự hiện diện của bà hiệu trưởng Đàm Bích Thủy trong hồ sơ Panama, vụ rò rỉ thông tin về rửa tiền và trốn thuế lớn nhất trong lịch sử, cũng như sự thật về nguồn gốc của nguồn tiền mà Quốc hội Mỹ đã “hỗ trợ” giáo dục Việt Nam, bao gồm việc mở trường Fulbright Việt Nam(!)
Chỉ là ông trời khéo sắp đặt hay đó là điềm báo trước cho một sự lừa dối lớn lao? Sự thật thế nào thì thời gian sẽ trả lời nhưng những tranh cãi liên miên quanh việc Bob Kerrey và cái ghế của ông ta tại trường Fulbright Việt Nam thì sẽ vẫn tiếp diễn. Và chắc chắn một điều rằng, sự tại vị của ông ta tại Fulbright Việt Nam nếu không thể thay đổi thì sẽ là thách thức đáng kể cho sự tự tôn của dân tộc, lòng tự trọng của mỗi con người Việt, dù rằng người Việt Nam đã tha thứ (nhưng không lãng quên) cho những tội ác của Bob Kerrey hay bất kỳ người lính Mỹ nào khác có nợ máu với dân tộc này. Liệu thành công (trong việc giữ ghế) của Bob Kerrey tại trường New School có lặp lại đối với trường Fulbright Việt Nam?
Chính vì vậy, xin nhắc lại lời của nhà báo Hồ Thu Hồng thay cho lời kết: Vấn đề không phải ở Bob Kerrey, vấn đề lớn nhất ở chỗ, chúng ta đã tạo ra một thế hệ chấp nhận Kerrey là một giải pháp tốt”

Nguyễn Thanh Tùng