CON ĐƯỜNG TỰ KHẲNG ĐỊNH CỦA CÂY BÚT VĂN XUÔI PHAN VĂN ĐÀ

Phan Văn Đà đã từng là quan chức khá cao của tỉnh Hà Tây và ở Hà Nội, đã từng là tỉnh ủy viên Hà Sơn Bình, Hả Tây; thành ủy viên thành phố Hà Nội; đã làm bí thư huyện ủy ở hai huyện và đã kinh qua Giám đốc sở. Khi sắp về hưu, ông đã tạo dựng được một khu vườn sinh thái ở Ba Vì – quê hương ông. Nhưng chỉ được mấy năm, ông đã nhượng lại mảnh vườn đó cho người khác chỉ vì lực bất tòng tâm. Cái lãi chính của mấy năm làm vườn là có được một thiên Hồi ký Nhớ nửa vầng trăng và nhiều bài thơ và thơ phổ nhạc của ông, đã được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2008, đồng thời qua làm vườn đã có thêm bạn bè đàm đạo, chia sẻ trong nhiều bài thơ, nhiều bản nhạc còn để lại cho ông.
Phó chủ nhiệmCLBVNSX Phan Văn Đà

Nhưng vì sao ông quan chức ấy  không trở thành chủ vườn hay chủ doanh nghiệp mà lại trở thành Phó chủ nhiệm Thường trực câu lạc bộ văn nghệ sĩ xứ Đoài với tư cách là nhà thơ, nhà văn?

Có nhiều lý do - thứ nhất là năng khiếu và lòng yêu thích văn chương. Phải chăng từ khi còn rất trẻ, Phan Văn Đà đã yêu thơ văn và bắt đầu sáng tác thơ văn từ những năm sáu mươi ở thế kỷ trước. Nhưng người ta chỉ thực sự biết đến thơ văn Phan Văn Đà khi ông có tập thơ đầu tay “ Quê hương lời ru” do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1995. Tên ông xuất hiện trên các bài nghiên cứu về văn hóa xứ Đoài, trên một số bài thơ, bài ký, và sau là truyện ngắn, cuối cùng mới đến tiểu thuyết.

Năng khiếu và hứng thú văn chương của ông có lẽ đã được hun đúc từ cái  làng quê được gọi là “ Làng họa, Làng thơ” thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì nằm ngay bên dòng Đà Giang, tên dòng sông cũng là tên  bút danh của ông. Làng quê ấy còn là nơi sản sinh ra danh nhân Tiến sĩ, lưỡng quốcThượng thư Nguyễn Sư Mạnh; Tiến sĩ Nhà thơ, lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân (tác giả Ngã ba Hạc phú nổi tiếng).

Cùng với Văn thơ, Phan Văn Đà còn là một nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian – nhà văn hóa Xứ Đoài. Ông đã có nhiều bài viết về văn hóa Xứ Đoài, một trong những chiếc nôi của nền văn hóa Việt Cổ. Ở một số tập sáng tác của Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ xứ Đoài, bài viết của ông về xứ Đoài được coi như những chiếc đinh của tập sách. Còn những bài viết của ông về xã Cổ Đô quê hương ông thì khỏi nói, có thể gọi ông là nhà “Cổ đô học” số một. Ông là tác giả của cuốn “ Điểm sáng Cổ Đô”, cuốn sách vừa được nhận giải ba về sách hay, sách đẹp của ngành Thư viện và ngành Giáo dục Hà Nội năm 2013.

Về thơ, tôi không muốn nói nhiều vì chính những bài ký, bài nghiên cứu của ông về xứ Đoài đã đầy chất thơ. Ông đã viết: “Cổ Đô không chỉ có sông Đà mà còn có hai trái núi (núi Dậm và núi Quang). Theo truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, hai trái núi này nằm trong phòng tuyến của Sơn Tinh chống Thuỷ Tinh. Trái núi Dậm như một con rồng nằm phục gối đầu vào cạnh con đê ngăn lũ và quay về phía đền Hùng, giữa núi có một hõm sâu được gọi là rốn Rồng. Nơi đây dân làng có đào một giếng nước, nước giếng rất ngon và không bao giờ cạn (Cố Đô, một điểm sáng nơi xứ Đoài). Trong hai tập thơ và những bài thơ trong cuốnNhớ nửa vầng trăng. Có nhiều bài thơ được ban đọc đón nhận nồng nhiệt như các bài: Cổ Đô Quê Tôi, Bến Đợi, Một Nghề Mãi Xanh, Thu Về, Nhớ Nửa Vầng Trăng… Đặc biệt trong thơ anh chẳng những dung dị, lãng mạn, sâu lắng mà còn có tính nhạc, phù hợp với nhiều giai điệu, vì thế mà nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ anh. Đến nay anh đã có được 45 ca khúc phổ thơ của anh, có những bài thơ có 2-3 nhạc sĩ cùng phổ.

Nhưng nghiên cứu văn hóa dân gian và sáng tác thơ chưa phải là điểm mạnh nhất của Phan Văn Đà . Vậy cái mạnh nhất của ông là gì? Và ông đã phát huy thế mạnh đó như thế nào? Đó là vốn sống và tư duy phân tích, tư duy kết cấu. Ông là người đã lăn lộn chốn quan trường, trong công tác xã hội, có quan hệ nhiều mặt, rộng rãi, kinh nghiệm đầy mình, còn quan điểm tư tưởng rõ ràng, vững chắc và là người có tâm - tâm của người cộng sản, tâm của người có văn hóa trước những biến thiên của xã hội, của người đời. Vốn sống ấy, quan điểm tư tưởng ấy khi vận dụng vào truyện ngắn, lúc đầu còn rụt rè, e lệ trong một vài truyện đăng rải rác ở báo địa phương nhưng ngày càng mạnh dạn hơn, sâu sắc hơn và đến một lúc bung nở thành một tập truyện có cái tên rất gợi Trái muộn.

Đó là một tập truyện ngắn gồm 10 truyện, trong đó có một truyện tên được đặt cho cả tập truyện – Trái Muộn, cái tên rất đáng chú ý bởi rất éo le, rất thời thượng nhưng không dễ chấp nhận. Đó là truyện một cô thanh niên xung phong đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu suốt cả tuổi trẻ ở chiến trường, đã ba lần yêu nhưng đều bị lỡ dở do hoàn cảnh chiến tranh. Hoà bình về thì tuổi xuân đã qua, không dễ có một tình yêu, một gia đình như ý muốn. Tình cờ của số phận, chị gặp lại người yêu cũ - tưởng đã hi sinh nay anh đã là dân làm nghề trồng rau, là bố của mấy đứa trẻ. Tình xưa trỗi dậy cộng với tình thương đã bù đắp cho thiệt thòi của quá khứ và đau buồn của hiện tại, chị đã có thai - trái muộn. Cái mới của Phan Văn Đà ở đây không phải chỉ ở chỗ diễn tả mối tình muộn, mối tình không hợp pháp mà ở chỗ đã chấp nhận nó như chấp nhận quyền làm mẹ rất chính đáng của người phụ nữ và không phải chỉ có tác giả chấp nhận mà cả đồng đội, cả cộng đồng. Cái mới và ý nghĩa nhân văn của tác phẩm là ở đó.

Tập Trái muộn còn 9 truyện ngắn khác nhưng tôi xin phép không đi vào từng truyện mà chỉ xin nói một ý khái quát sau, đó là tập truyện đã đề cập đến nhiều vấn đề gai góc và có tính thời sự như vấn đề thanh  niên nông thôn ra thành phố kiếm sống, vấn đề đất đai ở nông thôn, nhất là vùng ven đê rất phức tạp với những tiêu cực như tham ô, lãng phí và cả lừa đảo nữa. Có những chuyện lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm như chuyện về vấn đề môi trường, vấn đề chứng khoán…

Trong những câu chuyện đó, diễn ra cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong các nhân vật, trong từng con người. Những mâu thuẫn cũng đã được giải quyết, theo những cách khác nhau, không phải tất cả nhưng đã ánh lên niềm lạc quan của tác giả đối với lớp trẻ, đối với những con người dám nghĩ, dám làm. Cách giải quyết mâu thuẫn trong tác phẩm thật có lý, có tình và rất nhân văn.

Tuy nhiên, phải nói rằng cái nhìn hiện thực của tác giả trong Trái muộn có phần còn hiền lành, nhân nhượng, phải đến Gặp ma, nó mới quyết liệt. Trong Gặp ma, tác giả đã đưa ta vào một trận đồ bát quái của bọn lừa đảo, bọn lưu manh, được một số kẻ thoái hóa biến chất trong cơ quan công quyền bao che, đồng loã, gây khó khăn, thiệt hại cho người lương thiện.

Truyện lúc đầu tưởng đơn giản nhưng ngày càng rắc rối vì hết tên lưu manh này lại đến tên lưu manh khác nhảy vào mà một bọn công quyền lại tiếp tay, cùng kiếm trác, cùng ăn chia. Cuối cùng, sau một thời gian dài, đi nhiều cửa, cậy nhờ cả những người bạn vốn là những quan chức tốt ở cấp cao (đã nghỉ hưu) và một số người tốt có chuyên môn nghiệp vụ giỏi như bà Luật sư Vụ…  mới giành được một phần quyền lợi chính đáng sau rất nhiều mất mát, không chỉ thời gian, tiền của, sức khỏe mà cả niềm tin nữa. Qua tiểu thuyết Gặp Ma của Phan Văn Đà đã cho ta thấy nạn lừa đảo và tham nhũng đã và đang gây nên những hậu quả khôn lường, trong đó hậu quả lớn nhất là làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và nhà nước. Tác phẩm là hồi chuông báo động, không phải báo động số 1, số 2 mà đã ở số 3. Căn bệnh đã xuất hiện ở cả mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, tác phẩm không chỉ là tiếng kêu mà còn góp thêm lời bàn về cuộc đấu tranh này.

Gặp ma là một chuyện lẽ ra là khó đọc vì nó chỉ gồm những thủ đoạn lừa đảo liên tiếp, xoay quanh một việc  mua bán nhà đất và gắn liền với nó là việc đơn từ, kiện cáo, xét xử kéo dài cả mấy năm trời giữa hai gia đình, mà giải quyết mãi không xong, dễ làm người ta sốt ruột, nản lòng.

Nhưng có một nghịch lý là truyện thì dài, nhưng càng đọc càng thấy cuốn hút vì nó kích thích vào tâm lý bức xúc của người đọc, trước những thủ đoạn như không còn tính người của bọn lưu manh lừa đảo và hành động tiếp tay lì lợm, vô liêm sỉ của những quan chức biến chất trong các cơ quan công quyền ...

Sở dĩ tác giả nuôi được hứng thú cho người đọc là ở chỗ luôn tạo được tình huống bất ngờ, lột tả đến tận cùng của sự tha hóa của kẻ phạm tội, nói được những nỗi đau khôn cùng của người bị hại và những gian truân tưởng như không vượt qua nổi trong quá trình đấu tranh với kẻ xấu. Ở đây còn phải nói đến cái tài khéo của tác giả khi xây dựng những tình huống kế tiếp hợp lí. Vừa bất ngờ với những chi tiết sống  động về nhân vật và thái độ tình cảm của tác giả, vừa tranh thủ được sự đồng tình của bạn đọc, vừa bảo đảm tính khách quan trong nghệ thuật tự sự của thể loại tiểu thuyết.

Gặp ma là một bước tiến dài của Phan Văn Đà trong văn xuôi, trước hết là trong cách nhìn - cách nhìn thẳng vào sự thật với nhiều rắc rối và cả cách tháo gỡ. Dĩ nhiên, tác giả không thể tháo gỡ được hoàn toàn - điều này cũng phản ánh đúng logic của hiện thực.

Với những ưu điểm về nội dung, nghệ thuật và hiệu quả kể trên, Gặp ma đã khẳng định tay bút văn xuôi của Phan Văn Đà đã vươn tới vạch đích chuyên nghiệp./.

 

 

Đặng Hiển